Thứ tư, ngày 05 tháng 02 năm 2025
15:44 (GMT +7)

Tết đủ đầy

Bố còn uống nhiều rượu không? “Bố vẫn hay say rượu thế à?”. Nhà nội tôi chắc anh em với cả huyện. Mỗi lần gặp họ hàng, người quen, sau một hồi nói chuyện, chia sẻ mới nhận ra nhau, tôi thường được nghe những câu hỏi kiểu như thế. Ngày nhỏ, tôi cảm thấy rất xấu hổ về điều này. Vậy mà, hơn chín năm nay, dù muốn, tôi cũng không bao giờ còn có được cảm giác ấy. Cha đi bất ngờ vào một ngày nắng hạ, sau cơn đột quỵ, không một lời trăng trối. Trừ anh cả, ba đứa con còn lại trong đó có tôi không về kịp để được gặp cha lần cuối cùng.

Tết đủ đầy
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Sự gợi nhớ luôn thường trực trong tôi. Trên xe ô tô, trong dặm dài công tác khắp các tỉnh, thành của tôi, nhìn thấy một người say rượu, lảo đảo đi trên đường, nhớ cha. Thoáng hàng xe đẩy đi qua, có bán quần áo mặc ở nhà kẻ dọc, loại dành cho các ông lớn tuổi, nhớ cha. Nhớ là trước khi mất vài tháng, cha có bảo: “Con gái mua cho bố bộ quần áo kẻ, quần áo bố bạc và nhăn hết”. Tôi cứ bươn bả với cuộc mưu sinh, chưa kịp mua thì cha đã đi rồi… Nhưng niềm nhớ tha thiết và rõ rệt nhất là khi Tết về. Cha có thể say rượu, có thể chửi bới, có thể đi lang thang, có thể nằm đường, nằm chợ,… nhưng những phong tục thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết, cha luôn thành kính, cẩn trọng và chu đáo. Nhờ cha, Tết trong tôi trở nên quý giá hơn, thiêng liêng hơn.

Suốt tuổi thơ tôi, cứ phải đến tối 30 tháng Chạp, mẹ mới mua được đủ đồ ăn, thức uống cho Tết: thịt lợn, thịt gà, bánh đa nem, cà rốt, hành tây, bánh kẹo,… Mâm ngũ quả thật đơn giản, chiều muộn mới được sắp lên bàn thờ. Nải chuối xanh, quả bưởi vàng, quất chín, quả cây trứng gà, đu đủ và đôi năm còn có cả cà chua nữa, cho đỏ. Xoài chín vàng, thanh long đỏ hay táo tàu hồng, là những loại quả mà mãi sau này lớn lên tôi mới được biết, được ăn. Thích nhất là những năm mẹ mua được nhiều bánh kẹo hơn, gói nhiều bánh chưng hơn một chút. Hết Tết,  bánh chưng còn, kẹo bánh còn, anh em chúng tôi sẽ mang theo ra đồng khi đi lên luống hoặc khi trồng thuốc lá vào đầu năm, nghỉ giữa buổi sẽ bỏ ra ăn. Tôi hay buồn. Sao nhà mình nghèo thế hả mẹ? Mẹ cũng buồn. Một người phụ nữ nhỏ bé, làm trụ cột cho một gia đình có bốn đứa con vào thời điểm ấy, không dễ dàng gì.

Gặt xong lúa mùa, cha cất kỹ ba đon rơm nếp hèo, loại nếp ngày xưa, cây cao, tốt và rất thơm. Không vào thời điểm khác, luôn là chiều 30 Tết, khi cả nhà tất bật dọn dẹp nốt những gì còn dang dở và chuẩn bị bữa cơm tất niên, cha sẽ dọn bàn thờ. Trước khi dọn, cha thắp hương xin phép các cụ. Gio rơm nếp được đốt, để nguội. Cha rút chân hương, để lại ba chân hương cũ, vòng và đẹp nhất, bỏ gio cũ đi rồi dùng khăn sạch nhúng nước rượu gừng lau từng bát hương. Khi bát hương đã được lau sạch và khô, cha cho gio mới vào, đặt lại đúng vị trí trên bàn thờ rồi cắm ba chân hương cũ lên, thắp ba nén hương mới để báo cáo công việc đã hoàn thành. Dù Tết năm ấy, nhà có mua được nhiều hay ít thịt lợn, hay nuôi được một con để thịt, thì cha luôn nhớ hoặc nhắc anh em chúng tôi cắt ra sáu miếng thịt vuông, nhỏ, gọi là thịt tộ, cất kỹ trên quang treo. Suốt ba hôm Tết, ngày hai bữa cơm trưa và tối, cha nhắc chúng tôi nấu cẩn thận, đủ món, đặt bàn thờ và thành tâm thắp hương khấn vái. Cha gọi ngày hóa vàng là ngày đưa đảng. Bữa cơm cúng đưa đảng thường làm vào chiều mồng ba Tết. Sáu miếng thịt tộ được luộc lên, tất cả số bánh chưng còn lại của Tết được cha cho vào hai thúng trên đôi quang gánh, để ở cửa, cùng chiếc đòn gánh, mâm cơm đầy đủ các món trong mấy ngày Tết, với thịt tộ sắp ra đĩa, xếp hàng, để các cụ mang về cho những ngày tiếp sau ấy. Với cha, chỉ khi xong lễ đưa đảng, hương tàn, tiền vàng, quần áo được hóa, Tết mới trọn vẹn.

Tết đầu tiên mất cha, chồng tôi bảo hai vợ chồng mình và hai con về bà ngoại đón giao thừa, là ăn Tết nhà bà ngoại luôn. Được lời như cởi tấm lòng, tôi mừng lắm lắm. Cả nhà cùng thức đợi thời khắc giao thừa tới. Khi pháo hoa bung nở trên vô tuyến, nhìn góc hiên nhà, nơi có đặt điếu hút thuốc lào và chiếc xô để hắt sỉ thuốc, không còn thấy dáng cha lom khom ngồi trong giá buốt nữa, không còn nghe tiếng ho khụ khụ, lòng tôi se thắt. Nỗi đau này, sự mất mát này là có thực. Vậy mà, hơn sáu tháng qua, tôi cứ ngỡ cha chỉ đi đâu đó thôi, rồi cha sẽ về. Tết cha sẽ về.

Rồi vợ chồng tôi cũng có nhà riêng. Mỗi khi Tết đến, chồng tôi hay trực ca một từ hăm tám tháng Chạp đến trưa mồng hai tháng Giêng. Tôi và các con thường tự dọn cửa nhà, ở nhà mình ít nhất từ chiều 30 tới hết mồng một, đón giao thừa ở nhà rồi mới về nội, xong về ngoại. Những lúc được quây quần bên gia đình nhà nội, nhà ngoại, không cứ ngày thường hay ngày Tết, là những phút giây thật là đáng quý, những phút giây hạnh phúc. 

Năm nay, bỗng dưng đọc lại một câu quen thuộc trên mạng, đại ý là: “Có những người, dù ta có da diết nhớ, thì cũng không cách nào gặp được”, sống mũi cay cay. Nghĩ về cha, ngẫm về những cái Tết đủ đầy.

Tết đủ đầy, không phải là khi có thể sắm được mọi thứ dùng cho Tết mà ít phải lăn tăn về cơm, áo, gạo, tiền. Tết đủ đầy, không phải là khi có thể sắp tròn trịa mâm ngũ quả từ trước ngày 30 tháng Chạp. Tết đủ đầy, không phải là khi có thể được về nhà ngoại đón giao thừa, ăn Tết cùng gia đình – nơi mình đã sinh ra và lớn lên – dù đã đi lấy chồng mười mấy năm. Mà, Tết đủ đầy, là khi anh em chúng tôi còn cả cha và mẹ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tầm xuân ngày mưa ấm

Văn xuôi 20 giờ trước

Nỗi nhớ tre làng

Văn xuôi 3 ngày trước

Làng ôm tôi vào lòng

Văn xuôi 3 ngày trước

Rubic Tết

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Tiếng đàn bên sông Cầu

Văn xuôi 4 ngày trước

Nỗi nhớ mùa Xuân

Văn xuôi 1 tuần trước

Ngày Tết của tuổi thơ

Văn xuôi 1 tuần trước