Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:22 (GMT +7)

Tết xưa và cái bong bóng lợn…

VNTN - Như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tôi sinh ra vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, lớn lên vào những năm tháng sau chiến tranh gian khổ, đói nghèo, thiếu thốn. Trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi, đồ chơi chủ yếu là những hòn sỏi, que tre, đoạn nứa, khúc cây, với trò chơi chắt, chơi chuyền, đánh khăng, chơi ô ăn quan... Ngày đó, bọn trẻ con làm gì có nhiều món đồ chơi hiện đại, vui mắt như bây giờ. Ngày Tết, lũ trẻ xúm quanh con quay tự đẽo bằng gỗ bạch đàn, xà cừ... mấy quả pháo tép màu hồng, đứa nào được mẹ mua cho con tò he xanh đỏ đã là sang lắm. Trong các món đồ chơi ngày Tết có một thứ đặc biệt tôi không thể quên: trái bóng làm bằng bong bóng lợn.

Tôi cũng không hiểu từ khi nào và từ đâu người lớn có tục lệ làm bóng cho trẻ con chơi bằng cái bong bóng lợn, chỉ biết trong ý nghĩ rất hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ tôi và lũ bạn đứa nào cũng cho rằng Tết mà không có cái bong bóng lợn để chơi thì chưa có Tết. Cho nên, chờ đợi ngày nhà mổ lợn để lấy bong bóng làm đồ chơi là cái thú đặc biệt mà bọn trẻ thời @, thời 4.0 bây giờ sẽ chẳng thể nào được "nếm trải" như lũ trẻ thời chúng tôi.

 

Hồi đó, "bố đi đánh giặc" (bà nội tôi thường giải thích với tôi như thế mỗi khi tôi hỏi: Bố con đi đâu?), nhà chỉ có mẹ, bà nội, tôi và thằng Tý em tôi mới lên 2 tuổi. Năm nào cũng vậy, cứ đến hè bà nội và mẹ lại tìm mua giống và chăm chút nuôi một con lợn Tết. Thường nhà tôi nuôi giống lợn đen, lùn (dân gian gọi là lợn ỉ) vì giống lợn này thịt chắc, thơm ngon. Con lợn đó trong cảm nhận của tôi là quan trọng lắm! Bởi vì, cái gì thuộc về mua sắm Tết của gia đình cũng trông chờ vào nó. Những ngày giáp Tết, mổ nó ra, nhà chỉ dám để lại vài cân thịt “ăn Tết”, còn lại phải bán cho những người "đánh đụng" (bà nội hay dùng từ này, ý nói mấy người cùng chung mua thịt một con lợn) để mẹ lấy tiền mua mắm, muối, gạo nếp, gạo tẻ, lá gói bánh chưng, quần áo cho bọn trẻ chúng tôi diện Tết và trang trải “trăm thứ bà giằn”. Với tôi, suốt cả mấy tháng chờ Tết, chờ ngày mổ lợn tôi chỉ quan tâm đến cái bong bóng. Mỗi lần theo mẹ ra ngó chuồng lợn, tôi luôn hỏi đi hỏi lại một câu hỏi nghe đến sốt ruột: Bong bóng to bằng cái bát chưa? Mẹ cười, thơm má tôi, gõ nhẹ ngón tay lên cái trán dô bướng bỉnh của tôi rồi nói: To bằng cái đầu “cô” rồi đó!

Đúng hẹn, theo vòng tuần hoàn “xuân qua xuân lại lại” cứ khoảng 28 đến 30 Tết, lợn kêu eng éc khắp làng. Bà nội và mẹ thường cho mổ lợn vào ngày 28 Tết. Thường thường cậu Nương (em trai út của mẹ tôi) đến giúp mẹ và bà nội. Ngày mổ lợn là ngày vui nhất của tôi trong năm, tôi cũng mắt nhắm mắt mở dậy từ tờ mờ sáng theo người lớn “làm thịt lợn”, mục tiêu cuối cùng là "rình" lấy cái bong bóng lợn!

Mổ lợn Tết khiến cả nhà bận rộn, nhộn nhịp hẳn lên. Đầu tiên, bà nội đun một nồi to nước sôi để chuẩn bị cho việc cạo lông lợn. Mẹ chuẩn bị hành răm, gia vị các loại thập cẩm làm lòng và nấu nồi cháo. Tôi đứng xem cậu mổ lợn vừa thích vừa sợ. Cảm giác đó đến giờ vẫn như nguyên vẹn trong tôi. Thích vì thấy nhà nhộn nhịp, người vào kẻ ra, hồi hộp chờ đợi lấy “báu vật” từ bụng lợn. Sợ vì thấy thương con ỉ mà mọi ngày tôi vẫn thường ra "nói chuyện" với nó bị chọc tiết.

Nhưng tất cả không trở thành vấn đề khi cậu tôi lách mũi con dao bầu nhọn hoắt xuống bụng dưới lợn, rút ra cái bong bóng giống như cái túi, màu trắng đục, nhỏ như bàn tay tôi (khi đó là cô bé 5 tuổi). Biết tôi háo hức chờ cái bong bóng nên cậu chưa đưa cho tôi mà cầm giơ lên cao rồi nói lớn: Cái này thuộc về ai ngoan nhỉ? Mọi người thấy đều ồ lên: Bong bóng kìa! Cậu vẫn chưa hạ tay xuống, tôi phải đánh đu người trên tay cậu, năn nỉ mãi cậu mới từ từ hạ tay xuống, cẩn thận đặt cái bong bóng vào lòng hai bàn bàn tay bé nhỏ chụm lại của tôi. Từ phút có cái bong bóng, tôi gần như quên hết mọi chuyện khác.

Công đoạn làm bóng tôi phải nhờ đến bà nội. Sau khi để tôi nâng niu cái bong bóng nóng hổi trên tay một lát, bà mới bảo: Nào, có ai nhờ bà làm bóng không nhỉ? Tôi liền chạy đến và giao cho bà cái bong bóng với tất cả sự tin cậy và hy vọng.

Bà tôi lấy một bát tro bếp, sau đó bà đặt cái bong bóng trên mặt đất nhẵn và phủ tro lên, rồi vò sao cho lớp mỡ bạc nhạc dính ngoài cái bong bóng vón lại thành mảng và rơi rụng dần dần. Bà nói: Chịu khó làm lâu lâu cho mỏng vỏ ngoài của chiếc bong bóng thì thổi hơi vào sẽ căng bóng và nổi vân, đẹp. Tôi ngồi nhìn theo tay bà không sót một cử chỉ nào. Sau khi vò tro thật kỹ, cái bong bóng lợn chỉ còn lớp da, bà xối nước thật sạch và phơi lên sào tre trước sân nhà cho se se lại.

Tôi chỉ sợ nhỡ có ai “ăn trộm” mất bóng (hoặc nhỡ rơi xuống đất con Mực công đi mất thì toi!), nên bắc ghế ngồi canh bên dưới. Đến khi ăn cơm trưa, mọi người gọi, tôi vẫn không rời vị trí canh gác. Bà nội mang cho tôi bát cháo lòng mẹ nấu, mùi thơm dìu dịu của hành răm thái nhỏ quyện cùng hương gạo mùa mới, mấy miếng tim gan phủ trên bề mặt khiến bát cháo có sức quyến rũ đặc biệt. Ngồi hít hà, thưởng thức bát cháo sánh quyện, thơm lừng do mẹ nấu, háo hức ngắm cái bong bóng lợn lủng lẳng trên sào nứa sắp biến thành trái bóng đồ chơi chờ đợi cả năm trời mới có... kỷ niệm đó của tuổi thơ tôi như một giấc mơ thần tiên, đi theo suốt cuộc đời.

Mấy chục năm qua, thời gian đã mang bà nội tôi đi xa mãi, nhưng cảm giác yêu thương, đầm ấm mà bà và mẹ dành cho tôi vẫn khiến lòng tôi xao xuyến rưng rưng hạnh phúc. Càng ngày tôi càng hiểu, vì sao hồi đó mình và bao đứa trẻ khác thích và trân quý cái bong bóng lợn đến thế!!! Dường như ẩn trong thứ đồ chơi bình dị đó là một bầu trời yêu thương mà người lớn dành cho con trẻ. Sau này, đến khi cu Tý biết chơi bóng, cái Tết tôi nhường lại quyền chơi bóng lợn cho em cũng là lúc tôi hiểu: mình đã là người "nhớn", là chị cả thì phải nhường nhịn em, cũng hiểu mình bắt đầu một vị trí mới trong nhà, giúp bà, giúp mẹ những công việc gia đình, và cũng khởi đầu hành trình của tuổi hoa niên nhiều khát vọng, mộng mơ...

Trở lại chuyện làm bong bóng lợn, sau khi phơi cho bong bóng hơi se se, bà nội lấy một đoạn thân lau mọc ngoài bờ rào vườn rau, cắt vát một đầu, lồng vào cuống bong bóng, phồng má thổi, sau mấy hơi thổi dài, quả bóng phình lên hết cỡ, to ước chừng bằng đầu tôi hồi đó. Bà rút đoạn thân lau ra khỏi cuống quả bóng, lấy dây chỉ cuốn nhiều vòng, buộc thắt nút thật chắc để hơi không thể xì ra, rồi lấy đoạn dây len màu đỏ buộc “con giò” một vòng nữa, để dài đoạn dây lòng thòng ở cuống quả bóng đủ tầm tay cho tôi xách tung tăng. Bà áp quả bóng vào má tôi, cảm giác mát mát, êm êm, bà bảo: Con búng tay vào nghe thử! Tôi búng ngón tay hồng hồng xinh xinh vào quả bóng thấy kêu bing bing rất thú vị, tôi xách bóng đi khoe mọi người, và với tôi Tết chính là niềm hân hoan xách trên tay trái bóng có sợi len gai màu đỏ...

Bọn trẻ xóm tôi năm nào cũng ghen tỵ vì tôi có trái bóng đẹp. Chúng nó cũng có bong bóng lợn nhưng không hiểu sao không đẹp như quả bóng bà nội làm cho tôi?! Tôi coi trái bóng như báu vật, rất sợ nó bị thủng, bị xì hơi nên không muốn ai chạm đến nó, nâng niu nó y như “nâng trứng”. Tôi không dùng bóng để đá đi, đá lại như mấy thằng con trai nghịch ngợm. Thường là sau khi xách đi chơi, đi khoe bọn trẻ khắp xóm, tôi mang bóng về treo lên chỗ mà khi nằm ngủ tôi vẫn có thể nhìn thấy nó đang lửng lơ trước mắt. Giấc ngủ ùa đến, tôi thường thấy từ trái bóng tỏa ánh cầu vồng lấp lánh, lung linh sắc màu rực rỡ...

Mấy ngày Tết qua đi, quả bóng se lại, nhỏ dần đi và xẹp hơi, nó trở thành một miếng da khô. Tôi mân mê miếng da, tần ngần, lưu luyến như lưu luyến mấy ngày Tết thật vui vẻ, hạnh phúc. Bà lại giúp tôi tiếp tục được chơi bong bóng bằng cách cắt nó ra và bưng lên mặt cái ống bơ sữa bò thường ngày dùng để đong gạo nấu cơm, làm thành cái trống nhỏ cho tôi. Cứ như vậy, mỗi năm mới đến, sau Tết cái bong bóng lợn còn theo tuổi thơ tôi suốt tháng Giêng, Hai. Tôi chỉ ngậm ngùi tiếc nuối rời xa nó khi nó chỉ còn là miếng da khô xác, quắt queo.

Mùa hè đến, bà và mẹ lại chọn giống nuôi một con lợn Tết khác, tôi lại ngày ngày đếm từng giọt thời gian rơi rơi, mong chờ thời khắc cuối năm với tất cả hy vọng, háo hức, trong trẻo hồn nhiên của tuổi thơ. Để rồi qua bao mùa xuân, trên hành trình cuộc sống, dẫu có đi đâu đó thật xa, chốn phù hoa có rất nhiều quả bong bóng muôn hồng ngàn tía, thì hồn vía tôi vẫn neo lại Tết xưa và cái bong bóng lợn.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước