Thứ tư, ngày 05 tháng 02 năm 2025
15:40 (GMT +7)

Tầm xuân ngày mưa ấm

1.

“Có khi mưa ngoài trời/ là giọt nước mắt em...”(*)

Từng ngón tay Vũ hờ hững rải trên những phím đàn. Giọng hát trầm buồn cất lên. Cảm giác như không thoát ra mà lặn sâu vào lồng ngực.

Vũ nhìn đăm đăm vào khoảng không. Như thể, nó đang mở ra trước mắt anh một vùng ký ức. Và chỉ có thân xác ngồi đấy, còn tâm hồn và tiếng hát anh đã trôi về cõi khác.

Dường như, Vũ đã quên mất bà lão ngồi bên cạnh.

Một bà lão với tấm lưng nặng trĩu tháng năm đã oằn xuống, gãy gập. Những nếp nhăn như bộ rễ cây ngoằn ngoèo ôm lấy khuôn mặt gió sương. Trong ánh mắt đục mờ vẫn thỉnh thoảng nhói lên một ánh nhìn như khát khao, như tìm kiếm.

Tầm xuân ngày mưa ấm
Minh họa: Dương Văn Chung

Bà ngồi tựa một cái cây mọc lên từ tảng đá, vươn lên từ kẽ nứt lặng im tự bao giờ. Thỉnh thoảng, bất giác, lại đưa tay ra, đẩy những mẩu củi vào đống lửa đang cháy.

Vũ ngồi đấy. Dập dềnh trong cơn mơ của bà lão lóng lánh sắc vàng hoa cải. Chẳng biết nhìn bà, Vũ có nhớ về mẹ những đêm thổi lửa trong ngày cuối đông rét ngằn ngặt như bây giờ hay không. Nhưng, có lẽ, Vũ chắc chắn một điều, mẹ không bao giờ già nua như bà lão. Mẹ mãi mãi là người đàn bà hơn hai mươi tuổi phơi phới thanh xuân mà dù bao tháng năm khắc nghiệt trôi qua, vẫn không thể phai tàn.

Đã mấy năm rồi, vào thời khắc cuối cùng của năm như thế này, sau ngày giỗ mẹ, Vũ lại một mình lang thang lên vùng cao và ghé thăm bà lão. Không vồn vã hỏi han, chỉ lặng im và san sẻ, Vũ cùng bà đón giao thừa trong cái bình yên nhỏ nhoi.

Bên ngoài căn nhà đơn sơ, mưa bắt đầu chuyển ấm.

2.

Vũ vẫn nhớ như in ngày mẹ ra đi. Khoảnh khắc Vũ len vào giữa đám đông nhìn mẹ trong giây phút cuối cùng, nó hằn trong ký ức, vĩnh viễn không thể nào bôi xóa.

Đó là ngày hai tám Tết vào năm Vũ lên sáu tuổi.

Gió cứa vào da thịt ửng đỏ. Những đứa trẻ con ở làng quê như Vũ, đứa nào cũng bẩn thỉu, nhem nhuốc, mặt mũi, tay chân nứt nẻ. Tuy còn nhỏ nhưng đã phải ra đồng phụ việc cho bố mẹ. Tháng chạp là mùa dỡ khoai. Lúc nào trên cánh đồng làng cũng ríu tít lũ trẻ nô đùa, làm thì ít mà nghịch thì nhiều.

Hôm ấy, mẹ đi chợ sắm Tết. Vũ cùng cha ra ruộng dỡ khoai, chờ mẹ về. Lòng Vũ háo hức, trông mong. Cha đi làm ăn xa suốt cả năm trời, chỉ về nhà vào vài ngày Tết. Nếu ở nhà khác, Vũ đã có cả đàn em lớn bé rồi, nhưng đây, Vũ vẫn thui thủi một mình. Nhiều khi Vũ ghen tị với lũ bạn vì chúng có cả tá đệ tử. Nhưng bù lại, nhà Vũ khấm khá hơn. Đến mùa giáp hạt, ít nhiều không phải chạy bữa.

Đang mơ tưởng về bộ quần áo mới đón Tết mà mẹ sẽ mua về, Vũ bỗng nghe cha gọi thất thanh. Mọi người đều ngừng tay, ngơ ngác. Tiếng ai đó hét lên: “Cô Thoa bị xe đâm, chết rồi kìa!”. Tai Vũ ù đặc. Vũ chạy như điên trong cơn gió man dại. Quất vào mặt bỏng rát. Rồi ngã sấp ngửa trên thửa đất đồng làng. Đồng đất lạnh tái tê. Gót chân nứt nẻ toạc máu. Lê lết chạy ra tới đường lớn. Cha rẽ đám đông bước vào. Vũ theo chân cha. Hai cha con như hóa đá nhìn mẹ nằm đó. Gạo nếp trắng ngần tung tóe khắp đường. Cuộn lá dong lăn lóc bên cành đào nhỏ. Những cánh hoa tan tác trong gió. Chỉ duy nhất bộ quần áo mới của Vũ là vẫn được buộc kĩ ở gác-ba-ga, bên trong nhiều lớp nilon.

Vũ gào lên gọi mẹ nhưng hình như, tiếng Vũ đã bị gió đồng bắt mất...

Không lâu sau, cha lấy vợ.

Đó là một người đàn bà chồng chết ở làng bên. Cô ta dắt theo hai đứa con nhỏ, một trai, một gái về nhà Vũ.

Mọi thứ đều bị đảo lộn. Nhất là sau khi cha và dì Lành – tên người đàn bà đó – sinh thêm một em bé nữa rồi cha lại tiếp tục đi làm ăn xa. Vũ không biết cha làm những gì, nhưng ông cũng chỉ về nhà vào dịp Tết như những năm tháng xưa, khi mẹ Vũ còn sống. Về đúng vào ngày giỗ mẹ, và lại ra đi khi mưa ấm tháng giêng vẫn còn thổn thức trên cánh đồng làng.

Một người đàn bà, gồng gánh bốn đứa trẻ trên vai. Có nhu mì đến mấy thì nhiều khi cũng trở thành cay nghiệt. Vũ nghĩ về dì Lành, khắc sâu hình ảnh mụ dì ghẻ trong những câu chuyện cổ và ám ảnh bởi chuyện đòn roi.

3.

Vũ sinh ra vào một ngày mưa. Là mưa ấm tháng giêng. Mẹ bảo vậy. Khi những chồi non đội lớp vỏ nâu sần mà ngoi lên tí tách reo vui, thì Vũ cũng cất tiếng khóc chào đời. Dây tầm xuân bên hiên nhà bừng nở trong cơn mưa phùn êm mượt như nhung. Những chiếc tã lót treo trên dây phơi rập rờn như cánh bướm. Mẹ cười, bảo Vũ được mùa sinh. Nhưng những câu chuyện của mẹ dần đứt gãy theo tháng năm. Để giờ, chỉ thỉnh thoảng, ngồi bên mộ mẹ, trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ, lòng xốn xang gom lại chút hương của mùa xưa.

Bao năm tháng qua đi, cánh đồng làng cũng khác. Nhiều thửa ruộng đã không còn được trồng cấy, người ta bỏ làng đi tứ xứ tìm cách đổi đời. Cỏ mọc lên, tốt hơn cả lúa, khoai. Vũ tìm mãi cũng không thấy đứa trẻ nào chân đất đi dỡ khoai trong những ngày tháng chạp.

Kể từ ngày bỏ nhà ra đi, cứ đến hai tám Tết là Vũ lại trở về bên mẹ. Ngồi bên mẹ hồi lâu, để gió đồng xoa dịu những xác xơ trong cõi nhớ. Có khi, mưa phủ kín mặt. Những hạt mưa mỏng và nhẹ, dịu dàng như những cánh tầm xuân của ngày Vũ được sinh ra. Lòng Vũ lại quắt quay nỗi nhớ về làng quê thuở trước.

Vũ nhớ tháng mười, Vũ kéo thằng Sim, cái San đi bắt chuột đồng. Cánh đồng trơ gốc rạ, Vũ gom rơm rác đốt lì lụt khói....

Đến khi về nhà, thấy con Gạo đang nằm lăn khóc thét trong tổ kiến lửa. Kiến cắn khắp người nó, thành từng mê đỏ như cơm cháy. Ba đứa hoảng sợ, kéo con Gạo ra, dội nước vào người nó cho đỡ kiến. Nước ở chum lạnh, con bé khóc giãy nảy lên. Dì Lành đi làm về, nhìn thấy thế, vội vứt quang gánh xuống, chạy đến giằng lấy con bé rồi ôm vào lòng.

Trận ấy, cả Vũ, Sim và San đều bị phạt nhịn cơm. Riêng Vũ là anh lớn, không trông em, bị dì đánh cho thừa sống thiếu chết. Vũ ghét con Gạo. Vì nó mà nhiều lần Vũ bị đánh oan. Những lúc nó vấp ngã hay ăn phải cái gì đấy mắc nghẹn suýt tắc thở, Vũ đều bị đánh đòn. Tại nó chứ! Làm sao Vũ có thể kè kè ở bên để trông nom nó suốt được?

Vũ cũng ghét cả thằng Sim, con San, dù nhiều khi vẫn rủ chúng nó đi bắt chuột, bắt chim, bắt cá. Chúng nó tự nhiên ở đâu về nhà Vũ ở, nằm lên giường của Vũ, dùng đồ của Vũ. Bộ quần áo mẹ mua cho Vũ vào hôm mẹ ra đi ấy, Vũ đã cất vào trong tủ như một kỷ vật thiêng liêng. Vậy mà, có lần thằng Sim lục tìm và mặc của Vũ. Vũ giận dữ đấm cho nó một cái làm nó ngã xuống bậc thềm, gãy mất cái răng cửa. Dì Lành cho Vũ ăn một bạt tai, đầu như muốn rụng lìa khỏi cổ. Lại có lần, hai đứa đi tát cá, nó tham, giành phần hơn để bán cho mấy bà trong làng. Vũ không chịu, hai đứa đánh nhau. Vũ bị nó đấm chảy máu môi. Ấy vậy mà về nhà, Vũ vẫn bị dì đánh. Còn San, là con gái, nên được mẹ nuông chiều. Nếu không có cái kẹo bột hay kẹo vừng hối lộ nó là thế nào nó cũng mách lẻo với dì Lành về những trò nghịch ngợm của Vũ. Cha thì cả năm mới về một lần, để mặc cho Vũ tự ngụp lặn trong cái ao đời tù đọng. Mà mỗi lần cha về, cũng chỉ có điệp khúc: phải biết thương dì, thương em. Nhưng người đàn bà đó đâu có thương yêu gì Vũ...

Mười mấy năm rồi, Vũ không trở lại căn nhà cũ. Không biết cái bậu cửa khi xưa Vũ ngồi chờ mẹ về, giờ có còn chút hơi ấm nào của Vũ? Thảng hoặc, có người làng nhìn thấy Vũ trên cánh đồng làng, người thì ngờ ngợ nhận ra, người thì không biết. Vũ vẫn thường tránh mặt mọi người, không hề muốn mình xuất hiện trong câu chuyện của bất cứ ai, dù là tốt hay là xấu. Có đôi lần, Vũ nhờ người về ngồi ở quán nước đầu làng, vu vơ hỏi thăm một vài câu chuyện. Người nhà quê chẳng bao giờ giữ kín được điều gì, nhất là khi gặp mấy người khách lạ. Nhiều khi các bà hàng nước lại thêm mắm muối tương cà cho câu chuyện hấp dẫn hơn. Thế là người ta tha hồ kể về gia đình Vũ trong những tiếng chép miệng, thở dài, như đồng cảm, xót thương, như hả hê, giận dữ... Một người cha già yếu, tàn tật, làm bạn với ma men. Một người mẹ kế cay nghiệt với con chồng khiến nó bỏ đi bạt xứ. Một thằng đàn ông, đáng lẽ là trụ cột gia đình – thằng Sim – thì tha phương cầu thực. Một đứa con gái – con San - ẩm ương mà ngót ba mươi tuổi đầu vẫn không ưng gả cho ai. May có con bé Gạo, được đi học trên huyện...

Người ta nhắc đến San làm Vũ thấy nhói đau. Tội lỗi ngày xưa dâng lên khiến Vũ không thôi dằn vặt. Bấy nhiêu năm trôi qua, hầu như năm nào, vào ngày giỗ mẹ, dù không trở về nhà, Vũ vẫn nhìn thấy San từ đằng xa, khi cô mang đồ thắp hương ra cúng mẹ. Ban đầu, vẫn chỉ là một cô bé đen đúa, gầy gò, thế mà theo thời gian, San như nụ hoa đang dần trổ hương. Mái tóc dài và vòng eo thon thấp thoáng trong màu xanh của lúa, khoai. Đã bao lần, Vũ muốn bước ra, đối diện với San để nói một lời xin lỗi. Nhưng, đôi chân Vũ chôn chặt trong từng thớ đất như mọc rễ cả ngàn năm. Để đến khi San lướt qua, như cánh tầm xuân bên hiên nhà rơi vào hư ảo, Vũ mới sực tỉnh. Cảm giác đắng đót dâng lên. Gió đồng rền rĩ trên những dấu chân của San, ngây dại tím từng nụ hoa trinh nữ.

Ngày đó, sau khi gây ra tội lỗi khủng khiếp với San, Vũ đã bỏ chạy. Vũ chắc chắn rằng, với con bé hay mách lẻo đó, nó sẽ tố cáo Vũ với dì Lành và Vũ làm sao có thể sống yên ổn trong căn nhà ấy nữa. Còn cha, khi cha trở về, liệu có tha thứ cho Vũ không? Những ý nghĩ bấn loạn khiến cho Vũ quay cuồng, và ngay trong đêm ấy, Vũ đã bỏ nhà ra đi, theo kiểu chạy trốn của một tội đồ.

5.

Lửa đã tắt.

Chỉ còn những đốm than hồng như những con mắt nhấp nháy.

Bó hoa cải vàng ươm, ấm sực khắp căn bếp.

Bà lão thích hoa cải vàng nên đã trồng xung quanh nhà. Cuối đông, nắng vàng hoa cải, bướm bay rợp lối. Bà lại cần mẫn canh hoa để làm giống cho mùa sau.

Lần đầu tiên, Vũ gặp bà, khi xe anh đổ dốc và mất phanh. Vũ bị ngã và bà đã dìu anh về nhà, giúp anh lau rửa vết thương. Mấy ngày ở đó, anh như được sống lại trong vòng tay của mẹ. Rồi từ đấy, hằng năm, sau khi về quê giỗ mẹ, anh lại lên đón Tết cùng bà lão.

Anh giúp bà cắt những bó hoa cải vàng óng cắm vào những chiếc bình đất nung. Đấy là loài hoa duy nhất trong căn nhà đón Tết. Bà bảo, ngày xưa, bà cưới, ông tặng bà một bó cải vàng khi rước dâu. Cả căn buồng của hai người cũng rực rỡ màu hoa cải. Nhưng một lần ông đi rừng, bị đá đè chết. Lúc ấy, thằng Khan – con bà – mới đầy hai tuổi. Bà mang theo sắc vàng vào cõi nhớ. Rồi sau, thằng Khan lớn lên, cũng học đòi theo người ta vượt biên đi làm ăn, giờ chẳng có tung tích gì.

Bà héo mòn như những cánh hoa rơi rụng trong từng cơn gió cuối đông.

Những lúc ngồi giữa vạt hoa vàng, bất giác Vũ nhớ về San. Đã có khi, Vũ thấy San mê mải bên những luống hoa, tìm bắt những cánh bướm non mỏng như hơi thở.

Vũ ngừng chơi đàn. Đêm đặc quánh. Từng lớp cánh hoa vàng lấp lánh, phủ kín đêm.

Bà lão bước vào giường và không quên dặn Vũ đi ngủ sớm.

Thời khắc của năm cũ trôi qua và năm mới đến, dường như không có gì đặc biệt. Chỉ nhẹ bẫng như một cánh hoa rụng xuống. Như hơi thở đều đều của bà lão. Như tháng năm đã từng trôi.

Nhưng Vũ không sao chợp mắt được. Chiều qua, Vũ đã giáp mặt San ở mộ mẹ. Ánh mắt của San nhìn Vũ, thảng thốt, đau đớn và ngây dại như mười lăm năm về trước. Vũ vội vàng bỏ đi. Như chạy trốn trên cánh đồng xưa, trong cái đêm định mệnh...

Giá mà đêm ấy, dì Lành đừng đưa con Gạo về làng bên thăm bà con và thằng Sim đừng theo hội bạn đi bẫy chuột đồng, hoặc nếu không, họ về sớm hơn, thì Vũ đã không nghe lời bạn bè xúi bẩy mà làm chuyện dại dột với San.

Sức trai mười sáu, như con trống choai vừa biết gáy, lại ghét con San mách lẻo và dì Lành hay đánh đòn, Vũ được lũ bạn rỉ tai về làm chuyện người lớn với San cho bõ tức. Từ khi nghe bọn bạn chăn trâu nói vậy, Vũ để ý San nhiều hơn. Mấy năm trước, rình trộm nó tắm, thấy nó gầy nhẳng như que, thân hình chả có gì lồi lõm, nhưng dạo này, thấy trong lớp áo của nó đã nhu nhú ngực. Rõ ràng là con San đang đổi khác, nhất là lần nó vô tình chạm vào Vũ. Một cái gì mềm ấm, ngầy ngậy sực lên khiến cho Vũ có cảm giác như luồng điện chạy dọc thân thể mình.

Vậy là hôm ấy, trong bóng đêm đồng lõa, Vũ đã lao vào San. Con bé giẫy giụa đẩy Vũ ra. Nhưng càng như vậy, Vũ càng điên cuồng, ngấu nghiến. Bàn tay bóp chặt bầu ngực San như bóp một nụ sen rồi đi vào trong San bằng tất cả sự non nớt, vụng về.

Đến khi trút hết sinh lực của lần đầu tiên vào trong San, Vũ mới bừng tỉnh. San nằm bất động, da thịt lõa lồ trong đêm. Con mắt nhòe nhoẹt bóng tối. Nước mắt ánh lên như thủy tinh. Qua khe cửa, trăng hắt vào soi chiếu một vệt máu đỏ loang lổ đùi San. Vũ cuống cuồng mặc quần áo rồi bỏ chạy.

Chạy mãi, chạy mãi, qua cánh đồng đêm. Những con bù nhìn vi vút trong gió như ma trơi. Trăng vỡ nát trên những luống đất cày phơi ải.

6.

Tạm biệt bà lão, Vũ trở về với cuộc sống thường nhật. Bỏ lại nơi lưng chừng núi mù sương, một bà lão lẫn vào những vạt hoa vàng đến khát cháy. Có khi nào bà sẽ trở thành một hạt cải, đắng đót lặn sâu vào lòng, để mùa sau, nảy lên một mầm xanh?

Đêm nay mưa.

Vũ lại lặng lẽ dạo phím đàn. Cái lặng lẽ sau một thời sôi nổi đến điên cuồng, vụng dại. Mưa như từng sợi tơ sen giăng giăng phủ kín giác quan anh. Âm thầm chảy từ ngày Vũ được sinh ra cho tới bây giờ. Trong làn mưa ấm, những bầy chim thiên di có ngủ yên trên những tàng cây? Hay sợ hãi thảng thốt bay, để lại cái ngơ ngác trong nỗi buồn diệp lục?

Cũng như Vũ, đã từng ngơ ngác, từng sợ hãi trong những bước chân trốn chạy đầu đời. Hình ảnh San trong đêm ấy, những giọt nước mắt sắc lạnh như thủy tinh, bao nhiêu năm vẫn cứa vào lòng anh nhỏ máu. Vũ những muốn rũ bỏ quá khứ, không dám trở lại căn nhà xưa, không dám đối diện với những người ở lại.

Đêm ấy, sau khi chạy mãi, mải miết qua cánh đồng làng, trong màn mưa âm u và bê bết dấu bùn, Vũ kiệt sức, gục xuống thiếp đi. Đến khi tỉnh lại, vẫn một mình co quắp giữa đồng đất mênh mông. Gió thê thiết, như tiếng mẹ rền rĩ, đau đớn. Toàn thân lạnh buốt, răng va vào nhau lập cập, Vũ run rẩy lết trên những thửa đất nhão nhoét. Tự nhiên nước mắt ứa ra, nóng hổi.

Thế là từ đó, Vũ bất đắc dĩ bước vào đời. Hành trang chỉ là một bộ quần áo lấm lem bùn đất mặc trên người cùng với nỗi sợ hãi trong một cõi lòng trống hoác. Vật lộn với đời qua bao nỗi tủi nhục, đắng cay, bao lần bị người ta mắng chửi, đánh đập, làm đủ thứ việc như phụ hồ, xách vữa, bưng bê; có lúc a dua đi ăn trộm ăn cắp với nhiều mánh khóe. Lần ấy, Vũ làm phụ hồ cho đám thợ xây nhà. Cũng gần Tết, thấy một người đàn ông lớn tuổi đi xe đạp, đằng sau có buộc một cành đào nhỏ, bị xe máy đâm rồi bỏ chạy, Vũ sực nhớ đến mẹ và cái chết tức tưởi của mẹ thuở nào, liền chạy ra đỡ người đàn ông dậy và dìu ông về nhà. Được biết, vợ ông đã mất từ lâu và ông chỉ ở có một mình, không con cái. Sau khi hiểu hoàn cảnh của Vũ, ông bảo Vũ về đây mà ở. Vũ cười, bảo, ông không sợ con là thằng lưu manh cướp của hay sao? Ông già cười, rung rung bộ mặt nhăn nheo. Người tử tế cũng tốt mà lưu manh cũng chẳng sao. Thân già này đằng nào cũng gần đất xa trời rồi, còn lo gì chuyện đó.

Mười năm, Vũ ở trong căn nhà của ông lão. Một căn nhà nhỏ, nơi cuối ngõ, luôn đứng ngoài những xô động của đời. Vũ vừa làm vừa miệt mài học. Ông bảo, có tri thức chưa chắc đã thoát khỏi kiếp lưu manh nhưng không có tri thức thì lưu manh là tất yếu. Đến khi, Vũ ra trường, được nhận vào làm thiết kế nội thất cho một công ty nước ngoài, thì ông về với bà lão.

Nhiều lúc nghĩ lại, Vũ không biết ông có thực hay là một ông tiên trong truyện cổ hiện ra cứu vớt đời anh. Để đến khi, anh công thành danh toại thì ông trở về trời, sau khi làm xong bổn phận của mình nơi trần thế. Ông như một tiên ông thoát tục về cõi khác, để lại ngôi nhà nhỏ ấm sực tình người, nơi chất đầy những cuốn sách cũ và chiếc đàn ghita cũ đã hoen màu gió sương. Ông dạy Vũ biết thế nào là thanh âm của cõi lòng, có thể với từng phím đàn mà thay lời muốn nói. Từ khi ở với ông, đến ngày giỗ mẹ, Vũ về thăm mộ mẹ rồi lại trở ra đón Tết cùng ông. Nhưng từ ngày ông ra đi, sau khi về thăm mẹ, Vũ thắp hương cho ông rồi khoác đàn lên vai, rong ruổi đến những miền đất khác. Và Vũ đã gặp bà lão hoa vàng. Bà và ông, hai con người cô đơn, mải miết trôi qua phận người vênh lệch.

7.

Vũ đã từng yêu, đã từng điên cuồng trong những cơn khát khao dâng lên cuồn cuộn, đã từng vùi mặt, sục sạo vào bộ ngực căng tràn của người yêu để kiếm lấy chút hơi ấm trong lòng cô đơn. Nhưng cứ đến khi Vũ chuẩn bị đi vào cô ấy, thì trước mắt anh lại hiện lên khuôn mặt của San, nhòe nhoẹt nước mắt và bời bời tóc rối. Vũ xịu đi rồi không thể tiếp tục được nữa. Anh nằm vật xuống, thở hắt. Vệt máu đào còn loang lổ trước mắt anh.

Từ đó, Vũ không còn đủ tự tin để đến với ai. Có khi, tấm thân rệu rã mong chờ một bàn tay đàn bà ve vuốt. Nhưng mặc cảm ấy khiến lòng Vũ nguội lạnh. Rồi, phải tự vuốt ve mình, để những dòng sinh khí nóng hổi của mình tự trào ra.

Vũ trói mình trong thế giới cô độc, với cây đàn mà ông lão để lại. Những khi người ta sum họp thì Vũ lại ra đi, dập dềnh trôi về một miền khác.

Hôm nay, Vũ giật mình khi con Gạo tìm đến nhà Vũ. Ban đầu nhìn con bé, Vũ ngờ ngợ, không thể nhận ra. Khi Vũ bỏ nhà ra đi, nó mới bé xíu, thế mà giờ đã là một cô gái xinh xắn dễ thương. Gạo sắp học xong đại học. Nó bảo, nó lên thành phố học và vẫn không ngừng tìm kiếm anh. Nó xin lỗi vì nó mà anh bị mẹ đối xử khắc nghiệt, đến nỗi phải bỏ nhà đi. Nó khóc và nhớ lại hôm theo Vũ ra sông rồi bị rơi xuống nước, suýt chết đuối. Bữa đó, dì cắt luôn dây mây còn nguyên gai mà quất vào mặt Vũ. Rồi đêm hôm sau, Vũ bỏ đi, không nói lại một lời gì. Gạo bảo, dì Lành hối hận lắm và từng ngày đều mong Vũ trở về để nói lời xin lỗi. Ngày hai tám Tết nào cũng mang bộ quần áo mà mẹ mua cho Vũ ra giặt với nước thơm. Vũ bàng hoàng, thì ra lâu nay, không phải chỉ Vũ sống trong mặc cảm tội lỗi, mà cả dì, cả con bé Gạo đều dằn vặt mình về sự ra đi của anh. Vũ đâu có ngờ, cái tội tày đình mà Vũ gây ra cho San, chỉ mình San âm thầm chịu đựng. Khi nghe tin về cha, lòng Vũ quặn thắt. Khuôn mặt cha hao khuyết theo tháng năm. Người đàn ông mà chỉ ở nhà vào dịp Tết mang trong mình giấc mơ đổi đời ở một nơi xa. Giờ đây, đôi chân tàn phế sau một vụ tai nạn, quanh năm ngồi ở xó nhà, chỉ còn biết bầu bạn với men cay. Vũ mường tượng ra cảnh cha ngồi trong bóng chiều ủ dột, con mắt nhử nhèm hấp háy nhìn vào khoảng không, rợn ngợp những bầy chim tránh rét bay ngang qua. Sương gió một đời phủ kín mái tóc cha. Cha có vật vã trong những nỗi niềm bất lực? Từ cơn đau của đôi chân không thể đứng lên? Từ giấc mơ đổi đời chẳng có hình hài? Căn nhà xưa vẫn thế, bạc phếch cùng thời gian. Những con mọt già đay nghiến trong thớ gỗ u trầm khắc khoải. Bụi tầm xuân đã chết. Cánh hoa đã bay về một xứ sở khác, trong những câu chuyện của mẹ, về ngày Vũ được sinh ra.

Còn chị San, chẳng ưng một đám nào. Mọi người không hiểu vì sao. Con bé nói xong rồi thở dài. Mấy tháng trước, thằng Cường hói làng bên ngỏ lời, chị không đồng ý nên còn bị nó đánh.

Tự nhiên, tim Vũ như có cái gì đó bóp thắt lại. Vụn vỡ. Vũ không thể thở được. Anh kéo cửa sổ để cơn gió tháng chạp lạnh giá thốc thẳng vào mặt. Những ngọn gió se sắt, thổi đến nhức buốt cả lòng mình với khát vọng hồi sinh thành gió ấm mùa xuân.

8.

Hai bảy Tết, lòng Vũ bồn chồn. Nhùng nhằng như những sợi tơ.

Vũ sắp xếp công việc và nghỉ sớm. Đáng ra, sau ngày hai tám Vũ về thăm mộ mẹ, Vũ sẽ lên với bà lão hoa vàng. Nhưng năm nay, Vũ nóng ruột không yên nên phải phi xe lên chỗ bà ngay.

Những vạt hoa vàng dần hiện ra trước mắt. Vẫn những đàn bướm rập rờn như hơi thở mùa xuân. Nhưng bà lão chỉ còn là một di ảnh trên ban thờ. Thằng Khan – con bà, đưa bàn tay chai sần lên úp mặt. Lần đầu tiên, ngoài những giọt nước mắt của mình, Vũ nhìn thấy một người đàn ông khóc. Mải miết chạy theo những giấc mộng phù du để làm chi khi bỏ mặc mẹ già cô đơn giữa nơi rừng núi hoang vu, lạnh lẽo này? Đến nỗi, giây phút cuối cũng không được nhìn mặt mẹ.

Vũ thắp nén nhang trước ban thờ bà lão. Vũ nghĩ đến ông lão. Nghĩ về những con người đã bước qua cuộc đời anh.

Vũ nhìn ra ngoài sân, nắng chiều đã tắt. Mây núi chờn vờn, hiu hắt.

Khan giữ Vũ ở lại một đêm. Vũ lắc đầu rồi quay đi.

Từng cơn gió núi ràn rạt thổi.

9.

Chiều hai tám Tết.

Giữa đồng làng.

Nơi mộ mẹ, những bông hoa xuyến chi cánh trắng rung rinh. Vũ quỳ xuống đất nâu, thấy mùi hôi hổi sực lên nồng đượm. Anh nghe trong gió vi vút tiếng trẻ con đùa giỡn, những đứa trẻ chân trần, gót chân nứt nẻ và tiếng cười giòn như bánh đa. Khói chiều bay lên từ những gốc rạ khô, đâu đó mùi khoai nướng và mùi chuột đồng thoang thoảng. Tiếng cá quẫy nước trong con mương mềm mại vắt mình qua cánh đồng, uốn lượn. Những con bù nhìn phất phơ, ngực ưỡn đầy những tấm huy chương vỏ lon.

Bỗng có tiếng động làm Vũ bừng tỉnh. Trước mặt Vũ là San. Đã ở đó tự bao giờ. Vũ bối rối, đứng dậy. Hai người im lặng nhìn nhau. Thảng thốt. Đau. Và tiếc nuối. Toàn thân Vũ run rẩy, muốn cất lời nhưng cổ họng nghẹn lại. Đứng chờ một hồi lâu, không thấy Vũ nói gì, San vân vê tà áo rồi xoay người lại, bước đi. Chính lúc ấy, Vũ mới chạy đến, ôm chầm lấy San, ngập ngừng nói lời xin lỗi. San òa khóc, nước mắt giàn giụa. Thì ra, bao nhiêu năm rồi, San vẫn chờ anh.

Vũ sẽ theo San trở về ngôi nhà xưa, nơi cha mỏi mòn trông ngóng mỗi chiều chạng vạng. Nơi người đàn bà một mình gồng gánh, những đứa con, cả riêng, cả chung.

Vũ sẽ trở về và trồng lại dây tầm xuân. Để từng cánh hoa được bung nở trong những ngày mưa ấm.

Và bộ quần áo nhỏ của Vũ ngày nào, dì Lành phơi trước hiên nhà, lại rập rờn như cánh bướm mùa xuân.

----------

(*) Lời bài hát “Ru đời đi nhé” – Trịnh Công Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết đủ đầy

Văn xuôi 1 ngày trước

Nỗi nhớ tre làng

Văn xuôi 3 ngày trước

Làng ôm tôi vào lòng

Văn xuôi 3 ngày trước

Rubic Tết

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Tiếng đàn bên sông Cầu

Văn xuôi 4 ngày trước

Nỗi nhớ mùa Xuân

Văn xuôi 1 tuần trước

Ngày Tết của tuổi thơ

Văn xuôi 1 tuần trước