Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:43 (GMT +7)

Sống tối giản: Triết lý Nhật trong văn hóa Việt

Từ phương thức ứng xử với tự nhiên đến một triết lý sống

Mặc dù chỉ chính thức được đặt tên từ những năm 2011 - 2012, nhưng phong cách tối giản đã hình thành trước đó - trong nền văn hóa, lịch sử của một dân tộc mà “nguồn tài nguyên duy nhất chính là con người”. Chung sống với những hiểm họa mang tính hủy diệt, người Nhật sớm nhận ra rằng, quy tài sản thành đồ đạc là một sự đầu tư mạo hiểm. Thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 khiến hàng triệu người Nhật thấm thía mặt trái của cuộc sống tiện nghi với những đồ đạc lỉnh kỉnh, cầu kỳ. Trong cơn thịnh nộ của tự nhiên, những bàn ghế, giường tủ, tranh ảnh, đồ trang trí gốm sứ, thủy tinh có nguy cơ trở thành kẻ thù nhiều hơn là trở thành chiếc phao cứu nạn. Nếu may mắn thoát chết, không bị đồ đạc làm chấn thương, sau thiên tai bạn sẽ bị “chấn thương” về kinh tế và tâm lý khi chứng kiến toàn bộ cơ nghiệp tan tành trong bùn đất. Nếu một lần nữa may mắn mỉm cười, nghĩa là đồ dùng còn nguyên vẹn, việc chuyển nhà, sắp xếp lại cuộc sống với một núi đồ dùng, ắt hẳn sẽ làm ta kiệt sức. Chính vì thế, đơn giản đến tối đa quần áo, mĩ phẩm, nội thất gia đình, dụng cụ nấu nướng, đồ trang trí, đồ chơi trẻ em, sách báo, dụng cụ giải trí… chính là cách khôn ngoan để con người đối diện với cuộc sống nhiều biến cố.

(Ảnh: jp.fotolia.com)

Đơn giản trong phong cách, song người Nhật không đơn giản trong trí tuệ, bởi vậy, họ đã nâng tầm triết lý của mình, biến sự tối giản thành một thứ chủ nghĩa (Minimalism - chủ nghĩa tối giản) với nhiều cấp độ, từ đồ đạc đến tư duy, từ vật chất đến tinh thần. Cùng với việc giản lược đồ dùng, những người theo chủ nghĩa tối giản tiến xa hơn với việc loại bỏ thông tin, thanh lọc những tư tưởng vô hình trong tâm trí và đôi khi là giảm luôn cả những mối quan hệ xã giao không cần thiết. Vượt qua không gian sinh hoạt, tối giản trở thành một xu hướng ở nhiều lĩnh vực, và có cả nghệ thuật. Có một câu nói về tính tối giản trong nhiếp ảnh trở thành phương châm sống của nhiều người: “Bức ảnh đẹp lên không phải vì thêm chi tiết mà vì loại đi những yếu tố không đẹp. Cuộc sống cũng đẹp hơn khi biết loại đi những thứ làm bạn không thoải mái”.

Mấu chốt chủ nghĩa tối giản ở đây là sự “gỡ bỏ”, “vứt bớt” bởi thông thường, người ta bắt đầu lối sống này khi đã đi qua một chặng đường đời và tích lũy kha khá những thứ dư thừa trong ngôi nhà và đầu óc. Điều này quả thực không dễ dàng, nhất là với những người lớn tuổi với tâm lý thích tích lũy, lo xa, tiết kiệm và ưa hoài niệm. Chính vì thế, những người tiên phong đã xây dựng hàng trăm nguyên tắc giúp chiến thắng chính mình để mạnh dạn “vứt đi” những thứ tưởng như không thể. Đổi lại là một cuộc sống tự do trong không gian thênh thang, ngăn nắp, không mất thời gian dọn dẹp, tìm kiếm, sắp xếp, cất giấu hay phải “cân não” khi đứng trước cả núi quần áo mà vẫn chẳng biết nên mặc chiếc nào…

Khi người Việt tối giản

Khi những người trẻ tuổi mang chủ nghĩa tối giản về đến Việt Nam, áp lực đầu tiên họ gặp phải chính là thói quen tích trữ đồ đạc vốn rất phổ biến ở những người già. Về nông thôn, không khó để bắt gặp những ngôi nhà trên nền đất thênh thang nhưng chẳng còn một khoảng trống với những bàn ghế, giường tủ, nồi niêu, áo quần, chai lọ đủ kiểu dáng, kích cỡ, niên đại... Người ta không thể vứt đi vì thấy vật nào cũng là kỷ niệm, cũng từng mua bằng “đồng tiền bát gạo” chắt chiu, và cũng có khả năng “lúc nào đó sẽ dùng đến”… Cứ như vậy, theo thời gian, căn nhà ngày một đầy lên, bừa bãi như một cái kho, mà chủ nhân vẫn không ngừng tha về, bất chấp đó là hàng khuyến mại rẻ tiền hay đồ thải loại “chổi cùn rế rách”.

Sở thích mua sắm và thói quen tích trữ đồ đạc cũng không loại trừ những người trẻ tuổi sống trong không gian chật hẹp chốn thành thị. Nhiều phòng trọ mấy chục mét vuông nhưng “gi gỉ gì gi, cái gì cũng có”: từ cái kim băng, cúc áo dự phòng đến đôi dép lê đã chật, từ những thứ vẫn sử dụng hàng ngày đến những đồ đạc chục năm mới có cơ hội động đến. Thiết nghĩ, dẫu gia chủ có là “bậc thầy của nghệ thuật sắp đặt và ghi nhớ vị trí” thì e rằng cuộc sống không một chỗ nhích chân sẽ chẳng thoải mái chút nào, nhất là khi từng diện tích nhỏ trong căn phòng đều phải trả bằng chi phí đắt đỏ.

Không dám bỏ đi đồ cũ khiến ngôi nhà hóa “bảo tàng”, tích trữ quá nhiều đồ dùng biến căn phòng thành “siêu thị”. Thói quen mua sắm tràn lan và ôm đồm đồ đạc làm hao phí vô vàn năng lượng cho việc xếp đặt, dọn dẹp, bảo quản, ghi nhớ, kiếm tìm. Mặc dầu vậy, nó lại rất phổ biến trong xã hội ta. Nhiều người Việt khó chấp nhận cuộc sống tối giản bởi sự hằn sâu của văn hóa truyền thống. Trong nhiều thế kỷ định hình tính cách Việt, chúng ta duy trì quan niệm: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, càng nhiều điều kiện về vật chất, mọi thứ càng phức tạp, cầu kỳ, từ gia phong cho đến… đồ gia dụng. Phụ nữ đơn giản hay bị đánh giá là tuềnh toàng, động đâu thiếu đấy, bởi vậy, người viết từng chứng kiến những người đàn bà đảm đang mang cả kim chỉ, móc áo và giẻ rửa bát đi du lịch. Đối với người già, họ khó chấp nhận cuộc cách mạng “vứt bỏ” bởi tâm lý hoài niệm và thói quen tiếc của - di sản của một thời khốn khó. Tập quán “tự cấp tự túc” cũng biến người nông dân Việt trở nên “bách nghệ”, việc gì cũng tự làm để rồi phát sinh hệ thống công cụ sản xuất gia đình bộn bề như một công xưởng. Cũng không thể không nhắc đến “tính cộng đồng” như một trong những yếu tố cơ bản dẫn đến thói quen tích trữ đồ đạc. Ngôi nhà 4 người nhưng có tới 5 cái giường, 6 bộ gối chăn, chục mâm bát đĩa, mấy chục cốc chén, xoong nồi bởi luôn sẵn sàng đón anh em, phường hội tề tựu. Các cụ ở quê tôi vẫn gói niềm tự hào trong một câu nói quen thuộc: “Nhà này làm cỗ chục mâm không phải đi mượn bát đĩa”.

Tuy vậy, trong dòng chảy cuộc sống mới, lối sống tối giản bắt đầu len lỏi vào một bộ phận người Việt, nhất là ở các đô thị chật chội. Chi Nguyễn là một cây viết trẻ được yêu thích với nhiều ấn phẩm và bài viết thú vị trên blog cá nhân xoay quanh chủ đề này, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm với nhan đề “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”. Vượt qua quan niệm truyền thống, xu hướng này bộc lộ tính ưu việt khi đứng trước những thách thức thời đại. Xưa kia, người Việt lấy “an cư” làm chỗ dựa cho sự “lạc nghiệp”, nhưng ngày nay, người thành phố quen dần với việc ở nhà thuê, chuyển nơi làm việc, nay đây mai đó. Khi “tối giản”, ắt hẳn sẽ giảm bớt nỗi lo “ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”. Khi nhận ra sự phù phiếm của thói quen mua sắm, người tối giản bình tĩnh hơn trước sự cám dỗ của hàng hóa, từ đó hình thành “kỹ nghệ” tiêu tiền: mua theo nhu cầu chứ không theo sở thích, mua theo chất lượng và không vì số lượng, không tiếc tiền đầu tư cho những thứ có tần số sử dụng cao nhưng quyết không phí một xu cho món hàng chỉ bắt mắt bề ngoài… Sống đơn giản, giảm nhu cầu, bớt ham muốn vật chất không chỉ giải phóng cho con người, tiết kiệm thời gian mà còn giải phóng cho môi trường sống đang quá nhiều áp lực. Với cách sống này, người ta hướng tới lối ứng xử trách nhiệm: hạn chế rác thải, thậm chí đã có những người tiệm cận phong cách sống văn minh khi không còn rác thải vì chẳng có gì thừa thãi.

Trải qua những cuộc chiến với đói nghèo, nhân loại đang đứng trước thách thức mang tên “thời đại dư thừa” và “khủng hoảng lựa chọn”. Ở đó, không gian sống và năng lượng của chúng ta bị ăn mòn bởi một núi đồ đạc, thông tin, cảm xúc, sự lựa chọn và những mối quan hệ rối rắm. Tối giản là một lựa chọn đáng cân nhắc dẫu không phải lúc nào, việc “bỏ đi” cũng dễ dàng.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy