Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:50 (GMT +7)

Tản mạn văn hóa miệt vườn Nam bộ

VNTN - Có thể nói, miệt vườn là sản phẩm mới mẻ của lưu dân người Việt trên bước đường khai phá vùng đất mới Nam bộ. Đó là kết tinh của những sáng tạo, của sự cần cù của người dân ở vùng đất mới... Do vậy, văn hóa miệt vườn sẽ có những điểm riêng biệt trên cái nền chung là văn hóa người Việt Nam bộ. Cuối cùng, đóng góp của văn hóa miệt vườn là làm phong phú, đa dạng thêm cho văn hóa Việt cả nước.

Miệt vườn là danh xưng sẵn có. Theo thói quen, những cư dân làm nghề biển gọi là miệt ven biển, những cư dân sống bằng nghề trồng lúa nước và hoa màu gọi là miệt giồng và ruộng, những cư dân sống bằng nghề vườn gọi là miệt vườn. Cả vùng Nam bộ, miệt vườn phổ biến ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang. Tuy nhiên, thuật ngữ miệt vườn thông thường được giới nghiên cứu văn hóa Nam bộ chỉ chung những vùng, những tỉnh xưa, nơi những lưu dân Việt vào khai phá sớm hơn cả như Bến Tre, Tiền Giang…

 

Vườn hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)

Nhà nghiên cứu Sơn Nam trong quyển “Đất Gia Định xưa” khi viết về đất giồng có đoạn: “Ở Sài Gòn, cho tới nay, nếu muốn tìm hiểu những nơi có người định cư, lập làng sớm nhất thì cứ đến đất giồng, đất gò, đất cù lao, ngã ba sông rạch”.

Bằng kinh nghiệm sống, lưu dân khai phá như tìm được câu trả lời cho việc tổ chức cuộc sống của mình. Họ nhận ra đất cù lao là đất phù sa, vùng đất ngập nước ven sông, ven kênh rạch là nơi lắng đọng phù sa, nơi đất màu mỡ nhất. Tuy nhiên, đất phù sa lại không cao hơn mặt nước, dòng sông của nơi đất cù lao này lại là dòng chảy mà ngày đêm có hai con nước rong - ròng. Con người, trải qua thời gian dài thích ứng, có thể cải tạo vùng đất phù sa, sau đó sẽ biến chúng thành đất trồng trọt. Thông thường người ta đắp bờ bao quanh vùng đất phù sa, sau đó sẽ biến chúng thành đất thuộc. Theo dõi sự chinh phục các cù lao mới nổi giữa sông của người dân hôm nay, có thể hiểu kinh nghiệm của các thế hệ lưu dân khai phá truyền lại cho các thế hệ sau là như thế nào.

Có lẽ, kinh nghiệm của tổ tiên lưu dân khai phá nơi đồng bằng sông Hồng đã giúp ích cho lưu dân khai phá nơi vùng đất mới Nam bộ rất nhiều. Lưu dân Việt, với vốn văn hóa tiềm ẩn trong tâm thức, tạo điều kiện thuận lợi giúp họ chinh phục vùng đất ven sông ngập nước. Nhưng sáng tạo lớn nhất của lưu dân phải kể đến là việc đào mương, lên liếp. Muốn tạo dựng vườn đòi hỏi phải đào một hệ thống kênh mương. Như lời một câu ca “Lập vườn thì phải khai mương”.

Vườn, nói khác đi, là tập hợp những con kênh, mương và các liếp đất. Thử nhìn từ trên cao, miệt vườn hiện ra trước mắt với những liếp vườn đầy những cây trái và những kênh mương ngang dọc khắp vườn. Vì vậy, chúng ta thấy, đào mương, lên liếp của lưu dân Việt sống bằng nghề vườn là một thái độ ứng xử thông minh trước thiên nhiên vùng đất xa lạ, khác biệt hẳn với vùng đất mà tổ tiên những lưu dân từng cư trú lâu đời. Nói thế, không có nghĩa là cư dân Việt nơi đồng bằng châu thổ sông Hồng không có vườn!? Điểm phân biệt vườn Nam bộ với vườn Bắc bộ là ở chỗ vườn của cư dân Việt đồng bằng sông Hồng thường gắn với ao, và không có được hệ thống kênh mương như vườn của cư dân Việt Nam bộ. Trong quyển “Văn hóa dân gian Nam bộ - Những phác thảo”, tác giả Nguyễn Phương Thảo nhận định: “Trong tám kiểu quần cư của người Việt nơi này, có năm kiểu quần cư mà con người sống có vườn, nhưng là gắn với ao và không có hệ thống kênh mương như vườn của người dân Việt Bến Tre nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung”.

Những công việc của lưu dân người Việt khi vào khai phá vùng đất Nam bộ này thật nhiều và bề bộn. Bước đầu tạo sự thích ứng, họ chọn những con đất dễ sống và “dễ thở” nhất làm chỗ đứng. Một khi, hoàn cảnh tại đó quá quen thuộc, coi như không còn sự ngỡ ngàng nào nữa, họ quyết tâm chinh phục những con đất khó khăn hơn. Đào mương, lên liếp là phần việc mới. Sáng tạo văn hóa của lưu dân Việt nơi vùng đất mới chính bắt nguồn từ thái độ ứng xử thông minh của người Việt trước thiên nhiên đã nói ở trên. Thái độ này sẽ đưa đến những nét khác biệt trong văn hóa miệt vườn so với những vùng khác, không có vườn hay vườn không là nghề chính của cư dân.

Vè loài vật, đồ vật ở Nam bộ sẽ cho ta thấy điều đó. Cây trái miệt vườn, chim chóc, gà vịt, lúa, cá xuất hiện thường xuyên qua những bài “Vè trái cây”, “Vè chim chóc”, “Vè lúa miền Tây”…

Tương tự, đến lượt truyện dân gian Nam bộ gắn liền với khung cảnh thiên nhiên Nam bộ. Đó là các kênh rạch (Sự tích kênh Chết chém, Sự tích rạch Trâu trắng…), hoặc như vườn trái sum suê (Sự tích trái sapôchê, Sự tích trái thơm…).

Khi đã hình thành một hệ thống kênh mương, một tác dụng cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới văn hóa miệt vườn là hệ thống giao thông thủy xuất hiện, tiện lợi và dễ dàng. Bởi ngọn nguồn của các kênh mương đều là các dòng sông lớn, nên lách khỏi mương vườn, tới vàm, ra sông là con người có thể ngược xuôi những chân trời khác nhau vừa quen thuộc cũng vừa mới mẻ.

Nói đến miệt vườn đương nhiên cũng nên đề cập đến làng vườn. Làng vườn, xét ở một phương diện nào đó, là làng nghề. Nói cách khác, làng vườn đã xa dần tính cách khép kín tự cấp tự túc của làng Việt cổ truyền. Thu nhập trong một gia đình của người dân miệt vườn do nghề ghép cây đem lại từ 40% - 50%, phần còn lại là hoa lợi thu được từ cây trái ở vườn. Như thế, làng vườn sớm gắn bó với một nền kinh tế hàng hóa (gắn với việc tiêu thụ trái cây, nghề ươm bán con giống chuyên nghiệp…), là điều kiện giúp con người phóng tầm mắt ra khỏi “lũy tre làng bao quanh” của nền kinh tế tự cấp tự túc. Tính chất trên sẽ tác động mạnh mẽ đến thói quen của lưu dân người Việt Nam bộ, khác với sự tác động của nền kinh tế tự cấp tự túc tới thói quen của cư dân người Việt Bắc bộ.

 

Đua ghe ngo trên sông Long Bình (tỉnh Trà Vinh)

Kết hợp với đặc điểm này của nền kinh tế miệt vườn là một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Có thể nói, kênh rạch, mương xẻo ở đồng bằng sông Cửu Long dày như mắc cửi, khiến con người khi ra khỏi nhà là phải dùng tới xuồng. Cho nên nói tới miệt vườn là phải nhắc tới xuồng và cầu khỉ. Đòi hỏi khi đi cầu khỉ hoặc bơi xuồng là con người phải điềm đạm, khoan thai. Ở phương diện lịch sử, làng vườn mang rõ nét tính chất làng khai phá hơn cả. Làng vườn không thể có lũy tre bao bọc, càng không thể có rào tre quanh làng. Đặc điểm này ta đã xét ở phần trên, là của chung làng Việt ở Nam bộ, nhưng ở đây, làng miệt vườn thể hiện rõ hơn cả. Hệ thống kênh rạch trong làng vườn dày đặc sẽ dẫn đến sự phân bố cư trú của con người trải dài theo kênh rạch.

Tất cả những đặc điểm vừa kể của miệt vườn sẽ tác động, sẽ ánh xạ lên diện mạo văn hóa miệt vườn của lưu dân người Việt Nam bộ.

 

Mưu sinh trên sông nước miền Tây Nam bộ

 

 

Trái sơ ri

Có một điểm rất đặc biệt của văn hóa miệt vườn là chính nơi đây đã sản sinh ra nền sân khấu cải lương. Ban đầu là bạn bè gặp nhau, dùng tiếng đờn (đàn) và lời ca thay cho lời tâm sự, gọi là “đờn ca tài tử”. Dần dần mới tiến tới ca ra bộ và đến việc tổ chức ban hát cải lương. Việc soạn tuồng tích, đào tạo đào kép… đều khởi nguồn từ miệt vườn. Việc xây dựng ngành sân khấu cải lương có thể là do nhiều người, nhiều yếu tố, nhiều địa phương, nhưng cội nguồn phải là miệt vườn. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cho Nam bộ là cái nôi của sân khấu cải lương, chứ không phải là nơi nào khác.

Trong văn hóa dân gian, nét riêng của làng vườn cũng ảnh hưởng khá đậm. Hệ thống kênh rạch chằng chịt đòi hỏi phải có sự trao đổi hàng hóa của những người dân làm nghề vườn. Do đó, con người phải đi lại nhiều hơn, giao lưu nhiều hơn với phương tiện tối cần là chiếc xuồng và cây cầu khỉ. Và nếu như hằng số của nền văn minh thôn dã Việt Nam là nông nghiệp lúa nước, thì đối với văn hóa miệt vườn hằng số ấy đã thay đổi. Rõ nhất của sự tác động ấy là hò trên sông nước. Ở ca dao, các môtip, hình ảnh liên quan đến sông nước miệt vườn xuất hiện rất nhiều. Hình ảnh quen thuộc trong ca dao của người Việt đồng bằng sông Hồng gắn với làng mạc là cây đa thì hình ảnh ấy trong ca dao miệt vườn lại là hình ảnh cây bần, loài cây mọc nhiều ở ven sông nước. Như thế cũng đủ thấy thế giới thiên nhiên, sông nước miệt vườn đã tác động tới tâm hồn người Việt nơi đây như thế nào.

Có thể nói, miệt vườn là sản phẩm mới mẻ của lưu dân người Việt trên bước đường khai phá vùng đất mới Nam bộ. Đó là kết tinh của những sáng tạo, của sự cần cù của người dân ở vùng đất mới. Có những kinh nghiệm của tổ tiên truyền lại tiềm ẩn trong dòng máu thật sự có tác dụng đối với họ, nhưng cũng có những sáng tạo, ứng xử thông minh do đòi hỏi của thiên nhiên, nghề nghiệp. Làng vườn xuất hiện với những nét riêng đã chi phối lên tâm linh của con người. Do vậy, văn hóa miệt vườn sẽ có những điểm riêng biệt trên cái nền chung là văn hóa người Việt Nam bộ. Cuối cùng, đóng góp của văn hóa miệt vườn là làm phong phú, đa dạng thêm cho văn hóa Việt cả nước.

Bài: Nguyễn Văn Hiếu

Ảnh: Dương Văn Hưởng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy