Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
11:30 (GMT +7)

Thì thầm với dòng sông(*)

Tản văn. Nguyễn Phú

Tôi sinh ra bên một dòng sông lớn, sông Hồng. Nhà tôi có mấy thửa ruộng trên cánh bãi. Có lẽ những âm thanh từ sông đã thấm vào tôi khi tôi còn là một hài nhi trong bụng mẹ. Để rồi, sau này khi đã xa làng, đứng trước một con sông nào đó, hay mỗi khi được trở về với dòng sông năm cũ thì lòng bời bời nhịp vỗ sóng sông. Và trái tim lại khe khẽ kể... Sông ơi!...

Thuở thiếu thời, có những buổi chiều, tôi ngồi trước sông, thâu cái nhìn vào sóng, để không nghĩ gì cả. Ấy là khi trong nhà có chuyện không vui. Ấy là khi tôi gặp những điều rắc rối, phiền muộn ở trường. Ấy là khi tôi bắt đầu thấy nhớ một đôi mắt biếc. Lúc ấy, sóng êm lắm, dịu hiền và bao dung. Nhìn vào sóng, tôi thấy những bông cải vàng, cải trắng dâng lên, choán hết mặt sông. Hương cải thơm trong gió và có tiếng thì thầm, vỗ về vọng vào tim tôi. Mọi sự trong tôi dịu đi, lắng xuống đáy sông.

Tôi có một người anh họ, con cô con cậu, tên M. Anh trắng trẻo, thư sinh, anh tú khác hẳn những chàng trai đen đúa, vâm váp lực điền trong làng. Anh học giỏi có tiếng, thích làm thơ và mơ ước sau này trở thành thầy giáo văn chương. Anh có nhiều tập thơ, toàn thơ tình Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh... Ngày trước, nhà bác tôi có một chiếc xe mifa, chiếc xe này bác tôi phải đổi chiếc bình cổ của gia đình cho một ông sĩ quan cấp hàm đại tá. Bác quý cái xe lắm, nâng niu hơn cả chồng mới nâng niu yêu chiều vợ mới. Không đi đâu là bác lau chùi bóng lộn, rồi treo xe vào góc buồng. Các anh chị tôi không ai được động đến cái xe của bác, riêng anh M thì lại được bác cho đi, coi như của chung của hai bố con. Mọi người bảo vì anh M học giỏi, lại đẹp trai nhất nhà, không “chân đất mắt toét”, thô tháp, xù xì, học kém như những người con khác. Bác tự hào về anh nên chiều. Nhưng anh M thi đến lần thứ ba vẫn trượt Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh M buồn, bác tôi buồn, cả nhà bác buồn. Một hôm, bác rể tôi bảo anh M: “Học tài thi phận. Cố đến lần thứ ba rồi, vẫn hỏng. Thôi thì về bám đít trâu. Tao với mẹ mày không có tiền nuôi mày đi thi nữa đâu”. Người làng hay trêu anh là “Tú Xương làng Gạo”. Anh bỏ ngoài tai, ngày vẫn đi làm đồng, tối về vẫn miệt mài với sách và làm thơ tặng chị T, người con gái đẹp nhất làng Gạo.

Tôi hay ngồi với anh M bên bờ sông, những bài học vỡ lòng về tình yêu tôi được anh M dạy. Anh nói chuyện rất có duyên, vô cùng cuốn hút. Duyên từ khuôn miệng đầy đặn, đỏ hồng. Duyên ở nốt ruồi son gần khóe miệng như một cánh hoa khẽ rung rinh khi anh nói. Cuốn hút bởi chất giọng trầm ấm, rủ rỉ rù rì. Chỉ một sợi tóc, một ánh nhìn của chị T thôi mà anh có thể nói cả buổi chiều, còn tôi thì nuốt cả buổi chiều. Không rõ lời anh hay lời sông cứ làm tôi mê đi trong nôn nao hoa mộng. Rồi khi đêm về, giữa cơn mơ rì rào tiếng sông, tôi thấy mình là một con sóng trôi đi, trôi đi tìm mắt biếc.

Ảnh: Thu Huyền

Anh M yêu chị T, nhưng nhà bác tôi rất nghèo, lại những bảy người con. Khi tôi học lớp 10 thì ông giáo, bố chị T, gả chị cho một anh bên kia sông mới ở bên nước Nga về. Anh này là con người bạn của ông giáo. Hôm cưới chị, người ta rước dâu bằng ba con thuyền lớn. Xác hoa, xác pháo dập dờn trên sóng. Người làng đứng kín bờ sông xem đám rước. Dĩ nhiên, trong những người ấy không có tôi và anh M. Tôi đau xót cho anh, cho chàng lái đò trong áng thơ tình bất hủ: “Đồn rằng đám cưới cô to/ Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu.../ Con sông nó có đôi bờ/ Tôi chưa đỗ Trạng, thôi cô lại nhà”(1).

Chiều ấy, anh M đạp xe ra bờ sông. Anh xé tan những cuốn thơ làm tặng chị T. Giấy nổi trắng xóa trên sóng nước, rồi nghĩ khôn nghĩ dại thế nào anh quăng cả cái xe gia tài, gia bảo của cả nhà xuống lòng sông. Tháng Sáu mùa nước lên, sóng cuồn cuộn, không biết cái xe bị cuốn phăng trôi tận đâu. Hôm sau, mọi người hốt hoảng không thấy anh M. Bác rể tôi lồng lộn vì mất con mất của, còn bác gái ngất lên ngất xuống, cứ lúc nào tỉnh lại hờ khóc gọi tên anh. Cả họ nhao lên đi tìm anh M. Bác tôi còn thuê thợ lặn sục sạo cả một quãng sông dài suốt mấy ngày trời. Tôi không tin anh tôi nghĩ quẩn. Tôi lang thang dọc triền sông tìm anh M, bóng người nhòa đâu trong bóng sóng? Trên bãi còn vài vụn giấy lẫn vào cát, những con chữ nhoi nhói: “Mắt em tím mộng khung trời biếc....”, “Em đi gót ngọc ngàn hương tỏa/ Tóc gọi thu về cho nắng say...”, “Nếu em là một cây cầu/ Bờ anh ôm cả hai đầu nhớ thương”(2). Tôi thì thầm hỏi sông: “Tình yêu là gì mà khiến anh M nỡ bỏ cha mẹ, bỏ anh em, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà đi?”. Bao năm qua, câu hỏi ấy và cả những câu thơ còn sót lại của anh M vẫn găm vào tôi.

Nửa tháng sau ngày anh M mất tích thì có thư anh báo về. Anh cho biết đang ở một tỉnh phía Nam, anh không nói rõ địa chỉ nên cũng chả biết chỗ nào mà tìm. Mùa đông năm ấy, hoa cải vẫn nở, những cánh hoa căng mọng, dan díu, ôm ấp lấy nhau vàng miên mải trên cánh bãi, như không hề hay biết có một mối tình tan vỡ và một trái tim tan nát...

Rồi một ngày trái tim thanh xuân của tôi cũng đau nỗi đau của anh M. Mắt biếc im lặng và ban cho tôi ánh nhìn hững hờ, thương hại khi tôi bổi hổi, run run nói với nàng: “Tớ yêu cậu!”. Tôi lại ra sông ngồi, tôi nhớ anh M của tôi biết mấy. “Tại sao? Tại sao, sông ơi!”. Tôi muốn gào lên như thế, nhưng sông không trả lời, chỉ sóng thao thiết vỗ và gió thì thào những bí mật.

Những ngày u ám, buồn khổ vì sự biến mất của anh M vậy mà đã gần 30 năm. Cứ ngỡ rằng một cái chớp mắt thôi. Người đi vẫn biền biệt. Bác rể tôi mất anh không về, mà cũng chẳng biết anh chỗ nào để báo. Lúc sắp mất, bác vật vã lắm vì căn bệnh ung thư quái ác, mãi không đi được, nhiều người thì cho là vì chưa thấy mặt anh. Nhưng rồi bác cũng ra đi trong một ngày mưa buồn bã. Tám năm sau bác gái tôi đi theo chồng, cũng vật vã như thế, hôm ấy áp thấp nhiệt đới kéo về, lúa cuối tháng Bảy đã vàng rực, đổ rạp trên đồng.

Đến nay anh M vẫn biệt vô âm tín.

Một dạo về làng tôi có dò hỏi tin tức của anh từ mấy người từng đi làm ăn xa. Họ bảo dăm năm trước có gặp anh M bán thịt lợn tại cái chợ lớn gần một khu công nghiệp trong Bình Dương. Anh chọc tiết lợn, pha thịt nhoay nhoáy, nhanh như người ta mổ gà. Người làng hỏi, anh nhất định không chịu nhận ai. Nhưng cái nốt ruồi son bên khóe miệng tố cáo anh là kẻ vong quê, bạc bẽo. Tôi hỏi cái chợ ấy thì họ bảo sau một thời gian không thấy anh M bán thịt ở đấy nữa. Cũng từ bấy không ai còn nhìn thấy anh.

Nghĩ về các bác của tôi, nhiều lúc tôi giận anh lắm, cũng thương anh đến quặn lòng. Ngày mới học hết bậc phổ thông, tôi đã từng ước ao làm một nghề gì đó được đi thật nhiều, như nhà báo, thương gia, lái xe... chẳng hạn. Tôi muốn đi tìm anh, nhưng rồi ước nguyện không thành, tôi nhập ngũ, chả đi được mấy nơi. Rồi lại nghĩ còn nhân duyên thì anh sẽ tìm về, hết duyên thì suốt đời suốt kiếp cũng chỉ như “bóng chim tăm cá”, biết tìm đâu. Trong tôi, anh là một người kì quặc, một kẻ cực đoan tội tình.

Những lần về quê tôi hay đi dọc triền sông, tôi thường nhớ về anh M, về mối tình đau khổ của anh. Máu chảy ruột mềm. Có khi nước mắt tôi rớt xuống mặt sông. Xót xa. Lạnh buốt. Những tháng năm công tác trên miền núi, mỗi khi gặp một dòng sông, tôi đều chọn lấy một viên sỏi. Viên tôi đặt vào chậu cây cảnh, viên để trên giá sách, có viên làm chặn giấy. Đôi khi nhìn vào những viên sỏi, tôi thấy trong sâu thẳm những con sóng dợn và lời sông rì rào rất khẽ. Thật lạ, mọi rung ngân đều dẫn về câu chuyện của anh M...

Chiều nay, tôi lại sắp qua đò trên dòng sông cũ, bời bời những con sóng năm nào dội lại, tôi thì thầm với sông: “Sông ơi, bao giờ thì anh M về?”.

(*) Tên một bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến

(1) Thơ Nguyễn Bính

(2) Thơ Nguyễn Văn M

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước