Thì thầm với dòng sông
Dòng sông ngửa mặt đón cơn mưa cuối mùa. Hạt mỏng manh dùng dằng đi - ở. Hạt tinh nghịch tụ lại thành một khối tròn xoe căng mẩy, lấy đà nhảy chõm xuống mặt sông. Hạt lại đủng đỉnh dạo chơi, soi bóng mình giữa luênh loang sóng nước. Sông vỗ tay ì oạp, reo cười như trẻ thơ.
Này sông ơi, có nhớ thuở lên sáu, lên mười, sông với mình nô đùa cùng đám bạn. Chúng nhảy, xoay, lộn nhào trên không rồi lao “ùm” vào sông, làm nước văng tung toé. Chúng cười khanh khách, chẳng thèm xin lỗi sông. Chúng còn thách nhau, xem ai mới là người làm nước sông bắn lên cao nhất. Sông bực quá, rình lúc chúng ngụp lặn, tập bơi mà ngoáy mũi, cù léc cho chúng sặc chơi. Cũng có nhiều khi sông hóa thân thành cô gái mười tám, đôi mươi, ủ dột chìm sâu dưới hơi sương bảng lảng; ngẩn ngơ ngắm nhìn hoàng hôn tắt nắng, ngắm vạt hoa cải trổ vàng bên sông. Và vào những đêm sáng trăng, người con gái ấy như được ai đó thổ lộ lời yêu mà thổn thức bồi hồi, lao xao sóng nước.
Minh họa: Đào Tuấn
Ngoài những lúc nghịch ngợm như con trẻ, mộng mơ như thiếu nữ, sông lại tần tảo và bao dung như mẹ hiền. Ngày ngày sông lặng thầm bồi đắp phù sa cho bờ bãi, không quản mệt nhọc, chẳng tính công. Đêm đêm sông rủ rỉ kể chuyện, hát ru, chăm lo từng giấc ngủ. Mùa ấp trứng, sông thức trắng đêm canh gác. Mùa trứng nở, sông dang đôi tay rộng dài, ấm áp, ôm lấy các sinh linh nhỏ bé mà âu yếm, vỗ về. Bởi thế nên vừa mới chui ra khỏi vỏ, rùa và ba ba đã rời hang ổ trên bờ cát để lao ào vào vòng tay sông.
Sông còn nhớ hay đã quên, sông đã giận dữ cuộn trào khi đám “giặc quỷ” giấu áo quần của bà Năm, khiến bà phải hái lá khoai làm áo, kết tàu mon làm quần, vội vã chạy về nhà, chiếc bóng thẹn thùng rớt dọc bờ sông? Gặp chuyện bất bình sông chẳng ngó lơ, gặp người đói khổ sông dốc lòng giúp đỡ. Có cá cho cá, có tôm cho tôm. Từ trai, sò, ốc, hến, cua, rùa, ba ba đến phù sa, cát, sỏi,… sông chẳng tiếc dân ta thứ gì. Nhà mình cũng nhờ ơn sông mà mới qua được cơn bĩ cực. Những ngày tháng ấy đã hằn sâu trong tâm trí mình đến mức chỉ cần chạm mặt sông là ký ức lại ồ ạt ùa về…
Tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” mình gác lại việc học, tạm biệt thày cô và mái trường để theo mẹ đi làm cát sỏi. Cô thôn nữ rắn rỏi cùng người mẹ bé nhỏ, gầy gò ngày ngày ngâm mình trong nước sông. Có đoạn nước đến đùi, đoạn lại cao ngang ngực, cũng có đoạn nước ngập tới tận cằm, chỉ cần hơi cúi đầu là nước xộc ngay vào mũi, vào tai. Bàn chân mò mẫm dò tìm, cái xẻng cán dài miệt mài luồn qua từng hạt cát, hòn sỏi rồi bất thình lình nâng chúng lên, đổ ào vào cái sảo mắt thưa bên cạnh khi chúng hãy còn đang ngơ ngác.
Sỏi cát rào rào rơi xuống cái sàng lỗ nhỏ bên dưới, đá hộc mắc lại bên trên thì đem đi bỏ Mẹ khua tay đãi, cát theo nước trôi xuống thúng, sỏi ở lại trên rổ. Rồi mẹ đổ riêng mỗi loại vào một thúng, khéo léo đặt lên bè.
Một xẻng rồi hai xẻng, một thúng rồi hai thúng, quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại cho tới khi chiếc bè tre đạt đến giới hạn thì hai mẹ con mới rong bè vào bờ.
Sau đó, người nào người nấy dồn sức nhấc thúng sỏi đặt lên đầu, đội từng thúng đi đến điểm tập kết trên bến sông cách đó khoảng 50 mét, đổ thành đống gọn gàng. Cát thì ướt và nặng hơn nên hai mẹ con cùng khiêng một thúng. Trung bình mỗi ngày mình và mẹ đãi được một khối cát và một khối sỏi. Xe “công nông đầu ngang đầu dọc” hoặc xe tải sẽ đến bến thu mua. Chủ xe ưng cát sỏi của ai thì người đó xúc lên xe cho họ. Trừ “thuế bãi” 2.000đ/xe thì người bán không mất thêm chi phí gì. Giá cát thuở ấy dao động từ 18.000 – 20.000đ/khối, còn sỏi từ 25.000 – 30.000đ/khối tuỳ vào chất lượng.
Một tháng chăm chỉ làm việc là mỗi người mua được hai chỉ vàng. Nhưng để có được số tiền ấy, mẹ con mình và những người làm cát sỏi ngoài cơ thể mệt nhoài ra thì phải chịu đói, chịu rét, chịu đựng những cơn ngứa gặm nhấm da thịt vì ngâm mình quá lâu trong dòng nước nhiễm chất thải của nhà máy điện kế bên. Mẹ mình thậm chí còn lao lực đến nỗi bục cả dạ dày, thổ huyết ngay giữa lòng sông… Sông nhớ không? Khi ấy mình đã thốt lên đầy sợ hãi “mẹ ơi, mẹ làm sao thế” và sông đã ngay lập tức trấn an mình bằng cái vỗ vai thật dịu dàng rồi nhanh tay giúp mình đưa mẹ vào bờ…
Sông khẽ gật đầu, sóng gợn lăn tăn. Nhớ chứ. Sông nhớ hết thảy những gương mặt từng ngang qua đời sông. Nhớ cái vị mồ hôi mằn mặn của người dân quê lam lũ, nhớ ánh mắt lấp lánh rạng ngời mỗi lần họ bơi về từ bên kia sông, mang theo những bữa cơm no, đủ đầy rau thịt; mang tấm áo lành, mảnh chăn bông mới ủ ấm cha mẹ già; mang con chữ thắp sáng tương lai cho trẻ thơ. Sông thương những mảnh đời cần lao khuya sớm, thương những đứa trẻ thiếu thốn trăm bề. Còn mình thương sông đã oằn mình gánh chịu nhiều tổn thương nhưng lại vì quá bao dung mà bỏ qua tất cả lỗi lầm của những kẻ vô tâm, bội bạc. Sông nở nụ cười hiền, trìu mến nhìn mình, bảo: “Người mẹ nào cũng vậy. Dẫu con có thế nào thì cũng vẫn thương con”.
Tản văn. Hồ Điệp
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...