Thả đèn trời – trò chơi mang nhiều khát vọng
VNTN - Hầu như ở khắp mọi miền trên đất nước ta, miền nam hay miền bắc, vùng ngược hay vùng xuôi, đều có tục lệ thả đèn trời. Thả đèn trời vốn là một nghi thức tôn giáo gắn liền với tín ngưỡng dân gian rằng: số mệnh mỗi người đều ứng với những ngôi sao trên trời (thường gọi là sao chiếu mệnh). Vì vậy muốn may mắn phải thả đèn trời - “dâng sao giải hạn” và mỗi chiếc đèn tượng trưng cho ngôi sao. Về sau người ta thả đèn cả trong những dịp lễ hội của các làng quê với ước nguyện đèn mang đi những tai nạn rủi ro, cho đất nước thanh bình, cho làng xóm yên vui, cho mùa màng tươi tốt, cho bệnh tật không đến… Chính vì thế, dần dần thả đèn trời trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính vui chơi, giải trí của nhân dân lao động. Nó không còn bó hẹp trong phạm vi một làng một xã nào cả mà lan rộng ra các làng, xã trong cả nước. Hiện nay thả đèn trời còn được tổ chức thành các cuộc thi giữa các làng, xã vào các dịp lễ hội: rằm trung thu, tết nguyên đán hay làng xã có các hội đình, đám…
Đèn trời là một loại hàng mã, khung tre, phất giấy, có bấc cháy sáng và bay được lên trời như những khinh khí cầu. Loại đèn này do ai sáng tạo, có từ bao giờ, đến nay vẫn chưa xác định được. Nhưng chắc chắn một điều là nó xuất phát từ những ước muốn của người nông dân chân lấm tay bùn, mang một khát vọng lớn lao từ cuộc sống lao động dân dã. Làm đèn trời không tốn kém, cũng chẳng mấy phức tạp, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, đúng chuẩn mực kỹ thuật, việc này do các cụ già khéo tay trong làng, xã đảm nhận. Cấu tạo đèn gồm ba phần: khung đèn là một vành tre, tùy nơi có loại to, nhỏ khác nhau, đa phần đường kính thường chỉ nhỉnh hơn vành chiếc nón. Bấc đèn là một nắm vải sợi tẩm mỡ lợn hoặc dầu hỏa (ngày nay người ta có thể thay bằng nến, hoặc loại phát sáng khác) buộc cố định ở tâm của khung đèn trên một sợi thép nhỏ, căng. Thân đèn chỉ là một giấy bản can hình bầu dục dài khoảng hơn một mét, ngày nay có thể thay thế bằng giấy khác, thậm chí bằng vải hoặc trình bày đèn nhiều kiểu hơn khi bay lên đèn giống như một cái dù mang bấc lửa.
Thả đèn trời đòi hỏi phải khéo léo, nhanh nhẹn và chính xác. Người ta chọn nơi cao ráo, thoáng gió để đèn lên khỏi vướng. Khi thả đèn thường đốt một đống lửa rơm, rạ, quây cót lại cho khói và lửa dồn ngọn lên, rồi úp gần sát khung đèn vào miệng cót, lửa sẽ bén vào bấc đèn, cùng lúc đó khói bốc lên tạo thành áp lực đẩy thân đèn căng lên theo phương thẳng đứng. Người thả đèn xoay nhẹ tay, đèn từ từ bay lên. Nếu người làm đèn không có tay nghề khéo léo, tỷ lệ khung, bấc, thân… không cân đối, đèn sẽ cháy ngay sau khi vừa bay lên. Đèn làm đạt yêu cầu sẽ bay cao nhất, xa nhất. Thông thường đèn trời bay cao khoảng hai ki lô mét và xa vài ba ki lô mét rồi tự bốc cháy.
Nhớ những ngày tôi còn nhỏ, khi mùa xuân về trên làng quê, dân quê tôi thường tổ chức thả đèn trời. Những đêm thả đèn trời, cả làng bừng sáng lên trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ… tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Lửa đèn soi tỏ gương mặt của những người nông dân thuần hậu, chất phác và mang theo một khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên vui của làng quê yêu dấu. Bao nhiêu năm rồi sống nơi đô thị không còn thấy đèn trời nhưng trò chơi dân gian đó vẫn không phai mờ trong ký ức của tôi. Tập tục ấy là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo lành mạnh, mang một bản sắc văn hóa trong cộng đồng người Việt, đáng được tìm hiểu, mở rộng, trân trọng, giữ gìn và phát huy trong thời đại hiện nay.
Nguyễn Anh Đào
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...