Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:01 (GMT +7)

Thêm một lần tái hiện ký ức

VNTN - Tái hiện quá khứ để thêm trân trọng hiện tại và tương lai, xác định rằng đó là nhiệm vụ quan trọng để giáo dục truyền thống, lịch sử nước nhà, từ định hướng đúng sẽ tạo nên hành động đúng cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó là những gì mà hoạt động trưng bày, trải nghiệm với chuyên đề “Sức mạnh truyền thống - Kiến tạo giá trị tương lai” do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nỗ lực phối hợp thực hiện trong gần một tháng qua.

Diễn ra từ ngày 26/11 cho đến hết ngày 29/12/2019, “Sức mạnh truyền thống - Kiến tạo giá trị tương lai” là hoạt động trưng bày, trải nghiệm hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019), 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019), do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (VHCDTVN) phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu I, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, cùng một số ngành liên quan tổ chức.

Với 3 nội dung chính gồm: Sức mạnh truyền thống; 75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam; 30 năm Quốc phòng toàn dân, có 8 cụm trưng bày theo từng chủ đề nhỏ với gần 1000 ảnh tư liệu, 36 hoạt động tái hiện lịch sử theo dòng thời gian, trải rộng trên diện tích gần 40.000m2 của Bảo tàng. Điểm khác biệt so với những hoạt động trải nghiệm trước đây mà Bảo tàng đã thực hiện, là đề cao cách làm việc theo nhóm; được thực tế “nhập vai” các nhân vật, diễn lại các cảnh huống xưa. Trong “một ngày theo thời gian”, học sinh được lật giở các trang lịch sử từ thời đại Vua Hùng đến nay.

Ở thời kỳ Hùng Vương dựng nước, các em được “diễn” lại “Hội nghị Bình Than”, vào vai Vua Hùng, Trần Quốc Tuấn; chèo thuyền nhử địch vào bãi cọc Bạch Đằng… Giai đoạn từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên (1858) đến Đại hội II tổ chức tại Tân Trào, Tuyên Quang, học sinh tập hợp đọc 10 lời thề danh dự, ăn cơm nắm chấm muối để thực hiện lời thề. Ở cụm trưng bày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 và Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…, các em được hòa trong dòng người đi cướp kho thóc Nhật; tái hiện cảnh vua Bảo Đại thoái vị và nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Tiến tới cuộc kháng chiến, kiến quốc (1946-1954), các em biết đến “hũ gạo cứu đói”, tham gia lớp bình dân học vụ; giải giáp Quân đội Nhật. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc là toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ở đây sẽ trải nghiệm cuốc đường tạo hố ngang, hố dọc; cùng kéo pháo vào trận địa, gánh dậu, thồ hàng; tái hiện chợ vùng cao, chợ kháng chiến.

Trong nội dung Hậu phương miền Bắc đồng lòng cùng tiền tuyến lớn miền Nam, các em được thực hành cáng thương, sơ cứu, băng bó vết thương, làm anh nuôi; sắm vai thanh niên xung phong đi mở đường san lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa; vót chông, giã gạo nuôi quân, nấu bếp Hoàng Cầm, huấn luyện chiến đấu trườn bò, ngắm bắn; quạt thóc, đan mũ rơm… tìm hiểu về Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, các “chiến sĩ nhí” được chỉ huy tác chiến, cắm cờ ở các mốc son lịch sử. Hòa vào dòng chảy khi đất nước đổi mới, kiến tạo tương lai, là những chuyến hành quân dã ngoại, chia sẻ tình cảm quân dân, tình đồng đội; được tìm hiểu văn hóa dân tộc, các tác hại của tệ nạn xã hội, thử sức làm công an phòng cháy chữa cháy…

Có thể nói, hoạt động trưng bày, trải nghiệm lần này có quy mô khá đồ sộ, với lượng người trực phục vụ gồm các cán bộ, tình nguyện viên Bảo tàng và lực lượng các đơn vị trực thuộc Quân khu I lên tới gần 200 người. Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu I cho biết: Những mô hình và mô phỏng tái hiện lịch sử được thiết kế đáp ứng sao cho tất cả các cháu đến đây đều được trải nghiệm. Ngoài phần trải nghiệm thực tế, chúng tôi cũng “số hóa” tất cả nội dung của các cụm trưng bày qua hình thức video, trình chiếu PowerPoint để bổ trợ thêm kiến thức cho các em. Xác định chương trình sẽ có sức lan tỏa lớn, đặc biệt những ngày cao điểm có thể lên tới 3000 - 4000 nghìn lượt người trải nghiệm, BTC đã liên hệ với các trường trên địa bàn để tận dụng tất cả các giáo viên lịch sử đến giúp kết nối, tiếp sức cho các nhân viên giáo dục trải nghiệm, tuyên truyền viên của Bảo tàng nhằm tránh tình trạng quá tải.

Vào vai nhân vật Trần Quốc Toản “tham gia” Hội nghị Bình Than, em Đoàn Tuấn Hưng (lớp 5 trường Tiểu học Đội Cấn) hào hứng: “Được diễn nhiều cảnh, có chỗ cần phải nhớ thoại nữa, em thấy vừa vui lại vừa hồi hộp. Mệt nhưng thích, cảm thấy vô cùng khâm phục Trần Quốc Toản vì dù tuổi nhỏ nhưng tinh thần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc rất anh dũng…

 

“Tham dự” thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh: Việt Hà

Em Phạm Thảo Nguyên, (trường THCS Chu Văn An) tỏ vẻ thích thú: “Được tham dự lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và đọc 10 lời thề danh dự của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, em biết 34 chiến sỹ của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở hoạt động phá kho thóc Nhật và nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, em cảm nhận được không khí ngày xưa, tuy gian khổ nhưng nhân dân ta hăng hái, năng nổ và rất đoàn kết. Còn việc giã gạo, sàng gạo em chỉ xem trên tivi và đọc trong sách, thỉnh thoảng cũng có nghe bà kể, giờ được tận tay làm luôn, mệt nhưng vui lắm ạ”.

Hoạt động lần này kéo dài hơn nhiều so với các lần trưng bày, trải nghiệm của Bảo tàng từ trước tới nay. Tính đến ngày 15/12, Bảo tàng đã thu hút gần 10.000 lượt học sinh, giáo viên, phụ huynh của các trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và các Lữ hành du lịch tham quan, trải nghiệm. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng VHCDTVN thì, do mỗi ngành đều có quản lý nhà nước của ngành đó, nên khâu phối hợp là khó nhất và mất nhiều thời gian hơn cả. Muốn tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh phải có sự đồng thuận của Phòng Giáo dục đến các trường, rồi phụ huynh, giáo viên… Bảo tàng kéo dài thời gian vì tính đến việc sau khai mạc khoảng 10 - 15 ngày các trường học mới sắp xếp được để đăng ký trải nghiệm. Là chương trình tích hợp giáo dục truyền thống, lịch sử và văn hóa, trong quá trình thực hiện chúng tôi phải đảm bảo công tác an toàn thực phẩm (phục vụ bữa ăn cho các em), an toàn trong quá trình trải nghiệm, phải chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho đủ số lượng của từng trại…, nên cũng chỉ nhận đăng ký mỗi ngày trung bình khoảng 1.000 - 1.200 người tham gia, nếu nhiều hơn sẽ gây sự lộn xộn, làm mất giá trị của hoạt động.

Để vận hành hệ thống trưng bày, trải nghiệm quy mô lớn, Bảo tàng đã phải tính đến 3 nhóm đối tượng là: trải nghiệm cả ngày, trải nghiệm trong thời hạn ngắn, và đặc biệt là nhóm đối tượng nhỏ tuổi (bậc tiểu học). Theo bà Ngân thì trước khi khai mạc, đơn vị đã có chương trình tập huấn dài hơi trong cả tuần liền để giúp đội ngũ cán bộ hiểu và hành động sao cho khoa học, hiệu quả. Hoạt động có sự mở rộng và thu hẹp quy mô cho mỗi nhóm đối tượng một cách linh hoạt. Kịch bản được thay đổi thậm chí chỉ trong vòng 15, 20 phút, đòi hỏi cán bộ bảo tàng cũng phải nhanh hết mức có thể. Dù cụ thể hay khái quát, ít nhất cũng phải giúp các em sau khi trải nghiệm sẽ “thẩm thấu” được một vài điểm nhấn lịch sử.

Là người duy trì và có tay nghề đan (bện) các sản phẩm bằng rơm, ông Nguyễn Lương Bằng (xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên) được Bảo tàng mời làm người hướng dẫn trải nghiệm đan mũ rơm. Ông Bằng bộc bạch: “Từ năm 2012 Bảo tàng đã tổ chức hoạt động văn hóa “Chiếc cày và người nông dân”, ôn lại tất cả cuộc sống nông dân từ cổ xưa đến bây giờ. Năm nay là trải nghiệm qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Những hoạt động tái hiện ký ức như thế này rất nên duy trì và phát triển liên tục; có trải nghiệm thì các cháu mới biết đến mũ rơm, biết quân dân ta trong chiến tranh gian khổ như nào, chứ sống trong thời bình, dạy/nói bằng sách vở cũng không hiểu hết được, không hình dung được rằng muốn ăn một hạt gạo phải xay, giã, giần, sàng… rất vất vả. Cứ phải thực tế thì mới thấm, mới hiểu được”.

 

Trải nghiệm giã gạo chuẩn bị lương thực cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Việt Hà

Ngoài phần trọng tâm trưng bày, tái hiện lịch sử, trong chuỗi hoạt động này còn có 2 đêm giao lưu thơ nhạc với chủ đề “Bài ca bên cánh võng” (14/12) và “Tổ quốc gọi tên mình” (26/12) được tổ chức, với sự phối hợp giữa các đơn vị thực thuộc Quân khu I và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Các tiết mục ca, múa, trình diễn thơ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đặc sắc, bám sát từng chủ đề, tập trung ca ngợi tinh thần quyết chiến quyết thắng, tình cảm quân dân gắn bó, hình tượng anh Bộ đội cụ Hồ; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu người lính trong kháng chiến; tinh thần sẵn sàng tiếp bước cha ông bảo vệ non sông gấm vóc…

Tái hiện quá khứ để thế hệ măng non được trải nghiệm là việc mà Bảo tàng VHCDTVN đã làm trong nhiều năm qua. Với tinh thần luôn đổi mới và sáng tạo, hoạt động thực sự mang đến những khám phá và cách lĩnh hội về các giá trị lịch sử rất đáng trân trọng. Như cô giáo Hoàng Thị Hiền Vũ, giáo viên môn Lịch sử trường Vùng cao Việt Bắc chia sẻ, thì những trải nghiệm ở đây thực sự bổ ích cho học sinh và cả công tác giảng dạy môn lịch sử; được tiếp nhận bằng mắt, bằng tay những giá trị mà ở trên bục giảng thường chỉ có thể hình dung, tôi tin học sinh sẽ yêu lịch sử hơn, tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc mình.

Kim Việt

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy