Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
09:04 (GMT +7)

Tấm ảnh xưa kể chuyện

1.Hôm đó là một ngày thanh bình, tôi cùng một số người bạn về Hà Nội thưởng trà. Kể cũng là sự lạ khi người đất trà Thái Nguyên đi gần trăm cây số chỉ để uống trà. Nhưng chủ nhân của tiệc trà hôm ấy mới là nguyên nhân chính của chuyến đi.

Có một lực hút nào đó, khá mạnh, từ tấm ảnh đen - trắng treo đó, khiến tôi không muốn rời mắt. Và rồi, tấm ảnh đó đã đưa tôi đến câu chuyện không chỉ của người trong ảnh.

Nhà văn hóa trà Hoàng Anh Sướng hân hoan đón chúng tôi tại Khu đô thị Times City, nơi đặt trà thất của anh. Không gian dịu mùi hoa hồng, thoảng nhẹ bản nhạc Thiền, năng lượng an nhiên tỏa ra từ nụ cười và ấm trà sen anh pha đãi khách. Nhà báo Hoàng Anh Sướng được coi là người truyền đạo trà Việt đi khắp thế giới. Anh không chỉ ra nước ngoài nói về pha trà, uống trà mà còn tiếp đón hàng trăm đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu về trà Việt. Đặc biệt, Hoàng Anh Sướng - người kế nghiệp đạo trà của người bố đã quá cố là nhà văn hóa trà Trường Xuân - lại có duyên với chè Tân Cương. Khi mới gây dựng nghiệp trà, Hoàng Anh Sướng đã theo cha lên Tân Cương ở nhiều ngày để học chọn thế đất, kén trà ngon. Có lẽ vì thế mà dù trong nhà anh có hầu hết các loại chè từ mọi vùng miền trong nước, nhưng khi tổ chức những tiệc trà quan trọng anh thường dùng chè mua từ Tân Cương, Thái Nguyên. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Hoàng Anh Sướng là lần anh vinh dự được mời trà nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản khi họ sang thăm Việt Nam. Anh đã dùng trà móc câu đặt mua từ Tân Cương để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Vua và Hoàng hậu đã rất thích thú tận hưởng hương thơm thanh nhã của trà, họ uống cạn hai tách trà và dành nhiều lời khen tặng cho trà Thái và người “hầu” trà Hoàng Anh Sướng.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng được coi là người truyền đạo trà Việt đi khắp thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Lụa, con cả của cụ Mạn

Gốc nhãn trăm tuổi, kỷ vật duy nhất còn sót lại của gia đình cụ Mạn tại Tân Cương

Chúng tôi cùng nhau thưởng chén trà sen chuẩn phong vị Hà Nội do Hoàng Anh Sướng mời. Câu chuyện xoay quanh chén trà là về tu thân dưỡng tính, về cách sống hành thiện, về tĩnh tâm nhìn sâu vào chính mình…

Thưởng trà xong, tôi nhẩn nha ngắm những vật trưng bày trong trà thất của anh. Chiếc hỏa lò bằng đồng trăm năm tuổi; lọ hoa sen gỗ mềm mại có hồn; những tấm ảnh mạ vàng rực rỡ… Tôi ngạc nhiên thấy giữa khung cảnh sang trọng ấy “lọt vào” một tấm ảnh đen trắng khổ lớn. Tôi tiến gần đến tấm ảnh để nhìn cho kỹ: Trong ảnh là một phụ nữ cao tuổi đang dùng tay đảo chè trên chiếc chảo gang nhỏ, mái tóc trắng của bà buông dài gần chạm đất. Dòng chú thích dưới ảnh rõ ràng: Nghệ nhân Lương Thị Mạn, 73 tuổi, xã Tân Cương, sao chè theo phương pháp thủ công truyền thống. Ảnh chụp năm 1976 (ảnh trang bên).

Như có sự thôi thúc vô hình, tôi giơ điện thoại lên chụp lại tấm ảnh.

Về nhà, tôi nhiều lần giở ảnh ra xem và chợt hiểu vì sao mình lại có tình cảm đặc biệt với khuôn hình ấy. Có lẽ không đơn giản là khoảnh khắc của người bấm máy mà vì trong tấm ảnh chứa đựng câu chuyện về làng chè Tân Cương. Nhưng Hoàng Anh Sướng liên quan gì đến người trong ảnh mà lại treo tấm ảnh này? Trả lời câu hỏi của tôi, Sướng bảo: Em chỉ nhớ có một người bạn tặng em lâu lắm rồi. Em treo vì ảnh đẹp và em thấy có “duyên” với nó.

Gần nửa thế kỷ trước, khi cụ Mạn được chụp tấm ảnh này, Tân Cương đã nổi danh bởi chè ngon. Việc cụ Mạn có người mang máy ảnh đến nhà chụp hẳn phải có nguyên do đặc biệt. Bởi thời điểm ấy, máy ảnh là tài sản lớn và hiếm. Người sử dụng máy ảnh phải có giấy phép của cơ quan thẩm quyền. Dù người chụp cận cảnh chảo chè và bàn tay gầy guộc đang đảo chè trên than nóng, nhưng vẫn “lộ” rõ hậu cảnh là căn nhà trát đất cũ nát, mái nhà lợp cỏ gianh mòn trơ dui mè. Đặc biệt là cái bếp lò đắp bằng đất sét lâu ngày nứt nẻ, trên lò đặt chiếc chảo gang - phương tiện sản xuất của người làm chè. Chỉ vài chi tiết ấy cho thấy gia cảnh nghèo khổ của cụ Mạn và thời làm chè bỏng rát của người Tân Cương.

2. Mong muốn tìm được người trong ảnh, tôi nhờ một người quen là bà Nguyễn Thị Kim, sinh năm 1955, sống ở xóm Soi Vàng hỏi giúp manh mối. Ai ngờ, bà Kim trước là hàng xóm của gia đình cụ Mạn. Bà Kim hồ hởi kể: Nhà tôi ngày xưa ở xóm Y Na, cách nhà cụ Mạn một vườn chè. Hồi ấy đất đai rộng, cây chè tốt um. Tôi nhớ cụ có mái tóc dài, dáng người tất tả, lúc nào cũng thấy ngoài đồng ngoài ruộng.

Được chị Kim chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Nguyên (74 tuổi), xóm Nam Thái, là con gái của cụ Mạn.

- Mẹ tôi đấy - bà Nguyên xúc động khi nhìn tấm ảnh. Hôm ấy chắc mẹ tôi gội đầu nên xõa tóc cho khô chứ thường ngày mẹ tôi vấn khăn gọn ghẽ lắm. Nhà nghèo “rớt mồng tơi”, chúng tôi thường ăn sắn, ăn củ mài thay cơm. Tôi nhớ căn nhà trong ảnh này. Cái chảo rang chè này tôi càng nhớ. Vì không có tiền mua chảo to nên mỗi mẻ chè mẹ tôi chỉ sao được khoảng 2 “” (khoảng 4 lạng) chè khô. Mà làm ra nhiều chè cũng chả bán được cho ai vì hàng hóa bị ngăn sông cấm chợ. Nhà tôi vườn chè bỏ dông dài.

Cái chảo gang của cụ Mạn là bằng chứng rõ rệt của thời làm chè thủ công ở Tân Cương. Chè chỉ để nhà uống hoặc bán dấm dúi thậm thụt được dăm ba lạng, chiếc chảo gang nhỏ cho thấy dù nổi tiếng nhưng chè không nuôi nổi người Tân Cương.

Anh Dương Văn Phúc, sinh năm 1985, chủ cơ sở sản xuất chè Kim Phúc là điển hình của lớp trẻ làm chè ở Tân Cương bây giờ. Phúc biết cái chảo gang vì thỉnh thoảng nhìn thấy ở các cuộc thi sao chè truyền thống và bày trong bảo tàng. Cuộc “cách mạng” đánh đổ chảo gang, chuyển sang sao chè bằng miếng tôn dày (đảo chè bằng cào gỗ) vào khoảng năm 1987. Rồi máy sao chè quay tay ra đời khoảng năm 1993. Khi Tân Cương có điện, chiếc mô - tơ góp mặt kéo theo máy sao, hệ thống máy vò, máy diệt men, máy hút chân không… bằng điện. Người làm chè thảnh thơi bấm nút điều khiển, da tay không chín đỏ vì lửa nóng, mắt không toét nhèm vì khói bụi. Phúc bảo: Tân Cương có gần trăm cơ sở sản xuất chè, mỗi năm xuất bán khoảng 200 - 300 tấn chè khô. Con số ấy không thể so với chảo chè của cụ Mạn và những gia đình làm chè ở Tân Cương 44 năm trước. Mấu chốt của vấn đề là sự thông thương hàng hóa, chúng cháu thỏa sức làm ăn nên luôn cố gắng đẩy sản lượng và chất lượng lên càng nhiều càng tốt.

Trở lại tấm ảnh cụ Mạn, ông Nguyễn Xuân Lụa, 77 tuổi (tổ 14, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) - con cả của cụ Mạn - cùng chúng tôi trở về mảnh đất cũ, thăm gốc nhãn trăm tuổi, kỷ vật duy nhất còn sót lại của gia đình. Đứng bên gốc nhãn ông kể: Hơn trăm năm trước, bố mẹ tôi từ Hưng Yên lên Thái Nguyên ở đất Y Na này. Ngôi nhà trong ảnh lợp bằng cỏ gianh, dựng củi xung quanh làm vách. Thỉnh thoảng có bộ đội đến ở nhờ, cả nhà tôi xuống bếp ngủ, nhường nhà cho bộ đội. Bố mẹ tôi sinh được 5 người con. Bố tôi đi dân công hỏa tuyến thồ hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thành thử công việc đồng áng dồn lên bàn tay của mẹ. Tân Cương ngày ấy rừng rậm, lau lách bạt ngàn. Đất đai rộng nhưng công cụ lao động thô sơ, đời sống nông dân xơ xác. Tiếc là chúng tôi không giữ được mấy cây chè cổ và những vật dụng của cha mẹ làm kỷ niệm cho con cháu sau này.

Từ bức ảnh cũ, tôi miên man nghĩ: Nếu niềm tự hào của Thái Nguyên là chè, thì tên gọi Tân Cương vang lên kiêu hãnh nhất. Vùng đất do Tiến sĩ, quan đầu tỉnh Nguyễn Đình Tuân khai sinh năm 1922 đang chuyển động vô cùng mạnh mẽ. Cái mới đẩy cái cũ ra khỏi tầm mắt, ra khỏi bộ nhớ, dần trôi vào lãng quên. Tấm ảnh của 44 năm trước là vật chứng quý giá về người làm chè thời ấy, làng quê thời ấy. Ông bà chúng ta đã làm nên Tân Cương, làm nên quê hương, làm nên văn hóa trà như thế.

Khi bức ảnh được lưu giữ ngoài phạm vi gia đình, bởi một người không quen biết như Hoàng Anh Sướng, thì ắt hẳn nó đã vượt qua ý nghĩa lưu niệm thông thường, trở thành một giá trị văn hóa.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy