Thử thách yếu tố “ngoại” trên sân khấu “nội”
VNTN - Trong đời sống nghệ thuật Việt Nam, Việt hóa tác phẩm ngoại vốn là câu chuyện không mới. Nhưng mời đạo diễn người nước ngoài về làm cố vấn nghệ thuật để có thể tạo ra diện mạo mới và sự đa phong cách trong tác phẩm nghệ thuật lại được xem là chưa có tiền lệ đối với sân khấu chuyên nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, “Vạn sự khởi đầu nan”, giới phê bình nghệ thuật cho rằng, yếu tố ngoại trên sân khấu nội rất có thể sẽ tạo ra những đột phá, nhất là trong thời điểm hiện tại sân khấu đang chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19.
Từ năm 2011, Nhà hát Tuổi trẻ đã có vở diễn “Tất cả đều là con tôi” (Kịch bản Athur Miller - Đạo diễn Neil Simon Fleckman), là một dự án hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đến năm 2014, với vở “Vòng phấn Kavkaz” (Kịch bản Bertolt Brecht - Đạo diễn: Dominik Gunther) hợp tác với Viện Goethe Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp đối với khán giả, “Cậu Vanya” kết hợp với Nhà hát Không Giới Hạn (Nhật Bản), “Con chim xanh” (Kịch bản Maurice Maeterlinck - Đạo diễn: Xavier Lukovski và NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến) là kết quả sự hợp tác với Phái đoàn Wallonnie - Rruxelles tại Việt Nam; phiên bản “Romeo và Juliet” 2019 được dàn dựng bởi bàn tay của đạo diễn Beverly Blankenship - nữ đạo diễn người Áo đã nổi danh ở châu Âu trong nhiều năm qua; tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du do Viện Goethe tại Hà Nội khởi xướng, hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ.
Riêng Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama từng được khán giả Hà Nội biết đến với vở diễn “Chim hải âu” của Nhà hát Không Giới Hạn (Nhật Bản), đoạt giải thưởng xuất sắc khi tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ III-2016 tại Việt Nam.
Đề cao yếu tố nghệ thuật
Đầu tháng 10/2020, thông tin Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức ký hợp đồng hợp tác với đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama trong vai trò là đạo diễn sân khấu - cố vấn nghệ thuật đã tạo ra sự bất ngờ xen lẫn tò mò không chỉ cho phần lớn hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu mà còn cả khán giả, những người lâu nay vốn đã dành trọn trái tim cho sân khấu truyền thống. Phía Nhà hát cũng tiết lộ, bản hợp đồng là kết quả của cả một quá trình cộng tác thành công giữa đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và Nhà hát từ năm 2016 đến nay thông qua nhiều dự án sân khấu, mà đỉnh cao là “Uncle Vanya” (Cậu Vanya) được công chúng yêu nghệ thuật tại hai nước Việt Nam và Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt. Tại Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ IV-2019 diễn ra tại Hà Nội, “Cậu Vanya” tiếp tục chinh phục Ban Giám khảo giành tấm Huy chương Vàng danh giá.
“Nàng Kiều” do đạo diễn Amelie Niermeyer với hình thức kịch tài liệu đầy mới mẻ ở Việt Nam
Trước đó, vào thời điểm năm 2018, khi lần đầu tiên “Cậu Vanya” ra mắt công chúng, đã xảy ra hiện tượng “cháy vé”, khi tất cả các vé bán online đều được những tín đồ yêu kịch Chékhov đặt mua. Lý giải cho hiện tượng này, nhiều nhà phê bình đã không ngần ngại cho rằng, yếu tố “ngoại” chính là tâm điểm kích thích sự tò mò, phấn khích của khán giả tìm đến với vở diễn. Tiếp đến là nội dung vở diễn - vốn mang đậm tính nhân văn, không chỉ giữ chân khán giả trong suốt hai giờ đồng hồ, mà còn hút khán giả cho nhiều đêm diễn tiếp theo. “Cậu Vanya” xoay quanh cuộc sống của những người lao động ở tầng lớp bị coi là “bé nhỏ” (đại diện cho nhân vật cậu Vanya và cô cháu Sonya). Ý thức được số phận của mình, bất kể ai trong số họ cũng đều làm việc cần cù và vất vả, phục tùng tầng lớp thượng lưu - những kẻ bất tài, giả dối, một cách mù quáng và lầm tưởng rằng mình đang phụng sự cho một lý tưởng cao đẹp. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong sự nghèo khó, bất công mà không có bất kỳ một hành động phản kháng nào, dù cho đó chỉ là quyền được ăn no và mặc ấm. Sự yếu hèn, vì thế mỗi ngày một dìm họ lún sâu hơn trong tuyệt vọng và cả sự chờ đợi về một ngày mai cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn, họ sẽ được nghỉ ngơi…
Không dùng âm thanh khuếch đại, không lồng tiếng và microphone, toàn bộ lời thoại của nhân vật đều bằng giọng thật của chính diễn viên... đây cũng là yếu tố gây bất ngờ cho khán giả khiến họ phải thực sự lắng nghe để không bỏ lỡ những thông điệp ý nghĩa của vở kịch.
Đột phá cho sân khấu
Trước bản hợp đồng của Nhà hát Tuổi trẻ với đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã từng hợp tác với Tiến sĩ Chua Soo Pong (Singapore), người được xem là rất có tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á trong vai trò đạo diễn. Tiến sĩ Chua Soo Pong đã thành công khi cho ra đời nhiều vở kịch đậm màu sắc dân gian dành cho thiếu nhi như: “Con gà trống”, “Đám cưới chuột”, “Hồng lâu mộng”... và khi “đem chuông đi đấm xứ người” hầu hết những vở diễn này đều giành được nhiều giải thưởng có giá trị.
Những thành công trong quá trình hợp tác giữa các đoàn nghệ thuật, các nhà hát với đạo diễn nước ngoài trong thời gian qua rõ ràng đã đem đến một diện mạo mới cho sân khấu đương đại. Đó chính là kết quả khi hai bên đã thực sự hiểu nhau, cùng nhìn thấy những ưu điểm của nhau để từ đó có thể tạo ra những đột phá cho sân khấu trong việc mang những tinh hoa của thế giới đến Việt Nam và đem các tác phẩm hợp tác với Việt Nam ra nước ngoài.
Cảnh trong vở “Cậu Vanya” - hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ với đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và Nhà hát Không Giới Hạn (Nhật Bản).
Tuy nhiên, đó hầu hết là sản phẩm hợp tác với đạo diễn, diễn viên nước ngoài để có tác phẩm nội mang hơi hướng đương đại, còn mời đạo diễn nước ngoài làm cố vấn nghệ thuật, tức là “canh giữ” phần “hồn” của vở kịch thì với sân khấu truyền thống - Nhà hát Tuổi trẻ chính là người đi tiên phong.
Theo NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Việc mời các đạo diễn, nghệ sĩ nước ngoài tới cộng tác lâu dài tại Việt Nam là một trong những lựa chọn táo bạo nhưng rất đúng đắn của các đơn vị nghệ thuật trong nước hiện nay. Nếu như trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, thể thao, giải trí… chúng ta đã quen dần với sự đồng hành của các chuyên gia nước ngoài thì đối với nghệ thuật, điều này càng minh chứng cho xu thế vận động tất yếu của xã hội. Hướng đi mới mẻ này đã từng được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam triển khai rất thành công với dự án mời nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji đảm nhận vai trò cố vấn âm nhạc, chỉ huy chính của dàn nhạc trong 20 năm qua cũng là một bài học kinh nghiệm thiết thực đối với chúng tôi.
Giống như kinh tế, lĩnh vực nghệ thuật cũng đã và đang có những hướng đi mới với trọng tâm là sự hợp tác với các đơn vị nghệ thuật danh tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự hợp tác mang đến cho đời sống nghệ thuật trong nước sự đa dạng và theo kịp xu thế của đời sống nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không ít người vẫn còn lo lắng khi cho rằng cần cân nhắc nhiều mặt trong việc hợp tác như: Chuyển thể tác phẩm, cố vấn nghệ thuật, nếu chúng ta mải chạy theo xu hướng này rất có thể sẽ sa vào việc tuyên truyền cho văn hóa, hình ảnh và thị hiếu của người nước ngoài, mà dần xem nhẹ yếu tố truyền thống, nhất là đối với lớp trẻ - họ sẽ quen dần với những sản phẩm ngoại mà quên mất sự mặn mòi của sân khấu Việt truyền thống.
Tiến sĩ Cao Ngọc cho rằng lý thuyết sân khấu nước ngoài được tiếp nhận và vận dụng trong thực tiễn sân khấu ở Việt Nam còn mang tính manh mún, thiếu chiều sâu. Dường như tư duy ít nhiều còn nặng về cảm tính và có xu hướng coi trọng tính hình tượng đã khiến việc tiếp nhận lý thuyết của nhiều người làm sân khấu vẫn chưa thật sự nhuần nhuyễn, chưa được quan tâm thấu đáo, dẫn đến tình trạng thiếu thận trọng khi vận dụng để sáng tạo sao cho phù hợp với sân khấu kịch hát dân tộc vốn có các đặc trưng riêng và đang rất cần được bảo lưu. Do đó, tới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Viện Sân khấu - Ðiện ảnh (Trường Đại học Sân khấu - Ðiện ảnh),... các cơ quan liên quan, các nghệ sĩ tâm huyết với nghề cần đặt vấn đề hệ thống hóa, xác định hướng đi và tiếp biến có hiệu quả các lý thuyết sân khấu trên thế giới để nỗ lực học hỏi, trang bị kiến thức cần thiết, vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo trên cơ sở tiếp nối nền nghệ thuật nước nhà. Chỉ có như vậy mới góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của sân khấu truyền thống, góp phần đổi mới, phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc trước yêu cầu ngày một khắt khe của công chúng và xã hội.
Hy vọng rằng yếu tố “ngoại” trên sân khấu “nội” sẽ có những câu trả lời thỏa đáng không chỉ bằng những tác phẩm nghệ thuật cụ thể để người hâm mộ có thể ghi nhận mà còn là những thông điệp mang tính giáo dục đối với thế hệ trẻ về những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Tường Vy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...