Tết rồi, về nhà thôi!
VNTN - Nhớ thời còn là sinh viên, những ngày cuối năm, chỉ mới đầu tháng Chạp thôi mà tâm trạng chúng tôi, đứa nào cũng háo hức. Một tiếng gọi từ sâu thẳm trong tâm khảm cứ thổn thức, xốn xang, cứ rạo rực khiến ai cũng phấn chấn chung một cảm xúc: Tết rồi, về nhà thôi! Nhưng vì chúng tôi học trường tỉnh thành ra phải chừng 24, 25 tháng Chạp mới được nghỉ Tết. Trong khi những trường của Bộ hết 15 tháng Chạp sinh viên đã được nghỉ rồi. Vậy là chúng tôi cứ thấp thỏm, ngóng đợi từng ngày, chỉ mong nhanh nhanh đến ngày về Tết.
Rồi ngày về cũng tới. Cánh sinh viên lũ lượt giúp nhau khuân vác hòm xưởng, va ly, sách vở, cả nồi niêu, xoong chậu… đi gửi ở nhà dân hoặc nhà các thầy cô, sau đó lại lũ lượt kéo nhau ra bến xe xếp hàng mua vé. Thời bao cấp xe cộ ít việc, chúng tôi bị nhỡ phải ở lại là chuyện thường. Những bạn ở Na Rì, Chợ Rã, Ngân Sơn… phải dậy từ 3, 4 giờ sáng để ra bến xe mua vé. Chẳng may có ai đó không mua được vé đành phải chờ đến hôm sau thì quả là khổ. Bếp ăn nhà trường đã nghỉ, kiếm được chỗ ăn là cả một vấn đề, nhiều khi phải nhịn đói… Nhiều bạn mải chen mua vé mà giấy tờ, tiền nong, thậm trí cả túi quần áo cũng bị kẻ cắp lấy sạch, lên xe chỉ còn mỗi tấm vé trên tay…
Vất vả là vậy nhưng không có gì cản nổi chuyện về Tết. Những chuyến xe Tết về quê ngày đó bao giờ cũng chật ních như nêm cối. Nhiều khi khách chỉ có thể đứng chân co, chân ruỗi suốt chặng đường dài hàng trăm cây số mà lòng vẫn hạnh phúc, vì đã may mắn lên được xe sau cả ngày trời chờ đợi, chen lấn vật vã. Cuối cùng những chiếc xe cũng lập cập rời bến mang theo cả niềm vui và nỗi buồn như thế.
Bao người tha hương chật vật quay cuồng khi cái lạnh về lại chạnh lòng nhớ hơi ấm nơi quê nhà. Những cuộc “di cư” vào mùa xuân bao giờ cũng mang nhiều cảm xúc khó tả. Trong cái nhốn nháo, đông đúc ở bến xe dù mệt mỏi do chặng đường dài, hay chen chúc chật chội nhưng khuôn mặt ai cũng phấn chấn và háo hức bởi nghĩ tới sắp được về nhà, gặp lại những người thân yêu.
Đều đặn hàng năm vào dịp Tết vẫn là những chuyến “di cư” như vậy. Giờ tuy tàu xe có dễ hàng hơn, thậm trí máy bay cũng là phương tiện mà nhiều người lựa chọn nhằm rút ngắn thời gian cho chuyến đi để có nhiều thời gian hơn dành cho người thân, gia đình, vé có thể đặt mua qua mạng trước cả tháng trời, nhưng việc “di cư” trong dịp Tết vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người nhất là sinh viên, công nhân, những người lao động nghèo. Lo tàu xe về Tết, ra Giêng lại lo tàu xe đi...
Những người mẹ già lóng ngóng đứng ngoài ngõ, cùng với hàng xóm đón đợi những đứa con đi làm ăn xa về nhà ăn Tết. Những đứa con vì mưu sinh phải rời xa quê, lặn lội nơi đất khách quê người, bởi công việc đồng áng thu nhập thấp mà bấp bênh, không giữ nổi chân người. Làng quê giờ đây hầu như chỉ còn người già và con trẻ. Nhiều ông bố, bà mẹ đã bao năm lủi thủi ăn Tết một mình. Các con lần lượt đi làm ăn rồi có đứa định cư luôn ở thành phố hay nước ngoài không về. Vậy là người ở, người đi đều day dứt một nỗi niềm nhớ thương!
Tết năm nào, nhà cũng đầy đủ đồ tây, đồ ta, nhưng các cụ bảo vẫn cứ thiếu. Ngôi nhà xây kiên cố, khang trang mà lạnh lẽo bóng người khiến bao mẹ cha bật khóc vì thương nhớ cháu con. Tết đáng ra vui mà lại buồn, mấy ông bà già sang chúc Tết lại ngậm ngùi kể chuyện ngày xưa!
Năm nay, những bà mẹ nghe tin con điện hẹn sẽ về ăn Tết mà reo vui như con trẻ chạy khoe khắp xóm. Niềm vui làm các ông bố, bà mẹ hóa lẩn thẩn dù con cái đã hẹn cận Tết mới về, nhưng ngày nào họ cũng khấp khởi ra đầu ngõ chờ mong, ngóng đợi quên cả tiết trời giá lạnh.
Nhiều người phàn nàn, quay đi quay lại đã thấy Tết, vừa tốn kém, vừa vất vả nên bỏ Tết cổ truyền thì tốt biết mấy. Nhưng nói là vậy chứ giả thử bỏ Tết đi thì còn đâu là hồn cốt, là bản sắc Việt nữa?! Bởi Tết là đoàn viên, là sum họp, là sẻ chia… là những ngày ít ỏi đoàn tụ bên những người thân trong gia đình sau cả năm vất vả mưu sinh. Những ngày nghỉ Tết trôi đi quá nhanh khiến ai nấy đều tiếc nuối không muốn rời quê, xa những người thân yêu. Nhưng vẫn vì hai chữ “mưu sinh”, họ lại phải gạt nước mắt, hẹn nhau đến Tết năm sau.
Tết trở về, trước hết là trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, với tổ tiên, với những người thân cùng bao kỷ niệm, kỷ vật vẫn còn hiện hữu trong nếp nhà xưa. Nơi con ngõ nhỏ ta chập chững những bước đi đầu tiên, nơi bờ ao, bụi tre, gốc duối đã hằn in bao kỷ niệm tuổi thơ ta… Tết luôn là nỗi nhớ mong, sự chờ đợi, hẹn hò của những người thân dành cho nhau! Về nhà thôi, Tết đã cận kề, những người thân đang ngóng đợi ta!
Tản văn. Bùi Nhật Lai
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...