Thưa mẹ, con đi…
Tháng Giêng dùng dằng những vạt nắng trong veo màu mỡ gà, hoa đào hoa mai vẫn còn đua nhau khoe sắc, hơi xuân ấm bao phủ khắp trần gian, quê nhà đẹp long lanh trong mùa xuân ngọt ngào. Những chuyến xe, chuyến tàu bắt đầu lăn bánh. Những cuộc chia li với bao nhiêu niềm tiếc nhớ, luyến thương. Bao bận về rồi lại đi nhưng chẳng hiểu sao giây phút thốt ra câu nói “Thưa mẹ, con đi…” lòng ta lại nhói đau vô cùng. Thật không dễ dàng gì để ngăn nổi dòng nước mắt chực tuôn.
Thưa mẹ, con đi… Đời người cứ tưởng mãi vô tư hồn nhiên như cây cối vườn nhà, lớn lên thong dong như loài cỏ dại ven đường ấy vậy mà thời gian đã xô ta, bắt ta làm người trưởng thành để rồi phải xa quê lúc nào không hay. Quê nhà trong ta mùa xuân vẫn còn đó là bức tranh hài hòa và đẹp đẽ nhất. Ở đó có bóng dáng mẹ cha, có con đường làng quanh co đất đỏ, có lũy tre làng vi vút những trưa hè gió thổi, có bờ bãi ngút ngàn những lúa, những khoai. Cuộc đời chúng ta có lẽ vui và hạnh phúc nhất đó là thời ấu thơ. Thời ấu thơ hồn nhiên trong vắt như giọt nắng xuân, chẳng bao giờ phải bộn bề suy nghĩ, lo toan.
Thưa mẹ, con đi… Sau câu nói đó là ta bỏ lại sau lưng những tháng ngày đầy ắp tiếng cười. Nhớ lắm những bữa cơm gia đình tất thảy các thành viên quân quần bên nhau cười nói vui vẻ. Dẫu đó là mâm cơm đầy ắp thịt cá hay chỉ đơn giản là rau dại vườn nhà. Ta cũng bỏ lại cả những tiếng phàn nàn dễ thương của người mẹ quê tần tảo, dù ta bao nhiêu tuổi đi chăng nữa trong mắt mẹ vẫn là đứa con bé bỏng. “Ngủ nướng gì mà cháy khét khê cả làng ngửi thấy. Dậy nhanh còn ăn sáng”. Đó là khi ta bước xuống giường đã thấy mùi khoai, ngô luộc khói bốc tỏa nghi ngút. Mẹ lại giục giã nhanh nhanh ăn kẻo đói, ăn lúc nóng mới ngon. Ở nhà với mẹ chẳng bao giờ phải lo đói, phải nghĩ hôm nay ăn món gì, bởi tất cả đã có mẹ chăm lo.
Thưa mẹ, con đi… Ta nhớ lắm những mùa xuân thời thơ ấu cùng mẹ lên nương tỉa đỗ, trồng cà. Nương vườn tháng Giêng xanh ngắt những lá, rực rỡ bạt ngàn các loài hoa. Mẹ vẫn nhớ thói quen của đứa con Út thích được ăn ngọn đỗ luộc chấm mắm cáy. Và cứ hễ lên nương là không quên cắp nách về một vài nắm ngọn đỗ xanh mướt. Ngọn đỗ luộc ăn thanh mát, giòn sật hòa quyện với bát nước mắm cáy đậm đà, thêm chút cơm nóng là có thể… đánh bay mấy bát cơm liền. Đi làm nương với mẹ ta học được biết bao nhiêu điều: từ việc yêu thương muôn loài cho đến phải quí sức lao động. Mẹ dạy ta phải làm thì mới có ăn, lao động là niềm vui, là hạnh phúc mà con người luôn phải khắc ghi trong đầu. Lên nương mùa xuân ta mới hay rằng quê nhà đẹp quá! Những tiếng chim trong vắt hót líu lo cả ngày, có những loài hoa mà ta chưa kịp nhớ tên nở dịu dàng với muôn màu đỏ, trắng, tím, hồng.
Thưa mẹ, con đi… Ta biết rằng lúc đó đã quá nhớ mùi khói tỏa lan trong gian bếp bám đầy muội tro. Nhớ mới hôm nào còn ngồi nấu bánh chưng, bánh tét. Nhớ vị mứt gừng nồng cay, mứt dừa ngọt lịm và mứt bí đao thanh tao. Tay mẹ thoăn thoắt nhồi bột làm bánh, cân đong đường, muối và tỉ thứ gia vị. Nhà chẳng được bao người, nhưng với mẹ Tết phải đủ đầy các bánh trái, kẹo mứt mới là gọi là Tết. Ta nhớ vô cùng tiếng lao xao nồi niêu xoong chảo va chạm vào nhau. Nhớ cả chú mèo tam thể quẩn quanh bên người như cũng muốn đón không khí rộn ràng ngày xuân sum vầy. Nhiều lúc quanh quẩn chỉ có vậy mà nhớ, mà thương.
Thưa mẹ, con đi… Ta sẽ khắc ghi quê nhà ở trong trái tim bé bỏng. Quê nhà luôn bao dung và che chở ta những lúc mệt mỏi, chông chênh giữa dòng đời. Ta đi xa không phải là từ bỏ mà là để trưởng thành, đi để học hỏi và biết được thế giới ngoài kia rộng lớn bao la. Và chắc chắn một điều rằng ta đi rồi sẽ trở về…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...