Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:28 (GMT +7)

“Thiên hà cổ vật” của Phạm Xuân Hiếu - một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đặc sắc

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là thể loại văn học có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố khoa học, công nghệ với yếu tố hư cấu nghệ thuật, có thể dự báo một xã hội tương lai, có thể tạo ra sự thay đổi trong xã hội ở một ngày mai.

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về nguồn gốc vũ trụ, trái đất, loài người được xuất bản và phát hành ở Việt Nam chủ yếu của các tác giả nước ngoài, ví dụ như: “Tam Thể” của Lưu Từ Hân; “Bí kíp quá giang vào Ngân Hà” của Douglas Adams; “Xứ Cát” của Frank Hubert; “Kiến” của Bernard Werber v.v..

/tmp/phprJNMEb

Có rất ít tác phẩm của nhà văn Việt Nam tham gia vào thị trường sách tương đối đặc biệt này: “Ác quỷ rừng Phế Tích” của Nam Thanh; “Tới hệ mặt trời xa lạ của” Lê Toán… Hình như có rất ít nhà văn Việt Nam muốn “thử sức” với thể loại tiểu thuyết này, vì thế sự chiếm lĩnh thị trường của các tác giả, tác phẩm nước ngoài là một sự thật cần suy ngẫm và lý giải sâu hơn.

Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của tiểu thuyết “Thiên hà cổ vật” của Phạm Xuân Hiếu (NXB. Hội Nhà Văn, 2022) là một tín hiệu đáng mừng cho bộ phận tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn là người Việt.

Với một cốt truyện độc đáo, được gia tăng kịch tính bằng yếu tố huyền ảo - kinh dị, tác phẩm đã lôi cuốn bạn đọc bằng sự am hiểu sâu sắc về cổ vật; nghề sưu tầm buôn bán, chơi cổ vật. Đây là một lĩnh vực vốn không được giới thiệu trong các giáo trình đại học, các chuyên khảo về cổ vật trong Viện Khảo cổ. Nếu tác giả không có kinh nghiệm thực tế thì sẽ không thể viết được những trang văn sâu sắc, hấp dẫn đến thế.

Cốt truyện triển khai theo hành trình của nhân vật trung tâm Phong Điền thực hiện ước mơ phi thường: sưu tầm, mở bảo tàng triển lãm trưng bày hệ thống cổ vật từ thời tiền sử đến hiện đại của loài người, ở phạm vi thế giới. Trợ giúp cho nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng là một nhân vật đặc biệt - chuyên gia về cổ vật Thiên Định - người duy nhất có mầm gien vũ trụ, giao tiếp được với Thần Vũ trụ ở một nền văn minh khác, thực hiện thuyết “Gieo mầm” trên trái đất, cách hôm nay 4,5 tỉ năm.

Phán đoán khoa học làm “rạn vỡ” Tiến hóa luận của Đác-uyn

Thông qua hệ thống nhân vật có thể gọi là các kỳ nhân, những nhà sưu tầm, buôn bán, chơi đồ cổ tầm thế giới như Thiên Định, Phong Điền, Kì Vương Bá, Hổ Lửa, Hoài An, Cao Cường, Trương Hồ,… và đặc biệt là nhân vật Thần Vũ trụ - biểu tượng cho nền văn minh ngoài trái đất, tác phẩm đã đưa ra một phán đoán khoa học lớn đi ngược lại những tri thức khoa học đã tồn tại, phổ biến cho loài người.

Nội dung của Tiến hóa luận đã được giảng dạy, học tập trong nhà trường, nên chúng ta đều biết và thừa nhận, coi đó là một chân lí không thể bàn cãi. Nhưng với tác phẩm “Thiên hà cổ vật”, từ những hiện tượng xã hội đã xảy ra, đã hiện diện khắp thế giới, khoa học thông thường không thể lí giải được như:

- Thanh gươm trên 2000 năm của Việt Vương Câu Tiễn, khai quật năm 1965, trưng bày tại bảo tàng Hồ Bắc, có mạ lớp Crom hiện đại. Sau 2000 năm, năm 1937, nước Đức mới phát minh ra mạ Crom (trang 18).

- Ai làm ra Kim tự tháp Giza Ai Cập? Tượng đá khổng lồ trên đảo Phục Sinh ở Nam Thái Bình Dương? Ai vẽ bức tranh bách thú khổng lồ (500 km2) ở Pê-ru? Khi loài người lúc đó còn ở trình độ văn minh thô sơ, lạc hậu, chưa có tri thức, phương tiện để thực hiện được những công trình vĩ đại đó? (trang 29).

- Vũ trụ được tạo ra như thế nào? Tận cùng của vũ trụ ở đâu? Trong vô vàn hành tinh, tại sao lại có một số hành tinh có quỹ đạo liên quan mật thiết với nhau? (trang 101).

- Hai vùng bí hiểm nhất của địa cầu: Tam giác quỷ Bermuđa ở Tây Đại Tây Dương và Vùng im lặng (Silent Zone) ở Mê-xi-cô? (trang 109) v.v..

Với hàng loạt hiện tượng kỳ bí, không thể giải thích bằng khoa học truyền thống, nhà văn Phạm Xuân Hiếu, thông qua nhân vật Thần Vũ trụ đã đưa ra một phỏng đoán khoa học về nguồn gốc muôn loài trên trái đất này. Một phán đoán khoa học có phủ sắc màu huyền bí của khoa học tâm linh. Mới nghe thì khó tin, nhưng quả thực điểm lại lịch sử tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thế giới, những chuyện không thể tin được hôm nay lại là sự thật vào ngày mai? Các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Juyn Véc Nơ là minh chứng cho điều đó.

Vậy phỏng đoán khoa học trong “Thiên hà cổ vật”cụ thể là gì?

Trước hết tác phẩm bày tỏ sự hoài nghi học thuyết “Tiến hóa luận” của Đác-uyn:

- “Loài gì đã tiến hóa thành loài vượn? Để ba, bẩy triệu năm sau loài vượn tiến hóa thành loài người? Nếu theo học thuyết tiến hóa đó thì ba, bẩy triệu năm tới loài người ngày nay sẽ tiến hóa thành loài gì? Hình dáng, cuộc sống của họ sẽ ra sao? (…) chỉ là hình thức xấu đẹp bên ngoài” (trang 136 - 137).

Vậy thì muôn loài trên trái đất, trong đó có con người, từ đâu mà có? Thần Vũ trụ trả lời: “Thần đã tìm ra hành tinh xanh sơ khai có các yếu tố sinh tồn (…) Thần mở Nôi Đại Thiên Hồ Điệp gieo gần 30 triệu mầm sống muôn loài trên bề mặt hành tinh xanh hoang sơ. Đó là trái đất của loài người ngày nay (…) Thần có nhiệm vụ ngủ đông chờ muôn loài động thực vật trên trái đất phát triển theo chu kỳ định mệnh của đấng tạo hóa. Tính từ đó đến nay, thần đã ở trên trái đất được hơn 4,5 tỉ năm” (trang 126, 127).

Đằng sau thế giới nghệ thuật đậm sắc màu huyền ảo, một đặc trưng của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng - một mô hình tự sự cho phép trí tưởng tượng thỏa sức bay bổng, thậm chí phá vỡ tính logic thông thường, vươn tới tính siêu logic, một phỏng đoán khoa học là hạt nhân của thế giới nghệ thuật này. Ở thời điểm hiện tại, nhiều phát hiện khảo cổ học, thiên văn học trên phạm vi thế giới đã hé mở những nền văn minh có trình độ cao hơn chúng ta hôm nay từng xuất hiện trên trái đất, những tín hiệu của nền văn minh ngoài trái đất đã được phát hiện v.v. cho thấy phỏng đoán khoa học trong “Thiên hà cổ vật” đáng để lưu tâm và chờ đợi sự chứng minh, khẳng định trong tương lai. Tất nhiên, đấy là một phỏng đoán khoa học được gửi gắm trong các hình tượng nghệ thuật độc đáo - sản phẩm của hư cấu văn học.

Bức tranh xã hội Việt Nam ở một số thời điểm lịch sử đặc biệt

Có sự giao thoa đặc trưng thể loại giữa hai loại hình tiểu thuyết khác nhau trong “Thiên hà cổ vật”. Điều đó tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho tác phẩm này.

Nếu như phỏng đoán khoa học có tính viễn tưởng được thể hiện bằng phương pháp sáng tác hiện thực huyền ảo thì nhiều quãng đời đầy máu, nước mắt của Kỳ Vương Bá, Phong Điền, Thiên Định - những nhân vật chính của tác phẩm, lại được miêu tả bằng phương pháp sáng tác Hiện thực chủ nghĩa.

Sự giao thoa đặc trưng thể loại có phần khác lạ, không thuần nhất này hướng tới hai mục đích nghệ thuật khác nhau: Ba nhân vật tài danh trong giới sưu tầm, buôn bán cổ vật Việt Nam kể trên đều có xuất thân không may mắn, không bình lặng, gắn với những giai đoạn lịch sử đầy bão táp của đất nước. Nói một cách khác, cuộc đời của họ đã phản ánh những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc từ những chi tiết nghệ thuật đắt giá kể trên, tác giả tạo dựng, pha trộn những sắc màu thẩm mĩ hết sức trái ngược nhau trong một tác phẩm.

Với Kỳ Vương Bá, nhà sưu tầm, buôn bán cổ vật nổi danh thế giới, tuổi thơ của nhân vật này gắn với sự kiện cải cách ruộng đất, sắc thái bi kịch là gam màu chủ đạo của sự kiện này (trang 300 - 322).

Với nhân vật Thiên Định, chuyên gia thẩm định cổ vật nổi danh quốc tế, thời trai trẻ gắn với cuộc sống của viên chức ở giai đoạn Bao cấp, với sự đói khổ, phải đi buôn lậu, cùng với bao tình tiết bi hài, cười ra nước mắt (trang 163 - 202).

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Phong Điền lại gắn bó với giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ và những năm đầu giải phóng Miền Nam, cho đến thời kỳ Đổi mới của đất nước. Một chi tiết nghệ thuật lạ, hiếm hoi nhưng vẫn có thể xảy ra: Người lính Ngụy Sài Gòn trước khi chết đã nhờ anh lính Cách mạng (tức Phong Điền) mang hai kỷ vật về cho mẹ mình. Vì là người có tâm và luôn giữ chữ tín, Phong Điền đã vượt qua bao khó khăn để thực hiện di nguyện của người quá cố. Anh cũng không ngờ được hành động cao cả của mình đã mở ra cơ duyên với kho báu, cùng hành trình kỳ diệu sau đó của nhân vật này (trang 205 - 261).

Với sự đan xen những sắc màu thẩm mĩ khác lạ kể trên, “Thiên hà cổ vật” không chỉ là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thuần nhất như nhiều tác phẩm khác. Sự đan xen này đặt yếu tố kỳ ảo bên yếu tố hiện thực; những giấc mơ siêu thoát về nguồn gốc của loài người, của vạn vật song hành với số phận nhiều khi đầy máu, nước mắt của con người. Những cổ vật quý hiếm, đắt tiền hoặc đẹp đẽ hoặc kì dị nằm kề bên chuyện miếng cơm manh áo trần trụi, đời thường v.v..

Ước muốn và thành công của Phong Điền khi xây dựng, khai trương bảo tàng thế giới cổ vật độc nhất vô nhị trên thế giới, có đầy đủ các cổ vật từ thời tiền sử đến hôm nay lại mang một ý nghĩa “kép”. Đó là ý nghĩa vừa ngợi ca vừa phê phán.

Ý nghĩa ngợi ca dành cho một người Việt Nam, qua hình tượng Phong Điền, nhờ cơ may có tính thiên định mà giàu có, biết sử dụng đồng tiền ấy để mua cổ vật trên thế giới, xây dựng bảo tàng thế giới cổ vật, phục vụ cho những mục đích cao đẹp cho con người, vì vinh quang của đất nước và dân tộc mình. Bảo tàng cổ vật có một không hai trên thế giới đã tôn vinh dân tộc và đất nước mình.

Còn ý nghĩa phê phán kín đáo gửi gắm vào hành động đọc thần chú, nâng-hạ Nôi Thiên Hồ Điệp nhằm vạch trần “cuộc sống hai mặt” của loài người, của Thần Vũ trụ. Trong khi các vị khách mời tham dự khai trương Bảo tàng cuống quýt, xấu hổ vì bị lật tẩy con người thật của mình sau lớp “vỏ” ngụy trang thì Phong Điệp vẫn trốn thoát dù phải trốn vào trong nhà vệ sinh. Thì ra, ngay trước phép thuật của Thần Vũ trụ, con người với mưu sâu kế hiểm của mình vẫn có thể chiến thắng cả các vị thần.

Như vậy, “Thiên hà cổ vật”, trước hết, là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đặc sắc để lí giải nguồn gốc loài người, vạn vật bằng phương pháp sáng tác hiện thực huyền ảo, bằng một thế giới nghệ thuật đậm sắc màu tâm linh, qua đó, một giả thiết khoa học được đặt ra, đợi chờ sự kiểm chứng của khoa học trong tương lai.

Nhưng không chỉ có thế, những kiến thức sâu rộng về các loại cổ vật, về nghề sưu tầm, buôn bán, chơi cổ vật không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế, không chỉ là “chất liệu” để tạo dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật mà còn lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại có một tác phẩm phác họa về một “nghề độc đáo”, chưa có giáo trình đầy đủ về nó trong nhà trường, cũng chưa từng được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với tất cả những nét đặc sắc kể trên, “Thiên hà cổ vật” là một tác phẩm hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh, bổ sung vào danh mục các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn là người Việt Nam, góp một tiếng nói văn học mới lạ cho thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vốn kén người viết, người đọc trên thị trường sách Việt Nam hôm nay. Đặt ra một câu hỏi lớn và trả lời bằng một giả thuyết khoa học còn chờ kiểm chứng trong tương lai, tác phẩm đã khơi dậy trong tâm hồn độc giả tình yêu khoa học, đặc biệt là khoa học tâm linh, khát khao khám phá những bí ẩn của thế giới loài người, từ đó hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mĩ cao đẹp.

Nguyễn Đức Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy