Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:35 (GMT +7)

Soọng cô ở Tuyên Quang

VNTN - Ở Tuyên Quang, người Sán Dìu chủ yếu sống tại huyện Sơn Dương. Đã có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực, trở thành niềm tự hào của cộng đồng. Mùa xuân Bính Thân này, đồng bào Sán Dìu Tuyên Quang còn có thêm niềm tự hào mới: tục hát Soọng cô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Ở Tuyên Quang, người Sán Dìu chủ yếu sống tại huyện Sơn Dương. Đã có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực, trở thành niềm tự hào của cộng đồng. Mùa xuân Bính Thân này, đồng bào Sán Dìu Tuyên Quang còn có thêm niềm tự hào mới: tục hát Soọng cô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình, là sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của người Sán Dìu. Chuyện kể rằng, thuở trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Một hôm ông trời nổi giận, cho nước dâng cao làm chết hết muôn loài. May có hai người nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo nước nên sống sót. Khi nước rút, họ lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động, họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Tiếng hát ấy chính là Soọng cô.

Người Sán Dìu hát Soọng cô khi lao động sản xuất, trong đám cưới, hội làng, bên bếp lửa, cả dưới ánh trăng khuya. Dù không có nhạc đệm, nhưng Soọng cô đòi hỏi người hát phải nhanh trí, thông minh, có tài ứng khẩu. Ví như bên nam hát rằng:  Xuân cũ qua rồi xuân mới đến/ Anh nhìn bướm lượn khắp nơi nơi/ Cỏ cây hoa lá đua khoe sắc/ Nhớ nàng anh đi tìm đến nơi.

Các cô gái tinh nghịch trêu chọc lại: Xuân đến trăm hoa nở trên cành/ Chim rừng nhảy nhót hót véo von/ Người người chăm chỉ ruộng nương rẫy/ Sao chàng nhàn rỗi thế chàng ơi!

Bên nam đáp mộc mạc, thật lòng: Xuân đến anh đi tìm bạn đời/ Cùng anh lo việc ruộng nương rẫy/ Vàng Anh ríu rít cùng làm tổ/ Ong lượn trong vườn tìm hoa tươi.

Cứ thế, hai bên hát đối đáp qua lại, làm cho ngày hội xuân thêm tình tứ. Nếu thấy hợp nhau họ sẽ hò hẹn thăm nhau và đối đáp trong nhà vào ngày gần nhất.

Hát Soọng cô trong lễ chắn cửa (Ảnh: Ngọc Chiến)

Trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, người Sán Dìu có các điệu hát ca ngợi quê hương, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, hát theo giai điệu nhẹ nhàng đằm thắm. Thường là các chàng trai cô gái Sán Dìu qua câu hát để làm quen, kết bạn với nhau. Có khi những người đã có vợ có chồng cũng vẫn hát đối đáp để thử tài nhau, thể hiện niềm lạc quan yêu đời, tăng thêm niềm vui sống. Loại hình này có Soọng cô bên giếng làng, Soọng cô trên nương chè, bên thác nước, đắp mương, Soọng cô đề cao lao động và phê phán thói hư tật xấu.

Trong lễ cưới, mỗi nghi lễ của người Sán Dìu đều hát đối đáp Soọng cô giữa hai họ nhà trai và nhà gái. Thường có Soọng cô trong lễ chắn cửa, nhà trai phải đối đáp lại ít nhất bốn bài tại lễ giữ cửa mới được nhà gái cho vào nhà. Có Soọng cô chúc mừng, hát sau khi ông quan lang trưởng họ nhà trai thực hiện xong nghi thức trình báo tổ tiên nhà gái, sau bữa tối thân mật giữa hai họ và sau nghi lễ dâng rượu của nhà gái dâng kính tổ tiên. Có Soọng cô chúc các cụ bô lão, chúc cô dâu, chúc gia đình nhà gái, xóm giềng nhà gái, chúc các bà các chị nấu cơm, chúc các bà têm trầu, chị gánh nước, chẻ củi trong đám cưới… Điều này cho thấy tính nhân văn trong đời sống của người Sán Dìu, mà có khi nhiều dân tộc đông người khác không có. Từ mấy năm trước đây, nhận thấy Soọng cô là vốn quý của người Sán Dìu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị của Soọng cô Tuyên Quang.

\Ông Nguyễn Việt Thanh, nguyên Giám đốc Sở, một trong những người trực tiếp chỉ đạo, thực hiện đề tài cho biết: quá trình nghiên cứu cho thấy Soọng cô có nhiều dấu hiệu mai một, các tập sách được sưu tầm còn chưa nhiều và việc dịch chưa đầy đủ, chính xác. Các bài hát Soọng cô của người Sán Dìu Tuyên Quang về cơ bản giống Soọng cô của người Sán Dìu các tỉnh bạn, nhưng vì mỗi bài do nhiều người ở nhiều nơi khác nhau lưu giữ, lại sáng tác do ứng khẩu, sao chép và truyền miệng nên ở mỗi địa phương có những dị bản khác nhau. Mà vốn vô tận của Soọng cô chính là những lời thơ ứng tác sống động, hợp cảnh, hợp người. Chính vì thế, cuối năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Soọng cô Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và tháng 6 năm 2015, Soọng cô Tuyên Quang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(Theo Bước đầu tìm hiểu dân ca dân tộc Tày, Sán Dìu và Cao Lan, Sở VHTT Tuyên Quang, 2007)

Hà Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy