Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:29 (GMT +7)

Tháng Bảy về

Tháng Bảy, nắng đã bớt chói chang. Lác đác những chùm hoa phượng cuối mùa còn sót trên cây cũng dần phai sắc rồi nhẹ nhàng rơi vào thinh không. Bằng lăng nhuộm tím mỗi con đường, ngõ phố, gợi nỗi niềm man mác, nhớ nhung. Tháng Bảy, mùa thi vừa khép lại với bao buồn vui, lo lắng. Dòng lưu bút còn thơm màu mực, cánh phượng hồng ép trong trang sổ vẫn vẹn nguyện rưng rưng xúc cảm ngày chia tay. Các cô cậu học trò cuối cấp chuẩn bị hành trang bước vào một chặng đường mới của cuộc đời.

                                    1-1690442901.jpg
Đoàn viên thanh niên chỉnh trang, sơn sửa khuôn viên Nghĩa trang Liệt sỹ. Ảnh: Đ.T

Tháng Bảy, vụ chiêm cũng vừa thu hoạch xong. Mùi rơm rạ, mùi thóc mới bịn rịn, vương vất từ đường làng qua ngõ vào sân nhà. Vị ấm no thơm từng bát cơm trắng dẻo. Cuộc sống nhà nông tuy vất vả mà ấm áp tình thân thương. Cánh đồng quê hương không ngày ngơi nghỉ, lại bắt đầu cho mùa gieo cấy mới. Tiếng máy cày, máy bừa xình xịch, rộn ràng. Bà con lại í ới gọi nhau cấy đổi công. Chẳng mấy bữa, màu xanh non lá mạ mơn mởn đã phủ kín các thửa ruộng. Bao vất vả, nhọc nhằn, nắng nôi sớm tối, chân tay dính mùi bùn đất được gột rửa bằng những cơn mưa tưới mát cánh đồng, hứa hẹn mùa nối mùa bội thu.

Dọc theo dải đất hình chữ S, từ đồng bằng lên miền núi, từ Nam ra Bắc, tháng Bảy, nghĩa trang liệt sĩ khắp nơi đều thơm hương tưởng nhớ, ngát thơm nghĩa tình tri ân lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Biết bao xương máu, biết bao mất mát, đau thương mới có thể đổi lấy sự bình yên ngày hôm nay. Ta không tránh khỏi bùi ngùi, se sắt khi đứng trước bạt ngàn những tấm bia mộ ghi danh và cả những tấm bia mộ không một dòng địa chỉ ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 hay bất cứ một nghĩa trang liệt sĩ nào trên đất nước. “Dòng tên anh khắc vào đá núi”, khắc vào triệu triệu trái tim người dân đất Việt. Tuổi trẻ của các anh, tình yêu của các anh gửi trọn tình yêu Tổ quốc. Tôi như nghe thấy đâu đây âm vang, khí thế hào hùng của những con người làm nên lịch sử, những thanh niên tuổi mười chín, đôi mươi: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại đã mấy chục năm nhưng nỗi đau mãi còn dai dẳng. Hàng triệu liệt sĩ đã ngã xuống và trong số đó, biết bao liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Biết bao người mẹ, người vợ vẫn ngày đêm mỏi mòn ngóng đợi. Còn nỗi đau nào hơn? Còn mất mát, đau thương nào hơn thế? Trường Sơn đại ngàn che chở, nâng giấc các anh. Có phải các anh đã hóa thân vào cỏ cây biên giới, vào làn mây trắng phía cuối trời?

Xóm nhỏ nơi tôi sinh sống có hai người phụ nữ là vợ liệt sĩ. Chồng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ khi tuổi đời của cả hai vợ chồng đều còn rất trẻ. Có người vợ lúc đó đang mang thai đứa con trong bụng, con được sinh ra không biết mặt bố. Cả hai người mẹ ở vậy thờ chồng, nuôi con suốt quãng đời còn lại. Điều làm tôi cũng như bao người ngậm ngùi, đồng cảm hơn là cả hai liệt sĩ đến giờ đều chưa tìm thấy hài cốt, chưa biết các anh nằm nơi nào trên cánh rừng Trường Sơn những năm khói lửa. Tôi thầm nghĩ: Còn biết bao gia đình như thế nữa? Còn biết bao nhiêu bà mẹ, người vợ, đứa con tìm kiếm, hi vọng, mong chờ dù chỉ còn là nắm xương nhỏ tan trong đất của người thân. Ta nhói lòng trước những ngôi mộ gió, cảm nhận sâu sắc sự hi sinh, mất mát quá lớn của các bậc tiền nhân.

Những người lính ấy vẫn nói chuyện, vẫn hát cho nhau nghe ở hai thế giới âm - dương cách biệt. Người may mắn trở về thì gửi lại chiến trường một phần cơ thể, người mang trong mình thương tật, di chứng da cam. Nỗi đau âm thầm, dai dẳng không ngòi bút nào kể xiết, không thể nói thành lời. Cái giá của hòa bình phải đánh đổi bởi biết bao xương máu. Ta càng thấu cảm cha ông ta đã kiên cường chiến đấu, kiên quyết giữ từng tấc đất, bảo vệ non sông tươi đẹp của chúng ta như thế nào.

Tháng Bảy, những ngọn nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ lấp lánh hoa đăng, lung linh trôi trên dòng sông như hàng ngàn trái tim thắm đỏ trọn lòng vì dân, vì nước. Các cấp, các ngành, mỗi cá nhân đã thể hiện sự tri ân bằng những việc làm cụ thể, những món quà với người có công được duy trì hàng năm. Đó là truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam bao đời nay. Truyền thống ấy được thế hệ sau nối tiếp kế thừa, giữ gìn, phát huy.

Thiết nghĩ, tri ân bao nhiêu cũng chưa đủ. Tình cảm, tấm lòng biết ơn đó không chỉ thể hiện qua lời nói, việc làm mà hơn thế, mỗi người phải sống sao cho xứng đáng với những hi sinh cao cả của thế hệ cha anh để chúng ta có cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay.

Tháng Bảy về như lời nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo lí: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Tháng Bảy chan chứa nỗi niềm bâng khuâng, xa xót. Tháng Bảy trầm hùng, da diết nhớ thương. Tôi thêm yêu, thêm tự hào là người con nước Việt, tự hào truyền thống bất khuất, kiên cường, anh dũng của dân tộc Việt Nam. Xin được thắp nén tâm nhang, cúi đầu tưởng nhớ các ANH HÙNG LIỆT SĨ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Giếng nguồn

Văn xuôi 3 ngày trước

Ứớc mơ tuyết phủ

Văn xuôi 6 ngày trước

Mía

Văn xuôi 1 tuần trước

Hà Nội - trái tim hồng

Văn xuôi 1 tuần trước

Bình dị Hà Nội

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm tản văn của Mai Đình

Văn xuôi 3 tuần trước