Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:41 (GMT +7)

Thế giới và tiếng kêu cứu của cổ vật

VNTN - Vụ cháy tòa Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng tinh thần vô giá và dấu ấn di sản đặc biệt sau gần 9 thế kỷ của nước Pháp vào ngày 15 tháng 4 vừa mới xong đã vô tình gợi lại cho cả thế giới về việc hàng loạt những công trình lịch sử - kiến trúc - văn hóa - nghệ thuật vô giá khác đã - đang phải chịu sự hủy phá một cách cực kỳ khủng khiếp trong vòng hơn mười năm qua. Mà trong số đó lại có rất nhiều những tác phẩm kiến trúc - văn hóa - nghệ thuật nổi tiếng trên toàn thế giới đã bị quân khủng bố tấn công, như: Thánh đường Nhà tiên tri Jonah; Tu viện Dair Mar Elia; Bảo tàng quốc gia Maldives, hay như khu đền Phật giáo Shwedagon Pagoda…

Nhà khảo cổ học Craig Childs (Mỹ) là một tiếng nói đi đầu trong phong trào kêu gọi đưa cổ vật trở lại chính quốc của chúng

Các tổ chức khủng bố ngang nhiên coi việc phá hủy những công trình vô giá, độc đáo nhất nhì trên thế giới này như là một “đòn đánh” biểu tượng vào những hệ tư tưởng đối nghịch với chúng. Nhưng còn với các loại cổ vật - những tác phẩm nghệ thuật vô giá thì sao?! Liệu chúng có bị tiêu hủy bởi bàn tay man rợ của quân khủng bố hay không?!

Không, trái ngược lại, quân khủng bố đã - đang ra sức tìm mọi cách có thể để thu thập các cổ vật nhằm mục đích có thể đem bán chúng trên thị trường chợ đen. Buôn lậu cổ vật hiện là một nguồn thu quan trọng đối với các tổ chức khủng bố. Theo một bức thư gửi Hội đồng Bảo an của ngài Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, lực lượng IS lúc cao điểm có thể kiếm được từ 150 - 200 triệu USD hằng năm nhờ việc bán các cổ vật mà chúng chiếm đoạt từ Iraq và Syria.

Quả thật tại khu vực Trung Đông, “điểm nóng” khủng bố của thế giới, không thiếu gì cổ vật và những công trình mang giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật đã - đang trong tình trạng “chảy máu” tới mức độ khủng khiếp chưa từng thấy. Vào năm 2015, phiến quân IS kiểm soát khoảng 4500 di chỉ khảo cổ học tại Syria và Iraq mà trong số đó có rất nhiều các địa danh vốn đã được UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới. Nay tuy IS đã bị đánh bại, tình hình an ninh vẫn còn bất ổn tại Syria và Iraq nên chính quyền hai nước này vẫn không thể nào kiểm soát được hiện tượng tuồn cổ vật ra nước ngoài.

Việc buôn lậu cổ vật không phải quá là khó khăn với quân khủng bố. Chúng cướp cổ vật từ các di chỉ, bảo tàng, hay nhà sưu tầm, rồi vận chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ nơi mà các nhà buôn đầu mối đã đợi sẵn. Số cổ vật này sau đó sẽ được phân chia ra mà bán ở mọi nơi, từ những cửa hàng ven đường phục vụ khách du lịch, đến các trang mạng như eBay và Amazon phổ biến toàn cầu. Một số ít còn tìm đường đến với những nhà bán đấu giá uy tín quốc tế, đơn cử như chiếc vòng cổ 4514 tuổi được Christie's đem ra bán đấu giá ở Luân Đôn. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá cổ vật sẽ đi theo nhiều đường khác nhau để cuối cùng chảy vào túi quân khủng bố.

Tổn hại mà các quốc gia phải gánh chịu về hiện tượng “chảy máu” cổ vật là vô kể. Trước hết là số tiền quân khủng bố thu được để duy trì hoạt động của chúng. Thứ hai là sự mất mát hoàn toàn của những tư liệu lịch sử - kiến trúc - văn hóa - nghệ thuật. Ngay trong cuộc sống hằng ngày, người dân Trung Đông vẫn duy trì một mối liên hệ sâu sắc với lịch sử của đất nước, tôn giáo mình. Nay thì các đất nước như Syria, Libya, Iraq… phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi rằng, liệu họ còn có một chút danh tính nào nữa không sau khi cuộc chiến kết thúc?!

Việc các tổ chức khủng bố buôn lậu cổ vật không có gì là mới. Đã từ lâu Al-Quaeda và Taliban coi cổ vật là một nguồn cung tài chính cực kỳ quan trọng với chúng. Năm 1999, FBI đã lật tẩy một đường dây buôn lậu cổ vật kiêm bình phong cho Al-Quaeda ở Mỹ. Các nhà điều tra tin rằng một phần lợi nhuận của đường dây này đã được sử dụng để tổ chức vụ tấn công ngày 11/9.

Đã có nhiều bộ luật quốc tế nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi những cổ vật bị khai quật hay cướp đoạt trái phép. Ví dụ như Hiệp ước Paris năm 1970 do UNESCO soạn thảo và được 90 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) tham gia ký kết. Tuy vậy, các nhà buôn và nhà sưu tầm cổ vật cá nhân thường xuyên bí mật phá những luật lệ này.

Việc mua bán cổ vật hiện dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào marketing và các cửa hàng trực tuyến trên mạng Internet. Liên minh châu Âu gần đây đã nói đến ý tưởng thành lập một tổ chức đầu tiên trên thế giới nhằm kiểm soát các hoạt động mua bán cổ vật trên mạng, nhưng từ bàn đàm phán đến hiện thực vẫn còn cả một quãng đường dài rất dài và đầy những trắc trở rủi ro.

Vấn đề nghiêm trọng đến mức ngay cả quân đội các nước Mỹ, Nga, Anh Quốc… đã phải vào cuộc truy lùng những mạng lưới buôn bán cổ vật của quân khủng bố. Tuy vậy, họ hoàn toàn thiếu kiến thức về lĩnh vực này, trong khi bọn khủng bố lại trở nên khôn ngoan hơn. Thường thì thì cổ vật sẽ được quân khủng bố giữ trong vòng ba, bốn năm và chuyển qua Jordan thay vì Thổ Nhĩ Kỳ để xóa hết dấu vết mà quân đội có thể lần theo.

Ngoài ra thì khi IS bị đánh bại, những phiến quân khủng bố còn sống bèn tách ra thành lập những nhóm nhỏ hơn. Bây giờ thì mỗi di tích lại nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm nhỏ những tên khủng bố. Kể cả nếu loại bỏ được một nhóm khủng bố thì vẫn còn hàng trăm nhóm khác đang buôn lậu cổ vật bằng bất cứ thủ đoạn nào.

Một hiện tượng khác mà các nhà quan sát nhận thấy là quân khủng bố vì thiếu nhân lực nên đã phải nhường việc buôn lậu cổ vật cho các đường dây độc lập, còn bản thân chúng chỉ đứng ngoài thu một khoản phí nhất định. Đây quả là một điều nguy hiểm, không chỉ vì nhiều đường dây trong số này đã có kinh nghiệm làm việc hàng chục năm, quá quen thuộc từng “đường đi nước bước” của lực lượng hành pháp, mà còn do đứng sau chúng là những thế lực quốc tế lắm tiền, lắm quyền. Tập đoàn Hobby Lobby (Mỹ) chuyên buôn bán các loại cổ vật cách đây hai năm đã bị phát hiện đứng sau một đường dây buôn lậu xuất phát từ Iraq. Hobby Lobby đã phải trả lại hàng nghìn món đồ cho chính phủ Iraq kèm khoản tiền phạt ba triệu USD.

Không chỉ có quân khủng bố hưởng lợi từ buôn lậu cổ vật. Ngoài hệ thống vận chuyển và bán lẻ mà chúng phải trả tiền hoa hồng, bọn khủng bố còn phải chịu những mức phí “cắt cổ” của ngân hàng. Các ngân hàng Thụy Sỹ đánh phí cho từng giao dịch ở mức rất cao để đổi lại sự bí mật hoàn toàn về thông tin tài khoản. Nhiều khi quân khủng bố chỉ nhận được 3/10 số tiền mà chúng bán được cổ vật sau khi thực hiện chuyển khoản. Đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hoàn toàn hiệu quả trong việc ngăn chặn dòng tiền buôn lậu cổ vật.

Cổ vật giả từ lâu đã là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia. Người mua hoặc là vì không biết, hoặc là vì tính khoe khoang nên sẵn sàng tặc lưỡi bỏ tiền mua phải cổ vật giả. Nay thì cả những tên khủng bố cũng tham gia thị trường chợ đen này khi không có cổ vật thật để bán.

Quả thật thì cổ vật giả ngày nay đều được chế tác công phu đến mức đánh lừa được cả các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới. Còn nhớ hồi năm 2006, bảo tàng Victoria và Albert ở Luân Đôn, Anh, đã tá hỏa khi phát hiện một số cổ vật được trưng bày là đồ giả. Nhà sưu tầm cá nhân sở hữu những món đồ giả này mua chúng từ một nhà buôn Trung Đông có quan hệ với nhiều tổ chức khủng bố.

Để loại trừ thị trường chợ đen buôn bán cổ vật, trước hết phải tìm cách ngăn cản được người mua, tức các nhà sưu tầm cá nhân. Ngoài hệ thống luật pháp, trên thế giới phong trào tăng cường nhận thức về việc đưa cổ vật trở về tổ quốc đang càng ngày nhận được nhiều sự chú ý. Trong thời kỳ thuộc địa, các nhà khảo cổ học châu Âu đã đưa vô số cổ vật về với chính quốc của nó.

Một chiếc bình cổ nhỏ như trên cũng có thể đem lại nguồn thu đáng kể cho quân khủng bố

Thái độ thiếu tôn trọng với quyền sở hữu cổ vật của các quốc gia vì thế mà được những nhà sưu tầm thừa hưởng. Nếu loại trừ được thái độ này và khuyến khích không chỉ nhà sưu tầm cá nhân mà cả bảo tàng đưa cổ vật trở lại tổ quốc, chúng ta sẽ giáng một đòn mạnh vào thị trường chợ đen và qua đó là các tổ chức khủng bố.

Phong trào đưa cổ vật trở về chính chủ (đất nước) đại diện cho một hướng đi đúng để giải quyết vấn đề, đó là kết hợp giữa giáo dục và phương tiện truyền thông nhằm tạo nhận thức mới về buôn lậu cổ vật. Người dân trước hết phải hiểu rằng việc mua cổ vật có nguồn gốc từ quân khủng bố không phải để bảo vệ lịch sử, mà thậm chí còn khuyến khích sự tàn phá lịch sử - kiến trúc - văn hóa - nghệ thuật.

Tiếp theo là phải hướng dẫn cho người mua biết một số dấu hiện để nhận ra món hàng của mình là đồ buôn lậu. Một món đồ cổ hợp pháp luôn đi kèm theo hàng loạt những loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc đi kèm. Do vậy, người mua chúng nên tìm đến những chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm để kiểm chứng những giấy tờ này trước khi mua bất kỳ món đồ cổ nào.

Đã - đang, càng ngày có nhiều người Việt Nam tỏ ra ham thích với việc sưu tầm cổ vật. Một số cá nhân giàu có thậm chí còn ra tận nước ngoài để săn lùng đồ cổ. Trong bối cảnh này, Việt Nam, với tư cách là một nước kí kết Hiệp ước Paris năm 1970 như đã nói ở trên, không chỉ nên xây dựng khung pháp lý phòng chống buôn lậu cổ vật mà còn phải hình thành chiến lược tuyên truyền, giáo dục người dân về vấn đề này.

Lê Vũ (Tổng hợp từ báo nước ngoài)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy