Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:47 (GMT +7)

Thay đổi nhận thức văn hóa trước biến đổi khí hậu

VNTN - Nước là nguồn gốc của sự sống, nước tạo nên những con suối, dòng sông, tạo nên một phần tâm hồn của con người, của tình yêu làng xóm, quê hương và Tổ quốc. Hàng nghìn đời nay, thế hệ này truyền sang thế hệ khác qua lời ru, tiếng hát, qua ca dao, tục ngữ tạo nên văn hoá dân tộc.

Cánh đồng Đồng bằng sông Cửu Long vụ đông xuân 2015 - 2016        Nguồn: TTXVN

Văn hoá sông Hằng cũng là văn hoá Ấn Độ - một trong năm nền văn hoá nhân loại: sông Hoàng Hà, Dương Tử tạo nên văn hoá Trung Hoa. Sông Nin và Ơrơphát cho nhân loại biết đến Trung Đông và dân tộc Do Thái. Con sông Đông nổi tiếng nhờ Sôlokhov với Sông Đông êm đềm. Sông Tiền Đường, một con sông bé nhỏ ở tận đẩu đâu bên Trung Quốc bỗng trở nên gần gũi với người Việt Nam "ấy là mồ hồng nhan" của Truyện Kiều, nơi vùi lấp cuộc đời hồng nhan bạc mệnh của người em gái Việt Nam qua thiên tài Nguyễn Du. Sông Đuống, một nhánh nhỏ của Hồng Hà bỗng trở nên linh thiêng và day dứt hồn người qua Hoàng Cầm với  Bên kia Sông Đuống:

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về bên kia sông Đuống,

Ngày xưa cát trắng phẳng lì.

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc.

Nguồn nước, dòng sông, con suối đã sống và tạo nên nhận thức văn hoá cho con người Việt Nam.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

*

Uống nước nhớ nguồn

*

Ai đi muôn dặm non sông

Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy.

Từ ngàn xưa sông nước là vô tận, nhiều và vĩnh viễn như "nghĩa mẹ", như tình yêu đôi lứa của những đôi trai gái nặng nghĩa, nặng tình với nhau. Dù có "tam tứ núi cũng trèo - Ngũ lục sông cũng lội. Thất bát vạn đèo cũng qua".

Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước đó với đây 

                                                       mới hết tình.

Nghĩa là nước sông Rum (sông có nước màu xanh lục - sông Lam) không bao giờ cạn như núi Hồng Lĩnh (Ngàn Hống) thì có hết cây bao giờ như tình yêu vậy. Cũng như lòng biết ơn các thế hệ cha ông đã cho ta cuộc sống này "Uống nước nhớ nguồn".

 Để nói lên sự nhiều và vô tận của nước, người ta đã đúc rút thành những câu thành ngữ như: Nước sông công lính, hoặc Năm mới người ta chúc nhau: Tiền vào như nước sông Đà.

Thậm chí người ta có quan niệm nước lã là thứ nhiều vô tận mà trời đất cho không loài người, không có chút giá trị nào cả:

Máu người không phải là nước lã.

**

*

Nhưng hoá ra nước không phải là vô tận, và còn quý giá biết bao.

Thế hệ người Việt Nam hôm nay đang phải chứng kiến một sự thật kinh hoàng. Với sự hủy hoại của con người, tàn phá môi trường, triệt hạ cây xanh, đào phá khai thác bừa bãi khoáng sản, xả rác và chất thải vô tội vạ… dẫn đến sự cạn kiệt sức sống của thiên nhiên và tác động ghê gớm đến văn hóa. Trái đất vốn là "Ba phần tư nước mắt, trôi như giọt lệ giữa không gian" (Xuân Diệu), vốn bé bỏng lắm, nằm trong tỉ tỉ giải ngân hà đang quằn quại trong cơn hấp hối. Việt Nam là đất nước ven biển, sông nhiều, suối nhiều nhưng ít ai biết là chỉ có 3% nước là nước ngọt - phục vụ trực tiếp cho cuộc sống con người. 97% là nước biển. Và trong số 3% nước ấy chỉ có 1/3 là ở các nguồn nước (sông, suối, ao, hồ, đầm, phá) nằm trên lãnh thổ Việt Nam, còn lại 2/3 là từ nước ngoài đổ vào (sông Hồng, sông Cửu Long là từ Trung Quốc). Trong quá trình phát triển kinh tế, để đạt được tỷ lệ tăng trưởng, chúng ta đã không trù tính và dự báo được hậu quả của việc phá hoại môi trường và biến đổi khí hậu (thực ra cũng là do con người gây nên). El Nino đang tác động trực tiếp vào Việt Nam. Hạn hán kéo dài ở Nam Bộ và Tây Nguyên hàng tháng nay đã lên đến mức báo động. 25 tỉnh thành đang vật vã trong cơn hạn hán. 18 tỉnh thành ở mức độ nghiêm trọng, với 2,3 triệu người thiếu nước và đói ăn. Nhà nước ta đã phải cầu cứu quốc tế ủng hộ đến 48,5 triệu USD và đã phải cứu đói lên đến hàng chục tấn gạo. Mặt khác, phải thấy là con người sử dụng nước vô tội vạ chỉ vì để tăng trưởng kinh tế. Để làm ra sản phẩm: 1kg gạo phải sử dụng đến 4.500 lít nước; 1 tá trứng gà (vịt) hết 10.000 lít nước; 1kg thịt lợn, trâu bò hết 30.000 lít nước; 1 tấn than hết từ 3-5m3 nước; 1 tấn thép hết 150m3 nước, 1 tấn gang hết 2.000m3 nước…

Cá chết ở kênh Nhiêu Lộc           Nguồn: baomoi.com

Con người đã tàn phá nước như vậy đấy. Cạn kiệt nguồn nước, sông, suối đang chết dần và khuất dần vào lịch sử. Theo nó là văn hoá, thơ ca, nhạc hoạ cũng chết theo. Chẳng bao lâu nữa "Quê hương tôi có con sông xanh biếc. Nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh). "Qua nửa đời phiêu bạt. Con lại về úp mặt vào sông quê. Ôi! Con sông dạt dào như lòng mẹ. Chở che con qua chớp bể mưa nguồn" (nhạc Nguyễn Trọng Tạo - thơ Lê Huy Mậu). Những câu hát Chiều sông Thương (An Thuyên) da diết trong lòng người:

Dùng dằng câu quan họ

Nở tím bờ sông Thương

Nước vẫn chảy đôi dòng

Chiều uốn cong lưỡi hái...

Rồi sẽ chìm ngập trong rác rưởi, túi nilon, xác chết súc vật và nước thải của hàng trăm làng nghề, lò gốm sứ, bãi khai thác cát, bãi đào khoáng sản... của 5 tỉnh lưu vực sông Cầu và sông Thương mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tỉnh này đang đặt trong tình trạng báo động, như lời ru của mẹ tôi cho tôi lớn lên từ ngày thơ ấu sẽ cạn dần trong tôi, khi ru con, ru cháu:

Đến đây hỏi khách tương phùng

Con chim chi một cánh (buồm) dạo cùng nước non?

Và nhận thức văn hoá sẽ phải thay đổi trước biến đổi khí hậu đang diễn ra. Ngay lúc này, dù muộn còn hơn không.

Cúc Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy