Sức sống mới cho nghệ thuật truyền thống
VNTN - Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc - 2020 diễn ra trung tuần tháng 11 tại Hà Nam đã chính thức khép lại sau khi Ban Tổ chức (BTC) đã trao 28 huy chương các loại cho diễn viên của 11 đơn vị nghệ thuật tham dự. Đây là số lượng giải khá cao so với cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020" diễn ra chỉ vài ngày trước đó (20 huy chương), cho thấy nghệ thuật truyền thống nói chung, Chèo, Tuồng nói riêng vẫn đang có sự kế thừa, phát triển mạnh mẽ.
Tín hiệu vui
Phát biểu tại khai mạc “Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc - 2020”, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi khẳng định: Cuộc thi nhằm phát hiện những tài năng diễn viên sân khấu Chèo; khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Chèo trong những năm qua. Cuộc thi còn là dịp để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu Chèo hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trẻ trong thời gian tới.
Cảnh trong trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi” do Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam thực hiện.
Xuất phát từ mục đích của cuộc thi, tìm kiếm lớp diễn viên kế cận cho các đơn vị nghệ thuật (do các cơ sở đào tạo không tuyển được thí sinh cho hầu hết các bộ môn nghệ thuật truyền thống), nên tâm lý chờ đợi, thậm chí sẵn sàng tuyển chọn diễn viên xuất sắc tại cuộc thi về đầu quân cho đơn vị nghệ thuật là điều dễ nhận thấy ở hầu hết các đơn vị tham dự cuộc thi năm nay. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị nghệ thuật tham gia không nhiều (11 đơn vị) ít nhiều đã giảm bớt sự kỳ vọng của BTC. Mặc dù vậy, ghi nhận tại cuộc thi cho thấy, những gương mặt trẻ xuất hiện trong cuộc thi đều để lại những ấn tượng nhất định về khả năng diễn xuất, giọng hát dầy, chuẩn các làn điệu chèo... đã xóa tan những lo lắng ban đầu của BTC về tìm kiếm những ứng viên tiềm năng sẵn sàng thay thế lớp đàn anh, đàn chị.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi chia sẻ: Trong suốt quá trình đồng hành cùng cuộc thi, ngoài việc theo dõi, đánh giá và lắng nghe ý kiến trao đổi từ những chuyên gia, các nhà nghiên cứu về Chèo đối với những tác phẩm tham dự, bản thân ông còn nhận thấy có những điều đáng mừng, đó là đã có những đơn vị nghệ thuật rất quan tâm, chú trọng công tác đào tạo lực lượng trẻ kế cận và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ đăng ký tham gia cuộc thi để cọ xát, học hỏi các bạn diễn.
Và thực tế, 11 đơn vị nghệ thuật đã mang đến những tiết mục khá ấn tượng, đã để lại cho BTC, người xem nhiều xúc cảm khó quên. Đoàn Thái Nguyên cũng tham gia và Nghệ sĩ trẻ Dương Thị Lan, diễn viên Chèo thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được Huy chương Bạc với trích đoạn "Xúy Vân giả dại" nằm trong vở chèo cổ “Kim Nham. Ông Nguyễn Văn Thoại, người dân sống tại thành phố Phủ Lý chia sẻ: Nếu không có cuộc thi, ông sẽ không thể được nghe lại những tích Chèo cổ như “Xúy Vân giả dại”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, đúng chất Chèo cổ. Cảm ơn BTC, cảm ơn các đơn vị nghệ thuật và các cháu diễn viên, các cháu đã làm sống lại trong tôi những ký ức khó quên của một thời khốn khó gắn với chiếu Chèo, giếng nước, sân đình....
Giữ lửa nghệ thuật truyền thống
Mặc dù Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc - 2020 chưa quy tụ được đầy đủ các đơn vị nghệ thuật trong cả nước tham dự, nhưng chỉ với 57 tiết mục của 11 đơn vị nghệ thuật tham dự cuộc thi đã mang đến cho BTC, người dân tỉnh Hà Nam những màn biểu diễn “đáng đồng tiền bát gạo”. Do đây hầu hết là các trích đoạn cơ bản của các tích chèo cổ, được dàn dựng công phu, có sự đầu tư về nghệ thuật và kỹ năng biểu diễn cho thấy sự nghiêm túc và thực sự cầu thị của đơn vị nghệ thuật và bản thân mỗi diễn viên tham dự Cuộc thi. Chính vì vậy, Cuộc thi hoàn toàn xứng đáng là ngày hội để những người làm nghề gặp gỡ, học hỏi và trau dồi thêm kiến thức giúp gìn giữ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã đánh giá, chất lượng chuyên môn của Cuộc thi được nâng lên, lối diễn xuất sân khấu tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết mê say, chất giọng đầy đặn, truyền cảm và tươi sáng trong diễn xuất đã khiến cho sân khấu chèo sôi động. Các thí sinh đã có sự chỉn chu và ý thức gìn giữ những giá trị tinh hoa, những nguyên tắc của sân khấu truyền thống; đặc biệt có sự quan tâm, đào tạo, chăm lo thế hệ trẻ như Nhà hát Chèo Ninh Bình (đơn vị có 18 diễn viên trẻ tham gia cuộc thi năm nay).
Do bám sát các yêu cầu của BTC về độ tuổi, tiết mục tham dự cuộc thi, nên hầu hết các tiết mục được dàn dựng công phu, không có sự trùng lặp về tích chèo trong cùng một đoàn. Đặc biệt, phần biểu diễn của các thí sinh được đánh giá hát đúng với các làn điệu Chèo. Về kỹ thuật, Ban Giám khảo cũng đánh giá cao khi có nhiều diễn viên hát tròn vành rõ chữ và có sức truyền cảm; kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật diễn xuất “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”, nhằm thể hiện rõ nét tình cảm, tính cách, tâm lý của nhân vật trong trích đoạn, tạo sức lôi cuốn khán giả. Nhờ đó, Cuộc thi được đánh giá khá thành công và có sự thay đổi cơ bản về Chất so với các cuộc thi và kỳ liên hoan trước đó.
Không ồn ào như những cuộc thi ca nhạc như: Sao Mai, Làn sóng xanh, Tìm kiếm tài năng trẻ,... cuộc thi của những bộ môn truyền thống dường như khiêm nhường hơn. Các thí sinh trẻ đến với cuộc thi cũng không ồn ào, mà nhẹ nhàng như làn điệu dân ca mà thắm đượm biết bao tình. Đó là cái tình, cái nghĩa của ông cha được gửi gắm trong từng làn điệu, từng vũ đạo... đòi hỏi những người nhận trao truyền phải dày công khổ luyện, nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật mới có thể lĩnh hội hết những cái hay, cái thâm thúy của từng làn điệu chèo. Không có những tiết mục, những trích đoạn chèo mới mang đến cuộc thi, cũng chính là cách mà thế hệ đi trước siết chặt hơn những “niêm, luật” những quy tắc trong tinh hoa của nghệ thuật Chèo truyền thống.
28 huy chương đã được trao cho các diễn viên trẻ xứng đáng, có lối diễn xuất và giọng ca xuất sắc được cho là đã chinh phục thành công những làn điệu chèo thuộc hàng khó, mà những chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá thông thường trước đây phải mất rất nhiều thời gian để học tập, rèn luyện mới có thể biểu diễn thành thạo. Nhưng đây cũng là con số ít ỏi để những người tâm huyết với nghệ thuật Chèo truyền thống có thể yên tâm khi nghĩ đến lực lượng kế cận cho Chèo trong tương lai. Bởi không phải ai cũng đủ dũng khí gắn bó với nghệ thuật truyền thống nói chung, Chèo nói riêng khi đã có những tấm huy chương, trước sự cám dỗ cũng như lấn lướt của nhạc trẻ và biết bao loại hình giải trí khác.
Muốn gắn bó với nghề, đỉnh cao của hôm nay thôi chưa đủ, các em phải thật yêu nghề, nuôi chí sáng tạo, tự nguyện tiếp tục học tập, khổ công rèn luyện, trải nghiệm vượt bậc, cập nhật kiến thức để tự tin, làm chủ mọi sáng tạo, để đạt tới trình độ điêu luyện. Trước nỗi lo về sự thiếu vắng đội ngũ kế cận sẽ làm mất đi những cơ hội làm sống lại những tích chèo truyền thống, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: “Nếu chèo không còn những tài năng trẻ kế nghiệp cha ông thì sẽ đến lúc chúng ta chỉ có thể thưởng thức lại những làn điệu chèo thông qua màn hình vô tuyến hay trên các thiết bị âm thanh thu sẵn mà không còn cơ hội để trực tiếp say, trực tiếp chìm đắm, thả hồn nghe, xem các vở diễn như “Lưu Bình Dương Lễ”, “Nghêu Sò, Ốc, Hến”, hay những trích đoạn “Xúy Vân giả dại”, “Thị Màu lên chùa”... của người nghệ sĩ trên sân khấu chèo”.
Và để nghệ thuật truyền thống thực sự phát triển “sâu rễ, bền gốc”, được biết, tới đây Bộ VHTT&DL sẽ xây dựng Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTT&DL những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật trong thời gian tới. Hy vọng rằng, những cơ sở pháp lý quan trọng này sẽ là đòn bẩy để nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo thực sự tỏa sáng, chứ không chỉ tỏa sáng ở những kỳ liên hoan.
Trúc Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...