Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:15 (GMT +7)

Tết tháng Bảy của người Tày, Nùng Việt Bắc

VNTN - Người Tày, Nùng thường có câu: "Bươn chiêng kin dau hí/Slíp slí kin hôn dùng"

Nghĩa là: Ăn Tết tháng giêng còn phải lo toan nghĩ ngợi, ăn Tết tháng Bảy thì thanh nhàn, vui vẻ và không còn lo toan suy nghĩ.

Tết tháng Bảy có lẽ vui một cách trọn vẹn hơn Tết tháng Giêng (Tết Nguyên Đán). Vì Tết tháng Giêng về khi mùa màng hãy còn đang dang dở, người nông dân phải lo toan cấy lúa sao cho kịp vụ mới. Còn Tết tháng Bảy thì thóc lúa đã gặt về đầy bồ, công việc cấy lúa (đăm nà) và làm cỏ (biai nà) cũng đều đã xong xuôi. Khi ấy, con người không còn phải lo lắng, không còn phải "dau hí" (nghĩ ngợi) nữa, đầu óc đã hoàn toàn thảnh thơi để ăn một cái tết trọn vẹn. Dịp này tuy không có hội lồng thổng với những chú sư tử, trò chơi dân gian và những chiếc tua còn bay đi bay về, nhưng không phải vì vậy mà Tết tháng Bảy mất đi ý nghĩa và sự linh thiêng vốn có của nó.

Thăm nhà ngoại trong ngày Rằm tháng Bảy

Người Tày, người Nùng cũng đều có quan niệm chung như người Kinh về Rằm tháng Bảy. Theo đó thì Rằm tháng Bảy là dịp xá tội vong nhân, là khoảng thời gian chứa đầy ân phúc khi cửa ngục mở để cho các cô hồn, ngạ quỷ cả gia tiên, ông bà được về thăm lại trần gian, thăm lại quê hương, bản quán. Do đó nên ngày lễ này, con cháu đều cố gắng lo lắng thật tươm tất lễ nghi để dâng các cụ với niềm tin tưởng rằng lòng thành và những lễ vật của mình sẽ thấu đến tiền nhân một cách trọn vẹn. Đó là lớp văn hóa mới, còn cội nguồn sâu xa, có lẽ đó là sự đánh dấu một chu kỳ nông nghiệp và sau này là ảnh hưởng của Phật giáo.

Ở Việt Bắc, tùy từng nơi, tùy từng dân tộc mà người ta định ngày ăn Rằm khác nhau. Người Tày, người Nùng ăn Rằm ngày 14, người Kinh thì ăn ngày 15. Có nơi người Tày cũng ăn Rằm ngày 15 như người Kinh. Ngày nay, yếu tố công việc cũng là một quyết định cho việc định ngày để ăn Rằm tháng 7. Có nhà vì con cháu bận việc nên có thể ăn từ mùng 10, hoặc thậm chí là qua rằm,... Tuy những ngày có khác nhau nhưng trong tâm thức người Tày, Nùng thì ngày 14/7 vẫn là ngày lễ chính và mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng nhất. Do vậy mà người ta vẫn dùng câu "kin nèn slíp slí" để chỉ ngày tết tháng 7.

Không khí ngày tết tháng Bảy có lẽ đã sục sôi cả tháng sau ngày tết "xo lộc" (6/6). Người làm nông nghiệp thì cố gắng cày, cấy cho xong khoảnh ruộng để kịp đón tết. Người đi làm ăn xa thì cũng cố thu xếp công việc và đặt mua vé tàu, xe về với gia đình. Những cô con gái đi lấy chồng xa lại càng hối hả thu xếp công việc và sốt ruột trông ngóng ngày tết tháng Bảy để được về quê ngoại thăm ông bà, cha mẹ. Trẻ con thì háo hức chờ tết, vì đàn vịt của chúng nuôi đã lớn lắm rồi, đã thay lông đổi cánh hết cả rồi, món tiền từ những chú vịt tuy nhỏ thôi nhưng sẽ phụ thêm chúng chiếc áo và cặp sách cho năm học mới.

Các phiên chợ ngày áp tết cũng thật đông vui, hàng nọ nối tiếp hàng kia. Chỗ này người ta bán hoa quả, chỗ kia lại bán gà vịt. Kẻ mua, người bán nhộn nhịp, tưng bừng. Trong những phiên chợ trước ngày 14, các mặt hàng như gạo nếp, đỗ, lạc, thịt, lá gai,... có lẽ được ưu ái hơn hẳn các loại khác, vì nó phục vụ cho việc chế biến 2 loại bánh đặc trưng của Rằm tháng Bảy hơn cả, đó là bánh rợm (chì tải) và bánh gai (pẻng bâư páng). Thường thì nhà nào cũng làm 1 nửa bánh nọ, một nửa bánh kia để phong phú cho các thức bánh dâng cúng tổ tiên.

Để làm bánh rợm thì người ta đã lưu ý chọn những hạt gạo nếp "mèng thương" (gạo nếp cái hoa vàng) hạt to, tròn, mẩy và khi nấu lên bánh sẽ rất thơm. Sau khi ngâm khoảng 10 tiếng, gạo được vớt ra, đem xay thật nhuyễn và vắt cho vừa đủ khô. Bột nếu khô quá thì bột vỡ và nhão quá thì cũng chẳng bọc được nhân. Khi bột đã đạt yêu cầu, các bà, các mẹ sẽ nhào bột với 1 chút muối cho bánh "ngọt muối", sau đấy sẽ lăn bột thành thanh dài và chia ra từng phần nhỏ. Khi bột đã nhào xong, các bà sẽ đưa từng cục bột đã được chia nhỏ vào lòng bàn tay, dùng ngón cái ấn nhẹ xuống, tạo điểm lõm và đặt vào đó 1 thìa nhân.

Nhân bánh được làm từ lạc và thịt băm. Lạc được rang giòn, sau đó xào chung với thịt băm để làm nhân.

Nhân thịt - lạc bao giờ cũng được ưu ái nhiều hơn nhân thịt - đỗ hay thịt - mộc nhĩ vì những loại nhân này không để được nhiều ngày, dễ ôi thiu nên chỉ làm khi có yêu cầu và cũng chỉ làm gọi là có. Lá để gói bánh rợm là lá chuối tươi. Trong khi bà và mẹ đang nhào bột, lũ trẻ trong nhà sẽ mang lá ra lau để lát nữa sẽ gói. Lá chuối gói bánh cũng phải đạt yêu cầu về kích thước và độ khô. Thường thì người ta sẽ chặt và róc lá 2 ngày trước khi gói để cho lá hơi héo, khi ấy thì gói bánh, xếp bánh vào nồi mới dễ dàng, mới được đầy nồi và bánh sẽ không bị vỡ trong quá trình hấp. Sau khi cho nhân bánh xong, các mẹ sẽ lăn cho thật tròn rồi lại lăn qua một lớp mỡ để chống dính, sau đó mới gói vào lá chuối. Bước cuối cùng là xếp bánh vào nồi hấp và bắt đầu nổi lửa. Thường thường, cách xác định bánh chín truyền thống nhất là khi nước trong nồi đã sôi, người ta sẽ đốt 1 cây hương. Khi cây hương tàn thì cũng là lúc bánh chín. Bánh khi vừa lấy ra sẽ được đưa ngay lên bàn thờ để dâng cúng tổ tiên.

Còn đối với bánh gai thì cách thức chế biến giống bánh gai miền xuôi. Khi nhào bột, người ta sẽ nhào và giã bột với lá cây gai. Cây gai là một loại cây thân thảo, gần đến Rằm thì thu hái về và đem phơi khô. Ngoài ra, nếu không có lá gai thì có thể dùng lá moong - 1 loại lá có tính chất giống lá gai để thay thế. Đến khi làm bánh, người ta rửa sạch và đem luộc chín. Khi lá chín, lại đem gỡ thật sạch các gân lá rồi mới cho vào giã với bột nếp và đường. Càng giã nhuyễn và đều thì bánh càng đẹp, càng ngon. Nhân bánh thì làm bằng đỗ xanh xào đường. Có thể thêm hạt sen, dừa, vừng hay thịt mỡ đều ngon cả.

Tết tháng Bảy, hầu như nhà nào cũng làm trên dưới 200 chiếc bánh. Làm nhiều để còn biếu họ hàng, anh em; để làm quà cho các con, cháu khi về thăm nhà hoặc để con trai mang sang nhà vợ,... Cứ từng cặp bánh xâu lại với nhau rồi treo lên sào dài, trông rất đẹp mắt. Có nhà còn làm bánh đôi bằng cách gói chung 2 cái bánh trong 1 tàu lá. Những đôi bánh này còn được gọi là bánh vắt vai, vì đúng là chúng có thể vắt được qua vai.

Tuy không phải là tục lệ nhưng đối với Tết Rằm tháng Bảy, đồng bào thường chọn bún và vịt làm món ăn chính. Nhà nào cũng cố mua cho được đôi vịt về ăn Tết, con thì để đi tết bên ngoại, con thì để thịt cúng gia tiên. Đồng bào cho rằng vào tháng Bảy mưa ngâu, nước sông Ngân Hà dâng cao, con gà không thể vượt sông được nên người ta cúng vịt để vịt bơi qua sông mà đem những lời nguyện cầu của gia đình đến với gia tiên, ông bà.

Một tục lệ đẹp và quan trọng trong Tết Rằm tháng Bảy chính là tục “pây tai” (hoặc “dương tai”) tức là đi thăm ngoại. Tục “dương tai” phổ biến trong cộng đồng người Tày, Nùng ở Việt Bắc. Đây là tục lệ thể hiện lòng biết ơn của các cô con gái đã xuất giá và con rể đối với cha mẹ vợ. Đồng thời, đây cũng là dịp để những cô con gái được trở về thăm lại cha mẹ, anh em bên ngoại và đoàn tụ gia đình. Điều này đặc biệt ý nghĩa với những cô gái lấy chồng xa quê.

Trong một năm, người Tày, Nùng “dương tai” 2 lần. Lần thứ nhất vào ngày mùng 2 Tết nguyên đán và lần thứ 2 vào dịp Tết tháng Bảy. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa 2 cái "dương" này là: Nếu "dương tai" tết nguyên đán lễ vật là con gà thì "dương tai" tết tháng 7 lại là con vịt.

Thời gian "dương tai" được diễn ra trong ngày 14/7. Tuy nhiên, đi buổi sáng hay chiều thường do các anh em đồng hao tự bàn bạc với nhau. Việc “dương tai” không phải đơn thuần chỉ là lễ nghi, mà nó còn là dịp vui để anh em gặp gỡ, vì vậy cần phải có sự thống nhất để niềm vui thật sự trọn vẹn. Ngày nay, vì nhà nào thể nào cũng có 1 anh con rể hoặc con gái là công chức nhà nước nên việc "dương tai" thường diễn ra vào buổi chiều tối để có thể ngồi lai rai hơn.

Làm bánh gai để dâng lên tổ tiên Nguồn: Dantocmiennui.vn

Trước khi con trai, con dâu và các cháu lên đường đi ngoại. Bà nội thường tự tay chuẩn bị các lễ vật để biếu thông gia, đó là đôi vịt và dăm cái bánh thật ngon. Nếu cháu còn bé thì trước khi xe lăn bánh, bà nội thường lấy than chấm lên trán cháu 1 chấm đen nhỏ làm dấu để tránh các loại tà ma bắt mất vía khiến cháu bé bị ốm hoặc khóc. Khi đến nhà bà ngoại, ông bà chạy ra tận nơi đón con, cháu và lễ vật. Lễ vật nhỏ, to hay nhiều, ít không quan trọng, quan trọng là con cái về đầy đủ với bố mẹ và thắp nén nhang thơm cho tiên tổ.

Nhà nào có nhiều con gái thì thật tưng bừng. Con gái, con rể, cháu gái, cháu rể, cháu lớn cháu bé, rồi lại cả con trai, con dâu các thế hệ cùng về tụ họp.

Trên nhà các ông uống trà, hút thuốc, ngoài sân thì trẻ con thi nhau chạy nhảy làm các bà, các mẹ đuổi theo không kịp. Phía ngoài sân, các thanh niên trong nhà lau bàn ghế, thịt vịt và chị em lúi húi làm rau.

Sau khi sắp mâm xong, chủ nhà sẽ trịnh trọng thắp hương lên bàn thờ và lầm rầm khấn vái trong không khí linh thiêng và ấm áp. Tiếp đến, con cháu vào lạy các cụ. Vui nhất là đám trẻ con, chúng xếp hàng dài, thi nhau vái lên vái xuống. Kết thúc 3 tuần rượu thì vàng mã trên mâm sẽ được hóa cho các cụ và lúc này mâm bát cũng đã được sắp xong.

Bữa tiệc diễn ra thật đầm ấm vui vẻ. Mâm trên thì đàn ông cà kê với nhau những câu chuyện bên chén rượu nồng. Mâm dưới thì chị em lại to nhỏ kể chuyện nhà cửa, chồng con. Mâm dưới cùng thì trẻ con đang tranh nhau, vì cái còng vịt…

Tiệc tàn, cánh đàn ông ngồi uống trà và xem ti vi, trẻ nhỏ thì ùa ra sân nô đùa còn cánh chị em thì lúi húi rửa bát, xếp bát. Vừa dọn dẹp, rửa bát họ lại ôn lại kỷ niệm xưa, về những ngày còn chưa xuất giá. Khi mọi công việc đã xong xuôi cả nhà lại ngồi quây quần ăn hoa quả tráng miệng. Vừa ăn vừa bàn đủ thứ chuyện… khiến cả nhà ầm ĩ tiếng cười.

Đến 9h khuya muộn, các con cháu chào ông bà để về. Bà ngoại cho mỗi nhà 1 con gà trống nhỏ, vừa là để làm quà lại vừa để giữ vía cho cháu. Nếu cháu còn nhỏ quá, bà ngoại cũng lại chấm cho cháu 1 chấm bằng than đen lên trán.

Tết Rằm tháng Bảy đến nay vẫn là một mảng quan trọng trong tâm thức người Tày, Nùng. Mặc dù cuộc sống ngày nay có phần hối hả nhưng người ta vẫn dành chút thời gian để sum họp với gia đình và dâng nén tâm nhang lên tiên tổ. Đó không chỉ là dịp để anh em gặp mặt, để thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa với ông bà mà còn là sự nối dài truyền thống văn hóa.

Nguyễn Văn Bách

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy