Thay đổi ngày Tết Dân tộc, có nên không?
VNTN - Hiện nay rất nhiều người đang có xu hướng thay đổi ngày Tết dân tộc. Tác giả Phạm Mạnh Hà trên Tuổi Trẻ Online cập nhật ngày 20-1-2017 trong bài “Gộp Tết ta với giỗ Tổ Hùng Vương: Tại sao không?” viết: “Xem xét mọi mặt, về tính dân tộc, về văn hóa, về thời tiết, về thời điểm... thì tất cả đều hội tụ đủ các yếu tố để ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày tết đúng nghĩa cổ truyền của dân tộc ta, lại khắc phục được những nhược điểm của Tết âm lịch hiện nay”.
Là một người yêu văn hóa Việt xin có đôi lời trao đổi với tác giả.
Tết là những ngày “nông nhàn” của người nông dân Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về “văn hóa” như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Đã từ khá lâu chúng ta thường nâng tầm quan trọng của Tết Âm lịch. Nhưng thực ra từ ngàn xưa Tết chỉ là khoảng thời gian người nông dân Việt Nam được nghỉ ngơi sau một mùa vụ cực nhọc. Tết thực chất chỉ là sinh hoạt bình thường của người nông dân Việt Nam, “nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”: Làm xong mùa vụ cực nhọc thì phải nghỉ ngơi. Trong khoản thời gian đó, người nông dân Việt sẽ hưởng thụ thành quả lao động của mình, để lấy sức cho một mùa vụ mới.
Người nông dân vào dịp “nông nhàn” vẫn lao động thủ công nghiệp hoặc buôn bán để kiếm tiền tiêu Tết. Nguồn: internet.
“Tháng giêng là tháng ăn chơi” chỉ là thiểu số còn đa số nông dân Việt Nam luôn “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” để tiếp tục mùa vụ mới. Bởi đa số nông dân Việt Nam xưa kia không có một “mảnh đất cắm dùi”, phải đi làm thuê, làm mướn, đi ở đợ cho địa chủ. Thậm chí, ngày “nông nhàn”, một bộ phận nông dân Việt Nam còn biến mình thành người buôn bán ở chợ, thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các chợ làng, làng nghề thủ công, thậm chí có chợ chỉ họp vào ngày Tết như Phiên chợ Thiều (Thanh Hóa), Chợ đình Bích La (Quảng Trị), Chợ Gò (Bình Định)...
Như vậy, đừng lấy quan điểm của người thành thị để đánh giá người nông thôn. Rằng, phải xóa, gộp Tết. Vì cấu trúc văn hóa truyền thống của người Việt là làng và tuyệt đại đa số dân số nước ta từ xưa đến nay là nông dân (trước Cách mạng Tháng Tám, người nông dân Việt Nam chiếm đến 95%). Họ phải chịu sự bóc lột của giới địa chủ trong mùa vụ nên khoản thời gian “nông nhàn” chính là lúc họ có cơ hội nghỉ ngơi, lấy lại sức, và sau đó tiếp tục phận làm thuê làm mướn. Ăn Tết của người nông dân xưa thiếu thốn lắm chứ không phải sung sướng gì. Là củ khoai, củ sắn, củ hà đến thơm ngon nhất là bát cơm trắng với muối trắng (khi xưa nhà nước độc quyền về muối) nhưng vẫn là niềm vui vì không phải “ăn cơm đứng” của giới địa chủ. Bởi thế, nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước” đã viết:
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...”
Chúng ta đừng nên coi Tết Âm lịch là một cái gì to tát lắm mà hãy coi đó là những ngày “nông nhàn” của người nông dân Việt Nam thì sẽ dễ đồng cảm. Nếu đứng góc độ người nông dân, chúng ta cũng cần có thời gian đủ dài để nghỉ ngơi vì công việc đồng áng rất cực nhọc. Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam tuy có tiến bộ vượt bậc và Việt Nam là nước đứng tốp đầu xuất khẩu gạo của thế giới nhưng không phải vì thế mà người nông dân không còn vất vả. Thậm chí, họ còn phải vất vả hơn bởi đất nông nghiệp đang bị thu hẹp vì tốc độ đô thị hóa và bị các yếu tố cạnh tranh thị trường chi phối.
Thêm nữa, hiện nay một bộ phận không nhỏ người nông thôn, lên đến hàng triệu người, đã lên thành phố làm việc, sinh sống nhưng họ vẫn muốn về nhà đoàn tụ gia đình. Vậy khoản thời gian phù hợp nhất là khi nào? Đó chính là Tết Âm lịch.
Lúc đó, người ở nhà đang nghỉ ngơi sau vụ mùa nên người làm ăn xa quê về cũng có thể chung vui được. Giả sử nếu nghỉ Tết Âm lịch trong vụ mùa theo ý kiến “gộp” Tết thì người làm ăn xa quê về cũng không thể gặp gỡ được người thân mình để tâm sự “hết lòng hết dạ” về những ngày tháng đã qua chứ đừng nói chuyện ăn chơi. Vì những người thân họ sẽ “đầu tắt mặt tối” để làm lụng việc đồng áng. Người nông dân Việt Nam có đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, khi chơi ra chơi, khi làm ra làm. Cho nên sẽ không có chuyện vào vụ mùa mà họ vẫn ăn chơi nên ý kiến gộp Tết là không phù hợp với thực tiễn.
Cũng phải thừa nhận, với sự phát triển kinh tế thị trường thì hiện nay đã xuất hiện một bộ phận người giàu trong xã hội. Với họ, ngày nào cũng có thể là Tết vì họ quá đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Nên Tết đến Xuân về có lẽ họ mất đi cảm giác mong mỏi một cái Tết sung túc, đoàn viên của người làm nông xưa. Bởi vậy họ thường ra nước ngoài dịp này để đi du lịch hoặc quan hệ với các đối tác để sinh lợi nhuận. Điều này là một thực tế phải chấp nhận của nền kinh tế thị trường vì đây chính là những đầu tàu kéo kinh tế đất nước hội nhập thế giới. Tuy nhiên, đại đa số người dân Việt Nam với thu nhập còn khó khăn luôn mong có một khoản thời gian đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là Tết Âm lịch. Bởi vậy, việc đòi xóa, gộp Tết có thể coi là ý kiến của một bộ phận nhỏ của xã hội Việt Nam hiện nay. Một số người có quyền “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng không thể bắt ép những người còn lại với hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn mà theo được.
Tết Âm lịch Việt Nam đã kế thừa nền văn hóa thời Hùng Vương
Có một thời người Việt nhà nhà đốt pháo ngày Tết, đây là một nét “lai căng” văn hóa Trung Quốc. Bởi thế chúng ta bỏ, thậm chí ra hẳn điều luật để cấm người dân đốt pháo. Như vậy, Tết Âm lịch nước ta hiện nay không phải là Tết Trung Quốc được du nhập qua “con đường đô hộ” như một số ý kiến. Bởi việc nhà nhà đốt pháo để xua con Niên thú là không phù hợp với Việt Nam vì nước ta không hiện tồn một truyền thuyết nào về con Niên thú này. Chúng ta bỏ việc nhà nhà đốt pháo ngày Tết chứng tỏ được bản lĩnh văn hóa của Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới.
Người nông dân luôn phải “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trong đêm” để tiếp tục mùa vụ mới.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ăn trầu cau, nấu bánh chưng, bánh dầy là ba nét đẹp văn hóa thời Hùng Vương hiện nay vẫn còn trong ngày Tết Âm lịch. Trải qua hàng ngàn năm, những nét đẹp văn hóa đó đã khiến Tết Âm lịch của nước ta trở thành cái Tết truyền thống của Dân tộc với tinh thần “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy”, không trộn lẫn vào bất cứ nền văn hóa nào.
Giỗ Tổ Hùng Vương chính là đỉnh cao tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt nên chúng ta cần giữ gìn. Tuy nhiên, sau “Tháng giêng là tháng ăn chơi” (thực chất là nghỉ “nông nhàn”) thì người nông dân Việt Nam lại bắt đầu vào vụ mùa mới. Không thể đang làm việc cật lực mà bắt người nông dân Việt Nam phải nghỉ và ăn “Tết Hùng Vương” như tác giả Phạm Mạnh Hà viết được. Vì giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong “thời tiết thanh minh nắng ấm, là thời điểm thay đổi thời tiết tích cực nhất trong năm” như tác giả Phạm Mạnh Hà viết cũng là thời điểm mùa vụ, tốt cho việc sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Và người nông dân Việt Nam có đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, khi chơi ra chơi, khi làm ra làm quyết không bao giờ rời cuốc cày để tham gia Lễ Tết trong thời gian này
Nguyễn Văn Toàn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...