Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:42 (GMT +7)

Tăng cường giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo Văn học nghệ thuật

VNTN - Ngày 10/8, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo VHNT khu vực Việt Bắc”. Tham dự có đại diện lãnh đạo hội VHNT, các văn nghệ sĩ đến từ Nhóm hợp tác xây dựng và phát triển VHNT 8 tỉnh khu vực Việt Bắc (VB7+ 1) gồm: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh và Tuyên Quang.

Năm nay, hoạt động do Hội VHNT Cao Bằng đăng cai tổ chức đã có những điểm rất đáng ghi nhận. Dù lực lượng mỏng (Hội chỉ có 7 người) nhưng từ khâu chuẩn bị tổ chức, đến việc thực hiện đều chu đáo, kỹ lưỡng. Chủ đề của Hội thảo cũng thiết thực trong thời điểm hiện nay.

8 tham luận tại Hội thảo đều bám sát với chủ đề, đã khái quát về bản sắc văn hóa dân tộc, nêu bật được những khó khăn, thuận lợi và vai trò của công tác VHNT của các địa phương… trong đó đặc biệt chú trọng vào các giải pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo VHNT.

Thông qua nghệ thuật tạo hình trong mỹ thuật, họa sĩ Mai Hùng (Hội VHNT Tuyên Quang) đã có những trao đổi thú vị qua tham luận của mình. Ông đưa ra ví dụ: một họa sĩ miền xuôi, có tay nghề rất vững đi thực tế các tỉnh miền núi. Nhưng khi xây dựng tác phẩm về con người miền núi vẫn chỉ thấy "bóng dáng" các nhân vật miền xuôi mặc trang phục miền núi. Dù trang phục, nhân vật đó vẽ rất đẹp nhưng thần thái của người vùng cao chẳng thấy đâu. Qua đó, ông muốn nói rằng khi sáng tác mỹ thuật nói riêng và VHNT nói chung, tác giả có thể sao chép đúng nó, hiểu và điều khiển được nó, nhưng hồn cốt thì không thể nào sao chép được. Suy cho cùng ngôn ngữ biểu hiện dù ở chuyên ngành nào cũng chỉ là cái vỏ. Vì vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong sáng tác VHNT nên bắt đầu bằng việc giữ gìn văn hóa cộng đồng các dân tộc, nó là cái gốc, là môi trường để nuôi dưỡng hồn cốt của mỗi người.

PGS.TS Trần Thị Việt Trung (Hội VHNT Thái Nguyên) lại quan tâm đến đội ngũ làm VHNT, đặc biệt là thế hệ các nhà văn trẻ dân tộc thiểu số (DTTS). Họ là lớp nhà văn khoảng trên dưới 35 tuổi, đã và đang tiếp nối con đường văn chương của thế hệ cha anh trong sự sáng tạo, đổi mới và hội nhập. Không ít tác giả đã cho ra đời những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với lối viết hiện đại, hấp dẫn. Nhưng vẫn có những hạn chế nhất định về vốn sống cùng nhận thức, hiểu biết toàn diện về đời sống, văn hóa dân tộc truyền thống. Những chia sẻ của PGS.TS Trần Thị Việt Trung đều hướng tới mong muốn: các tác giả trẻ DTTS tiếp tục phát huy những thế mạnh và tự điều chỉnh, hoàn thiện để nâng cao trình độ và năng lực; sáng tạo đổi mới nhưng vẫn luôn kế thừa tinh hoa của nền văn hóa, văn học truyền thống để làm mới mẻ, hiện đại hơn những đứa con tình thần của mình.

Ngoài ra, một số giải pháp cụ thể cũng đã được đưa ra tại Hội thảo như: khuyến khích, tổ chức các cuộc thi hướng tới việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp như sáng tác về miền núi - dân tộc gắn với các chủ đề lớn hiện nay như công tác xây dựng Đảng, nông thôn mới; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ tác giả là người dân tộc thiểu số; ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào xuất bản; sử dụng phương tiện truyền thông đa phương tiện hiện đại để quảng bá…

Đối với các tờ báo, tạp chí Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội VHNT cần tạo lập cho mình những giá trị riêng có, yếu tố bản sắc tất yếu phải được đặt lên hàng đầu. Có thể mở các chuyên mục, chuyên trang mang dấu ấn văn hóa địa phương như: trang truyện, thơ song ngữ thiểu số - Việt; các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu về vùng đất, văn hóa và con người địa phương một cách mềm mại, ít hàn lâm học thuật để các độc giả dễ tiếp thu và hứng thú hơn.                                                                                                           

 

Đại biểu các đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Trao cờ luân lưu cho đoàn Bắc Giang, đơn vị sẽ đăng cai tổ chức Hội thảo của VB7+1 vào năm 2019        

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy