Thứ tư, ngày 02 tháng 04 năm 2025
02:19 (GMT +7)

Sử dụng khẩu ngữ trong thơ lục bát

Ai cũng biết, thơ lục bát dễ viết nhưng khó hay. Tuy nhiên lại rất ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao thơ lục bát lại khó hay, và đã có những cách thức nào để thơ lục bát hay lên?

Bài viết này chỉ xin trao đổi chút ít về hình thức nghệ thuật chứ không bàn về nội dung. Về hình thức, nhiều nhà thơ đã cố gắng làm cho câu lục bát mượt mà, bay bổng, trữ tình hơn, áp dụng những biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, tu từ ngữ âm, ngữ pháp, chọn lọc từ, cách ngắt nhịp hoặc mang âm hưởng dân gian, hòa trộn cùng ca dao, tục ngữ, vận dụng Truyện Kiều… Đó là những cách làm rất hữu hiệu đã làm cho thơ lục bát được đổi mới và hay lên rất nhiều. Bên cạnh những thủ pháp này, nhiều năm tháng gần đây, có một số nhà thơ đã tìm tòi, cách tân bằng một thủ pháp khác, đó là đưa khẩu ngữ, lời ăn tiếng nói đời thường vào thơ lục bát.

Bitmap in 34-35.cdr
Ảnh minh họa (Nguồn: pixabay.com)

Theo quan niệm của thơ truyền thống thì khẩu ngữ rất khó có chỗ đứng trong thơ, đặc biệt là thơ lục bát, vì sẽ bị coi là nôm na, thô thiển, không phù hợp với thơ là thể loại chủ yếu là trữ tình. Tuy nhiên, với các nhà thơ hiện đại, hậu hiện đại thì quan niệm này có vẻ đã không còn đứng vững.

Thực ra, từ xa xưa, Nguyễn Du cũng đã dùng khẩu ngữ trong thơ lục bát một cách điêu luyện. Đơn cử như đoạn mô tả những câu chửi độc địa của Tú Bà trong Truyện Kiều:

"Con kia đã bán cho ta

Nhập gia thì cứ phép nhà ta đây

Lão kia có giở bài bây

Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe

Cớ sao chịu tốt một bề

Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao...".

Nhưng có được những câu thơ như vậy thì chỉ ở những nhà thơ xuất chúng và am hiểu cuộc đời mới viết nổi.

Trong văn học dân gian, ta cũng thường gặp những câu ca dao mang tính khẩu ngữ. Như trong một lời tỏ tình chẳng hạn. Trong hoàn cảnh này, lẽ ra cần phải dùng những lời bay bổng, lãng mạn nhưng câu ca dao lại nói thẳng băng:

Lại đây anh nắm cổ tay

Anh hỏi câu này có lấy anh không?

Câu ca dao trên giống như một câu nói thông thường có thêm chút vần.

Hay một câu ca dao khác cũng tương tự:

Thừa tiền mua thuốc đánh răng

Thà về mua mía đánh khăng vào mồm

Thơ hiện đại, đương đại, trong phong trào cách tân thơ lục bát, các nhà thơ Việt Nam đã có nhiều đóng góp. Chỉ nói riêng về cách sử dụng khẩu ngữ đã có thể điểm tên không ít các nhà thơ đã có sự thành công, như: Lê Đình Cánh, Trần Nhuận Minh, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn, Trần Nhương… Ngoài việc giữ được những nét trong trẻo, bay bổng, thơ lục bát của họ còn xuất hiện những khẩu ngữ, những lời ăn tiếng nói thường ngày nhưng lại được sự đồng thuận cao, thậm chí nhiều tiếng khen của các nhà phê bình và độc giả.

Khi mô tả bố người yêu mà một lần nhà thơ đến thăm, Lê Đình Cánh viết thế này:

Thày em tóc vẫn còn xanh

Lỡ mồm anh đã gọi anh mấy lần

Mặc quần phăng lại cởi trần

Vê vê mồi thuốc ba lần quẹt diêm.

(Một mình anh đi)

Khổ thơ giống như một cuộc trò chuyện trong đời thường. Hai câu “Mặc quần phăng lại cởi trần/ Vê vê mồi thuộc ba lần quẹt diêm” tưởng như không phải là thơ mà lại gây ấn tượng cho người đọc một cách bất ngờ và đầy thuyết phục. Nó khắc họa tính cách nhân vật sâu hơn một đoạn văn xuôi. Bằng bút pháp rất thật, rất tự nhiên như thế, Lê Đình Cánh đã “vẽ” ra được một chàng bố vợ tương lai rõ là một anh lực điền trẻ trung, xốc vác, hay chuyện (hay chuyện đến nỗi phải ba lần quẹt diêm mới hút được điếu thuốc lào). Mấy câu thơ ăn ngay vào tâm trí người đọc.

Miêu tả một bà mẹ nông thôn nghèo ra Hà Nội thăm con, một bà mẹ đã từng trải trong cuộc đời mưa nắng, có công lao trong kháng chiến… nhưng về Hà Nội với biết bao bỡ ngỡ, thật thà. Cũng nhờ lối viết giản dị, mang dáng dấp khẩu ngữ mà câu thơ trở nên cảm động và mô tả được tâm lý của nhân vật một cách sâu sắc:

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể gặp ai cũng chào.

(Mẹ ra Hà Nội)

Trần Nhương cũng là nhà thơ có nhiều thành công trong lối viết này. Anh có những bài thơ, câu thơ rất bất ngờ, tưởng như không phải thơ mà lại rất thơ:

Xe ôm không phải bia ôm

Anh đây đứng đắn còn hơn khối người

Đệm sau em cứ việc ngồi

Đường xa dù có lên trời cũng đi

(Ngẫu hứng xe ôm)

Hay:

Nuôi chim mong tiếng hót vang

Mà chim không hót nghĩ càng chán thêm

Tôi ngồi nghĩ ngợi liên miên

Hay là nó muốn đòi tiền cát-xê

(Lặng im)

Những câu, những cụm từ "Anh đây đứng đắn còn hơn khối người", "nghĩ càng chán thêm", "Hay là nó muốn đòi tiền cát-xê" mà đưa nổi vào thơ thì quả là tài tình.                                                                                                                                                            

Thơ lục bát của Trần Nhương có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, nhiều khi như xóa nhòa ranh giới giữa "lời hay, ý đẹp" với khẩu ngữ. Nói cách khác, đôi khi chúng như được lồng vào nhau, ánh xạ sang nhau trên phương diện "bình đẳng":

Đành hanh cái nắng chớm thu

Nửa như nhớ Hạ nửa như giận mình

Gặp Thu cũng muốn ngoại tình

Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông

(Chớm thu)

Hoặc:

Người dưng mình vẫn cứ thương

Xót cho óng ả gặp phường… ất ơ

Cuối thu cái nắng lơ mơ

Em đi chở cả nguyên sơ… nỗi buồn

(Em đi)

Trong thơ Trần Nhương ta thường gặp lối viết như vậy.

Đồng Đức Bốn viết không quá nhiều nhưng có độc giả đã xếp anh vào "Tứ trụ lục bát Việt Nam". Anh có những câu thơ lục bát mang tính khẩu ngữ, đời thường tỏ ra rất sắc sảo và khác đời. Trong bài “Đi tìm mặt trời đã lặn”, Đồng Đức Bốn bất ngờ viết một cặp thơ tự nhiên đến mức khó có thể tự nhiên hơn:

Những kẻ ném đá vào em

Bàn tay rồi sẽ nhọ nhem cả đời

(Đi tìm mặt trời đã lặn)

Nhà thơ Phạm Công Trứ có lẽ là một trường hợp đặc biệt trong việc sử dụng khẩu ngữ trong thơ. So với nhiều nhà thơ khác, dường như anh thực thi công việc này một cách có chủ đích. Với hình thức nghệ thuật này, thành công của Phạm Công Trứ không phải chỉ ở vài, đôi bài, vài đôi câu mà đã trở thành phong cách riêng. Cũng giống như Trần Nhương, khẩu ngữ trong thơ Phạm Công Trứ được hòa vào thơ một cách nhuần nhuyễn, không hề có "dấu vết". Ta thử đọc phần đầu bài “Phồn thi”:

Phồn hoa phố xá văn minh

Phồn thực, dân dã duy tình ngàn xưa

Dù đài các hay quê mùa

Cũng thích phần xác cũng ưa phần hồn

Dẫu chuộng thực hay chuộng khôn

Chung qui vẫn một vần ồn mà ra

Này em mặt phấn da hoa

Anh quê một cục hai ta cùng phồn

(Phồn thi)

Có người nói: Làm thơ lục bát phải tránh xa vần “ồn”. Quả đúng! Cái vần “ồn” nó nguy hiểm lắm, dễ bị suy diễn sang chuyện khác. Nhưng ở đây, Phạm Công Trứ lại có chủ ý để người ta suy diễn. Thơ anh mang vẻ bỗ bã mà không bỗ bã, đi theo đường ven của cái tục mà không hề tục. Có vẻ Phạm Công Trứ đã ứng dụng được tinh thần tục và thanh từ Hồ Xuân Hương, nhưng mà theo một kiểu khác, rất hiện đại.

Bằng lối đưa khẩu ngữ vào thơ, Phạm Công Trứ đã có mấy câu thơ khó quên khi mô tả những cô gái cấy lúa:

Giật lùi mạ cắm xuống đồng

Từng hàng nón trắng chĩa mông lên trời

Đã qua thế kỉ hai mươi

Về làng còn thấy bao người bán mông

(Về làng)

“Chĩa” là một từ rất gần với khẩu ngữ, kết hợp với từ “mông”: Chĩa mông dùng trong văn xuôi còn phải đắn đo. Vậy mà Phạm Công Trứ đã đưa vào thơ một cách êm ru. Dân gian mà rất hiện đại. Quả là cao thủ.

Trương Nam Khương là nhà thơ thiên về bay bổng, trữ tình nhưng cũng từng xuất thần một câu thơ để đời mang tính khẩu ngữ. Đó là một câu thơ rất mộc mạc, mô tả cảnh đi xin việc quá khó khăn của ngày hôm nay:

Bố đi xin việc cho con

Có hai đôi dép thì mòn cả hai

Thơ mà y như lời nói của một người cha nào đó vô tình "buột miệng" với mọi người. Vậy mà lại được đồng cảm sâu sắc của người đọc, được lưu truyền khá rộng rãi trong nhân gian. "Xin việc" và "guốc dép" đưa vào thơ trữ tình đâu có dễ. Có được điều ấy chính là nhờ nhà thơ đã biết sử dụng một cách rất năng động khẩu ngữ trong thơ.

Trong các nhà thơ kể trên, Trần Nhuận Minh - một nhà thơ đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - là người sử dụng ngôn ngữ đời thường vào thơ rất hiệu quả. Ông sáng tạo cho mình hẳn một dòng thơ có tới ngót một trăm bài mang màu sắc như vậy.

Để nói về một cô gái không chồng mà chửa, ông viết thế này:

Ngày nào em đẹp em giòn

Em qua, chó đá vẫn còn vẫy tai

Bây giờ em đã nghe ai

Mà môi em mỏng mà vai em gày

Ối giời ôi! Đến nỗi này

Ăn gì mà bụng mỗi ngày một to

- Ứ ừ… Ai khiến anh lo

- Lo trâu đen cổ lo bò trắng răng

(Ngày nào em đẹp)

Trong bài thơ, hầu hết là những lời nói đời thường, rất ít từ ngữ, hình ảnh mà ta vẫn cho là gần với ngôn ngữ thơ. Vậy mà đó vẫn là một bài thơ hay, nhiều người thích.

Trần Nhuận Minh có những bài thơ làm ta giật mình về lối đưa khẩu ngữ vào thơ, ví như:

Trời cho nhan sắc hơn người

Chị tôi cùng thủ trưởng tôi cặp bồ

Khi xoắn xuýt, lúc hững hờ

Người nhàu váy ngắn, người trơ thân gày.

(Trời cho nhan sắc)

Cuối bài thơ, tác giả đưa ra một nhận xét cũng rất khẩu ngữ:

Cho hay sợi tóc đàn bà

Trói trâu trâu chết, kéo nhà nhà xiêu.

(Trời cho nhan sắc)

Tóm lại, thơ không hoa mĩ, thơ như nói, mà lại được người đời chấp nhận, không phải dễ. Phải chăng đó cũng là một cánh cửa mở ra để các thi nhân lưu tâm trên con đường sáng tạo. Đặc biệt, những người làm thơ lục bát rất nên quan tâm đến cách viết này. Nhưng chỉ xin lưu ý, nếu không am hiểu ngọn ngành, không thuần thục và sử dụng một cách thô thiển thì có khi lại vô cùng phản cảm.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy