Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:39 (GMT +7)

Thổn thức mùi hương xưa

VNTN - Tháng Chạp như một cụ già khoác chiếc áo bông đang chống gậy lững thững bước vào ngõ cổng. Mưa phùn, rét căm căm, bầu trời âm u, gió Đông thun thút thổi… Vậy là Chạp đã đến rồi, chẳng còn mấy khắc nữa mà Tết. Cái cảm xúc xốn xang, rạo rực xen lẫn âu lo, thương nhớ lại quay quắt trở về. Ký ức của một thời chưa xa khiến lòng tôi xúc động trào dâng. Đi trên từng con phố của một miền xa trong những ngày này, nhìn những mặt hàng Tết bắt đầu được người dân bày bán làm tôi lại liên tưởng tới những cái Tết được ở cùng gia đình nơi quê nhà xa ngái. Nào dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ thờ, ra sông rửa lá dong, cùng cha canh nồi bánh chưng, cùng mẹ bày mâm cơm cúng tất niên… chỉ nghĩ đến những hình ảnh đơn sơ vậy thôi mà trong tôi cứ thế ngân lên biết bao nỗi niềm khắc khoải, rưng rưng.

Nhưng có lẽ, có một thứ đã ăn sâu, ám kỹ trong đầu tôi nhất đó là mùi hương trầm do cha tôi làm. Mùi hương ấm cúng, dịu ngọt đó đã theo tôi đi suốt mấy chục năm qua trên con đường đời đầy trắc trở, gập ghềnh. Mỗi khi nghĩ tới mùi hương trầm, tôi lại càng thêm nhớ cha, nhớ quê hơn…

 

Ảnh: Khắc Thiện

Cứ vào độ tháng Chín, tháng Mười âm lịch trở đi, khi cái nắng không còn gay gắt nữa, cha tôi lại bắt đầu chuần bị nguyên liệu cho vụ hương Tết. Cả cha và mẹ đều là cán bộ ngành văn hóa thông tin về hưu, lương hành chính sự nghiệp ba cọc ba đồng. Để trang trải cuộc sống của gia đình và nuôi hai anh em tôi ăn học, cha mẹ tôi phải xoay xở đủ nghề với bao nỗi cực nhọc, âu lo. Việc làm hương trầm đã đem đến cho gia đình tôi niềm vui và thêm phần chi tiêu vào nhiều khoản dịp Tết. Cha động viên cả nhà rằng “Vừa có hương thắp cúng ông bà tổ tiên, vừa bán cho khách để kiếm thêm nồi bánh chưng!”. Điều đó đã tiếp thêm động lực cho mẹ và hai anh em tôi phụ giúp cha trong việc làm hương.

Có thể nói, để làm ra được cây hương trầm mang thương hiệu “Hương Giang” (cha tôi tên Giang), cha tôi phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức tỷ mỉ, chỉn chu. Rễ hương mua về được cha rửa sạch, phơi khô, băm nhỏ rồi đem vào giã, rây lấy bột. Đó là những năm trước kia, sau này rễ hương cha đem đi xay cho đỡ tốn công. Tiếp đến cha mua từng bó mía ngoài chợ về, róc vỏ, thái lát mỏng, phơi khô. Khác với nhiều người thường dùng bã mía, cha tôi lại dùng mía chưa sử dụng, như theo cha lý giải là để tạo độ ngọt cao hơn và tránh việc dùng bã mía đã nhai rồi thắp hương sẽ có tội với bề trên. Một việc cũng tốn khá nhiều công sức đó là làm chu (tăm) hương. Cha mua nứa về tỉ mẩn chẻ chu hương. Nếu hương loại thông thường có chiều dài 50cm, cha tôi còn làm loại chu dài 1m. Cha bảo, khi cúng sang canh xong, thắp cây hương dài lên thì yên tâm mà ngủ, đến trưa mai mới cháy hết. Chu hương vót xong phải trải qua công đoạn ngâm nước vôi trong để giúp cho cây hương cháy đượm, không bị khét, khi cháy hết thì tàn hương phải cuộn xoắn lại, thế mới thành công. Hết công đoạn xử lý nước vôi trong thì đem ra phơi, khi khô rồi thì bắt đầu nhuộm chân hương.

Tiếp đến là công đoạn rọc giấy bản để quấn hương. Từng xấp giấy bản vừa xốp lại vừa dai được cha tôi đặt cữ rọc thành những băng nhỏ, rộng chừng 3cm, sau đó cuộn tròn lại để nhuộm màu đỏ hoặc xanh một tý ở biên để khi quấn lên trông cho đẹp. Đã chuẩn bị bước vào công đoạn quấn hương để cho ra thành phẩm rồi. Cả nhà tôi quây quần bên chiếc bàn sản xuất hương. Hỗn hợp nguyên liệu được pha chuẩn tỷ lệ giữa bột hương, bột mía, hồi, quế, cha tôi còn cho thêm một tý xíu bột trầm vào trộn đều. Anh tôi vốc từng nắm bột rải lên những mảnh giấy bản đã được dàn ra giữa bàn và bắt đầu quấn bằng tay. Hồ dán được cha tôi quấy từ bột sắn, phết lên từng mảnh giấy để quấn chặt vào chu hương. Tôi và mẹ đảm nhiệm phần rọc giấy màu để bó hương lại từng chục một sau khi thành phẩm. Cây hương đầu tiên hoàn thành, cha tôi liền đốt lên để “nghiệm thu” sản phẩm. Cây hương giấy trắng viền mi xanh, chu màu đỏ tươi được cắm vào chiếc ống bơ đựng cát để ở góc nhà tỏa hương thơm dịu ngọt khắp cả không gian yên tĩnh. Chờ cho hương cháy hết, tàn hương xoắn lại như chiếc lò xo, khuôn mặt cha tôi giãn ra thư thái lộ vẻ hài lòng.

Mấy chục năm làm hương Tết, gia đình tôi ít nhiều đã tạo được thương hiệu bởi chất lượng và hình thức khắp cả một vùng. Mỗi mùa Tết đến, hầu như gia đình tôi không phải đem ra chợ hay phố huyện bán bởi số lượng không nhiều, chỉ độ vài ngàn cây. Khách mua hương tự tìm đến nhà hoặc gọi điện để chúng tôi đem đến. Khi chỉ còn ít ngày nữa là Giao thừa, số lượng hương trong nhà đã được bán hết veo. Có những khách vì mải mê buôn bán mà đến sáng ba mươi mới sực nhớ, chạy đến nhà, tuy hương bán đã hết nhưng cha tôi vẫn phải linh động san sẻ một ít hương nhà dùng cho khách và không quên dặn họ sang năm phải chủ động hơn.

Trưa ba mươi, cả nhà tôi tất bật làm cơm cúng tất niên. Cha quyết định làm tất niên ban trưa vì muốn cố can ông bà tổ tiên về với con cháu đi đường cho sáng sủa, không gặp trở ngại gì. Thứ nữa, cha muốn cả nhà buổi chiều nghỉ sức để tối cúng sang canh. Quá trưa, khi nghi thức cúng khấn tổ tiên đã xong, cả nhà tôi quây quần bên mâm cỗ Tết. Trong cái rét cuối Đông, mùi bánh chưng mới vớt đêm qua, mùi dưa hành quện vào mùi hương trầm thơm ngát tỏa ra làm tôi cứ ngây ngất, lâng lâng. Nhấp một ngụm rượu, cha như cảm thấy khoan khoái hơn sau những tháng ngày vất vả, nhọc nhằn, mẹ thấy vui hơn sau một năm tất tả ngược xuôi với vòng quay cơm áo gạo tiền. Chỉ còn vài tiếng nữa, đất trời sẽ bước sang Xuân, mỗi thành viên trong gia đình tôi đều có những suy nghĩ, mong ước riêng. Còn tôi, vốn là con người đa sầu đa cảm, nhìn khung cảnh này càng cảm thấy thương cha mẹ nhiều hơn, lòng rưng rưng nhưng chẳng thể nói thành lời…

Vậy là, Xuân này nữa là tròn 5 năm cha về với tổ tiên ông bà. Sau tròn 30 ngày bị đột quỵ, cha tôi lập mệnh vào chiều mồng Chín Tết. Những ngày đầu vắng cha, tôi như kẻ bơ vơ giữa phố phường nhộn nhịp xa xôi. Giờ thì tôi đã đỡ đau buồn hơn nhiều bởi vắng cha, ở quê còn có mẹ, có gia đình. Trong chiếc ví của tôi luôn có mảnh giấy cha tôi viết mấy chữ khi Người còn “Thể phách tồn thiên địa, tinh thần tại tử tôn” (Thể phách còn với đất trời. Tinh thần sống trong con cháu). Từ khi cha mất, việc làm hương Tết vì thế mà cũng dừng lại bởi nhà tôi neo người. Anh tôi cũng tất bật đủ mọi việc, vừa thay cha thờ cúng tổ tiên, vừa lo cho cuộc sống gia đình riêng, một mình mẹ già yếu cũng không thể làm được. Tôi thì sống ở xa, trước Tết đáo qua nhà thắp hương, thăm mẹ rồi lại đi ra trực để mùng bốn, mồng năm chi đó về chuẩn bị giỗ cha. Có năm thì đưa cả vợ con về ăn Tết nhưng mồng hai lại phải dắt díu nhau đi. Một chốn đôi quê nên cứ mỗi dịp Tết đến, trong tôi lại chất chứa biết bao nỗi niềm đầy vơi khó tả.

Nhớ cha, nhớ cả mùi hương trầm dịu ngọt đã ăn sâu vào tiềm thức. Cứ mỗi độ Xuân về lại làm cho tôi thổn thức khôn nguôi…

Mồng 4 tháng Chạp, Kỷ Hợi

MẠNH THƯỜNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước