Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
11:27 (GMT +7)

Thuốc thì đắng

 Truyện ngắn. Minh Hằng

- Làm ăn kiểu chết dân, lương với chả y.

Ông quát to khi tôi bước vào phòng. Tôi sột soạt lật sổ, bấm bút bi nhoi ngòi sẵn sàng. Ông ghét nhất cái trò bật máy ghi âm hoặc “note” trên điện thoại. Phải viết hí hoáy, phải sổ, phải bút. Hiểu chưa. Nhà báo không sổ không bút là nhà nông đi cày không trâu. Hiểu chưa. Điện thoại hiện tên ông là chúng tôi quờ ngay cuốn sổ, cắp vào nách.

- Láo toét thật. Không coi ai ra gì. Cậu phải làm chuyện này ngay cho tôi.

Nhìn mặt tôi ngây ngây, ông hạ giọng:

- Sáng nay con em cô nhà tôi đi khám ở bệnh viện Z. Chúng nó bới ra hàng lô bệnh, bắt đóng đống tiền. Có mỗi đau đầu thôi chứ gì đâu. Nó yêu cầu xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tổng quát, điện tim đồ, điện não đồ. Thiếu nước đè con người ta ra mổ. Tôi là tôi xót cho người nghèo. Bão lũ mất mùa quàng thêm dịch bệnh thất nghiệp đổ máu mắt kiếm từng hào lẻ. Cậu phải làm chuyện này đến nơi đến chốn cho tôi, cho chúng nó phá sản không ngóc đầu lên được.

Ông vớ cốc nước tu òng ọc.

Tôi ghi ghi chép chép, vâng vâng dạ dạ cắp sổ lùi lũi đi ra.

Bệnh viện Z. khánh thành mới sáu tháng. Hôm ấy ông đứng trong hàng người cắt băng. Mắt ông như có ổ đom đóm khiêu vũ. Tay ông giơ cái kéo với mẩu băng đỏ hau háu nhìn cô bé bê khay cao hơn ông hai tầm đầu. Bữa trưa xong lúc ba giờ chiều, lái xe dìu ông vào nhà, quay ra bê hai lần mới hết quà bệnh viện Z. tặng. Thấy vợ mặt nặng trịch ngồi ở salon, ông quẳng cái phong bì bằng quyển sổ con vào lòng ả, cười khí khí.

Dân tỉnh tôi no thông tin về bệnh viện Z. “Một địa chỉ đáng tin cậy” viết chung về gần trăm con người cùng máy móc. “Nơi tập hợp những tấm lòng vàng” ca tụng riêng đội ngũ y bác sĩ. “Những trợ thủ đắc lực của thầy thuốc” khen ngợi hết tầm dàn máy xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh nhập từ Pakistan. “Siêu cao thủ thông minh nhất Đông Nam Á” miêu tả khả năng thần kỳ của chiếc cộng hưởng từ MRI mới đầu tư. “Bông hồng trắng mang tấm lòng mẹ hiền” khen vị bác sĩ trưởng khoa vừa nhổ răng cho vợ ông. “Bữa ăn ân tình” nói về căng tin bán cơm bụi cho bệnh nhân…

Tôi lập hẳn file riêng cho bệnh viện Z. Mới nửa năm tôi “ăn” cả thảy ba mươi bài, mỗi bài kèm ba ảnh, chưa kể tin lặt vặt. Bệnh viện gọi là tôi có mặt. Hai đơn vị như muốn hòa trộn làm một. Toàn bộ bảo hiểm y tế cơ quan tôi chuyển đến nơi này. Ông lệnh khám định kỳ, tiêm phòng cho gần hai trăm cán bộ phóng viên cùng vợ con, người nhà, người thân, cả bạn bè của chúng tôi tại bệnh viện Z. Sếp ơi, em quen khám bệnh viện X. gần nhà rồi, cho em để nguyên bảo hiểm ở đấy nhá. Anh ạ, vợ em ở quê cách hai trăm cây số, xin anh cho vợ em không lên tiêm phòng đợt này ạ. Chú ơi, bố cháu đau khớp nặng không leo nổi cầu thang, chú cho bố cháu điều trị ở bệnh viện huyện thôi ạ. Tôi chịu các người. Không quan tâm thì trách. Sếp như tôi trên đời này có mấy người?

Tình yêu của ông với bệnh viện Z. lên đỉnh là hôm chủ tịch hội đồng quản trị chăng khẩu hiệu kết tình anh em. Hai ông hôn nhau chùn chụt rồi ôm nhau khóc rưng rức trước hàng trăm thực khách.

***

Quần áo nhàu nhàu, tóc cào rối tung, mặt đeo khẩu trang, tôi mua sổ khám bệnh, qua phòng bảo hiểm quẹt thẻ rồi vào chỗ khám tai mũi họng. May quá, hôm qua gặp mưa, tôi ho húng hắng. Bác sĩ phòng này chưa biết mặt tôi. Ông bắt tôi há mồm thọc cái thìa lạnh toát ấn lưỡi, nhìn hai giây, phán viêm họng cấp. Xong, ông nhìn tôi ánh mắt đầy xót xa: Da cậu xanh quá, xét nghiệm máu nhé? Vâng. Lâu ngày cậu kiểm tra gan chưa? Kiểm tra gan nhé? Mà gầy thế. Dạ dày có vấn đề rồi. Siêu âm đi. Râu tóc phờ phạc kìa, thỉnh thoảng có ho khan không? Kiểm tra phổi đi. Vâng… Cô y tá mặc áo blu cháo lòng gõ máy tính choách choách, in ra tệp giấy bảo tôi ký. Ngoài bảo hiểm tôi phải nộp thêm năm trăm ngàn. Tôi nấn ná nhờ đo huyết áp, than dạo này chóng mặt nhức đầu nhận thêm tệp giấy điện tim đồ và đo sóng não. Cách một tấm chắn mỏng, bên kia giọng “Bông hồng trắng mang tấm lòng mẹ hiền” choe chóe. Méo mồm tai biến phải châm cứu lâu đấy. Tôi giới thiệu anh đến địa chỉ này rất tin cậy nhá. Ôi chà, đó là phòng khám tại nhà của “bông hồng”, tôi đã đến đó mấy lần. Tôi ra cửa vấp phải bệnh nhân méo mồm tay ôm mặt, loạng choạng vịn thang lên gác.

Hai mươi dãy ghế sắt đặc kín người chờ. Mấy bà mới quen nói chuyện ong óc như bán hàng trên mạng. Ba đứa trẻ chừng năm tuổi mắt không rời điện thoại mở hoạt hình eo éo. Tôi ngó quanh tìm được cái ghế nhựa mỏng tang, đặt nhẹ mông dựa lưng vào góc tường. Ông méo mồm lẩy rẩy vuốt vuốt tờ giấy, hỏi tôi chỗ nào lấy số, chỗ nào đặt phiếu chờ. Sáng nay uống cốc nước chả vào mồm lại ướt hết áo, con nó kêu ầm bố méo mồm rồi. Thì đi viện một mình chứ ai đi cùng. Con một đứa lấy chồng xa, một đứa làm khu công nghiệp. Vào cổng họ bắt dí vân tay. Muộn mấy giây trừ lương, bố chết mới dám nghỉ. Vợ cám bã cho đàn lợn con mới bỏ vú. Ông lôi từ bọc nilon ra hai quả trứng luộc, đập đập vào thành ghế định bóc ăn. Tôi can “lấy máu xong đã bác”. Trứng nghìn rưỡi một quả chả buồn bán. Nhà tôi mỗi người hai quả thay bữa sáng. Có tuổi không nên ăn trứng nhiều đâu. Bác sĩ cũng bảo tôi thế, lượng cô loét cao không tốt. Úi dào, chỗ tôi cà chua hẩy xuống ruộng làm phân, mang chợ chả bõ tiền vé cầu. Con nái nhà tôi khôn lắm, ngửi mùi cà chua là ả hẩy ụp máng không thèm hốc. Quên mồm méo nói ngọng ngọng, ông kể “con nái nhà tôi” bằng giọng âu yếm. Nó mắn kinh người. Lứa nào bán hết phăng lứa ấy. Coi như tiền bỏ ống dành lúc ốm đau thế này. Ông mở khẩu trang cho tôi xem cái mồm vẹo một bên. Mấy cái răng nhuốm màu thuốc lào xìa lủng liểng. Bác sĩ bảo châm cứu dài ngày. Chắc phải bán con nái thôi chứ làm thế nào?

Có tiếng the thé gọi ông “trứng luộc” vào lấy máu. Tôi mang ghế sang ngồi chỗ mấy bà dắt cháu đi khám. Cháu bà bị sao thế? Tôi hỏi một bà quần áo nâu, gò má nhám hai mảng đen cân xứng, chân xỏ đôi ủng cao su lấm bùn. Bà vuốt tóc thằng cháu tầm mười tuổi mắt dính màn hình điện thoại bạc phếch: Nó kêu đau chân, bóp rượu gừng mấy hôm chả khỏi. Gần năm trăm nghìn từ sáng đến giờ rồi đấy. Chiếu chụp hai chân, xét nghiệm máu, siêu âm. Tí còn tiền thuốc nữa. Tiếng thở dài ép lồng ngực lún hoắm, xương cổ nhọn dập dờn dưới làn áo.

Tình hình chung có vẻ đúng như sếp nói. Việc khó nhất bây giờ là tiếp cận vài bệnh nhân cụ thể. Nói chuyện khơi khơi thì thoải mái đấy nhưng hỏi tên tuổi để dẫn chứng vào bài thì không mấy ai muốn hợp tác. Năm ngoái chứ lâu la gì, tôi viết một bài về loạt trung tâm hướng nghiệp dạy nghề. Phải nói là nát hơn tương. Lớp học tạm bợ, chương trình lạc hậu, giáo viên chủ yếu là thân cận của giám đốc sở. Hàng chục file ghi âm công khai và bí mật, hàng trăm tấm ảnh và video cho công trình dày công này. Năm đêm thức trắng gỡ băng, nghĩ tít chính tít phụ, cẩn thận từng chữ từng câu, bài tôi nộp lên đến sếp tổng là “chững”.

- Ai cử cậu đi viết bài này?

- Dạ, em phát hiện đề tài hay thì làm thôi.

- Những vấn đề chống tiêu cực này phải báo cáo tôi, lập đề cương, tôi duyệt mới được thực hiện. Rõ chưa?

Lạ lùng là chỉ một ngày sau, toàn bộ những người có tên trong bài của tôi bị giám đốc sở gọi lên. Gần hai chục người đứng ngồi lố nhố hành lang. Giám đốc ung dung đóng cửa ngồi trong phòng uống trà. Cứ chờ đấy. Đố các người dám về. Vạch áo cho người xem lưng hả? Các người ăn cơm ai? Mặc áo ai? Một lũ ngu. Nghe chuyện, tôi liên lạc với nhân chứng để nắm tình hình, các số máy đều “tít tít” hoặc “ngoài vùng phủ sóng”.

Lại có lần tôi vào viện đông y thăm ông anh điều trị thoái hóa cột sống. Bốn ông cùng phòng bệnh gõ bàn cờ côm cốp, mồm “tiến”, “ăn” “chết này” inh tỏi. Anh thấy tôi mừng ra mặt, giới thiệu “nhà báo em”. Bốn ông nhất loạt ngẩng mặt nhìn tôi, kính trễ ngang mồm.

- Báo chí tỉnh nhà toàn ngợi ca chỗ nọ chỗ kia. Bao nhiêu chuyện tiêu cực, dân bức xúc, có thấy lên tiếng gì đâu.

Một ông hếch cái nhìn lên chóp đầu tôi: Đấy, ngay khu nhà tôi chứ xa xôi gì. Tay chủ tịch xã xơi tiền làm đường của dân. Nhà hắn to tổ bố. Báo chí giỏi vào làm đi, dân vỗ tay hoan hô ngay.

- Bác có bằng chứng cung cấp cháu sẽ viết ạ.

- Cậu cứ về xóm tôi, dân người ta nói đầy.

- Có ai tận mắt nhìn thấy hay nghe thấy không, bác?

- Ối giời, người nọ bảo người kia ầm cả lên thây.

- Nếu cần nêu tên người phản ánh, cháu đưa tên bác vào bài báo nhé?

- Ấy không không, tôi không biết gì sất đâu đấy - Ông quay lưng nện quân cờ cồm cộp.

***

Tôi bật sẵn máy ghi âm đến ngồi cạnh người đàn ông tầm sáu mươi tuổi, đội mũ phớt, tay vân vê ria cằm. Ông hồ hởi mở lời trước. Cậu bệnh gì? Cháu bệnh xoàng thôi ạ. Ờ, xoàng thì vào chỗ này, nặng tốt nhất đi Hà Nội. Chú bệnh gì ạ? Tôi cảm cúm lằng nhằng, nhà gần khám cho tiện. Có khám ngoài bảo hiểm không chú? Mỗi lần cũng mất thêm trăm ngàn. Bệnh viện cổ phần, không có lãi ai làm.

Ông tỏ ra hay chuyện hơn tôi tưởng, hạ giọng thì thào: Các khoa ở đây đấu thầu hết rồi. Tay đấu thầu nó điều hành. Bác sĩ nào mơi ra tiền thì nó mời làm. Bác sĩ giỏi mà không mơi được tiền bệnh nhân thì cũng nghỉ. Mà thôi cũng tốt, biết thêm mình có bệnh hay không cho yên tâm. Uống thêm thuốc phòng nhỡ bị đỡ phải uống - ông cười ha há đắc chí.

Tôi xin điện thoại, địa chỉ để đến nhà ông. Cháu viết báo - tôi lật bài ngửa - thấy dân kêu về tình trạng vẽ bệnh thu tiền của bệnh viện này nên cháu muốn tìm hiểu, mong chú giúp cháu. Cậu cứ vào nhà, tôi còn giữ cả tệp chứng từ, ảnh chụp những lần đi khám…

Tôi làm xong các yêu cầu của bác sĩ thì phòng chờ vãn người. Mấy chị phòng điện tim đồ ngó cổ sang phòng xét nghiệm mời sang ăn bánh sinh nhật ai đó. Chắc khó thu thập thêm điều gì, tôi bấm thang máy xuống phòng khám ban đầu chờ bác sĩ kết luận và kê đơn thuốc.

Tôi vừa ngồi xuống ghế thì nghe tiếng bước chân thậm thọt. Ông bác sĩ nhướng mắt kính, bảo tôi: cậu đợi chút, nhường cho cụ này trước nhé. Tôi vâng, ra ghế ngồi chờ. Người mới vào chừng hơn bẩy mươi tuổi, chân cà rập cà rập, thở đứt quãng. Đón tập phim chụp X.quang từ bàn tay lẩy bẩy, ông bác sĩ nhíu mắt nhìn. Ngẩng lên, ông bảo: Cụ phải nằm viện ngay. “Hay đây, thêm chi tiết đắt giá. Phần này ngoài ma két”. “ Mơi khách cho khoa điều trị” - tôi sẽ thêm một tít phụ cho bài báo. Nghe nói bác sĩ lập hồ sơ cho bệnh nhân nhập viện cũng được hưởng phần trăm hoa hồng?

- Xin bác sĩ cho tôi không nằm viện - cụ ông thều thào trong tiếng thở khò khè.

- Cụ xem cả hai phổi trắng phớ thế này. Bác sĩ giơ tấm phim lên trước mặt chỉ cho bệnh nhân nhìn. Nguy cơ tràn dịch thấy rõ. Nguy hiểm tính mạng chứ không đùa. Ai đưa cụ đi khám ạ?

- Tôi đến đây một mình…

Ông cụ ôm ngực thở rũ.

- Tôi còn thằng cháu bốn tuổi phải đưa đón, chăm sóc, tôi không nằm viện được đâu - cụ ông van vỉ.

- Nhưng bệnh cụ rất nặng, không thể điều trị ở nhà. Cụ cho tôi số điện thoại của con cụ để tôi trao đổi.

- Ối giời ơi - Ông cụ tuôn ra tiếng kêu đồng thời nước mắt rơi xuống mu bàn tay nhăn nhúm. Hu… hu… hu… tôi có mỗi mống con giai thôi. Nó lấy vợ đẻ được thằng cu nhưng cháu nội tôi trời bắt tội không được như con người ta. Nó hai tuổi thì mẹ nó bỏ đi. Bố nó theo người đàn bà khác vào tận Bình Dương cơ. Giờ tôi phải về đón nó không cháu bơ vơ ở nhà trẻ tội lắm. Hức… hức…

Ông bác sĩ thở thườn thượt, gõ gõ cán bút bi vào tấm phim, trán cau cau:

- Cụ không còn ai họ hàng thân thích có thể giúp được sao?

- Cháu tôi nó không được bình thường, nhờ ai một vài tiếng còn ngại nói chi…

- Nhưng bệnh cụ nặng đấy. Tôi sẽ giới thiệu cụ đến bệnh viện chuyên khoa, trong tỉnh mình thôi. Cụ - phải - nằm - viện. Ông nhấn từng chữ như ra lệnh.

- Bác sĩ thương ông cháu tôi với, tôi…

- Nếu gọi điện con trai cụ có về được không? Ông bác sĩ cố tìm hướng ra trong đường hầm tối mò.

- Hai năm nay nó không về lần nào. Nếu tôi bảo ốm chắc tuần nữa nó mới sắp xếp ra được.

- Bây giờ tôi bàn thế này cụ xem có được không nhé - Giọng bác sĩ nhẹ nhẹ.

- Tôi làm chuyên môn nên tôi biết, bệnh - của - cụ - phải - nằm - viện - điều - trị - ông lại nhấn từng tiếng như người ta nện búa vào chiếc đinh cho lún sâu xuống. Ngay chiều nay cụ vào viện phổi nằm, cứ cầm bệnh án này xuống là nhập viện. Nhà khóa cửa để đấy. Còn thằng cháu, cho - về - nhà - tôi.

- Ối!!! Ông cụ chẹn tay ngang ngực như ngăn quả tim nhảy ra ngoài.

- Tôi có thằng cháu chạc tuổi cháu cụ, chúng chơi với nhau. Sáng vợ tôi đưa nó đi nhà trẻ, chiều đón về. Khi nào con trai cụ ra, chúng tôi giao cháu cho anh ấy. Đặt trường hợp con trai cụ không ra, chúng tôi sẽ chăm nó đến khi cụ ra viện. Không cần tiền nong gì, cụ đừng lo.

Ông nhấn từng tiếng chốt câu chuyện: Cụ không khỏe thì làm sao chăm được cháu? Cụ lo cho cụ chính là lo cho cháu cụ. Tí hết giờ làm việc tôi sẽ đến nhà cụ.

Mấy câu cuối ông bác sĩ đã thuyết phục hoàn toàn người bệnh. Ông cụ lẩy khẩy đón túi hồ sơ bệnh án, đọc số điện thoại, địa chỉ nhà cho bác sĩ ghi lại.

Tôi chạy theo đưa ông cụ xuống cầu thang rồi lấy xe ra về, bỏ lại tệp kết quả khám ở phòng bác sĩ.

Tôi mường tượng những gì sẽ đợi khi tôi từ chối viết bài báo này.

Minh họa: Dương Văn Chung

 M.H

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước