Sình ca – linh hồn của người Cao Lan
Sình ca là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Cao Lan ở các địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Sình ca hay còn gọi là Sịnh ca... là hình thức đối đáp giữa nam và nữ, phần lời được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán. "Sịnh, sềnh" theo tiếng Cao Lan có nghĩa là "thần, chúa" có uy lực ngang với các vị thần sông, thần núi... Theo tên gọi dân gian của người Cao Lan thì "thẳng” có nghĩa là "ca lên, hát lên". Với hai nét nghĩa đó Sình ca đã thể hiện âm điệu và trạng thái tình cảm của con người, tình yêu mạnh mẽ với thế giới xung quanh.
Ca hát và tâm trạng đã hòa nhập thành một trong Sình ca Cao Lan, với 2 đặc trưng là sử ca và giao duyên, qua thời gian Sình ca của người Cao Lan trở thành những làn điệu say đắm lòng người. Sình ca có nguồn gốc từ một câu chuyện tình bi thảm của nàng Lau Slam (còn có tên gọi là Lưu Ba, Lưu Tam) tài hoa, xinh đẹp, giỏi thơ ca đối đáp, hát ví tuyệt hay làm say đắm biết bao chàng trai trong vùng. Cha mẹ chết sớm, Lau Slam ở với anh trai. Người chị dâu khó tính luôn ghen ghét đố kỵ với tài hoa và nhan sắc đã tìm mọi cách để hãm hại nàng nhưng đều không thành.
Trai gái Cao Lan hát Sình ca trong hội Xuân (Ảnh st)
Ngày xuân trong hội tung còn hát ví, nàng đem lòng yêu Dừn - một chàng trai nhà nghèo, hai người hát với nhau mấy ngày mấy đêm không ai chịu thua kém ai một lời. Hàng trăm người nghe đôi trai gái hát quên cả lên nương, người già quên cả miếng trầu đang giã dở trong cối. Sau anh trai chị dâu vì tham bạc nên gả nàng cho con trai một lãnh chúa giàu có. Khi bước chân về nhà chồng, anh trai nàng cấm không cho nói một câu, vì sợ lời nói của nàng làm cho con trai lãnh chúa chết và anh chị phải chịu tội, rồi đưa cho nàng một cái kéo buộc chỉ, bảo rằng khi kéo mở mới được nói. Suốt ba năm làm dâu nhà người phải giả câm giả điếc, trong lòng nàng luôn nhớ đến người tình và ấp ủ hàng ngàn lời ca và khao khát thoát khỏi nhà chồng, tự do trở về để lấy người mình yêu. Cuối cùng nàng được như nguyện, nhà chồng thấy nàng câm điếc nín lặng bèn đuổi ra khỏi nhà. Lau Slam đi tìm đến bản của người yêu nhưng không tìm được chàng Dừn vì khi mẹ chàng mất, chàng đã bỏ làng ra đi, tìm đường học hành, mong được giàu sang, có nhiều bạc trắng về cưới người yêu. Lau Slam nghe câu chuyện đó, liền đi khắp nơi để tìm lại người mình yêu dấu. Trên con đường ấy, nàng đã hát hàng ngàn bài ca, người đời ghi nhớ và chép lại bằng chữ Nôm hát suốt 36 ngày đêm không hết (Slam sợp lộc dì sịnh mù công).
Tìm được người yêu đang tu hành trên núi Chín Khúc thì cũng là lúc chàng đã chết, nàng lên núi, tựa vào gốc thông, hát lên những lời thương đau như đứt từng khúc ruột suốt mười ba đêm không ngủ rồi lìa bỏ cõi đời... Hồn nàng nhập vào cây thông, lá thông reo như những điệu buồn tha thiết về một mối tình bi thương ai oán. Người đời tiếc thương, nên lấy gốc thông làm mộ của Lau Slam, đắp đá, lập cây nhang thờ nàng. Những bài dân ca do Lau Slam sáng tác được người Cao Lan đặc biệt yêu thích và lưu truyền lại. Lau Slam từ đó được tôn vinh thành Bà Chúa Thơ Ca của người Cao Lan, được tôn thờ như các vị thần linh. Mỗi dịp tết Nguyên Đán, người Cao Lan lại mở hội Sình Ca mời Nữ chúa Lau Slam về cùng hát mừng xuân, có hẳn một chương hát mời nàng nhập cuộc đối đáp, sau mỗi cuộc vui lại có chương tiễn nàng về nơi đất Phật.
Lau Slam là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp của người Cao Lan, từ một người phụ nữ bất hạnh, đau khổ, trong hành trình đi tìm tình yêu, hạnh phúc, nàng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, người khai sáng ra một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của dân tộc Cao Lan từ ngàn xưa đến hôm nay. Qua huyền thoại về nguồn gốc của thể loại dân ca của dân tộc Cao Lan, có thể lý giải được, Sình ca là loại hình diễn xướng độc đáo của người Cao Lan Việt Nam, vừa có phần lời thơ, vừa có phần nhạc điệu dân ca, bắt nguồn từ trong chính đời sống của dân tộc này, thể hiện đời sống tinh thần của một dân tộc đầy nhân ái, khao khát cái đẹp, sự thủy chung, ý thức vươn lên trong cuộc sống. Tiếng hát ấy không chỉ lưu lại đời đời, còn chứng tỏ sức sống tiềm tàng và tình yêu trong sáng, ngọt ngào, bình dị của người Cao Lan. Thanh niên nam nữ mượn Sình ca để bày tỏ tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống hạnh phúc, từ những đêm hát đã nảy sinh những mối tình trai gái bền chặt thủy chung gắn bó trọn đời.
Theo Lâm Quý trong Văn hóa Cao Lan, người Cao Lan có 36 đêm hát Sình ca, cũng có nghĩa là 36 tập sách ghi chép lại. Sách viết bằng chữ Hán Cao Lan cổ, bìa đề dòng chữ “Nhất bản thi ca ái tình lưu truyền sử dụng”. Thời điểm hiện tại, trong hồ sơ di sản có 12 đêm, các đêm còn lại chưa được sưu tầm đầy đủ và có nguy cơ mai một trong tương lai. Sình ca Cao Lan được chia thành hai loại hình theo thời gian diễn xướng của nó: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày là loại hình có môi trường diễn xướng rộng hơn, được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, đám tang, trong lao động sản xuất. Sình ca ban đêm là thể loại phong phú nhất, có tính chất bao trùm của hát Sình ca. Môi trường diễn xướng, chủ yếu ở trong nhà. Sình ca ban đêm được viết thành các tập, mỗi tập có chủ đề riêng và tương ứng với một đêm hát. Vì vậy, Sình ca ban đêm thường được kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy theo sự hấp dẫn và thể hiện của từng nhóm. Những lời hát của Sình ca Cao Lan như những dòng suối mát lành, là sứ giả của quá khứ dân tộc Cao Lan từ ngàn xưa vang vọng đến với hiện tại và tương lai.
Theo nội dung, Sình ca Cao Lan được chia thành hai loại: sử ca và giao duyên. Hát sử ca là minh chứng cho sự tồn vong của người Cao Lan trong suốt hành trình tìm đất sống và bảo vệ dân tộc mình trước sự xâm thực của các nền văn hóa khác. Hát giao duyên là phần tinh hoa của Sình ca Cao Lan, trong Chuyên khảo Monographie des Mans Cao Lan của Bonifacy từ 1905, tức là cách đây hơn 100 năm, Sình ca giao duyên đã được nhà nghiên cứu chú ý văn tự ghi chép và đặc điểm của Sình ca, ông đưa ra những bài ca mẫu mực về Sình ca ngỏ lời giao duyên trong đám cưới để làm minh chứng, ví dụ:
Thua em cả sắc cả tài mới hay
Đó là lời ngỏ của chàng trai dành cho cô gái mà mình mến mộ sắc tài, để từ đó chắp mối lương duyên qua lời đối đáp. Là hát giao duyên nên Sình ca giao duyên có 2 lối: lối hát đơn và lối hát bạn. Về mặt hình thức, các cặp hát thường đối đáp qua lời ca vì Sình ca chỉ có duy nhất một làn điệu, bên nào không luận giải được ý nghĩa của lời hát không đối lại được thì bên đó thua. Sình Ca giống như lời nói hàng ngày, là món ăn tinh thần, là phương tiện để người Cao Lan bày tỏ tâm tư tình cảm, thể hiện khát vọng tự do yêu đương thoát khỏi lễ giáo phong kiến, tư tưởng và triết lý nhân sinh. Xuất phát là tiếng nói đau thương bi kịch của tình yêu không thành, người Cao Lan đã biến Sình Ca thành tiếng hát lạc quan, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống. Người Cao Lan có câu “sình ca hó, làn có cồng, sếnh sư mù cồng, hệnh hè mù sin” để nói về Sình Ca. Những câu này có nghĩa là: “hát Sình ca rất khó, có thể hát mãi không bao giờ hết, hay học, đọc trong sách cũng không bao giờ cạn”.
Dương Thị Thanh Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...