Tết với phụ nữ Cao Lan
VNTN - Người Cao Lan là một nhánh thuộc tộc Sán Chay, còn có tên gọi là Hờn Bận, Hờn Láu Đoi. Tên gọi này bắt nguồn từ cụm “Sơn tử” có nghĩa là người ở núi. Đó chính là một cách gọi thú vị, thể hiện sự lựa chọn không gian và đặc điểm cư trú của họ. Sống tập trung ở các tỉnh phía Đông Bắc Việt Nam, nhưng không phải là những ngọn núi quá cao, thời tiết khắc nghiệt, đi lại khó khăn, cũng không phải là vùng đồng bằng trống trải, người Cao Lan chọn vùng núi thấp, vừa làm nương rẫy, vừa làm ruộng. Chính sự lựa chọn không gian cư trú này đã đem đến cho người Cao Lan một vẻ đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần độc đáo, phong phú và hấp dẫn, trong đời sống văn hóa ấy, ứng xử với phụ nữ của người Cao Lan được xem là một điều đặc biệt so với các dân tộc thiểu số khác. Và ứng xử ấy được bộc lộ rõ nét trong dịp tết Nguyên đán.
Người Cao Lan ăn tết từ 27- 28 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng âm lịch. Đây là tết quan trọng nhất của một năm, là sự kết thúc để khởi đầu. Họ coi cái tết này là dịp để cố kết cộng đồng, gắn bó các dòng tộc, cũng là dịp để họ tu bổ lại nhà cửa, sửa sang, trang hoàng đẹp đẽ đón mừng những điều tốt đẹp, sẻ chia những vất vả gian khó sau một năm làm lụng vất vả. Những ngày này, phụ nữ Cao Lan sẽ được sống hạnh phúc, vui vẻ, được quan tâm, chăm sóc bởi những người đàn ông trụ cột trong gia đình.
Phụ nữ Cao Lan trong trang phục truyền thống.
(Nguồn: tuyengiao.bacgiang.gov.vn)
Phụ nữ Cao Lan ngày tết không phải làm việc nhà, cúng lễ hay nấu nướng bày biện trang hoàng đều do đàn ông trong nhà làm chủ. Ngày mùng một tết, người Cao Lan cúng Phật, các vị gia thần của dòng họ, cúng gia tiên tiền tổ. Việc cúng lễ thường do đàn ông đảm nhiệm, kể cả việc bày biện các vật phẩm cúng tế, người Cao Lan cũng ít khi để phụ nữ làm. Nếu nhìn bằng góc nhìn phê phán, sẽ cho rằng người Cao Lan trọng nam khinh nữ. Nhưng người Cao Lan không nghĩ thế, họ cho rằng, đàn bà cả năm vất vả, lam lũ, lo cho chồng con, ngày tết nên được nghỉ ngơi, được chồng con nấu những món ngon, làm hết việc nặng, chỉ đứng phụ giúp, ngắm nhìn, thưởng thức những món ngon do đàn ông trong gia đình tự tay nấu nướng.
Nhưng dù đàn ông có nhận hết phần vất vả, phụ nữ Cao Lan vẫn phô diễn tài hoa của mình khi làm các món ăn ngày tết. Có hai món đặc trưng họ làm là bánh vắt vai và bún gạo. Bánh vắt vai là loại bánh được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường. Bánh được làm theo chiều dài có thể vắt trên vai nên người ta gọi đó là bánh vắt vai. Bánh để được rất lâu, khi ăn có thể hấp, đồ, rán, nướng hoặc giữ nguyên tùy theo sở thích. Sở dĩ để được lâu như vậy là do họ chọn nguyên liệu vô cùng cẩn thận, ngâm gạo, rửa lá, tất cả đều được phụ nữ Cao Lan kì công làm để dâng cúng tổ tiên, tặng cho khách đến chơi nhà, mang đi ăn đường hát đám hội...
Món đặc trưng tiếp theo là bún. Phụ nữ Cao Lan làm bún ngày tết với họ như là nghi lễ cầu an. Bún được làm hoàn toàn thủ công, gạo được ngâm kĩ rồi các mẹ các bà đem xay thành nước, sau đó bằng các bí kíp gia truyền họ sẽ vắt bún bằng một dụng cụ làm từ gỗ. Người Cao Lan tin rằng, sợi bún càng dài, người phụ nữ càng đem may mắn đến cho gia đình mình. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì để vắt bún rất cần sức khỏe bóp vắt bột, tay khỏe sẽ vắt được lâu, người khỏe sẽ đủ sức chăm lo cho chồng con bữa ăn giấc ngủ và vun vén hạnh phúc gia đình.
Phụ nữ Cao Lan được coi như là báu vật của gia đình, đặc biệt là các cô gái trẻ, nên trong ba ngày tết, nhất thiết họ không được ra khỏi nhà vào mùng một. Họ ăn mặc đẹp, phụ giúp đàn ông làm cơm cúng, tiếp khách, nhưng không ai đi chơi. Hết ngày mùng một, họ sẽ qua các nhà khác để chúc tết, ăn cơm, uống rượu mừng. Sự kiêng cữ này có thể bắt nguồn từ một thái độ giữ gìn cho người phụ nữ không bị chạm bởi các vía lạ trong ngày đầu năm, bởi người Cao Lan coi phụ nữ là người mang đến sự thịnh vượng, hạnh phúc cho gia đình.
Trang phục ngày tết của phụ nữ Cao Lan xưa là áo uyên ương - “Pù dằn dinh” có nghĩa là áo “bươm bướm”. Vì 2 từ “dằn dinh” trong tiếng Cao Lan là chỉ loài bươm bướm to, cánh của chúng có thể bằng bàn tay. Loài bươm bướm nhỏ gọi là “Tú pệt nhứ”. Với cách gọi tên này, người phụ nữ Cao Lan bày tỏ khát vọng về vẻ đẹp hình thức muốn mình đẹp đẽ, mềm mại, dịu dàng như bươm bướm mùa xuân. Áo này còn được gọi là “Pù dàu dinh” nghĩa là áo du hương - áo phụ nữ mặc để đi chơi hội hè, hát Sịnh Ca giao duyên trong dịp tết Nguyên đán để tìm bạn lứa đôi. Một bộ trang phục tết hoàn chỉnh của phụ nữ Cao Lan gồm một áo dài bên ngoài gọi là pù dằn dinh, một cái yếm ở bên trong gọi là sồng dím, váy cũng được dệt bằng vải chàm, ở chân cuốn sà cạp với quai xà cạp dệt thổ cẩm. Xà cạp bó chân là đặc trưng của phụ nữ Cao Lan, xà cạp được làm bằng vải thổ cẩm màu trắng, viền đen hoặc chàm, cuốn từ mắt cá chân lên đầu gối để giữ ấm khi đi rừng, không bị rắn rết, vắt cắn hoặc cây gai cào xước. Xà cạp trắng đi chơi tết để người con gái kín đáo và thêm phần duyên dáng. Trang phục của họ có một điểm nhấn là chiếc thắt lưng bằng lụa hoặc nhiễu xanh đỏ bỏ múi dài đong đưa mềm mại uyển chuyển theo chiều váy.
Trang sức của phụ nữ Cao Lan ngày tết thường kèm theo vòng cổ bằng bạc, nhà nghèo đeo một chiếc lấy may, trừ tà, nhà khá giả thì ba chiếc. Vòng cổ được chạm lá nho, đầu rồng giáp hai đầu lại, bóng và sáng. Ngoài vòng cổ, phụ nữ Cao Lan còn đeo một bộ xà tích, gồm chìa khóa rương hòm, bộ cối giã trầu. Bộ xà tích này chứng tỏ vai trò tay hòm chìa khóa và sự giàu có của gia đình họ. Bây giờ thì ít người giữ nếp đeo xà tích, những vật trang sức khác gồm: nhẫn, vòng tay, trâm cài, khuyên tai, tất cả thông thường đều làm bằng bạc, rất đẹp nhưng họa tiết khá đơn giản.
Phụ nữ Cao Lan ngày tết thường đi hội đình, đi hát Sịnh Ca, nhảy múa theo các điệu Xúc tép, Chim Gâu, đánh trống sành... Dù đi đâu, làm gì, họ vẫn giữ nếp nhà, kín đáo và khiêm nhường. Từ những ngày tết, họ lại truyền cho các cô gái nhỏ những phong tục lễ nghi truyền thống, để nối tiếp giữ gìn bản sắc dân tộc, từ nghi lễ, ẩm thực, trang phục, đình đám, hội hè, người trước truyền cho người sau. Giữa một cuộc sống hiện đại đang khiến cho chính người Cao Lan và các dân tộc thiểu số khác mất dần bản sắc, thì người phụ nữ Cao Lan vẫn âm thầm, bền bỉ giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Giữ cho những ứng xử của cộng đồng Cao Lan với phụ nữ ở thời nào cũng vẹn nguyên sự trân trọng. Âu đó cũng là khí chất của dân tộc họ. Yêu thương phụ nữ của mình như muôn đời vẫn vậy.
Dương Ngọc Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...