Tết trong tôi
Sống già nửa đời người mà mỗi khi nghe nhắc đến từ Tết lòng tôi vẫn trào dâng một cảm xúc xốn xang thật khó tả. Vừa thấy háo hức như khi còn thơ bé, vừa thấy bâng khuâng thương nhớ những gì đã qua! Nửa ngậm ngùi tiếc nuối, nửa xốn xang mong đợi cái thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ bước sang năm mới. Ngoài vườn những cây đào đã bung nụ khoe bông. Cái hân hoan, rạo rực lan tỏa muôn nơi, khiến con người và vạn vật bỗng thấy mình đang đổi khác từng giờ trước thềm xuân!
Tết về trong lòng ta lại trào dâng những cảm xúc mãnh liệt với bao hoài niệm, với bao kỳ vọng vào tương lai của một năm mới mong mọi sự bình an, vạn sự như ý! Ngước nhìn qua khung cửa sổ cây bàng bên đường đã rụng lá, đâu đó trên cành còn sót lại mấy chiếc lá đã đổ màu đỏ rực. Màu lá đỏ nổi bật giữa màn sương sớm sáng bạc vô tình đã tạo nên một bức tranh làng quê thật tĩnh lặng và thanh bình. Trong cái lạnh của buổi sớm mai vẫn rộn lên tiếng người, tiếng xe lao xao nơi ngõ nhỏ, người ta đi làm, đi chợ, tháng Chạp vốn được mệnh danh là tháng "củ mật" tháng để bán mua, tháng để kiếm tiền và ai cũng mong có được nhiều tiền để lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy.
Chợ búa những ngày cuối năm đông hơn ngày thường, lượng hàng hóa không ngừng tăng lên đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sau hai năm dịch Covid hoành hành, các lễ hội trong cả nước đều được yêu cầu dừng tổ chức, không khí Tết vì thế mà trở nên trầm lắng. Năm nay khi mà dịch bệnh đã được khống chế, người dân tạm gạt bỏ mọi đau thương, mất mát do dịch bệnh gây ra để cùng nhau hướng tới tương lai, hướng tới một năm mới với những niềm tin và hy vọng mới. Nhìn những gương mặt những chàng trai cô gái trong các sắc áo quần đang hối hả ngược xuôi mới thấy mùa xuân đã đem đến cho chúng ta một sức sống mới tràn đầy sinh lực. Từng đàn em nhỏ tung tăng đến trường mà miệng líu lo kể chuyện gia đình đã chuẩn bị Tết ra sao, và mong ước của các em là gì. Có lẽ điều thiêng liêng nhất của mọi gia đình trong dịp Tết đó là niềm vui sum họp đoàn viên cùng gia đình.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp được hình thành trên mọi miền đất nước đã thu hút lượng lớn nhân lực tập trung về các thành phố gia nhập vào lực lượng lao động, họ trở thành công nhân của các nhà máy, xí nghiệp, họ rời quê lên thành phố. Sau một năm lao động vất vả, Tết là dịp những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình. Chính vì lẽ ấy mà Tết đối với người Việt trở nên quan trọng và thiêng liêng. Nó đã in dấu trong tâm trí mọi người. Những ngày Tết cũng là lúc họ được trở về gặp lại người thân ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Cùng nhau chung vui để vơi đi nỗi nhớ thương, sự nhọc nhằn vất vả mưu sinh của một năm.
Tết cũng là lúc mọi hẹn hò, chờ đợi, mọi mong nhớ vỡ òa trong niềm hân hoan đoàn tụ. Đã thành thông lệ, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là bữa cơm sum họp của đại gia đình, tổng kết thành quả của một năm làm lụng vất vả. Tết cũng là lúc con cháu trở về cùng nhau đi tảo mộ thực hiện những nghi thức tâm linh, mời những người đã khuất về ăn Tết, đây là lúc cháu con tri ân, bày tỏ lòng thành kính, hiếu nghĩa đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lòng ta sẽ cùng lắng lại để nhớ về những người thân đã khuất. Cùng nhau ôn lại những kỷ niệm có thể là vui và cũng có thể là buồn để nhắc nhở nhau hãy phát huy những điều tốt đẹp, khắc phục những trở ngại, khó khăn, rồi trong những ngày đầu năm, như ông bà thường dạy “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Đó là một phong tục tập quán tốt đẹp mà cho đến nay những nét văn hóa tiêu biểu đó vẫn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Những ngày Tết bà con cũng không quên du xuân thăm cảnh, vãn chùa, nét đẹp văn hóa mang đậm tính tâm linh của người Việt trên mọi miền đất nước, cầu cho năm mới mọi sự tốt lành.
Tết ngày nay mọi thứ hàng hóa mua sắm dễ dàng, không còn cảnh tất bật như ông bà ta trước đây. Chỉ cần ra chợ dạo quanh một lượt là có thể sắm đủ đồ cho một cái Tết tươm tất. Từ giò, chả, bánh chưng, mì, miến, dưa hành… đủ cả. Những người mẹ, người chị ngày nay có thể thảnh thơi hơn nhiều so với thế hệ các bà, các mẹ trước đây. Cái gì cũng có thể tìm mua được trong các siêu thị cao cấp và ngay cả ở những chợ quê cũng vậy. Tết ngày nay hiện đại hơn nhiều, sang hơn nhiều, đàng hoàng hơn nhiều so với Tết xưa, nhưng cũng chính vì đó mà cũng có nhiều phong tục tập quán dần bị mai một. Những trò chơi dân gian, hình ảnh những đoàn người trong thôn xóm cùng nhau đi chúc Tết giờ không còn, mà chủ yếu bó gọn trong họ hàng, dòng tộc và một số bạn bè thân hữu mà thôi. Một số lễ hội hiện cũng được ngành văn hóa cho phục hồi, tái tạo nhưng không còn cuốn hút và ấn tượng như xưa nữa.
Đó cũng là lẽ đương nhiên khi ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, các mối quan hệ trong xã hội và gia đình phần nào cũng bị lơi lỏng. Bù lại ta có được đời sống vật chất phong phú, đủ đầy. Duy có điều không thay đổi đó là sự háo hức trong lòng mọi người từ già đến trẻ đều mong Tết đến, xuân về. Tết về ta như trẻ lại, con tim luôn xao xuyến, bồi hồi và háo hức chờ mong.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...