Thầy Quý
Truyện ngắn. Y Nguyên
1. Phía trên theo đường chim bay, cách nhà tôi năm sáu nóc nhà là trường. Ngôi trường nhỏ giữa xóm có một dãy dài phòng học cấp 4. Phòng thấp lè tè, xây đâu từ thế kỉ trước nên giờ rêu phong cũ kĩ. Ấy là ấn tượng của tôi khi đã lớn - được đi nhiều nơi, biết tới nhiều ngôi trường mới xây to đẹp, khang trang - chứ ấn tượng ngày nhỏ vậy đã là to lắm. Ở nhà tôi được giao nhiệm vụ “chăn” thằng Út. Hai chị em cách có 3 tuổi nhưng nó to con, đã vậy lại còn hiếu động, luôn tay luôn chân banh xả, phá phách không ngơi. Cản nó ư, đừng mơ; Út ỷ to con, ỷ con út được mẹ cưng nên ăn hiếp luôn cả bà chị thấp bé nhẹ cân là tôi. Chơi chung với Út suốt từ sáng đến trưa tôi cứ phải luôn chân luôn tay vừa “dọn dẹp hậu quả” vừa nài nỉ dỗ Út đừng phá phách hoặc banh xả ra thêm. Vậy mà tới lúc chị Hai đi làm về vẫn bị mắng sấp mặt. Ở nhà chỉ có giữ em, chơi với em mà cũng không nên. Ai đâu rảnh dọn dẹp cho chúng mày banh xả? Cái lí “hai đứa chơi chung, chuyện xảy ra lỗi tại đứa lớn” đã khiến tôi không ít lần bị hàm oan. Tức! Vậy thôi, không thèm ở nhà nữa, chịu khó dắt thằng Út lên trường chơi cho lành. Út không chịu đi, mè nheo đòi cõng. Thì cõng! Ai chứng kiến cảnh con chị lặc lè cõng thằng em chân dài quét đất vừa đi vừa thở cũng chép miệng cảm thương. Thầy cô, bác bảo vệ chắc còn thương hơn nên hai chị em lui cui chơi trước sân trường hay có lúc bạo gan dám đánh đu đu lủng lẳng lên cửa sổ “dự giờ”, thầy cô cũng không đuổi. Có một ông thầy đặc biệt, cứ thấy hai đứa chơi là đứng nhìn chăm chăm, cái nhìn đầy “thiện chí”. Thi thoảng gặp ánh mắt ngạc nhiên nghi ngại của hai chị em thầy lại nhoẻn cười. Nụ cười trìu mến như vỗ về, trấn an. Trong nụ cười ấy, tôi đọc ra thông điệp thầy muốn gửi tới chúng tôi: các bé cứ vui chơi thoải mái nha, thầy không mắng các em đâu…
“Ông thầy đặc biệt” ấy chính là thầy Quý.
2. Nói tới thầy Quý, té ra mấy anh chị lớn trong xóm có đi học đều biết. Thái độ chung: yêu mến. Vậy chắc thầy hiền? Hổng phải; ở đó mà hiền. Ổng nghiêm lắm, cựa là véo tai, anh Năm kêu. Vậy anh có sợ thầy không? Sợ chớ sao không; mà thương…
Vì sao thương thì anh Năm không nói rõ. Nhưng tôi biết chắc một điều: anh Năm mà đã thương thì thầy Quý chắc chắn… đặc biệt. Học hành giỏi giang như anh Tú, anh Tân bên hàng xóm hoặc ít ra cũng được kha khá như chị Ba ở nhà, thì yêu mến một ông thầy nghiêm khắc là chuyện có thể hiểu ra. Đằng này anh Năm tôi thuộc loại “dốt có số má”, nghe nói đi học bị thầy Quý véo tai thường xuyên. Trời sinh mấy đứa học dốt đâu có đứa nào yêu mến nổi thầy cô; đặc biệt lại là những thầy cô nghiêm khắc? Nghĩ vậy thôi chớ cho kẹo còn chưa dám hỏi. Anh Năm mà biết tôi chê anh dốt là ăn… bợp tai chắc cú, không chỉ véo thôi đâu! Kệ đi; dù vì lí do gì, thầy Quý cũng đã “ghi điểm” trong lòng tôi từ những nụ cười trìu mến đầu tiên. Tôi ước ao mai mốt đi học lên trên sẽ được làm học trò thầy Quý. Ước vậy thôi chứ mọi chuyện hãy còn xa lắm. Tôi mới học sinh tiểu học còn thầy Quý là giáo viên cấp 2 (Trung học cơ sở). Ai biết tới lúc tôi lên cấp liệu thầy Quý có còn dạy hay đã chuyển đi? Anh Năm trêu: học dở như mày mà đòi gặp thầy Quý; coi chừng ổng véo sứt lỗ tai... Lần đầu tiên tôi gân cổ trả treo: tai anh… chưa sứt mà em sợ gì? Á à, con này láo! Tai tao sao mà sứt? Thì em nghe anh Tú nói anh học dốt, bị thầy véo tai... À, ra cái thằng Tú. Mày… được lắm, hừ hừ... anh Năm tức tối gầm gừ nhưng đã “xuống thang” không dám gây với tôi thêm. Biết thừa; anh sợ tiếng lại lời qua lỡ tôi ngứa miệng khai thêm vài thành tích “hay ho” ở trường của anh (cũng do anh Tú kể) thì nguy! Ba tôi hung lắm; ông mà biết được chuyện anh Năm “phạm pháp” là anh ăn roi ngay, không phải chỉ véo tai “gãi ngứa” như thầy Quý ở trường…
3. Cầu được ước thấy, lên cấp 2, lớp 7 tôi bắt đầu được học thầy Quý.
Giờ mới té ra thầy dạy Toán, môn học tôi “ám ảnh” nhất do cái thành tích dốt toán từ những năm lớp dưới. Công bằng, không phải tôi dốt đều tất tật mọi môn như anh Năm. Mấy bộ môn xã hội như Văn, Sử… tôi học kể vào loại khá. Vậy nhưng cứ đụng vào môn Toán là tôi… đau não, lùng bùng loay hoay như gà mắc tóc! Tôi thù môn toán, cái môn mà tôi đoán chắc các nhà giáo dục đã mắc sai lầm khủng khiếp khi chọn đưa vào nhà trường. Hay ho gì đâu - việc cứ phải cộng trừ nhân chia những con số vô hồn vô bổ? Ghét môn toán; ghét luôn cả mấy thầy cô dạy toán. 5 năm tiểu học cộng thêm 1 năm lớp 6 tôi luôn vụng trộm nuôi nấng trong lòng một ước mơ to bự: giá như nhà trường đừng có môn toán; hoặc giá như một sáng đẹp trời mấy thầy mấy cô dạy toán bỗng dưng… biến mất thì đời đúng tươi! Chị Ba kêu: mày ngu, không học toán rồi ra chợ mua đồ sao biết tính tiền? Tôi cãi phăng: mẹ có học toán ngày nào đâu sao đi chợ vẫn biết tính? Chị Ba đuối lí ấp úng: nhưng… nhưng... Không nhưng nhị gì hết, thừa thắng tôi xông lên, nếu chỉ để đi chợ tính tiền thì học cộng với trừ không đủ rồi, thêm nhân chia làm chi? Lại còn thêm phân số số thập phân hình vuông hình tròn hình… méo đủ thứ lung tung này nọ; loay hoay đau cái đầu, chán hơn… con gián! Chị Ba bỏ chạy, xua xua tay: thôi thôi, thua cái miệng của mày rồi; để mai mốt học lên gặp thầy Quý ổng “trị” cho mày biết tởn…
Lại thầy Quý. Gặp thì gặp, làm gì dữ!
***
Linh tính của tôi không sai: tiết đầu tiên được học thầy Quý đã lập tức thấy… ưa. Không phải ưa môn toán mà ưa cái cách thầy giao tiếp với học trò: hài hước dễ thương và rất… nhộn. Đúng như lời các anh chị nói, thầy không hề dễ tính: cũng uốn nắn đứa này, trừng phạt đứa kia, nhắc nhở đứa nọ. Vậy nhưng, cung cách uốn nắn hay trừng phạt của thầy có khác hơn so với các thầy cô khác. Không bao giờ thấy bóng dáng giận dữ hoặc ghét bỏ nơi thầy mà luôn đầy bao dung. Còn nữa; thêm một chút hoạt kê giúp nhẹ bớt tính nghiêm trọng của sự việc, khiến đối tượng “chấp hành án” đôi khi cũng… bật cười theo. Đương nhiên “ghét bỏ” sao được vị “quan tòa” rất mực dễ thương kia. À, giờ thì tôi hiểu: vì đâu anh Năm học dốt, hay bị thầy Quý nhéo tai mà vẫn cứ thương! Điều tôi không hiểu nổi chính ở chỗ: sao người dễ thương như thầy Quý lại đi chọn dạy một môn cực kì “khó thương” như môn Toán?? Nào; lớp mình bạn nào dốt Toán, “sợ” Toán giơ tay lên tôi coi? Đương nhiên tôi là đứa giơ tay đầu tiên. Một, hai, ba, bốn, năm... Những mười em. Chà, “hội sợ toán” lớp ta coi bộ “đông vui” dữ! (cười rần). Được; có tôi đây, từ nay các em “đừng thèm sợ” nó nữa. Thầy trò ta liên minh, xúm “oánh” cho nó biết sợ. Mình không sợ nó đương nhiên nó phải… sợ mình, các em nghe chưa?
Cả lớp cười hi hi ha ha. Chưa biết thầy sẽ “oánh” môn toán cách nào nhưng đúng là tôi có… bớt sợ hơn chút ít. Thầy Quý có thói quen hay nói như đùa nhưng lũ nhỏ tin chắc đằng sau là sự thật. Riêng tôi càng tin hơn. Niềm tin vô thức đến tự nhiên kể từ lần đầu tiên tôi gặp thầy Quý - ngày còn dắt thằng Út chơi lê la trước sân trường…
4. Cách dạy toán của thầy Quý đúng là độc nhất vô nhị!
Vẫn cung cách hoạt kê vui nhộn cố hữu của thầy; nhưng không ai có thể tưởng tượng cung cách ấy lại đem áp dụng được vào một môn học đầy nghiêm túc, khô khan như môn toán. Lần đầu tiên tôi cười nổi trong giờ toán. Mà không; không chỉ riêng tôi; cả lớp cùng cười. Các em coi: giờ thầy trò ta túm đầu mấy ông này, đem nhét vô đây; xong kéo ông này ra, đội lên cho ổng cái mũ. Rồi đem ông này trừ ra, cho thêm ổng... Một bài toán biến đổi đa thức với hàng lô hàng lốc những chữ số khô khan vô hồn qua diễn tả của thầy Quý bỗng trở nên hồn vía, chuyển động lung linh hệt đời sống thực đang diễn ra trước mắt học sinh. Đương nhiên là dễ nuốt, dễ tiêu hơn kiểu giảng bài thuần lí khô khan. Tôi có thói quen cứ tới giờ toán thầy giảng là gằm mặt, không dám ngó lên do sợ bị… thầy gọi lên bảng. Đôi khi “tình huống khẩn cấp” tôi còn chui đại xuống gầm bàn, loay hoay làm bộ kiếm bút thước gì đó chờ cho “qua ải”. Khổ; lần đó quen mui mới chui bò lom khom tôi đã bị cộc vào đầu ai một phát đau điếng. Dòm lại té ra… thầy Quý! Thầy cũng đang chống tay bò đối diện tôi. Nào, em rớt cái gì để thầy kiếm giúp… Miệng nói nhưng mắt thầy chăm chú nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh biết cười khiến mặt tôi đỏ lựng!
Tôi bỏ cái tật “dòm đất” với “chui gầm bàn” từ bữa ấy.
Biết “hội sợ toán” hổng kiến thức nặng, ngoài giờ học trên lớp, thầy “túm đầu hết mấy ông bà trong hội” (ngôn ngữ của thầy) bắt tới nhà thầy phụ đạo thêm. Thầy ơi, tụi em không có tiền nộp,… thằng Thức láu cá tính lí do lí trấu cho qua. Thầy Quý trợn mắt: ai kêu mấy ông bà nộp tiền? Tới tui chỉ võ cho mà “oánh” toán. Nếu không, lên lớp bị nó “oánh” đừng có trách! Mà nè, nhà tui ổi với mận nhiều lắm; cả vườn đó nha... Trời đất, vụ này thì không cứ gì phải “hội viên”; mấy đứa ngoài hội nghe cũng mắt sáng trưng, nhao nhao xin theo. Không; ổi với mận nhà tui tiêm thuốc chữa bệnh “sợ toán”; ai không sợ ăn vào biến thành… yêu quái đó, đừng ham! Thầy Quý nhành mồm, lè lưỡi “minh họa” trông rất ớn khiến đám sâu mận sâu ổi không dốt toán biết rõ mười mươi thầy đùa mà tự dưng cũng đâm run! Lớp phụ đạo nhà thầy Quý khai giảng mười đứa đủ mười không thiếu một tên. Không phải học toán lớp 7 mà là toán… lớp 6, lớp 5. Có đứa tệ hơn thầy còn phải dạy lại cả toán lớp 4, lớp 3. Vẫn kiểu dạy túm đầu ông này nhét vô chỗ kia và vân vân. Toán học đồng hành cùng ổi, mận chấm muối ớt, đồng hành cùng với những trận cười vui cứ ít “đáng ghét” dần cho tới lúc cả “hội sợ toán” ngớ người chợt nhận ra: tự lúc nào mà những con số đã không vô hồn còn có chút… dễ thương. Mà đã dễ thương thì đâu cần phải “oánh”? Bầu bạn với nhau được rồi…
Cuối năm lớp 9 tôi thi chuyển cấp môn toán được điểm khá; một thành tích mà cả trong mơ tôi cũng không dám ngờ tới. Trước kia điểm toán của tôi chỉ toàn gậy với ngỗng; lên lớp được toàn nhờ các môn học khá cứu thua. Giờ thì chào nha, thời “đen tối” khi xưa. Đương nhiên từ lâu tôi đã quên béng cái ước mơ khùng khùng giá nhà trường đừng có môn toán! Ghét thầy cô dạy toán lại càng không; bằng chứng là tôi yêu thầy Quý đến thế kia mà?
5. Xong ba năm Cao đẳng Sư phạm tôi ra trường, đi làm cô giáo. Đương nhiên không phải dạy môn toán của thầy Quý mà là dạy… văn! Lấy chồng xóm núi. Xin chuyển công tác theo chồng về nơi ngôi trường vùng cao heo hút xa quê. Túp nhà nhỏ, xinh. Đứa con đầu lòng. Những lo toan công việc + gia đình choán hết thời gian của người mẹ trẻ, cô giáo trẻ. Cuộc đời tưởng sẽ trôi đi như khúc sông qua làng luôn chảy xuôi êm ả. Nhưng không; ghềnh thác đang chờ phía trước. Chồng sinh tật xấu, đem lòng thương người khác. Hụt hẫng. Lần đầu tiên tôi nếm cảm giác bị phản bội, tự dưng thấy chán ghét, căm thù đàn ông. Con Thu kêu, mày có về họp lớp không. Tao không. Vui vẻ gì mà họp với hành? Bạn bè nhắc mày miết. Thầy Quý cũng nhắc. Ủa, thầy Quý nhớ tao á? Nhớ chớ sao không? Nghe mày lận đận chồng con thầy cám cảnh lắm. Thầy nói muốn gặp mày... Gì? Thầy Quý còn nhớ tôi? Lại còn muốn gặp tôi? Tôi, con nhỏ môn toán gần đứng bét lớp, chìm ngúm sau lưng đám bạn bè giỏi giang. Lại nữa; từ đó đến nay đã lâu lắc lâu lơ. Quý thầy ngày còn đi học là chuyện của riêng tôi - chứ thầy dạy dỗ bao nhiêu năm, học trò đông đen sao nhớ tôi nổi? Thầy nhắn mày không về họp lớp được thì lúc nào về quê gọi điện cho thầy. Số máy của thầy nè: 098xxx…
Lần lựa mãi rồi tôi cũng bấm số.
N. hả em, thầy Quý đây. Ủa, sao thầy biết số của em? Thì mấy đứa nhỏ nó cho, thầy lưu. Em về quê chưa? Dạ chưa; em định gọi cho thầy hỏi thăm sức khỏe; khi nào về em báo thầy sau. Ừ, phải vậy chớ, thầy cám ơn em. Hôm nào em về thầy trò mình đi uống cà phê. Thầy có vài chuyện muốn hỏi thăm. Dạ, em biết rồi…
Tôi có về quê
Anh Năm nghe tôi định cà phê cà pháo cùng thầy Quý đã trợn mắt: mày biết ổng đang dính vụ gì không? Vụ gì, tôi lớ ngớ. Ổng trai gái lùm xùm bê bối, có đơn kiện gửi tận cơ quan. Mày giờ cùng ổng ra quán ngồi coi chừng vợ ổng xé xác…
Tôi choáng váng.
Hỡi ơi, thầy Quý - người thầy mà hằng bao nhiêu năm tôi kính yêu, thần tượng - hóa ra là vậy? Chẳng lẽ đàn ông trên thế gian này đều… như vậy hay sao? Cảm giác từa tựa sụp đổ. Nhưng, không hiểu sao, từ sâu thẳm trong tôi cứ có tiếng nói vô hình vọng lên. Nhỏ nhẹ, thầm thì nhưng cương quyết không buông: không, thầy Quý không phải người như vậy; dứt khoát không phải người như vậy…
Tôi “trốn” hẹn cà phê với thầy; nhưng quyết tâm tìm hiểu thực hư bằng cách năm sau về họp lớp.
Mọi chuyện hóa ra chỉ là vu cáo. Cơ quan chức năng điều tra, kết luận thầy Quý bị oan. Người gieo tin dữ đương nhiên phải trả giá; nhưng thầy Quý cũng đã “lên bờ xuống ruộng”. Oái oăm, chuyện lại diễn ra khi thầy đã ở cuối độ tuổi “tri thiên mệnh”, chuẩn bị về hưu! Tôi về họp lớp thấy thầy gầy rộc đi, tiều tụy hơn nhiều so với ảnh chụp bạn bè gửi cho coi. Chỉ có điều; kiểu đi đứng nói năng của thầy hầu như không thay đổi, vẫn tỉnh bơ, hài hước và tếu táo như không có tai ương nào thầy vừa phải hứng chịu. Gặp lại tôi thầy mừng, gọi tôi là con gái. Trò chuyện riêng, hóa ra thầy biết hết mọi chuyện về tôi. Thầy bảo, trước thầy muốn gặp chỉ để nói tôi nghe một câu: nhân bất phong ba vị lão tài. Thầy bảo: đời người cũng hệt đời sông; không có dòng sông nào phẳng lặng trôi xuôi một lèo về biển lớn đâu em. Thác ghềnh buộc phải có; nhưng hãy học cách đừng sợ ghềnh thác. Mình không sợ nó tất nhiên nó phải sợ mình… Thầy Quý của tôi là vậy đó.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...