Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
15:31 (GMT +7)

Tản mạn về Lễ hội chiêng Mường

VNTN - Lâu nay, sự xuất hiện của nhiều sự kiện được mang tên lễ hội đã cho thấy sự nới rộng nội hàm của khái niệm này. Không còn mang trong mình bản chất của phần lễ, phần hội, những hoạt động này được du khách gần xa đón nhận như một hình thức giải trí, du lịch. Việc được trải nghiệm đời sống nông nghiệp, phong tục tập quán các dân tộc, bản sắc văn hóa của các vùng đất ít nhiều đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần khẳng định giá trị bền vững. Nhưng có lẽ nếu chỉ dừng ở đó cũng không tránh khỏi sự nhận thức mang tính hời hợt về văn hóa và nghệ thuật dân gian.

Những nghi thức tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống khi được mở rộng quy mô thường tạo nên sự phản cảm. Tuy nhiên, từ sự chân thật, nghiêm túc của Lễ hội chiêng Mường lần thứ hai được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình trung tuần tháng 11 chào mừng lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình vừa qua cùng màn diễu hành chiêng đường phố đã khiến tôi bị thuyết phục. Dường như cần có sự nhìn nhận lại đúng đắn hơn về màn trình tấu quy mô 1600 chiếc chiêng ấy.

Trình tấu chiêng ở quảng trường Hòa Bình 

 Lễ hội chiêng Mường với màn trình tấu chiêng quy mô lớn nhất Việt Nam đã xác lập kỉ lục guiness Việt Nam lần thứ II. Trong lễ hội cồng chiêng lần này, các đội chiêng vẫn được tổ chức theo mô hình dàn chiêng Mường truyền thống, thường chỉ có 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Chiêng được đánh theo nhịp chân đi của các nghệ nhân với các bài chiêng như: “Đi đường”, “Poỏng ba”, “poỏng sáu”… vốn được sử dụng trong 24 lễ hội của đời sống của đồng bào Mường như: lễ mừng nhà mới, thành hôn, Lễ hội Khai Hạ (Lễ hội xuống đồng)...

Giữa một buổi trưa nắng mùa đông, từng đoàn các mế, các chị, các thiếu nữ mặc trang phục phụ nữ Mường, mỗi bước đi lại có một tiếng chiêng được vang lên, cứ thế, không biết bao nhiên nốt nhạc mới dẫn được họ đến quảng trường mới xây tại trung tâm thành phố. Vốn chẳng lạ với những mũi tên, mũi giáo, mặt trống đồng và cả các giá chiêng trong các bảo tàng, nhưng, khi được thấy chừng đó chiếc chiêng được đặt trong tay 1600 người nghệ nhân đến từ khắp các mường lớn, mường nhỏ, như 1600 câu chuyện của kí ức cùng được kể lại hôm nay thì tôi thật sự bất ngờ. Đó chính là sự khác biệt lớn giữa cuộc diễu hành chiêng Mường với những kỉ lục đồ sộ kiểu bánh chưng, tô mì khổng lồ… ở giá trị văn hóa. Bốn đoàn người đông đúc, âm thanh vang động nhưng vẫn nằm trong giới hạn của một màn trình tấu. Sự trân trọng, tự tôn vốn cổ cha ông vẫn giữ được sự khiêm nhường chứ không bị lạm dụng thành khoa trương, khoe mẽ.

Nhưng cũng thật tiếc, giá kể, trên những con đường, mọi phương tiện được kiểm soát và nhường lại không gian cho thanh âm mở lối để dẫn dắt người xem đến với các giá trị văn hóa. Giá như một màn trình tấu như thế được quảng bá rộng hơn để những ai quan tâm đến âm nhạc truyền thống được chứng kiến thì sẽ ý nghĩa hơn nữa. Và có lẽ, còn phải khá lâu nữa, khi văn hóa giao thông đã được nhận thức, sự trân trọng dành cho những cuộc diễu hành quý giá này mới có được chỗ đứng lớn hơn trong lòng người xem.

Cũng có đôi lần ghé qua các bảo tàng tư nhân ở xứ Mường này, tôi không khỏi băn khoăn về những không gian sống của cộng đồng Mường được phục dựng. Giờ đây ở nhiều vùng quê trên đất Mường Hòa Bình đã thay đổi từ mái nhà sàn gỗ dổi lợp ngói thành nhà bê tông, con đường đất thành đường nhựa và sự thay đổi từ trang phục, ngôn ngữ giao tiếp… vì thế, ở các bảo tàng, những nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa cố gắng thu vén để giúp người xem được trải nghiệm hơn là phải hình dung, tưởng tượng, như muốn thuyết phục chúng ta rằng sự phục hồi mà đó là một sự thật, là cái đời thường, cái hằng ngày đang diễn ra. Tuy nhiên, khó có ở đâu, lại có sự tập hợp sống động, đầy đủ và cũng rất đương đại như ở Lễ hội cồng chiêng lần này. Qua hỏi chuyện một nghệ nhân trẻ trong đoàn diễn hành đường phố hôm ấy, mới biết được có một lễ hội quy mô như vậy các nghệ nhân đã tâm huyết và phải yêu văn hóa Mường đến nhường nào. Để chuẩn bị màn hòa tấu chất lượng này các nghệ nhân đã dày công nhiều ngày luyện tập, sắp xếp, chia nhóm dưới sự dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật của các đạo diễn tài ba.

Để tổ chức một lễ hội ngẫm ra mới thấy có nhiều điều phải suy nghĩ. So với những Lễ hội Hoa tam giác mạch Hà Giang, Lễ hội hái quả ở Mộc Châu - Sơn La, Lễ hội cam Cao Phong ở Hòa Bình… thì Lễ hội chiêng Mường sẽ thật sự kén người xem. Chữ “kén” ở đây không đến từ việc chiêng Mường khó tạo được sức hút mà bởi sự sâu sắc, tinh tế, bác học của nó. Quả tình, nếu chỉ nghe qua một vài bài chiêng, du khách dẫu không có hiểu biết nhiều về nhạc cụ cổ truyền này vẫn thấy thú vị. Nhưng nếu ngồi xem trong nhiều buổi diễn, với sự lặp lại từ trang phục đến cấu trúc, tiết tấu của nhiều bài chiêng, thì đòi hỏi phải là dân sành âm nhạc mới đủ kiên trì và sự tập trung cũng như sự hứng thú. Đấy là chưa kể đến việc người thưởng thức phải có sự đối sánh giữa màn trình diễn của các đoàn, “đọc” ra được phong cách của từng đội chiêng đến từ các vùng. Một sinh hoạt văn hóa dân gian nhưng có tính chuyên môn cao như thế nếu diễn ra trong không gian sống động như ở một làng Mường được gìn giữ khá nguyên vẹn với nhà sàn, cánh đồng lúa…(còn rất nhiều gợi mở cho các nhà nghiên cứu âm nhạc nói chung, chiêng Mường nói riêng), tiếng chiêng được ngân vang giữa đất trời thì hẳn sẽ tạo nên một không khí khác, một tâm lý tiếp nhận khác. Khi đó hẳn việc tiếp nhận sẽ thú vị và sâu lắng hơn, điều mà những trang sách về chiêng Mường mà người xem đã đọc cũng không thể giúp ích được. Nghe chiêng Mường giữa núi rừng mà như đang được sống lại kí ức của cha ông trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” thuở nào. Sự trải nghiệm đó sẽ nâng tầm lễ hội và tạo nên một điểm nhấn rõ nét hơn nữa cho diện mạo văn hóa vùng miền.

Đoàn chiêng diễu hành qua cầu Hòa Bình 

Một điểm cần lưu ý nữa, trong quá khứ, trong đời sống thường nhật, chiêng thường được tấu lên trong các dịp lễ tết, quan trọng. Vậy nên, nếu chiêng chỉ được biểu diễn đơn điệu như một tiết mục văn nghệ trên sân khấu mà không được gắn với cảnh huống, không có một câu chuyện hay kịch bản thì sẽ dễ gây cảm giác nhàm chán cho người xem, bản thân các bài chiêng được diễn xướng khô cứng ấy sẽ khó đi vào lòng người. Biết rằng, từ ý tưởng đến việc thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn nhưng nếu như ở các lần tổ chức sau chúng ta có sự chuẩn bị công phu hơn, thấu hiểu câu chuyện về chiêng hơn thì sẽ giúp chiêng nói được nhiều điều với người xem hơn nữa. Một lễ hội chiêng lớn đã khép lại, một màn diễu hành với 1600 chiếc chiêng và chừng ấy nghệ nhân đã được xác lập kỉ lục guiness Việt Nam nhưng sẽ còn ý nghĩa hơn nữa nếu chúng ta tiếp tục nghĩ về chiêng Mường ở mảnh đất này.

 Việt Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy