Thơ Nguyễn Thưởng và những giai điệu yêu thương
Người đọc Thái Nguyên biết đến bút danh Nguyễn Thưởng - hội viên Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh - chủ yếu qua những thiên truyện ngắn hấp dẫn và cảm động như các truyện Chị Soan, Về làng, v.v.. Ít người biết rằng ông cũng là một cây bút thơ có nhiều nét riêng đặc sắc, mang nhiều giá trị nhân văn và thẩm mỹ.
Thơ Nguyễn Thưởng chân chất, dung dị như con người ông và cũng nằm trong khuôn khổ của thi pháp truyền thống; không đa nghĩa, không điệu đà làm dáng, không phá cách cầu kỳ. Ấy vậy mà khi đọc chậm thơ ông, ta sẽ nhận ra: chữ của ông thì tinh lọc, tình của ông thì đằm thắm, tứ thơ ông nhiều bài thâm thúy, gợi cảm, hàm súc dư ba…
Đề tài, cảm hứng trong thơ Nguyễn Thưởng khá phong phú, nhưng bao trùm trong đó là một trái tim nhân hậu chan chứa yêu thương thể hiện qua nhiều giai điệu và cung bậc cảm xúc khác nhau. Có điệu thương, có điệu hài, có phản biện và có cả điệu lãng tử hào hoa,… Mỗi giai điệu có thể hình thành một chùm thơ riêng, song có bài pha trộn cùng lúc nhiều giai điệu. Các giai điệu đan xen như vậy đã khiến thơ Nguyễn Thưởng vừa buồn vừa vui, có nước mắt và có nụ cười, có thương, có giận, có thực, có mơ, và vì thế mà khá thú vị.
Trước hết phải kế đến điệu THƯƠNG đã tạo nên âm hưởng chủ đạo trong hai phần ba số thơ của Nguyễn Thưởng. Đó là sự cảm thông với người lao động nghèo phải sang xứ lạ phương xa đổ mồ hôi kiếm đồng tiền đem về “thay cái mái lá” dột nát cho vợ con (Về từ Li-bi). Đó là sự cảm thông với người phụ nữ chỉ “mong tròn bữa mỗi ngày” mà phải “lặn lội nắng mưa” khiến cho “tiếng cười méo mó không gian” (Chạy chợ).
Đó là sự đồng cảm với những người cùng cảnh nghèo khi giã từ năm cũ đầy vất vả gieo neo và hy vọng vào năm mới:
Một năm nhọc nhằn bước giữa buồn vui
Cơm áo vây quanh, nụ cười lương thiện
Khủng hoảng thiếu thừa, đồng lương tính đếm…
(Chào năm cũ)
Cao hơn, đó là tình thương trong niềm tự hào đối với những chiến sĩ trẻ đang ngày đêm đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt để gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc:
Lính nhà giàn ăn nắng đội mưa
Ăn với biển, ngủ cùng với biển
(Nhà giàn)
Cao hơn nữa là lòng xót thương, cảm phục đối với người thương binh mang trong mình hàng trăm vết sẹo từ chiến trường; lời kể của từng vết sẹo như một nhát cứa vào da thịt, xoáy vào ruột gan nhà thơ:
Người anh dầy vết sẹo chiến trường
Vết nhỏ, vết to, sẹo chồng lên sẹo
Vết cong như lưỡi hái tử thần
Vết dài đòi vĩnh biệt!
(Vết sẹo)
Mang trong mình trái tim nhân hậu, ông rất nhạy cảm với nỗi khổ tinh thần của những phận người bất hạnh như những người phụ nữ phải ôm mãi lời thề xưa mà sống đến suốt đời mãn kiếp trong cô quạnh não nề:
Yếm đào lỗi một đường tơ
Cổng xuân rêu phủ, ngõ chùa vọng tiên
…
Đa đoan hỡi, nợ câu thề
Chiều rơi tiếng mõ, lối về bâng khuâng…
(Chị tôi)
Sự nhạy cảm của tâm hồn khiến nhà thơ dễ động lòng trắc ẩn: nghe thơ bạn liền thấy mình “đau tứ thơ” của bạn, nghe bạn hát bài hát buồn thì dạt dào thương cảm sẻ chia và thiết tha nhắn nhủ bạn “hát nữa đi, hát nữa đi…” cho vợi bớt đau buồn (các bài Em đừng viết thơ buồn và Nghe em hát Đêm đông).
Như vậy, với hồn thơ Nguyễn Thưởng, hễ ở đâu có sự khổ, hễ lòng ai có nỗi đau là giai điệu tình thương lại cất lên thấm thía, ngọt ngào. Nhưng không ở nơi nào tiếng THƯƠNG lại lay động tâm can bằng những bài thơ ông kể về người mẹ nghèo, người bố khổ đau, người bạn đời thủy chung đảm giỏi, một đời hy sinh vì hạnh phúc gia đình chồng con… những người thân yêu ruột thịt đã cùng ông trải qua những năm tháng lầm than cơ cực của nạn đói năm Ất Dậu, của chiến tranh và nghèo nàn lạc hậu. Ở những bài thơ gan ruột này, tiếng THƯƠNG đã thành BI THƯƠNG, dễ làm ướt mi mắt người đọc. Đây là cảnh người mẹ nghèo tiễn con về nhà chồng trong cái đêm “trăng tròn ngơ ngác” bởi chỉ còn mình mẹ ở lại nhà với “Căn nhà lạnh hở sau trống trước/ Gió đầu hiên xào xạc cồn cào…/Ruộng thấp đồng cao còn mình mẹ gặt/ Gánh nặng oằn vai…” (Của hồi môn).
Riêng nhìn cảnh ấy đã xót lắm rồi, nhưng khi thấy người mẹ ăn độn sắn khoai để dành bát gạo thơm làm “của hồi môn” chờ đón con về thì thật khó cầm được nước mắt!
Và giai điệu bi thương sẽ còn lên tới đỉnh cao trong hai bài Mồ côi và Hồi ức Bình Chai (đều được nhà thơ chú thích là “nơi tận cùng của sự đau khổ”). Người mẹ qua đời giữa cảnh đói khát cùng quẫn, người cha gồng mình kiếm lưng cơm, vực cháo nuôi đàn con thơ, đứa út mới chập chững tập đi men giường, gào khóc vì khát sữa. Những dòng lục bát trong bài Mồ côi đã làm não lòng chúng ta vì nỗi cơ cực của người cha:
Cha đi vượt dốc sang đồi
Oằn vai xiêu vẹo hụt hơi não nề
Cha đi mang sự sống về
Mình cha xơ xác thân ve một đời!…
Tuy nhiên, đấy mới là kể lể. Đến bài Hồi ức Bình Chai thì tác giả đã dựng lại cả một tượng đài di động về một người cha trong cảnh tận cùng khốn khổ. Và chỉ có niềm xót thương vô hạn của người con chí hiếu mới dựng lại được bằng trí nhớ và sức tưởng tượng của mình. Bài thơ là một thành công về cách sử dụng thể thơ 8 chữ cắt nhịp đều đặn 4/4 suốt 9 câu thơ liên tục làm hiện lên hình ảnh gánh hàng đè nặng trên tấm vai gầy của người cha. Hai bên quang gánh đung đưa lúc lắc như nghiến đòn gánh vào da thịt hành hạ con người. Những con số trái ngược nhau giữa hai đầu đòn gánh góp phần gợi lên sự cộc lệch, mất thăng bằng, sự đớn đau nghiêng ngả. Thiết tưởng chúng ta nên đọc lại vài ba lần để cảm nhận rõ giá trị tạo hình của bài thơ:
Một bên thùng dầu, một bên bồ muối
Thân gầy buốt gối, đòn gánh vai oằn
Một nỗi cơ hàn, ngàn cân cơ cực
Nén sâu tiếng khóc, nước lã cầm hơi
Một bơ gạo cháo, năm bát vơi vơi
Một nồi rau dại, năm bát bùi bùi
Một tấm chăn sui, năm manh áo rách
Trời cao đất thấp, ngoảnh mặt làm ngơ
Chỉ có lòng cha, khóc thầm đêm lặng!
Sau giai điệu bi thương đẫm lệ vẽ lên hình tượng người cha trong quá khứ lầm than, Nguyễn Thưởng cất lên giai điệu yêu thương đằm thắm và vô cùng xúc động về người bạn đời đã cùng ông chèo lái con thuyền gia đình vượt bao ghềnh thác thăng trầm để đến được bến bờ hạnh phúc. Đó là các bài Vu quy, Khi Tô Thị chưa hóa đá, Em tôi, Lạc em, đặc biệt là bài Lưng ong vẫn đỗi vuông tròn, tất cả đã tạo thành chùm thơ đặc sắc và độc đáo về hình tượng người bạn đời và tình yêu thương trân quý của ông đối với bà. Ông thương bà ngay từ bước chân đầu tiên bà về với ông:
Nhớ ngày anh đến đón em
Đường bậc thang buồn xóm nhỏ
Mưa dầm đường trơn đất lở
Thương em ướt áo lấm quần
Thương trong nồng nàn duyên mới, pha chút áy náy, mặc cảm về sự bất công giữa chồng và vợ:
Em về ấm áp nhà anh
Thương em gót mòn nắng sạm
Anh uống hương nồng duyên mặn
Lâng lâng cạn cả nắng chiều
(Vu quy)
Qua những năm tháng bên nhau, ông yêu tính cách mạnh mẽ kiên cường của bà nên thậm chí đã liên tưởng đến Nàng Tô Thị một cách đầy tự hào:
Tưởng đâu thân liễu yếu mềm
Ẩn sâu là một trái tim động trời
(Khi Tô Thị chưa hóa đá)
Khi đã hiểu “em là THÉP”, “em là BĂNG”, ông rất tự hào và lại ước mình thành LỬA để cùng bà làm nên một cặp đôi hoàn hảo, hài hòa, san sẻ đắp bồi cho nhau xây hạnh phúc đẹp như mơ:
Lửa hồng cho băng vỡ
Tan giá lạnh đầy vơi
Lửa soi nồng thỏi thép
Dệt thành tơ cho đời
(Em tôi)
Và như vậy thì làm sao có thể để “lạc mất em” trên cõi đời này? Trong bài Lạc em, ta thấy: mới chỉ không thấy “em” trong chốc lát mà “anh” đã sôi sục tìm kiếm đến “đục nước Tây Hồ”, đến “vẹt lốp xích lô”, đến “bạc ghế công viên”, lòng dạ thì cồn cào như “buốt gió Long Biên”… Một chút cường điệu để lộ ra nụ cười dí dỏm càng tô đậm tình yêu giản dị, chân thật mà mãnh liệt của ông, kể cả khi ông “phiêu” ở cuối bài:
Thế là đã lạc mất em
Anh bỗng hóa thành lãng tử
Nặng lòng niềm thương nỗi nhớ
Chơi vơi tìm… cả kiếp người
(Lạc em)
Một giả định táo bạo! Nhưng cũng hết sức lô-gic, bởi vì lo lắng bồn chồn sục sôi đến thế, yêu em, thương em, nhớ em đến thế, đã lật tung cả Hà Nội lên rồi mà phỏng như vẫn “lạc mất em” thật thì sao anh chả phải “chơi vơi tìm… cả kiếp người”?
Tình yêu của ông trong bài Lạc em mãnh liệt là thế, nhưng nếu nói có sức lay động mạnh trái tim người đọc thì phải đến bài Lưng ong vẫn đỗi vuông tròn. Chỉ cần đọc qua 4 câu đầu đã thấy tình thương của tác giả với “bà lão” sâu sắc ngần nào; và một lần nữa ta nghe được nỗi áy náy và niềm cảm phục biết ơn về sự hy sinh tận tụy của bà cho ông (và cho gia đình) trong suốt tuổi xuân thì bà không tính gì đến sự hưởng thụ cho riêng mình:
Một thời áo mỏng lệch vai
Cháo rau theo cả đêm dài quản chi
Sớm chiều lận đận dáng đi
Như mang hương sắc xuân thì cho ai
Tình thương ấy không chỉ sâu mà là sâu thăm thẳm:
Lỡ buông một tiếng thở dài
Lại thương luống cải, khóm khoai nghẹn ngào
Lận đận vất vả thế, xuân sắc mỏi mòn như thế, thì đôi khi có thở dài một tiếng âu cũng là lẽ thường tình, ai chẳng vậy? Nhưng ông hiểu: với bà thì khác. Chỉ là lỡ thôi, chứ thâm tâm bà đâu muốn thế, bà đâu muốn ông phải lo, buồn, suy nghĩ và tinh thần của bà bị yếu mềm đi! Cho nên sau tiếng thở dài thứ nhất đã không có tiếng thở dài thứ hai; tiếng thứ hai bà đã nén sâu trong lồng ngực rồi, vì “luống cải, khóm khoai”, vì đàn con đang đói cơm, khát sữa. Phải nói là ngòi bút Nguyễn Thưởng rất tinh tế khi đưa cái “tiếng thở dài” của nhân vật trữ tình vào cùng với chữ “lỡ”. Không có tiếng thở dài thì hình tượng giảm tính chân thực, mà đưa vào không khéo thì có nguy cơ làm hình tượng trở nên tầm thường. Và vì thế, chữ “lỡ” ở đây rất đắt giá. Hình ảnh trái ngược giữa “Trên trời vằng vặc trăng sao” và “Giữa nhà nheo nhóc cồn cào khát cơm” càng tô đậm thêm sự chọn lựa hy sinh cao cả của bà. Bởi vậy mà:
Lưng ong vẫn đỗi vuông tròn
Má hồng không đỏ, môi son không về
Trăng sao vằng vặc trên trời mà không dám nhìn lên thưởng ngoạn thì còn nghĩ gì đến phấn son trang điểm? Nhưng bà đâu có quên việc ấy, bởi bà vẫn thuộc phái đẹp cơ mà! Phải đến lúc con cháu đề huề, gia đình hạnh phúc, ông bà sống an nhiên trong hòa bình no ấm, lúc ấy bà mới có điều kiện và cho phép mình thể hiện nét giới tính của mình là làm đẹp. Chỉ tiếc rằng, đó cũng là lúc bà “bảy mươi gối lỏng mắt nhòe” rồi, cho nên chỉ là “vụng về thoa chút phấn khoe da hồng” để tự an ủi mà thôi:
Cũng là khoe chút hồi xuân
Cũng là trút nỗi nhọc nhằn đầy vơi
Người viết bài này cứ hình dung nhà thơ Nguyễn Thưởng sau khi đặt dấu chấm hết bài thơ còn ngồi tư lự hồi lâu và mấy lần phải lấy khăn thấm nước mắt! Bài thơ kết thúc nhẹ nhàng vậy nhưng dư ba còn vang mãi trong tâm trí người đọc như một lời nhắn nhủ chân tình: “Từ trong sâu thẳm tâm hồn, những người đàn ông hãy biết ơn, biết yêu và biết thương người phụ nữ của mình! Người viết bài này trộm nghĩ Lưng ong vẫn đỗi vuông tròn của Nguyễn Thưởng là một bài thơ thuộc hạng nhất về chủ đề thương vợ, không thua kém bất kỳ bài nào cùng chủ đề trong thơ ca Việt Nam.
Như phần trên đã nói, thơ Nguyễn Thưởng cùng với điệu THƯƠNG còn có điệu HÀI, một kiểu hài được tiết chế vừa đủ, dí dỏm nhẹ nhàng kết hợp với chất thơ bay bổng như bài Lạc em hay như bài Thả thơ dưới đây:
Gọi em em chỉ làm ngơ
Anh buồn thả quách vần thơ lên trời
Chập chờn như áng mây trôi
Gặp cơn dông bão trắng trời mang đi
Thế là duyên nợ nghĩ suy
Cuốn theo chiều gió anh về tay không
Thơ Nguyễn Thưởng còn sở hữu một điệu PHẢN BIỆN độc đáo như các bài Đừng, Mình ơi, Bầu men, Thuồng luồng, Thua… rất tâm huyết chân tình, mang tính xây dựng, vừa nghiêm nghị vừa yêu thương ngọt ngào, có khi còn hài hước mà vẫn giàu chất thơ. Xin dẫn chứng vài đoạn:
Sao em không nhìn lúng liếng
Để tôi ngơ ngẩn dại khờ
Em lại nhìn như dao cứa
Khiến lòng trăm nỗi vò tơ
(Đừng)
Hay:
Mình ơi hãy bớt đôi lời
Môi khô lại thắm nụ cười lại xinh
Đã chung chữ nghĩa chữ tình
Tiếc gì một ngụm chua chanh mà thèm
(Mình ơi)
Cuối cùng phải nói Nguyễn Thưởng gây bất ngờ thú vị cho những người tuy gần gũi ông mà chưa biết trong tâm hồn ông cũng tiềm ẩn một tố chất đặc trưng của thi sĩ mọi thời đại, đó là chất hào hoa lãng tử. Nhận xét này được chứng minh qua hàng loạt bài như Vắng, Thở dài, Khoảng thiếu, Vô đề, Cảm nhận trang bìa, v.v.. Những bài thơ không chỉ “hào hoa” mà thực sự “tài hoa” đủ sức lấp đầy nhu cầu mỹ cảm của người đọc yêu thơ.
Không tài hoa thì sao có thể biểu đạt những điều trừu tượng, mơ hồ không thể nói một cách cụ thể mà người đọc vẫn cảm và hiểu được như là bằng trực giác vậy. Ví như bài Khoảng thiếu, ông viết:
Có một khoảng thiếu - nhỏ thôi
Mà day dứt lắm, mà chơi vơi buồn
Đi tìm nơi ấy hoàng hôn
Gặp cầu hỏi sóng mạch nguồn từ đâu?
Một khoảng thiếu? Thiếu gì đây? Rồi lại hỏi sóng “mạch nguồn từ đâu?”. Những dấu hỏi tạo độ căng trữ tình, rất gợi và rất thơ, cơ hội cho sự đồng sáng tạo nơi người đọc.
Nhà thơ Nguyễn Thưởng từng trăn trở:
Họa khi đất gọi về bên ấy
Có để được gì cho hậu sinh?
Với tư cách một người bạn vong niên (cũng từng dan díu với Nàng Thơ vào cái tuổi xưa nay hiếm như ông), tôi xin mạnh dạn nói rằng: Ngoài tấm gương sáng về một cuộc đời đẹp, một nhân cách đẹp, Nguyễn Thưởng còn có một gia tài văn chương xinh xắn, nhiều giá trị, xứng đáng được thế hệ con cháu tự hào và bạn bè văn nghệ yêu quý, trân trọng, trước hết vì vẻ đẹp của những giai điệu yêu thương thấm đẫm tâm hồn.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...