Thắm
VNTN - 1. Em ngủ đi, anh về đây!
Nhìn Hải khoác áo vào người, Thắm rất muốn níu giữ, nhưng đành thở dài quay mặt vào tường. Nửa đêm, hơi nóng đã dịu bớt, những đống rơm ngoài cánh đồng phả khói ngột ngạt vào làng suốt từ chiều đã cháy hết. Cửa sổ mở toang để ánh trăng chảy loang vào căn buồng nhỏ. Cái nóng bức của đêm tháng năm ngăn cản cuộc yêu trọn vẹn. Bây giờ trời dịu bớt thì Hải lại phải về. Lúc này, người vợ mắc bệnh thần kinh của Hải hay tỉnh giấc đi lang thang. Thấy Thắm quay mặt vào tường không đáp, Hải ghé xuống vỗ nhẹ vào lưng cô “Cố gắng ngủ đi. Mai anh mua cho em cái quạt hơi nước. Nóng quá!”.
Lắng nghe tiếng xe nổ máy xa dần, Thắm trút một tiếng thở dài nặng nề. Cô thương Hải. Mò mẫm trên đường giờ này một thân một mình, có khi về đến nhà lại không ngủ được vì canh chừng bà vợ. Thỉnh thoảng Hải ở lại với mẹ con cô nhưng cũng chỉ được đến nửa đêm là anh lại trở dậy, lặn lội về nhà. Thắm biết ơn Hải, không phải chỉ là lòng biết ơn của giống cái được yêu, đó là lòng biết ơn của người được dựa dẫm, dù chỉ là những dựa dẫm tinh thần.
Không thể ngủ được nữa, Thắm ngồi dậy, búi lại mớ tóc vẫn còn dày dặn và đen nhánh. Hải thích cầm mớ tóc phủ lên mặt mình, hít hà hương thơm của sả, lá bưởi, cỏ mần trầu. “Nó làm anh nhớ thời be bé, hay nằm nghịch tóc của u”. Chiều Hải, bận mấy Thắm cũng không gội đầu bằng dầu gội mà nấu nước lá, tỉ mẩn chải từng sợi tóc dài bóng mượt. “Đàn bà, tóc đen mượt quá cũng khổ”, bà cụ Nhu hàng xóm thường hay than khổ hộ Thắm. Nhưng thỉnh thoảng, bằng nụ cười móm mém khoe hết lợi, bà cụ lại tinh quái trêu cô “Nhưng bù lại con ạ, mày hơn hẳn đám đàn bà ở làng, chỉ biết mỗi một con. Cả đời, biết mỗi có một con, rồi ngoẻo”. Thắm bật cười nhớ đến những chuyện tiếu lâm bà già hay nhồi nhét vào đầu đám cháu chắt. “Đừng cười bà, chồng chết từ lúc ngoài bốn mươi mà chả dám thất tiết với hồn ma ông ấy. Chỗ này bị kìm kẹp thì chỗ khác nó phải bung ra, phần dưới bị bóp lại thì nó vọt lên phần trên, lên óc, ra mồm. Nói sướng cái mồm thì cái khác nó cũng đỡ bức bí”. Mấy cô sồn sồn cỡ tuổi Thắm chỉ biết ôm bụng cười ngặt nghẽo. Trong đám ấy cũng có cô ghen tức với Thắm thật, óc ách: “Sau này mày chết xuống âm phủ thì giải quyết thế nào với bằng ấy đứa, chúng nó lại chẳng giằng co xé xác mày ra à”.
Chuyện sau này chả biết thế nào, nhưng bây giờ đã nhiều lúc Thắm bị giằng xé ghê gớm. Nhiều lúc nằm gối đầu lên tay Hải, lim dim mắt giả vờ ngủ nhưng đầu óc thì lại vẩn vơ nghĩ đến người đàn bà điên. Một mình chị ta trong căn nhà khóa kín, nếu nửa đêm tỉnh giấc không thấy chồng đâu, chị ta sẽ thế nào nhỉ? Hải là người tình nghĩa, vợ bị mắc bệnh tâm thần từ sau khi sinh đứa thứ ba nhưng anh vẫn kiên trì chăm sóc chữa trị. “Vào trại tâm thần thì khổ lắm, thôi mình cố gắng cho con nó được nhìn thấy mẹ”. Hải thương Thắm từ khi cô còn trẻ nhưng mãi đến lúc Trí, người chồng trước của Thắm mất đi, anh mới có cơ hội quan tâm đến người đàn bà xinh đẹp mà đa đoan của xóm Chùa.
2. Trí cũng không phải người chồng đầu tiên của Thắm. Trí gặp cô khi cuộc đời Thắm “chả còn gì để mất, cũng chả còn gì mà hi vọng”. Cô phụ hồ có đôi mắt sâu thẳm cười rũ rượi khi thằng cha hay ngồi lù lù ngoài quán nước cổng công trình xây dựng rủ về sống cùng. Thằng cha lù khù, nghe đâu là phạm mới ra tù không có vẻ gì ngạc nhiên khi nghe cô bảo: “Tôi có một đời chồng rồi, chửa hoang một lần còn qua đường một số lần nữa”. “Tôi biết rồi, mà tôi cũng chẳng quan tâm. Lấy tôi đi, rồi tôi sẽ lo nuôi con cùng em”. Trí theo Thắm về quê, mua một mảnh đất gần chợ, xây một quán nhỏ cho Thắm bán bún, bán phở. Người quanh chợ đồn đoán Trí là một tay anh chị, lừa Thắm để về làm ăn ở khu vực này. Thắm nghe thấy chỉ cười “tôi có gì để mà lừa”, nhưng mấy anh công an xã thì thỉnh thoảng lại có giấy triệu tập Trí vào ủy ban làm việc về vấn đề tạm trú. Chẳng biết làm cách nào, Trí thu xếp được việc tạm trú của mình, thậm chí còn mang về cho Thắm cả giấy đăng kí kết hôn, một bên là Đặng Minh Trí, một bên là Nguyễn Thị Hồng Thắm. Từ đó, Trí trở thành chồng hợp pháp trên giấy tờ và thành một phụ bàn chăm chỉ của bà chủ quán phở Hồng Thắm.
Nhà cửa hàng quán ổn định, một hôm Trí bảo vợ: “Em đi đón các con về đi”. Bố mẹ Thắm nghe con gái bày tỏ việc đón cu Dũng, cu Tiến về nuôi thì giãy nảy: “Mày đi tứ chiếng, không quan tâm con cái, bây giờ lại định về cướp công chúng tao”. Thắm vùi mặt vào gối khóc, không ăn không uống. Gửi con cho bố mẹ nhưng tháng nào cô chẳng phải gửi tiền, gửi gạo nuôi con. Bố mẹ cô chẳng vẫn thương xót cô sao giờ bỗng dưng quay ngoắt như vậy. Nghe Thắm kể chuyện, Trí im lặng rồi lấy trong tủ ra một xấp tiền. “Đáng lẽ ra anh phải vào nói chuyện với bố mẹ nhưng bố mẹ không chấp nhận anh từ đầu nên cũng khó. Em cầm số tiền này, lúc nào vào nói khéo với bố mẹ”. “Chúng tao cầm tiền này cũng là giữ cho mẹ con mày thôi. Thằng này dân giang hồ nhiều tiền vậy nhưng chẳng biết tương lai thế nào, mưa lúc nào mát mặt lúc ấy, tranh thủ mà khoét của nó con ạ”. Nghe mẹ nói thế, Thắm ngạc nhiên, hóa ra ông bà nghĩ về con gái và mối quan hệ của cô với Trí như thế. Cô lo lắng hỏi chồng “anh vẫn đi lại với những người cũ đấy à”? Trí dụi đầu vào khuôn ngực đầy đặn ấm áp của vợ: “Em yên tâm, đây là tiền anh chị của anh cho”. “Sao họ không để anh về nhà?”. “Anh chị ấy thành đạt lắm, anh về không tiện”. Thắm ôm lấy chồng, lã chã nước mắt “anh ở đây với em, chúng mình cùng làm cùng ăn, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”.
Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của Thắm. Có nhà cửa, hàng quán làm ăn khấm khá nên thằng Dũng và thằng Tiến được ăn uống đầy đủ, học hành chu đáo. Thằng Quân ở với bố nhưng cũng thường xuyên được mẹ quan tâm. Bố mẹ cô vui vẻ ra mặt, thỉnh thoảng lại ra chơi, trìu mến gọi “thằng giang hồ” ngày nào là “con”, là “rể”. Thắm trở lại là cô Thắm xinh đẹp xóm Chùa, thậm chí cái vẻ mặn mà của cô khiến cho không ít đàn ông trong làng kiếm cớ ra ăn hàng, chỉ để được trêu chọc vài câu. Đàn bà đẹp là nhờ có đàn ông, Trí như một cái cây vững chãi để cô dựa vào quấn quýt. Nhìn chồng vui vẻ bưng bê cho khách, cô thấy hạnh phúc vô cùng. Chỉ cần có Trí ở đó, vui vẻ, là cô có thể lãng quên đi tất cả những đau buồn trong quá khứ.
Nhưng Trí là người kín tiếng. Anh hầu như không kể gì với Thắm về quãng thời gian trước khi tù tội của mình. Bố mẹ đã mất, anh trai là Tiến sĩ, công tác tại một trường đại học lớn, chị gái là vợ của một quan chức, đó là tất cả những thông tin Thắm biết được về gia đình nhà chồng. Cô không băn khoăn, với cô, chỉ cần nhìn thấy Trí ở đó, cười hiền lành với khách và đêm xuống dang tay cho cô gối đầu ngủ một giấc ngon lành.
3. Mới sáng sớm mà trời đã oi bức. Hôm nay sẽ lại nắng nóng khủng khiếp đây. Thắm nấu xong nồi nước dùng, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, nhìn đồng hồ vẫn chưa đến năm giờ. Cô khẽ đẩy cánh cửa sắt, sợ làm thằng Tiến tỉnh giấc. Trên chiếc giường kê sát gian nhà ngoài, thằng bé vẫn há miệng ngủ ngon lành, thỉnh thoảng lại tóp tép miệng nhai thứ vô hình nào đó. Cửa vừa mở, Thắm giật bắn mình vì cái bóng người ngồi lù lù trước cửa. Định thần lại, Thắm nhận ra người có cái lưng như tấm phản kia là Bạo, bố thằng Tiến.
- May quá! Cô dậy rồi. Thấy cô ngủ ngon, tôi không dám gọi - Nhìn thấy Thắm, Bạo tỏ vẻ vui mừng không giấu giếm.
- Tôi dậy lâu rồi, nấu nướng lục cục trong nhà anh không nghe thấy à? - Thắm nén tức giận. Cứ nhìn thấy bộ mặt đẽo gọt sơ sài của Bạo là cô thấy khó chịu. Đôi mắt nhỏ tí trên khuôn mặt góc cạnh cùng với kiểu nhìn lén lút chưa bao giờ khiến cô thấy yên tâm, dù thời gian làm vợ anh ta cũng kéo dài hết tuổi trẻ.
- Suốt đêm qua tôi không ngủ được.
Bạo há miệng ngáp. Đứng cách một quãng mà Thắm vẫn không né được mùi hôi của gã đàn ông chẳng bao giờ biết đến bàn chải đánh răng.
- Anh ăn sáng đi rồi có gì thư thả nói.
Nhìn bát bún đầy ụ người vợ cũ bưng ra, khuôn mặt Bạo tươi hẳn. Hắn tít mắt cười, vươn tay ra phía sau vỗ mạnh vào mông vợ cái “bốp”. Giật nảy mình, Thắm cau có:
- Thôi đi! Ăn rồi có chuyện gì nói nhanh cho tôi còn bán hàng.
Bạo cười hì hì rồi vục mặt vào bát bún ăn liền một hơi sạch bách. Hắn ngửa cổ húp hết chỗ nước dùng trong bát rồi lấy đũa quẹt ngang mỏ:
- Ngon quá! Dễ đến nửa năm nay mới được ăn bát bún ngon vậy! Cho anh ấm chè khô!
Thắm ra bàn nước pha trà. Bạo dặn với:
- Pha đặc đặc tí nhé. Dạo này thèm chè mà chẳng có tiền mua.
Anh ta xỉa răng xoạt xoạt rồi nhổ phì phì. Không nhìn nhưng Thắm biết gã đàn ông thô lậu ấy vừa dí tăm vào mũi ngửi. Ngày mới về làm vợ, có lần Thắm góp ý, liền bị hắn chửi giữa bữa cơm ngay trước mặt mọi người: “Đ. mẹ cái con chửa hoang, mày dám tởm bố mày à? Tởm bằng lũ chui bờ rúc bụi vẹo nhau không?”…
- Hôm qua, thằng Quân gọi điện về. Nó muốn cưới vợ. Tôi thì cô biết rồi đấy, tôi chẳng có tiền, mà cũng chẳng biết đường biết sá.
Thằng Quân ở với bố sau khi bố mẹ li hôn. Tiếng là thế nhưng mọi việc học hành, đi lại, quần áo, ốm đau của nó Thắm đều phải ghé vào. Tháng trước, Quân gọi cho mẹ xin ý kiến về chuyện cưới xin. Thắm bàn với con chu đáo nhưng vẫn dặn nó phải nói chuyện tử tế với bố và dì. Chuyện Bạo lên gặp cô sáng nay không nằm ngoài dự tính.
- Vậy bây giờ anh định thế nào? Nhà vợ nó lo liệu cho hết rồi nhưng nhà trai vẫn phải bố trí người vào cho phải phép chứ. Anh thu xếp vào vào với con, tiền nong tôi hỗ trợ.
- Thôi cô đi đi, tôi chẳng biết ăn biết nói. Mà tôi cũng chẳng có xu nào đâu. Cô thì dù sao cũng còn có đồng ra đồng vào, lại được thằng Hải “lươn” nó bao nữa.
- Ai bao? Anh điên à! - Thắm nổi cáu.
- Gớm thôi, ai chả biết chuyện ma ăn cỗ! Thôi quyết vậy nhá, cô cứ vào đám cưới thằng Quân đi. Thằng Tiến để đấy tôi trông.
Bạo bước ra cửa định về nhưng đột nhiên quay ngoắt lại, bước vào trong nhà, vén tấm màn gió lên ngó vào trong. “Ngó thằng Tiến tí”, hắn lẩm bẩm để Thắm nghe thấy nhưng thời gian chưa đủ để nhìn thằng con tàn tật đang ngủ hắn đã quay ra, bước ngang qua Thắm, giơ bàn tay hộ pháp vỗ mạnh vào mông vợ cũ. “Làm tí không?” rồi cười hi hí lảng tránh cái muôi múc nước dùng Thắm vừa vung lên. Ngoài cửa, Hải vừa dựng chân chống xe máy.
- A, anh Hải! Anh đi ăn sáng sớm thế? - Bạo chạy ra đon đả như ông chủ ra đón khách.
Là người cùng làng, lại quan tâm đến Thắm nên Hải hiểu quá rõ kẻ đang thơn thớt nói cười trước mặt. Anh cũng thấy khó tin trong con người Bạo vừa tồn tại cùng lúc sự thô kệch, cộc cằn lại vừa thơn thớt nham hiểm. Hải lạnh lùng đáp: “Chào anh!” rồi quay sang Thắm đang có vẻ bối rối: “Hôm nay, khách hẹn lấy hàng nhiều, em khiêng với anh chỗ lươn nhốt trong bể ra nhé”.
Thắm và Hải chú tâm vào khiêng giỏ lươn từ trong bể nhốt ra ngoài sân, Bạo lớ ngớ đứng một lúc ngoài sân rồi cun cút ra về. Thắm ngày lấy hắn giống bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Bây giờ bông hoa nhài vẫn thơm tho, trắng trẻo, còn hắn, đống cứt trâu thì đã mục sắp thành bùn.
4. Thắm về làm vợ Bạo là cái sự cực chẳng đã. Đàn bà con gái hơ hớ tuổi hai mươi chả lẽ ở vậy đến già để nuôi đứa con ngoài giá thú. Rồi cái tiếng đứa con gái chửa hoang sẽ còn đeo đuổi thanh danh nhà ông bà Cát đến bao giờ nên ông bà dứt khoát gả con gái đi, “cho thằng Bạo trâu cũng được”. Gọi là thằng Bạo “trâu” vì nó to cao, đen trùng trục, sức như con trâu mộng. Nó khỏe nhưng đám con gái làng không đứa nào dám lấy, một phần vì cô nào cũng sợ nó khỏe quá, một phần vì gia đình nhà ấy nổi tiếng là “chuối tiêu”, lúc nào cũng ngọt rểu ngoài miệng nhưng bụng dạ thì không ai tin được. Thắm nhớ mãi cái giọng dẻo quẹo của bà mẹ chồng lúc đặt lên bàn lễ chạm ngõ sơ sài: “cháu Thắm nhà ông bà đẹp người đẹp nết, chẳng may nhẹ dạ mà nên nông nên nỗi. Nhà tôi, nói thật với ông bà, cũng thanh bần như nhà ta đây vậy nhưng chúng tôi quý người lắm. Chúng tôi cũng sẽ coi thằng cháu Dũng như cháu ruột”.
Ông bà Cát biết tiếng nhà Bạo đã lâu nhưng cực chẳng đã mà bằng lòng, tiễn con gái về nhà chồng mà cứ thở ngắn than dài. Thắm lầm lũi bước, tránh cái nhìn như dao quắm của mẹ chồng. Chỉ mỗi Bạo là sướng ra mặt. Tiếng là gái đã có con nhưng Thắm nõn nà hơn khối gái chưa chồng. Mỗi lần gần gũi vợ, Bạo như một con trâu điên, mặc cho Thắm van vỉ xin hắn nhẹ nhàng. Hắn lên giọng: “Bố mày đã dùng thừa rồi thì tại sao lại bắt bố mày cưng nựng?”. Thắm đành nằm im, chịu sức nặng trâu vâm của hắn, chỉ cố gắng né mùi hôi từ cái miệng không bao giờ đánh răng của Bạo. Về sau, để chống chọi lại, Thắm thường mơ màng nhớ lại lần dại dột của mình với người cô yêu đến mê muội ấy. Không, không phải dại dột, sự ngọt ngào của lần ăn trái cấm đó là liều thuốc mê để Thắm vượt qua những khổ ải của cuộc sống vợ chồng với Bạo. Chỉ đến khi Bạo hùng hục rống lên rồi nằm vật ra trên người vợ thì Thắm cũng rấm rứt khóc, gã đàn ông khốn nạn đó ngọt ngào với bùa mê thuốc lú, cao chạy xa bay khi biết Thắm đã mang trong mình giọt máu của tình yêu.
“Thắm ơi, về đi, về mà cứu con mày đi!”, tiếng gọi hốt hoảng của chị Nương từ hôm nào vẫn còn văng vẳng bên tai. Chị đứng trên đê, cầm nón líu ríu vẫy Thắm đang lóp ngóp dưới đồng sâu. Vứt lại bó mạ non, Thắm băng tắt cánh đồng hớt hải chạy về nhà. Thằng Dũng đang bị trói dưới gốc ổi, dưới chân nó kiến đỏ bu kín. Thằng Dũng chỉ cái bát vỡ đôi, cơm nguội văng tung tóe dưới đất khóc không thành tiếng “Bà… bà phạt con”. Thắm ôm lấy con, xoa vội vàng hai bàn chân sưng vù vì kiến đốt rồi một mạch bế con băng qua cánh đồng về nhà bố mẹ.
Đành lòng gửi thằng Dũng cho bố mẹ, Thắm gạt nước mắt quay lại nhà chồng. Thằng Quân mới hai tuổi, cái thai trong bụng chưa đầy bốn tháng. Nghe thằng Dũng mếu máo kể “bà với bố cứ rình mẹ đi làm là đánh con, rồi cấm con mà nói cho mẹ sẽ cắt lưỡi!”, Thắm chỉ biết ôm con cùng khóc. Nỗi uất ức nghẹn đứng ngang cổ mà Thắm không thể làm gì bởi chính cô còn chưa bảo vệ được bản thân mình. Nuôi con trong, nuôi con ngoài, ban ngày đi làm như trâu húc mả, đêm về vẫn phải làm vừa lòng thằng chồng độc ác, Thắm không biết kêu than với ai. Có lần, cô lỡ miệng than với mẹ chồng thì bà ta buông lời chì chiết: “Mọi thứ đều do nghiệp mà thôi, sống buông tuồng dễ dãi thì cái nghiệp phải gánh ngay đấy, chả đợi kiếp sau!”.
Thắm sinh thằng Tiến vào một đêm tháng bảy trời mưa tầm tã. Lão Bạo mải ngủ làu bàu “làm gì đã đến ngày sinh”, mẹ chồng thì nhận “để tao trông thằng Quân”. Một mình cô khăn gói, ôm bụng đội mưa đi đến trạm xá xã, vượt cạn trong sự cám cảnh của mọi người xung quanh. Thằng Tiến sinh thiếu tháng, bị dị tật ngay từ lúc nằm trong bụng mẹ. Nhà nội từ chối ngay từ lúc nó dẹo dọ trên tay mẹ trở về từ trạm xá: “nhà này không có nòi giống tàn tật, chắc chắn nó lạc giống từ nơi khác”. Thắm uất hận, cố gắng nuốt nghẹn, ôm chặt đứa con khốn khổ: “được, không phải nòi giống nhà này thì tôi sẽ bế nó đi, cả tôi và nó sẽ đi khỏi nhà này ngay lập tức”. Không một sự níu giữ nào từ phía nhà chồng, Thắm ra khỏi ngôi nhà đó, với hai bàn tay trắng và một đứa con đỏ hỏn tật nguyền.
5. Sau ngày Trí mất, một giấc mơ cứ trở đi trở lại hàng đêm. Thắm không mơ thấy anh nhưng trong cơn hốt hoảng ôm lấy đứa con 3 tuổi bị kiến bu kín người, thế nào cô cũng thét gọi tên anh. Choàng dậy giữa đêm, nhìn ánh mắt buồn rầu của Trí trên tấm ảnh thờ, Thắm chỉ biết ôm lấy bức di ảnh mà khóc. Tấm ảnh Thắm tìm được trong túi đồ cất kĩ, tấm hình chụp thời còn trẻ, người thanh niên khôi ngô nhưng ánh mắt buồn rầu ám ảnh. “Anh ơi, phận người xa lạ, em không được chôn cất anh, chỉ biết bái vọng thế này thôi. Anh thương em thì về đây với em!”
Đôi khi trong đêm, Thắm cảm nhận rất rõ thoảng trong mùi khói nhang lẩn khuất mùi cơ thể của Trí. “Mày nhớ nó quá đấy mà. Phải gần chục năm trời, ta mới quên được cái mùi mồ hôi lẫn với mùi rơm rạ, bùn đất của ông lão nhà ta. Có khi đêm nằm nhớ cái mùi ấy thẫn thờ cả người”. Bà lão Nhu an ủi thế nhưng Thắm vẫn tin quanh quất đâu đó vong hồn của Trí vẫn về với cô thật. Anh dễ gì mà rời xa cô như thế, anh hẹn sẽ ở bên cô cho đến cuối đời, cùng cô nuôi các con khôn lớn cơ mà.
“Anh có muốn em sinh con cho anh không?”, Thắm hỏi chồng thế khi một ngày chợt nhìn thấy anh ngồi im lìm trong góc quán. “Em kiệt sức vì con cái rồi, đừng băn khoăn chuyện đó. Không chắc anh có được ở lâu với mẹ con em”. Cái chết báo trước trong câu nói mà lúc đó Thắm không bận tâm nhiều, khiến sau này Thắm day dứt mãi. Vốn đơn giản, cô không hiểu nổi những uẩn ức trong lòng Trí, cô không lường được ân oán giang hồ. “Nếu biết anh chỉ ở được với em chừng ấy, em đã yêu thương anh nhiều hơn thế anh ơi”. Tiếng khóc đau đớn của Thắm cũng không đủ sức níu lại chiếc xe cấp cứu chở theo thân thể nguội lạnh của Trí về nơi chôn rau cắt rốn của anh.
Thắm không được phép về quê chồng: “hãy để em tôi cắt đứt với quãng đời tội lỗi”, họ gỡ tay cô khỏi thành xe sau khi lạnh lùng bỏ lại một nắm tiền cảm ơn đã báo tin.
Phải mất mấy tháng trời, Thắm mới lấy lại được sự bình tâm. Bún, phở mang ra cho khách khi thì nguội ngơ nguội ngắt, khi thì mặn chát, có lúc sơ ý đổ cả nước dùng vào chân khách. Có người thông cảm bỏ qua, có người chát chúa mắng mỏ, mấy gã đàn ông mượn chén rượu thì tranh thủ bỡn cợt: “cô em thiếu hơi đàn ông, âm dương không hài hòa nó vậy đấy”. Thắm vẫn như người hết hồn, nhìn quanh quất căn nhà cứ thấy lởn vởn bóng Trí đang cần mẫn bưng bê.
Hải xuất hiện giữa lúc Thắm chới với giữa dòng nước. Anh bế thằng Tiến từ trong nhà tắm ra sau khi kì cọ tắm rửa sạch sẽ cho nó, tay chỉ vào những vết loét trên mông thằng bé: “em nhìn xem!” - Thắm choàng tỉnh, ôm chầm lấy con, nước mắt rơi lã chã. Mẹ xin lỗi con, mẹ tồi tệ quá, sao con đau mà không bảo mẹ… Thằng bé giơ bàn tay gượng gạo lau nước mắt trên gương mặt đã góc cạnh của mẹ, giọng nói ngọng líu: “em không sao… em thương mẹ lắm… mẹ đừng khóc nữa…”. Nghe con nói thế, Thắm càng khóc nhiều, cô ôm chặt lấy hình hài đáng thương của đứa con bị ruồng bỏ, chỉ nhìn thấy qua dòng nước mắt bóng Hải kính cẩn cúi đầu trước bàn thờ người đàn ông xấu số.
***
“Mẹ, con dâu muốn nói chuyện với mẹ có được không?”. “Ừ được, mẹ cũng muốn được ngắm con dâu”. “Vậy thì con mở camera cho hai má con nói chuyện nhé”. Gương mặt vuông vức với nụ cười tươi của Quân thoắt cái đã không thấy đâu, chỉ có tiếng con gái cười khúc khích. Rồi trên màn hình điện thoại xuất hiện gương mặt tươi cười của một cô gái. Ôi chao, con bé xinh như diễn viên Hàn Quốc vậy! “Con chào bác! Con thay mặt ba má, con mời hai bác cùng anh Dũng, em Tiến vào trong nhà con chơi!”. Mẹ chồng chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng con dâu nhí nhảnh: “Ủa, mà sao anh Quân lớn thế rồi mà bác còn trẻ còn đẹp thế dzậy?” Thắm phá lên cười khi nghe giọng con trai chen vào: “Đấy là u còn chưa thèm trang điểm đấy u nhỉ!”
Thắm buông điện thoại, miệng vẫn nở nụ cười mà khóe mắt rưng rưng…
Truyện ngắn. MAI THỊ HỒNG QUẾ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...