Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
03:40 (GMT +7)

Siêu đô thị hay “thành phố xanh”

VNTN - Khác với các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Huế sẽ là thành phố kiểu mẫu trong tương lai của Việt Nam.


Ô nhiễm không khí ở đô thị

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng của con người, ở các nước đang phát triển và phát triển. Trong thông cáo báo chí do Liên Hiệp Quốc công bố năm 2017 có đoạn: “Ô nhiễm không khí là mối đe dọa nghiêm trọng..., không khí bị nhiễm độc làm gia tăng nguy cơ con người mắc các chứng bệnh đột quỵ, tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp”. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng “trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người sức khỏe yếu và người sống trong các cộng đồng nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng ô nhiễm không khí”.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 3 triệu người thiệt mạng do các chứng bệnh liên quan đến không khí ngoài trời bị ô nhiễm. Còn theo nguồn tin từ hãng AFP (Mỹ), hiện nay toàn cầu cứ 8 người chết thì sẽ có 1 người là do tình trạng ô nhiễm không khí gây ra.

Và hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đang lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Điều đáng nói là các thành phố này là những “siêu đô thị”, nơi con người tập trung sinh sống đông đúc. Đứng đầu là New Delhi, thủ đô 27 triệu dân (2016) của Ấn Độ. Thành phố Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc với 21,5 triệu dân (2015) cũng đã yêu cầu 1.200 nhà máy xung quanh đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng vào năm 2016 vì ô nhiễm không khí đã đến mức báo động đỏ.

Huế - “thành phố xanh” với thiên nhiên trong xanh và dòng sông Hương tươi mát chảy vào lòng.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam có tới hơn nửa tổng số ngày trong năm có chất lượng không khí kém. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là ô nhiễm không khí. Trong đó, Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới. Lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất, có thể thẩm thấu, hấp thụ vào máu) trung bình năm ở Hà Nội lên tới 50,5 µg/m3, gấp 2 lần ngưỡng quy chuẩn trung bình năm theo quy định của Việt Nam (25 µg/m3), gấp 5 lần theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (10µg/m3). Nguồn gây ô nhiễm không khí chính hiện nay ở Hà Nội là các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, từ đốt chất thải, các phụ phẩm nông nghiệp, từ đun nấu trong nhà, từ công nghiệp và xây dựng. Không chỉ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí. Lượng bụi PM2.5 tại thành phố Hồ Chí Minh là 28,23 µg/m3. Nguyên nhân chính là do gần 8 triệu phương tiện (ô tô, xe máy) hoạt động.

Nguyên nhân nói trên cộng với mật độ dân số quá cao ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khiến cho ô nhiễm không khí càng trầm trọng và gây hậu quả lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2015, thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 2.095,5 km2, dân số 8.136,3 nghìn. Như vậy, mật độ dân số ở thành phố này là 3.888 người/km2, cao nhất cả nước. Hà Nội có tổng diện tích 3.324,5 km2, dân số 7.216 nghìn. Như vậy, mật độ dân số của Hà Nội là 2.171 người/km2, cao thứ hai.

Huế - thành phố có “lá phổi xanh”!

Tính đến năm 2015, dân số thành phố Huế là 354.124 người trên tổng diện tích là 70,67km2. Tuy nhiên, với mô hình phát triển là “thành phố xanh”, “kinh tế không khói”, Huế đang là thành phố có không gian đảm bảo dành cho sức khỏe của con người.

Huế - “bài thơ đô thị” với nét sâu lắng, nên thơ, trữ tình đã hấp dẫn biết bao lữ khách lại qua. Đến với Huế là đến với vùng đất của di sản, đến với những dấu tích về một thời vàng son của những cung điện, đền đài, lăng tẩm. Nhưng Huế còn là thành phố của màu xanh, của thiên nhiên hài hòa, mang đến cho du khách nhiều cơ hội nghỉ dưỡng tuyệt vời!

Đầu tiên là sông Hương núi Ngự. Núi Ngự là bức bình phong màu xanh che chắn thành phố Huế, gắn liền với sông Hương tươi mát chảy vào lòng thành phố. Bởi thế khi đến Huế vui chơi, thi sĩ Bùi Giáng đã viết rằng: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Thống kê cũng cho biết, Trung tâm công viên cây xanh Huế hiện đang quản lý hơn 62 nghìn cây xanh đường phố. Dự án trồng cây xanh đường phố giai đoạn 2012 - 2017 cũng đặt mục tiêu 18 nghìn cây xanh. Các con đường mang màu sắc xanh trong lòng thành phố Huế đã tác động tích cực đến đời sống người dân và du khách đến Huế. Chẳng hạn, trong tâm khảm người dân Huế, đường Lê Duẩn được gọi là đường “Phượng bay” do hai bên được trồng che phủ bởi màu xanh của cây phượng. Trong âm nhạc, bài hát “Mưa hồng” (Trịnh Công Sơn) cũng có đoạn: “Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau” để chỉ về con đường đầy màu xanh này.

Ngoài diện tích cây xanh trên từng tuyến phố, các công viên cũng đóng góp không nhỏ vào những mảng xanh đẹp cho thành phố Huế. Có thể kể đến là công viên Lê Lợi, công viên Thương Bạc, công viên Nguyễn Văn Trỗi… với những bóng cây xanh mát, tạo bóng mát che chở cho những ghế đá công viên để mọi người ai cũng có không gian thư thái và yên tĩnh.

Đến năm 2016, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, mật độ cây xanh (công viên, đường phố, thảm cỏ) đạt 12,9m2/người. Đó là chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan. Thú vị nhất ở Huế là hiện còn khoảng hàng trăm ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử, cho nên chính những khu vườn này đã tạo thành một tổng thể cây xanh cho đô thị Huế đầy ấn tượng. Có thể nói, thành phố Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước.

Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3°C đến 3,9°C khi diện tích đất cây xanh đạt 20% đến 50% diện tích đất đô thị. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40% đến 50% cường độ bức xạ mặt trời. Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Như vậy, theo tính toán, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

Do đó, với 12,9m2/người (công viên, đường phố, thảm cỏ), chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan, thành phố Huế xứng đáng là thành phố kiểu mẫu trong tương lai của Việt Nam.

Nếu tính cả tổng thể tỉnh Thừa Thiên Huế thì điều này càng thể hiện rõ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vinh dự có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là Vườn Quốc gia Bạch Mã. Khu vườn này thuộc địa phận 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông, cách thành phố Huế 60km về phía nam. Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh xanh bát ngát... Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, nhắc đến cảnh quan du lịch xanh của Huế, ít ai đến Huế mà không nhớ rừng thông Thiên An. Rừng thông Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, với cảnh quan không kém gì những rừng thông ở Đà Lạt. Khu rừng thông này đã đi vào lòng người xứ Huế với những kỳ nghỉ dưỡng không thể nào quên.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy