Tết của người Dao đỏ
VNTN - Hàng năm, mỗi khi hoa mận nở bung trắng khắp các sườn đồi, những chồi non của hoa đào nhú lên, cũng là lúc đồng bào người Dao ở Phiêng Lằm (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) nô nức chuẩn bị đón năm mới, với những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa người Dao đỏ…
Cũng như các dân tộc khác, tháng Chạp hằng năm người Dao lại nô nức chuẩn bị đón tết. Thanh niên trai tráng vào rừng lấy củi, sửa sang nhà cửa. Những cô gái duyên dáng thì cố gắng hoàn thành nốt những đường thêu cuối cùng của bộ váy truyền thống để khoe sắc vào những ngày chợ phiên và ở hội xuân. Còn các bà, các mẹ bắt đầu rậm rịch tìm lá dong để gói bánh.
Khi khâu chuẩn bị đã được hoàn thành thì công việc quan trọng nhất để đánh dấu tết đã thực sự bắt đầu chính là làm lễ cúng, gọi tổ tiên về ăn tết. Bắt đầu từ ngày 25 tết, người Dao đỏ sẽ tìm Thầy về làm lễ cúng mời tổ tiên về cùng con cháu ăn tết đồng thời báo cáo kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới và cầu mong tổ tiên phù hộ để con cháu an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Tiếp đó là những việc như: dọn dẹp xung quanh nhà, quét dọn, trang trí bàn thờ... Càng đến ngày giáp tết, công việc càng bận rộn hơn. Đàn ông giúp đỡ nhau thịt lợn đón tết còn phụ nữ thì rửa lá, chẻ lạt, ngâm gạo để gói bánh chưng. Bánh chưng ở đây cũng được làm với các nguyên liệu quen thuộc như gạo, đỗ, thịt mỡ, nhưng bà con chỉ làm duy nhất loại bánh dài, được buộc ba đường lạt thường được gọi là bánh chưng gù. Ngoài bánh chưng, bánh dầy cũng là thức bánh không thể thiếu. Bánh dầy ở đây được các chị, các mẹ giã bằng tay, nên bánh rất mịn, ngon và mềm.
Ngày 30 tết, lúc này không khí đã vô cùng khẩn trương. Từ già trẻ, gái trai đều tất bật, người quét dọn nhà cửa từ ngoài sân đến trong nhà, người trang trí nhà cửa sao cho thật đẹp. Ngoài tranh ảnh, hoa mận, hoa đào... được chuẩn bị từ trước, người Dao đỏ còn cắt giấy đỏ làm hình mặt trời, có ánh hào quang tỏa sáng dán vào bàn thờ. Không những thế, ở các cửa ra vào đều được cắt dán 4 tờ giấy có 4 màu: xanh, đỏ, tím, vàng tượng trưng cho 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Các nơi khác như: chuồng gà, chuồng lợn…và các vật dụng, cối, chum, chạn bát... cũng đều dán giấy màu. Trâu, bò cũng phải được tìm về buộc trong chuồng. Bởi người Dao quan niệm rằng để tất cả các vật dụng, vật nuôi trong nhà cùng gia chủ đón tết cũng là lời cảm ơn của chủ nhà với mọi vật vì đã cùng nhau lao động để có được của cải, mùa màng bội thu.
Thầy Cúng - những người giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ của người Dao đỏ
Khi bánh chín, người Dao Phiêng Lằm sẽ chọn ra 12 chiếc bánh chưng, 12 cái bánh dày tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 12 con giáp. Sau khi bày quả, bánh kẹo, buộc 02 cây mía ở hai bên xong xuôi, chủ nhà sẽ tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề rồi mới thắp hương khấn tổ tiên. Đêm giao thừa đến, cả làng sẽ chờ nghe tiếng gà gáy đầu tiên của năm. Người Dao quan niệm rằng: nếu gà gáy trước thì năm đó bình yên vô sự, nếu chó sủa trước thì sẽ có nhiều kẻ trộm, nếu mèo kêu trước sẽ có thú dữ.
Bước sang sáng mùng một, mọi người đi chúc tết sẽ xem giờ xuất hành và hướng đại lợi để đi theo phương đó. Trước khi đi, họ mang tiền giấy, hương đến một nơi đã chọn và gọi các thần linh về để mua các thứ mình muốn, rồi đốt hương cắm ở đó, khi đi về sẽ cầm theo một hòn đá để làm lộc. Ngày trước, ngày mùng một Tết, mọi người chỉ ở nhà để thắp hương, thì nay đã khác. Sáng sớm, sau bữa cơm tươm tất, mọi người đã có thể đi chơi khắp bản, vào nhà chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất. Lời chúc tết của người Dao Phiêng Lằm luôn được mở đầu bằng câu cửa miệng "Phấy quấy hèng bẳng” (bốn mùa thịnh vượng). Đặc biệt, trong những ngày lễ tết thì không ai được nói tục, chửi bậy, trẻ em không được khóc nhè. Những ngày tết tiếp theo cũng được tổ chức đi chơi lần lượt các nhà. Lúc này, các lễ hội ở bản cũng đang diễn ra thu hút rất đông bà con tham gia với những trò chơi dân gian như: tung còn, kéo co, đánh cù... Ngoài ra, người Dao đỏ còn xem ngày để khai công dịp đầu năm, vào ngày đó sẽ tập hợp cả họ lại, để phát nương hoặc cày bừa lấy ngày may mắn.
Những ngày tết chính thức kết thúc vào mùng 6, mùng 7. Mỗi gia đình lại chuẩn bị một con gà luộc và bánh chưng để cúng với nội dung báo cáo cho tổ tiên biết đã hết tết, con cháu cần tiếp tục làm việc ngày mùa và những công việc khác; hẹn ngày mùng một và ngày rằm về thắp hương cho tổ tiên, tết năm sau tổ tiên lại về cùng con cháu.
Trong sự phát triển văn hóa, giữa sự giao thoa và hội nhập hiện nay, giữ được những đặc trưng và phong tục tập quán như đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Phiêng Lằm là rất cần thiết và đáng trân trọng. Mùa xuân đang đến trên từng nóc nhà của mỗi gia đình trong bản, xin gửi đến độc giả lời chúc tết bằng tiếng Dao vô cùng ấn tượng:
Phấy quấy hèng vẳng!
Phượng Nhi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...