Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:25 (GMT +7)

Tặng – xin – cho???

VNTN - Năm 2015, lần thứ 8 Nhà nước xét trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho nghệ sĩ và người công tác trong các lĩnh vực thuộc các ngành Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Múa. Danh sách đã được công bố chính thức vào tháng 6/2015 với 39 NSND và 119 NSƯT. Và thêm một lần nữa vấn đề tặng hay xin - cho đối với nghệ sĩ như một chấn thương tâm hồn khá nhạy cảm.


"Xin - Cho” đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong mọi thủ tục hành chính của Việt Nam (VN), đã ăn sâu và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Việc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là niềm tự hào, một tưởng thưởng xứng đáng cho lao động nghệ thuật của cuộc đời người nghệ sĩ, chứng tỏ họ đã được Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao vì sự cống hiến. Nhưng điều quan trọng ở việc tặng như thế nào, thủ tục ra sao để không làm tổn thương đến lòng tự trọng của người nghệ sĩ, để người nghệ sĩ thấy thật sự mình được tôn trọng, được tôn vinh.

“Xin” nhưng chưa chắc đã “cho”

Một trong những thủ tục đầu tiên để làm hồ sơ xét tặng là các nghệ sĩ phải làm đơn “xin”, và kê khai thành tích của bản thân. Đó là một thủ tục gây cho họ sự tổn thương tâm hồn vốn rất nhạy cảm của người nghệ sĩ. Rất nhiều nghệ sĩ đã “vấp” phải thủ tục - công đoạn đầu tiên này mà quyết định không “xin” để được xét tặng dù họ có rất nhiều thành tích cống hiến cho nghệ thuật và nhân dân. Chính vì chuyện này mà ở đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 7/2012, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã dứt khoát không làm cái đơn “xin”. Ông nói, thành tích của ông Nhà nước và cơ quan chủ quản phải biết, phải nắm, xét thấy đủ tiêu chuẩn trao tặng thì tặng, chứ ông không “xin”… Và rồi sau cùng, có lẽ bị dư luận cộng đồng phản đối mạnh mẽ, nên các cơ quan có trách nhiệm đã lập một bộ hồ sơ gửi lên trên để xét phong tặng ông danh hiệu NSND.

Quay lại “lịch sử” trao tặng danh hiệu mà không cần phải “xin”, có một ngoại lệ duy nhất cho tới bây giờ của Việt Nam là trường hợp nghệ sĩ biểu diễn đàn piano Đặng Thái Sơn được Nhà nước phong tặng vượt cấp danh hiệu NSND không phải qua cơ chế “xin - cho” phức tạp ở độ tuổi 26 vào năm 1984, sau khi đoạt giải thưởng quốc tế Chopin danh giá, và cũng không phải qua “ải” phải đạt NSƯT trước. Nhưng quyết định “táo bạo”, độc nhất này không thể thực hiện được nếu như không có sự can thiệp trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người luôn quan tâm đến văn nghệ sĩ và những hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Ngoài ra không phải trực tiếp làm đơn “xin” là những nghệ sĩ đã thuộc về thế giới khác (và đại diện của họ làm giúp thủ tục này), cho đến giờ cũng là một con số rất khiêm tốn. Trong 5 đợt đầu tiên không có một ai. Ở đợt phong danh hiệu lần thứ 6 năm 2007, 3 nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu NSND: Ca sĩ Trần Khánh (Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói VN); Cố phát thanh viên Đỗ Trọng Thuận (Ban Thư ký Đài Tiếng nói VN) và họa sĩ Bùi Huy Hiếu (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội), 2 NSƯT: Thanh Tùng (Diễn viên múa, Đoàn Văn công Phòng không - Không quân), Nguyễn Xuân Nghiệp (Quay phim Điện ảnh Quân đội). Năm 2010 không có đợt nào nhưng sau khi nghệ sĩ Y Moan từ trần, Nhà nước đã đặc cách phong tặng ông danh hiệu NSND. Ở đợt phong tặng lần thứ 7 có 6 NSND: Hoàng Chì (Phan Trọng Quỳ, Đạo diễn kiêm quay phim Tài liệu và Khoa học), Phạm Hiếu Dân (Phạm Kỳ Nam - Đạo diễn phim), Trần Đắc (Đạo diễn phim), Nguyễn Hồng Nghi (Đạo diễn phim), Nguyễn Văn Nghiệp (Nguyễn Thế Đoàn - Quay phim), Trần Văn Kiên (Trần Kiên - Đạo diễn truyền hình TP.HCM). Và ở lần thứ 8 năm 2015 này có 3 cái tên được nhắc đến, gồm NSND Phương Thanh, Anh Dũng (Diễn viên kịch Nhà hát kịch VN), NSƯT Văn Hiệp (Diễn viên kịch Nhà hát kịch VN).

Cách đây 2 năm, khi xét duyệt danh sách NSND, NSƯT, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) cũng đã lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh quy trình xét duyệt. Thế nhưng cho đến nay, để lên được tới hội đồng xét duyệt cấp Nhà nước thì nghệ sĩ phải có... 7 loại đơn từ, văn bản và qua 4 Hội đồng xét duyệt là Hội đồng cơ sở, Hội đồng tỉnh - thành, Hội đồng cấp Bộ, cuối cùng là Hội đồng cấp Quốc gia. Các nghệ sĩ, vốn rất ngại thủ tục giấy tờ, thì vẫn phải trải qua cả một mớ văn bản như “bản khai thành tích”, “tờ trình đề nghị xét tặng”, “biên bản họp”, “biên bản kiểm phiếu”, “bản sao chứng thực các quyết định tặng giải thưởng”, “bản xác nhận của cơ quan tổ chức cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”, “bản sao các quyết định về danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng”… Nhưng không phải ai “xin” mà đều được “cho”.

Như trong đợt xét trao tặng lần thứ 8/2015 này, có 202 bộ hồ sơ “xin”, nhưng cuối cùng xét chỉ có 158 bộ hồ sơ là đủ tiêu chuẩn “cho”, còn lại 44 hồ sơ kia tạm để lại đợt sau, mà chủ yếu là vì thiếu một vài tiêu chuẩn như quy định. Đáng chú ý, Sở VHTT&DL TP.HCM gửi danh sách đề nghị 24 gương mặt đề cử NSƯT, 2 gương mặt đề cử NSND là các biên đạo múa nổi tiếng Văn Hùng, Vương Linh, kết quả bị gạt gần hết, trong đó có những gương mặt “tên tuổi” như Hoài Linh, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Minh Thúy…

Vô lý hay cánh cửa hẹp?

Theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu, sau khi đạt danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có thêm 2 huy chương vàng ở các cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do các cục chuyên ngành của Bộ tổ chức. Còn huy chương vàng tại các cuộc thi, hội diễn của các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu… chỉ được quy đổi bằng 2/3 huy chương vàng mà thôi. Và Nghệ sĩ cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn “có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên” (riêng xiếc và múa thì 10 năm).

Đối tượng được xét tặng danh hiệu rất đa dạng, bao gồm nghệ sỹ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, ngoài công lập, nghệ sỹ tự do, người hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống…, như diễn viên sân khấu: tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, kịch câm, nhạc kịch, múa rối, xiếc, hát, múa, ngâm thơ, nhạc công...; diễn viên điện ảnh, các phát thanh viên của các Đài truyền hình, Đài phát thanh…; đạo diễn của các bộ môn nói trên, biên đạo múa, quay phim, họa sĩ tạo hình con rối,... các chương trình nghệ thuật tổng hợp, các nghệ nhân dân gian… Kể cả những đối tượng nêu trên, nếu vì yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý lĩnh vực nghệ thuật. Như vậy, có thể nói đối tượng phạm vi điều chỉnh xét tặng danh hiệu rất rộng lớn, đa dạng. Nhưng đó cũng là một “rào cản” trong việc xét tặng của các hội đồng, vì mỗi ngành, nghề có đặc thù tính chất riêng, không thể áp dụng tiêu chuẩn chung cho tất cả.

Nghề múa học thì dài, tuổi nghề thì ngắn. 18 tuổi ra trường (sơ cấp hay trung cấp 4 - 7 năm), nếu phải có thời gian hoạt động nghệ thuật 10 năm trở lên mới được phong tặng NSƯT, thì lúc đó đã tròm trèm 30 tuổi, thuộc độ tuổi “hưu” của nghệ sĩ biểu diễn, nhất là với ballet, đợi được phong tặng NSND cần thêm 4 - 5 năm nữa, lúc đó thành tích liệu có được gì?

Ở nhiều bộ môn như nghệ thuật xiếc, không có nhiều Liên hoan xiếc trong nước, thế thì các nghệ sĩ lấy đâu ra giải thưởng để được tôn vinh? Trước đây cứ 3-5 năm lại tổ chức Liên hoan xiếc toàn quốc, nhưng không hiểu trong kế hoạch phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTT&DL lại vô tình bỏ quên việc tổ chức các Liên hoan xiếc toàn quốc? Các nghệ sĩ xiếc hàng năm cũng chỉ tham gia vài ba Liên hoan, mà các tiết mục nhiều lắm cũng chỉ 2 - 3 nghệ sĩ biểu diễn. Thử hỏi như thế thì các nghệ sĩ đến bao giờ mới đủ giải thưởng cho đạt chuẩn xét tặng?

Ở VN mà “đòi hỏi” các nghệ sĩ biểu diễn nhạc giao hưởng, opera hay múa ballet “có ít nhất 3 giải thưởng chính thức (loại Vàng), trong đó có một giải thưởng liền kề với năm xét tặng danh hiệu tại các Liên hoan nghệ thuật và Hội diễn cấp quốc gia hoặc quốc tế, và giải thưởng của Hội VHNT chuyên ngành cấp Trung ương…”, thì họ lấy đâu ra giải thưởng? Với đặc thù riêng của giao hưởng, opera hay ballet, ở VN chưa có Liên hoan hay Hội diễn dành cho bộ môn nghệ thuật này, đưa ra các tiêu chuẩn về huy chương, phải chăng là vô hình chung đã gạt họ ra khỏi “khung” xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT? Ngành điện ảnh 2 năm, có khi 3 - 5 năm mới tổ chức một Liên hoan, có những Liên hoan không có giải Bông sen Vàng, ngay cả Bạc cũng chỉ vài cái, nếu xét theo chuẩn một cách chặt chẽ thì nghệ sĩ điện ảnh bị thiệt thòi, trong khi những lĩnh vực khác như ca múa nhạc, sân khấu, năm nào cũng có Hội diễn, Liên hoan, bao giờ cũng là “mưa” Huy chương Vàng - Bạc.

Các nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ hoạt động ngoài đơn vị công lập thì cơ hội tham gia các kỳ Hội diễn, Liên hoan để có được huy chương là rất ít. Các nghệ sĩ công lập đi tham gia các cuộc Liên hoan, Hội diễn (trong và ngoài nước) được Nhà nước tài trợ, còn nghệ sĩ của các đoàn ngoài công lập, các nghệ sĩ tự do phải tự túc kinh phí, tự lo thủ tục, nên để tham gia Hội diễn, Liên hoan hay ra nước ngoài là một bài toán kinh tế khó khăn với họ...

Xem như việc xét tặng NSND, NSƯT đối với họ là cánh cửa hẹp.

Hoài Linh (bìa trái) - nghệ sĩ hải ngoại duy nhất cho tới nay được đề nghị phong tặng NSƯT - cũng bị loại

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Tiến Thọ khẳng định: “Tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được quy định rất rõ ràng, trong đó giải thưởng (huy chương) chỉ là một trong những tiêu chuẩn để xét…”. Nhưng ngay như ở Hội đồng cấp Nhà nước, thành viên khá đông, khoảng 25 người, nhưng mỗi người một mảng, không nắm hết chuyên môn của ngành khác, nên việc không biết nghệ sĩ đóng góp ra sao, chỉ căn cứ vào việc họ có sở hữu được đủ số huy chương vàng không mà đồng ý xét trao tặng danh hiệu. Vì thiếu huy chương vàng nên rất nhiều nghệ sĩ đã không lọt qua “ải” này để đủ điều kiện xét tặng NSND, NSƯT.

Thiết nghĩ, đã tới lúc phải xem danh hiệu nghệ sĩ không phải ở những tấm huy chương (bởi huy chương cũng có rất nhiều mặt trái không hoàn toàn đánh giá đúng thực chất), mà là chính sự đóng góp của họ với nền nghệ thuật của VN và “sống” trong tình cảm nhân dân dành cho họ. Khi đó danh hiệu sẽ thật sự ý nghĩa, là tưởng thưởng xứng đáng họ có quyền được tặng, chứ không phải “xin”- “cho”.

Từ năm 1984 đến nay đã có 7 đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT vào các năm: 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2012, hiện VN có: 265 NSND, 1.936 NSƯT. Và đợt thứ 8/2015 (dự kiến trao tặng vào Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2015): 39 NSND, 119 NSƯT.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy