Sông trở lại
Người lạ mỗi lần đi đò thường hỏi tên dòng sông. Người làng vẫn gọi là sông Cái! Sông Cái – cái tên đi khắp dải đất hình chữ S ở đâu người ta cũng gặp những dòng sông mang tên này. “Cái” có nghĩa là mẹ, là sông cả, là sẽ đẻ ra trăm ngàn nhánh sông nhỏ luồn lạch chảy vào làng, chạy dọc đường sông máng. Ở những nhánh sông con, lục bình êm đềm trôi, phù sa cũng ít, người làng tôi quen gọi là đầm, xóm nào cũng xây một cái cầu bến nơi đầm chảy qua để giặt quần áo, giũ gánh cỏ mới cắt, đãi gạo nếp, đậu xanh, giặt chiếu mỗi dịp cuối năm.
Ngỡ là sông Cái mênh mang tự nghìn đời trước và mênh mang đến tận nghìn năm sau - thế mà năm ấy sông cạn. Cái đầm trước nhà trơ đáy, lòng đầm lớp bùn nhão cũng khô đi, đóng vảy nứt nẻ, bờ bên này người ta lội bộ sang bờ bên kia. Sông Cái lần đầu phơi ra lòng mình, bên bồi phù sa đỏ rọi lô nhô hang cáy hang cua, bên lở ăn sâu vào bãi bờ lơ phơ cỏ gà mọc xuống. Đò không qua lại được, người ta phải đi đường vòng qua cầu tận thị trấn nếu muốn sang bờ bên kia. Ngày nào người làng cũng hỏi nhau nước sông đã lên chưa. Những câu chuyện thêu dệt về dòng sông cũng sôi nổi trong mâm cơm hay những buổi tối ngồi chuyện vãn hóng gió ở gốc si già đầu xóm. Người ta cứ nghĩ sớm thôi, nước sông sẽ lên lênh láng đôi bờ.
Nhưng không, sông cứ cạn mãi, lòng sông cỏ vảy ốc nở hoa tím ngắt, cỏ cói mọc lan ra tận giữa sông, cây gạo bên sông cứ nghiêng mãi về phía nước. Năm ấy lúa nghẹn đòng. Nhà nào sát cánh đồng, cuốc bay cả vào sân. Giếng đá, giếng khoan cũng dần cạn nước, bể nước mưa phải dùng chắt chiu. Nhà nào bí quá phải xách siêu sang hàng xóm xin một ấm nước mưa thì trẻ con người lớn trong nhà cứ đùn đẩy nhau mãi…
Người ta mong mưa, ruộng nẻ chân chim, đất toác ra hở rễ lúa, bụi trắng mặt đường. Nắng phả xuống biêng biêng, cái mâm phơi trên mặt bể lỡ tay động vào phải bỏng. Rêu trên sân gạch bong ra từng đám. Nắng vẹo vọ lo toan nhàu nhĩ mặt người. Những chiếc xe chở nước trên thị trấn bắt đầu đi khắp các xóm nhỏ, người ta bán nước theo khối. Cái ống dẫn nước vào bể đến đâu bà tôi thấp thỏm nhìn theo đến đấy. Bà than sống ngần này tuổi lần đầu tiên phải bỏ tiền ra mua nước để dùng. Cái áo trắng tôi mặc đi học về, bà tôi giành lấy nói để bà giặt cho, các chị cứ giội nước ào ào. Có những ngày theo mẹ đi về phía núi cắt giàng giàng về đun, tôi chạy ào vào nhà cô bạn học. Ở đấy có một cái giếng dưới gốc cây hồng lúc nào nước cũng ăm ắp, trong veo, nước giếng núi ngọt hơn nước mưa, mát lạnh. Tôi vục mặt vào chậu nhôm thỏa thuê vùi trong nước. Mùa hạn bên bết trên tóc trên da thịt được nước mát làm cho bong ra.
Những người khỏe mạnh bắt đầu rời làng, đi thuê đất tận tỉnh khác để trồng hoa màu, những người ở lại mong mưa từ sáng ngày đến khi đêm xuống. Trong những giấc mơ của trẻ con, mưa ào ạt trút xuống tràn lênh láng ao, đầm. Thế rồi cũng có những cơn mưa, lắc rắc vài hạt người già ngửa cổ than trời “mưa như đái dắt”. Người ta ngóng bản tin thời tiết còn hơn trẻ con mong đến giờ chiếu phim Tôn Ngộ Không. Trẻ con ước mình có cây gậy Như Ý có thể biến ra mưa, có thể biến ra đồng lúa, biến ra nước sông…
Mây đen ở đâu, trên trời toàn mây trắng xốp nhẹ bẫng và vô dụng dửng dưng rong chơi. Mưa bóng mây rắc xuống, lớp bụi đường khẽ cộm lên và nuốt chửng lấy những giọt ẩm ướt đó. Năm ấy mẹ tôi gửi tôi đến nhà bá ruột ở xóm núi, bà tôi bảo nhất cận thị nhị cận giang mà bây giờ lại phải thoát ly sông đi về phía núi. Những ngày ở nhà bá, tôi theo anh họ đi dỡ lạc, hái măng, chặt dứa. Chiều chiều, bá tôi hái quả dọc chua, nướng trong lửa rơm rồi đánh giấm nước rau muống luộc. Nhà bá nằm tựa lưng vào núi, cây nhãn hương chi lan cành về phía núi đá cheo leo. Ban đêm bá tôi buộc một chùm lon treo lên cây, nằm hóng gió trên mái bằng bá tôi vừa giật dây cho chùm lon kêu lóc cóc đuổi con dóc đến ăn nhãn vừa kể chuyện mùa lụt năm nào.
Làng bá trũng nhất huyện, nghèo nhất huyện, mùa lũ làng mênh mông nước, năm đó lũ lớn, có mẹ con nhà nọ mới sinh không kịp chạy lên núi bèn trú tạm ở ngôi miếu trên cái gò giữa làng. Mẹ con nằm trên bệ đá cao, ếch nhái, rắn rết nằm chỗ thấp. Bà mẹ suốt nhiều đêm không ngủ đốt lửa canh rắn rết. Một đêm chị ta mệt quá ngủ thiếp đi, nghe tiếng nhai đầu vú chóp chép, chị ta hé mắt nhìn thì thấy một con rắn có mào đang rít sữa trên ngực mình. Chị sợ quá ngất lịm đi. Hôm sau chị ta nấu thật nhiều cháo ăn thật no cho căng sữa. Đêm đến chị vắt sữa ra cái bát con đặt ở góc nhà, con rắn đen lừng lững đến ăn như mèo uống nước. Được ba đêm như thế thì nước lũ rút, mẹ con chị bình an về nhà rồi kể lại chuyện lạ kỳ kia. Cũng từ năm ấy lũ không về làng.
Bây giờ mà có mưa nhỉ? Lũ cũng được! Bá tôi vừa nói vừa ngóng về quê mẹ. Trăng tán bao nhiêu đêm rồi trời vẫn không mưa. Thường tôi và bá sẽ mắc màn ngủ luôn trên mái nhà cho mát.
Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình ngủ trong buồng. Anh họ tôi vừa gọi dậy đã trêu người thì bé ăn gì mà nặng thế, anh bế mày từ trên mái nhà xuống mà gãy cả lưng, đêm qua mưa đấy.
Mưa! Tôi chạy ra sân, nước mưa đọng thành thùng vũng trong vườn, xe bò chở lạc mới dỡ về chưa kịp xếp ra sân được che bằng mấy mảnh bạt. Đất bốc lên mùi ẩm mục ngai ngái, nhãn chín nứt toác lớp vỏ ngoài. Hai hôm sau thì mẹ lên đón tôi về. Anh tôi chất hai bao lạc lên gác ba ga rồi nhấc bổng tôi đặt lên trên hai bao lạc.
Mẹ con tôi đi dọc theo triền đê lộng gió, gió mang theo hơi nước mát lạnh, sông kia rồi, sông đã trở lại, dù nước sông cạn hơn xưa nhiều nhưng vẫn là sông đấy. Mẹ tôi vòng theo con đường nhỏ xuống bến đò rồi đứng đấy ngắm sông. Hai bên bờ sông - chỗ nước chưa lên kịp từng bạt cỏ vảy ốc hoa tím nằm dạt trên lớp mặt phù sa đỏ. Mẹ tôi bảo làng mình sẽ có thêm một cánh đồng.
Lúc mẹ nói thế, một đứa trẻ như tôi không nghĩ gì nhiều. Thế rồi đúng là làng tôi có thêm một cánh đồng thật. Sông cứ bồi mãi vào bãi cạn, người ta khai hoang chở thêm đất đến san lấp thùng vũng, trồng tre chắn lũ ven sông, phía trong dãy tre người ta đặt tên là khu khuyến nông. Thi thoảng mùa lũ nước sông vẫn tràn lên vùng đất ấy. Lúa trồng bên ấy không bao giờ phải lo thiếu nước, giống lúa Q5 thân cứng cao như cây sậy bám vào phù sa mà trĩu hạt nặng bông. Mùa hạn người ta trồng lạc ở vùng đất cát pha rồi trồng dâu nuôi tằm. Nhà nào khai hoang bên ấy cũng ấm no, thóc đầy bồ, ngô treo đầy hiên cửa.
Sông không còn rộng mênh mang như xưa nữa, mùa hạn khủng khiếp năm nào thật may không lặp lại. Khi sông trở lại, mưa trở lại, người ta nhắc con cháu mình mang ơn dòng sông. Sau này có nhiều chuyến đi xa, tôi đã gặp những dòng sông cạn. Ở đấy sông không trở lại, lòng sông dần chai đi - cỏ mọc mướt xanh, nhiều người dân ở đó cũng quên mất từng có một dòng sông mênh mang chảy qua làng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...