Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
17:53 (GMT +7)

Thờ cúng Thổ Công ngày Tết của người Tày, Nùng

VNTN - Theo quan niệm dân gian người Tày, Nùng, Thổ Công là vị thần có nhiệm vụ và quyền năng cai quản, trông coi bản làng. Bản làng được no ấm hay không cũng nhờ sự che chở của Thổ Công.

Có hai dạng Thổ Công: Thổ Công là nhân thần - những người có thật, có công lao trong việc khai mường lập bản nên sau khi mất, được dân làng tôn thờ thành vị thần bảo hộ cho bản làng. Người Tày, Nùng thường gọi Thổ Công dạng này là “Làng ké” (tức ông già lớn của bản). Thổ Công là thiên thần - thường gặp ở những bản được thành lập trên đất của những bản trước đó đã chuyển đi nơi khác. Do đó, người ta không xác định được ai là người có công khai phá, sáng lập bản nên tôn thần đất nơi đó lên làm Thổ Công của bản làng.

Đồng bào mường tượng Thổ Công là một ông cụ rất già, râu tóc bạc phơ và sống đến cả ngàn tuổi. Chính vì sống cả ngàn tuổi nên cụ được Ngọc Hoàng ban cho nhiệm vụ bảo vệ, coi sóc các làng, bản và thay mặt Ngài để kiểm soát công, tội của người trần gian. Chính từ quan niệm này nên trong đời sống tinh thần, người Tày, Nùng rất tôn trọng việc phụng thờ Thổ Công. Khi trong gia đình có công việc tâm linh hoặc có thay đổi về nhân sự, nơi cư trú, đồng bào cũng phải thắp hương tại nhà và xuống miếu thờ Thổ Công đặt ở đầu bản để báo cáo với Ngài. Đặc biệt trong ngày Tết Nguyên đán, người Tày, Nùng cũng có nhiều lễ nghi gắn với tục thờ Ngài.

Thày Tào đang làm lễ an vị Thổ Công trong miếu

Người Tày, Nùng thường có hai hình thức thờ phụng Thổ Công là thờ phụng trong nhà và thờ tại miếu. Đối với việc thờ phụng các vị gia thần trong nhà, đồng bào Tày, Nùng cũng quan niệm, Thổ Công là một trong 3 vị gia thần thường trú tại các gia đình gồm: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Thổ Công là vị thần cai quản một vùng đất đai rộng lớn trong phạm vi làng bản, Thổ Địa là vị thần đất cai quản tại mảnh đất mà gia đình đang sinh sống và Thổ Kỳ là vị thần cai quản về tài lộc và bán mua (1). Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá” nên các gia đình, đặc biệt là những gia đình người Kinh thường thờ Thổ Công trên bàn thờ gia tiên. Bát hương thờ Thổ Công thường là bát hương to nhất, cao nhất và ở chính giữa bàn thờ. Đối với người Tày, Nùng, việc thờ Thổ Công ở nhà hay không thường được quyết định bởi quan niệm của từng dòng họ và từng gia đình. Như người Kinh, người Tày cũng đặt bát hương Thổ Công ở vị trí cao nhất trên bàn thờ, xung quanh là các bát hương gia tiên hoặc bát hương của những người thân trong gia đình chết trẻ. Với người Nùng, bát hương thờ Thổ Công thường đặt dưới bàn thờ Mẻ Nàng (Phật Quan Âm hoặc Cửu Vìn - Cửu Huyền). Tuy nhiên, một số gia đình lại cho rằng: Vía ông Thổ Công rất dữ nên không dám thờ trong nhà với gia tiên mà được đưa ra thờ ở ngoài cửa, ngoài vườn hoặc không thờ (nếu khu phố, làng bản đó đã có miếu). Hàng tháng, khi đến ngày mùng 1, 15 hoặc lễ, tết, đồng bào đều thắp hương, xin Thổ Công che chở và phù hộ nhiều điều may mắn.

Ngoài thờ Thổ Công tại nhà, người Tày, Nùng đa phần thờ Thổ Công tại miếu. Miếu thờ Thổ Công thường được đặt ở đầu hoặc cuối bản. Những ngôi miếu này được đồng bào gọi là Thó tỷ hoặc Tỷ làng ké. Ban đầu, các ngôi miếu này chỉ là những kiến trúc nhỏ với một mái tranh khoảng 4 đến 6m2. Nghĩa là không gian miếu chỉ đủ cho một người vào thắp hương. Sau này, các miếu dần được mở rộng và xây kiên cố như ngày nay. Đồng bào thường đến miếu Thổ Công để thắp hương những ngày rằm, mùng 1, các ngày lễ, tết hoặc khi gia đình có công việc tâm linh. Trong miếu Thổ Công thường chỉ có một bát hương. Tuy nhiên, nếu bản nào gần các sông, suối lớn thì trong miếu còn thờ thêm một bát hương của Long Vương (thủy thần).

Tết Nguyên đán (nèn cải) là Tết lớn nhất của người Tày, Nùng. Tết Nguyên đán là mốc đánh dấu kết thúc một năm lao động vất vả và khởi đầu cho một năm mới nhiều no ấm. Trước đây người Tày, Nùng ăn Tết Nguyên đán từ ngày mùng 1 tháng Giêng cho đến hết ngày mùng 7 (gắn với tục hạ cây nêu và hóa vàng). Ngày nay, do sự thay đổi của cuộc sống nên đồng bào cũng chỉ ăn Tết trong 3 ngày.

Những ngày Tết là thời gian để con người hoàn toàn nghỉ ngơi và nhớ về ơn đức của các bậc sinh thành, các vị tiền nhân đã có công khai mường lập bản và bảo hộ cho bản làng. Người Tày, Nùng quan niệm, cuộc sống trên trần gian được hạnh phúc, ấm no, bên cạnh sự cần cù, lao động thì còn có sự chi phối của các thế lực siêu nhiên. Trong các thế lực siêu nhiên đó, Thổ Công có vai trò đặc biệt vì Ngài là vị thần trực tiếp trông coi các gia đình trong địa bàn của Ngài quản lý. Do đó, Ngài là vị thần gần gũi và có quyền uy ban phúc, giáng họa trực tiếp nhất. Vì vậy trong những ngày Tết Nguyên đán, đồng bào cũng dành nhiều tục lệ để tôn thờ Thổ Công.

Tục thờ Thổ Công trong Tết Nguyên đán của đồng bào Tày, Nùng được bắt đầu từ sau ngày 20 tháng Chạp. Thời gian này, dân bản cử người lên miếu để sửa sang, quét dọn lại cho sạch sẽ và chắc chắn. Những bát hương trong miếu cũng được thay tro và lau rửa lại. Trước đây những ngôi miếu thờ Thổ Công thường chỉ được dựng sơ sài bằng cây và lớp cỏ tranh nên mỗi khi gặp mưa to, gió lớn, dân bản phải sửa sang hoặc thậm chí dựng mới. Ngày nay, những ngôi miếu đã được xây dựng bằng gạch ngói kiên cố nên việc dọn dẹp đã thuận tiện hơn.

Trong những ngày cuối cùng của năm, đặc biệt là ngày 30 tháng Chạp. Sau khi cúng gia tiên tại nhà, các gia đình trong bản lại rủ nhau đến miếu Thổ Công để thắp hương và dâng lễ vật để tạ ơn Thổ Công đã phù hộ, che chở cho gia đình trong năm qua được bình an, no ấm. Lễ vật dâng tại miếu Thổ Công thường là con gà luộc và hoa quả, bánh kẹo. Đây cũng là một dịp để người trong bản gặp nhau và mời nhau đến chơi nhà trong ngày Tết.

Lễ vật cúng Thổ Công của các gia đình

Khoảnh khắc Giao thừa giữa năm cũ và năm mới, người Tày, Nùng thường có tục đi lấy nước ở sông suối hoặc các mỏ nước, mạch nước đầu nguồn. Khi lấy nước, người ta thường cắm hương ở cạnh nguồn nước, xin phép các vị thần linh, sau đó hóa vàng rồi mới được lấy nước. Đồng bào quan niệm, nước mới cũng chính là tài lộc mà các vị thần linh ban cho người trần gian ngày đầu xuân. Nước này sau khi đem về sẽ được đổ vào chum vại rồi múc ra một phần đem đun sôi, pha trà để dâng lên tổ tiên. Đây là một nét đẹp trong ngày Tết Nguyên đán của người Tày, Nùng. Đó cũng là những biểu hiện cơ bản của tín ngưỡng thờ nước.

Ngoài tục đi lấy nước, người Tày, Nùng còn có tục đến miếu Thổ Công thắp hương và xin lộc lúc Giao thừa. Nếu lực lượng đi lấy nước là người trẻ thì việc đến miếu Thổ Công để thắp hương lại là người già trong nhà. Các cụ thường chỉ đem đến miếu Thổ Công một nắm hương để thắp. Trong làn khói hương thiêng liêng, các cụ sẽ gửi vào đó những lời cầu nguyện và ước mong với Thổ Công về một năm mới, một vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, thóc lúa đầy bồ, trâu bò, gà lợn đầy chuồng và con người luôn được bình an. Sau khi thắp hương xong, các cụ quay trở về để thực hiện thủ tục “xông đất”. Trong quãng đường từ miếu về đến nhà, các cụ sẽ vin một cành cây nho nhỏ có đủ thân, đủ lá và đặc biệt là phải có mầm mới nhú (gọi là “lộc”) đem về nhà để coi như đưa “lộc”, đưa sự may mắn vào nhà. Cành lộc này cũng chính là tín vật biểu thị sự đồng nhất giữa thế giới thực tại với thế giới tâm linh, giữa con người với các vị thần linh và là vật hiện thân thực tại của sự may mắn.

Ngoài tục đến miếu Thổ Công vào ngày cuối cùng của năm và thời khắc Giao thừa, người Tày, Nùng còn đến miếu Thổ Công vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán. Đây là kỳ lễ quan trọng nhất của tục thờ Thổ Công trong ngày Tết.

Theo lệ cũ, việc cúng tế tại miếu Thổ Công thường được diễn ra vào giờ Tý canh ba giao giữa ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán (khoảng 23 giờ đêm mùng 1 đến 1 giờ sáng mùng 2). Theo đồng bào thì đây là thời khắc linh thiêng nhất trong ngày, là thời gian quan Thổ Công bắt đầu “khai ấn” để bước vào một năm làm việc mới. Vì vậy, đi cúng lễ trong thời gian này sẽ được ban nhiều lộc, tài.

Lễ vật trong ngày mùng 2 Tết thường gồm gà luộc, bánh trái, hoa quả, tiền vàng, quần áo và 5 chén đựng rượu, 5 chén đựng trà. Sở dĩ lại cúng như vậy vì đồng bào quan niệm ngoài quan thổ công thì trong miếu còn thờ cả các vị thần phụ tá Ngài. Trong đó, con gà cúng thổ công luôn được các gia đình chọn lựa sao cho thật đẹp và quan trọng là phải thật to. Đồng bào quan niệm, gà càng to thì càng chứng tỏ gia đình trong năm qua làm ăn phát đạt và cũng để cầu một năm mới nhiều tài lộc hơn năm cũ. Với những bản có nhiều nhà thì gà to cũng là một tiêu chí để các gia đình thi thố tài năng của mình trong việc chăn nuôi sản xuất hoặc đơn giản tài năng nội trợ của các bà, các mẹ. Thông thường, gà cúng Thổ Công thường được đồng bào lựa chọn gà trống thiến. Người Tày, Nùng cho rằng, con gà mùng 2 Tết chỉ đơn thuần là sản vật để dâng thần linh chứ không mang ý nghĩa là vật hiến tế nên không nhất thiết phải là gà trống vì gà thiến bao giờ cũng béo, thịt mềm và thơm ngon hơn gà trống.

Người Tày, Nùng cũng có quan niệm ngày mùng 1 Tết Nguyên đán kiêng sát sinh. Tuy nhiên, sự kiêng kỵ đó chỉ quan trọng vào buổi sáng, qua 12 giờ trưa thì kiêng hay không tùy thuộc vào từng gia đình. Chính vì vậy, ngay từ chiều hoặc tối mùng 1, nhiều gia đình đã bắt đầu thịt gà và để sẵn đến giờ Tý luộc rồi đem ra miếu chứ không cần đợi đến giờ Tý mới bắt đầu thịt gà. Việc đi cúng tại miếu trước đây thường phải do người đàn ông trưởng gia đình thực hiện. Ngày nay, ai trong gia đình kể cả các bà các mẹ cũng đều có thể đến miếu cúng Thổ Công.

Khi đến miếu, các gia đình sẽ xếp mâm cúng của mình theo thứ tự từ trong ra ngoài theo trật tự gia đình nào đến trước thì xếp trước, gia đình nào đến sau thì xếp sau. Khi đem mâm lễ đến miếu, người ta sẽ đốt hương và thắp vào các bát hương trong miếu cũng như tại mâm lễ của gia đình mình. Sau đó tuần tự rót ba lần rượu, ba lần trà vào các chén rượu trên ban thờ của miếu và trên mâm mình trong lời khấn rì rầm. Kết thúc ba tuần rượu, trà thì người ta hóa vàng mã, xin lộc thánh về nhà và nhường lại không gian miếu cho các gia đình đến sau.

Trong sự mờ ảo, lung linh của khói nhang, đèn nến và sự âm u của núi rừng trong thời khắc giao ngày, những ngôi miếu hiện lên uy nghiêm và linh thiêng như một sự khởi đầu cho một năm mới nhiều điều may mắn, tốt lành. Trong dịp cúng lễ ấy, người ta không chỉ đến lễ bái thần linh mà còn là dịp để gặp nhau và chúc nhau những điều tốt lành. Nhiều gia đình sau khi cúng Thổ Công xong còn mời nhau vài chén rượu lộc thánh, vài miếng bánh, kẹo gọi là lấy may đầu năm hoặc lì xì cho những trẻ nhỏ đi theo bố, mẹ đến miếu lễ. Qua đó, tăng thêm tình đoàn kết giữa bà con lối xóm.

Ngày nay, tục lệ cúng Thổ Công tại miếu ngày mùng 2 Tết Nguyên đán vẫn được người Tày, Nùng trân trọng gìn giữ. Tuy nhiên, để đảm bảo về thời gian để con người nghỉ ngơi thì nhiều bản, làng đã không còn đến miếu cúng vào đêm mà thay vào đó, sáng hôm sau đến sớm để cúng. Mặc dù thời gian cúng có sự thay đổi nhưng đồng bào vẫn chung quan niệm là phải thực hiện xong lễ cúng Thổ Công trước 12 giờ trưa ngày mùng 2. Đồng bào quan niệm quá 12 giờ trưa ngày mùng 2, Thổ Công đã đóng ấn và cất sổ sách lại hết nên nếu để quá giờ này thì việc cúng bái sẽ trở nên vô ích.

Quan niệm kỳ lân là con vật linh vật mang đến nhiều sự may mắn, do vậy, đồng bào đã sáng tạo ra trò diễn múa kỳ lân (kỳ lằn/ sư tử mèo) rất đặc sắc. Các đội múa kỳ lân thường do trai tráng, thanh niên trong bản lập ra để múa phục vụ những ngày lễ tết và đặc biệt là ngày hội lồng tồng. Múa kỳ lân thường được diễn ra trong tiếng trống chiêng rộn rã. Những ngày đầu năm, được kỳ lân đến chúc tết là một điều vinh dự của gia đình. Con kỳ lân hiện nay được người Tày, Nùng gọi một cách gần gũi là sư tử mèo. Sư tử mèo ở vùng Tày, Nùng chủ yếu là sư tử mèo một người múa. Trò múa sư tử mèo cũng có sự gắn kết với tục thờ Thổ Công.

Sau ngày mồng 2 Tết, miếu Thổ Công sẽ vắng dần người qua lại và trở về không gian tĩnh mịch, thiêng liêng. Nhưng đến ngày bản mở hội lồng tồng, miếu sẽ lại mở cửa để đón những người con của bản làng đến xin phép bước vào vụ mới và cầu mong cho một vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Đến nay, mặc dù trải qua rất nhiều biến động của lịch sử và con người, những người Tày, Nùng vẫn trân trọng và gìn giữ miếu thờ Thổ Công cả ở giá trị vật chất cũng như tinh thần. Qua các thực hành nghi lễ ở miếu Thổ Công, qua những lễ nghi và bữa cơm cộng đồng, con cháu các thế hệ không chỉ được giáo dục về lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước mà còn được giáo dục về tinh thần đoàn kết dân tộc, giáo dục về bài học tình làng nghĩa xóm. Qua đó, tăng thêm tình yêu với quê hương, đất nước, tăng thêm tinh thần tự lực tự cường và tiếp tục nối dài truyền thống văn hóa của dân tộc.

----------------------------

(1) Theo cụ Nông Trung - thầy Tào dân tộc Nùng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn

Nguyễn Văn Bách

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy