Sếp và con chim sâu
VNTN - Ông choàng tỉnh, vội nhìn lên cái đồng hồ treo trên tường cạnh giường ngủ, lẩm bẩm:
- Đã sáu giờ rồi cơ à.
Bước xuống giường. Vào nhà vệ sinh. Xong xuôi, ông đứng trước gương chỉnh lại cái ca vát, khoác com lê, với tay lấy cái cặp da. Ông ngó qua cửa sổ nơi gần cổng chính, hơi cau mày. Mọi lần vào giờ này đã có một chiếc Camry đen bóng đợi sẵn ở đó. Ông lẩm bẩm:
- Cái thằng làm gì mà giờ này còn chưa thò mặt tới?
Cậu lái xe đã phục vụ ông bao nhiêu năm nhưng chưa hề chậm một phút, thế mà hôm nay đã vào giờ này mà vẫn chưa thấy đâu. Ông sốt ruột mở cửa bước ra ngoài. Bà vợ ông đi tập dưỡng sinh cũng vừa về tới nhà, nhìn thấy ông quần áo chỉnh tề, tay xách cặp thì ngạc nhiên hỏi:
- Hôm nay ông đi đâu mà quần áo chỉnh tề thế? Tôi mua xôi đây, ông ăn rồi hãy đi.
Ông khựng lại như sực nhớ ra điều gì, rồi lặng lẽ quay vào cởi bộ com lê, đặt cái cặp trên mặt kệ rồi chậm rãi bước vào phòng ăn.
Nghỉ hưu đã được vài tháng nhưng chẳng hiểu sao thỉnh thoảng ông lại bị “mộng du” như vậy. Cứ ngỡ là còn đang công tác, đang còn phục vụ cho dân cho nước. Bảo ông tiếc nuối quyền lợi những ngày còn đang công tác đến mức mộng du thì quả là oan cho ông quá. Nhưng bao nhiêu năm làm lãnh đạo, đi đến đâu cũng tiền hô hậu ủng, cán bộ giúp việc lúc nào cũng vây quanh, định làm gì hoặc chỉ mới có ý định làm việc gì thì đã có người đoán ra và phục vụ ngay. Đến cả những món ông thích ăn, hay những thứ ông thích anh em đều biết cả. Mỗi lần được mời đi dự tiệc hay tặng quà, ông đều thấy ngạc nhiên sao toàn những thứ ông thích. Mà cũng lạ, những sở thích cá nhân ông có nói cho ai bao giờ đâu mà sao anh em vẫn biết. Thế mới nói, sống giữa những người hiểu mình, hết lòng với mình như thế thì bảo ông quên ngay cái nhịp sống ấy làm sao được. Không ít lần ông khoe với vợ: “Anh em trong cơ quan sống tình người lắm”.
Sáng nay cậu con trai ông nói với mẹ nó:
- Hôm nay mẹ đi dưỡng sinh về sớm, con có việc làm ở ngoài, không phải đến cơ quan. Lát nữa con đưa bố mẹ đi ăn sáng.
Nói rồi nó quay sang ông:
- Bố cũng lâu lắm không ăn ở ngoài rồi nhỉ!
Quán phở gà ngon nhất thành phố lúc nào cũng đông ngập người. Ngồi được một lát thì nhân viên bê ra ba bát phở đùi gà nóng hổi bốc khói thơm phức. Liếc nhìn ba bát phở ông hơi thất vọng. Đã là phở gà thì ông chỉ thích ăn mỗi phở phao câu. Đám nhân viên của ông ngày trước chưa bao giờ làm sai sở thích của ông. Ông thoáng nghĩ: Hóa ra, đến con mình còn chẳng hiểu mình và quan tâm đến mình bằng những nhân viên của ông ngày trước. Ăn xong bát phở ông đưa mắt nhìn xung quanh, bất ngờ ông nhìn thấy mấy cô cậu nhân viên của ông ngày trước cũng đang ngồi ăn cách chỗ ông mấy bàn. Chắc là khách đông nên chúng không nhìn thấy ông. Nhìn thấy mấy nhân viên cũ ông cảm thấy bồi hồi. Ngày trước chúng tận tình chu đáo với ông, thậm chí còn lo lắng cả những khi ông chỉ bị hắt hơi xổ mũi. Chúng sống với ông tình cảm như vậy mà từ lúc ông nghỉ hưu đến giờ chưa được gặp lại, chắc chúng nhớ ông lắm. Nghĩ vậy, ông vội đứng lên đi về phía chúng. Đây chính là dịp hỏi han tình hình cơ quan từ lúc ông nghỉ hưu nó như thế nào, và cũng là dịp gặp lại cố tri. Ông tiến bước đến cái bàn có bốn nhân viên cũ của ông đang ngồi. Thấy ông, cả bốn ngẩng mặt nhìn thẳng và cùng lên tiếng:
- Ối! Chào sếp, gớm, từ ngày nghỉ hưu được sếp bà chăm sóc có khác, béo trắng cả ra.
Ông hơi sững lại, gượng cười. Ngày trước làm gì có đứa nào dám nhìn thẳng vào mặt ông như thế. Đứng trước ông, đứa nào đứa nấy, lưỡi muốn cứng lại, hỏi còn chẳng dám, chứ làm gì có cái kiểu nói năng mạnh mồm, cá mè một lứa như vậy. Ông ngồi xuống định hỏi chuyện cơ quan cũ, nhưng cả bốn đứa cùng vội đứng lên nói:
- Xin lỗi sếp chúng em phải đến cơ quan không muộn giờ làm.
Nói xong cả bốn bước vội ra cửa. Ông đứng lặng, lẩm bẩm:
- Ừ! Chắc là đến giờ làm rồi!
* * *
Tết năm nay là cái tết đầu tiên ông dời nhiệm sở. Khi còn công tác, vào những dịp này là bận lắm, nào ban nọ, ban kia, phòng này, phòng nọ tổ chức ăn tết rồi quà cáp chúc tụng….
Ở cơ quan đã bận rộn là thế, về nhà thì trước tết, trong tết, sau tết nhà ông đều đông khách. Ai may mắn lắm mới gặp được ông, còn lại chỉ gặp “phu nhân sếp” là may. Ông còn nhớ năm nào cũng như năm nào, cứ vào chiều 28 tết là ông lại nghe bà nói: “Ông bảo vệ già và bà lao công cơ quan ông đến chúc tết”, và không bao giờ bà phải báo cáo chi tiết các gói quà với ông như những gói quà tết khác. Vì đó luôn là hai túi hàng tết bình dân đóng sẵn bán ở ven đường. Hai túi hàng tết ấy không bao giờ bà phải tỉ mỉ giở ra kiểm đếm mà chỉ để vào cái bàn ở góc phòng, đợi có đứa cháu nào ở quê lên chơi thì cho đem về.
Hôm nay là 28 tết. Các cơ quan đã nghỉ hết nhưng ông chưa thấy ai đến thăm ông. Các cơ quan khác thì chả nói làm gì nhưng ngay cả đám nhân viên dưới quyền ngày trước vốn rất “tình củ” với ông mà đến tận hôm nay cũng chưa thấy mặt đứa nào. Có lẽ chúng nó đợi mồng một, mồng hai đến chúc tết cả thể. Đang mải suy đoán, ông bỗng nghe có tiếng nói ngoài cửa, vội bước ra. Thì ra là ông bảo vệ già và bà lao công. Cả hai gặp ông thì vui mừng ra mặt, cùng lên tiếng:
- Giờ bác nghỉ hưu chúng tôi mới có dịp được gặp bác!
Ông cảm động, vồn vã:
- Mời hai bác vào chơi. Quả tình lúc còn đang công tác cũng bận nhiều việc quá. Hai bác đến chơi là quý lắm rồi, còn quà cáp làm gì!
- Có gì đâu, chúng tôi gọi là có gói trà, chai rượu để ông bà thắp hương các cụ.
Ông cầm hai gói quà mà tay run run. Có lẽ trong đời, ông chưa bao giờ nhận những gói quà hết sức bình dân mà lòng lại rưng rưng đến thế.
Hôm ấy, ban ngày thì ông ngóng đợi, buổi tối ông tắt điện rất muộn để ngộ nhỡ có anh em nào đến chúc tết thấy tối đèn lại ngại gọi. Thề với bóng đèn, ông đâu phải ông cần những thứ quà tết là vì những lợi lộc vật chất. Chẳng giàu có gì, nhưng tiền của nhà ông chắc ăn cả đời cũng không hết. Nhưng quà tết, nó là cái tình, cái nghĩa.
Đến tận gần một giờ đêm, ông mới tắt đèn.
Nhưng năm ấy, khách cơ quan cũ của ông chỉ có ông bảo vệ già và bà lao công đến chúc tết.
* * *
Nghỉ hưu được hơn một năm thì ông để lại căn nhà năm tầng mặt phố cho cậu con trai rồi cùng bà về căn nhà vườn ở quê sinh sống. Phần muốn cho vợ chồng thằng con trai được tự do thoải mải, nhưng cái lý do sâu thẳm hơn, thúc đẩy ông dời phố về quê là sự hẫng hụt, hoang mang về sự đổi thay lòng dạ của con người. Ông muốn trốn chạy sự thật mà bấy lâu nay ông lầm tưởng. Căn nhà ở quê của ông tuy là nhà cấp bốn nhưng được thiết kế theo kiểu nhà Thái nên cũng khang trang đẹp đẽ lắm. Ông xây dựng từ những năm ông còn đương chức. Ngày ấy thỉnh thoảng ông cũng về nghỉ ngơi để tránh những khách khứa vô bổ hoặc người tìm đến nhờ vả việc này việc nọ.
Điều làm ông thích nhất là căn nhà ở quê của ông có ô cửa kính rộng nhìn ra khu vườn xanh mướt cỏ cây. Ngay sát bên khung cửa sổ là tán cây quất hồng bì lấp ló. Những ngày đầu vợ chồng ông về đây sinh sống tuy cũng hơi buồn nhưng bù lại, ông thấy lòng được tĩnh lặng thư thái hơn. Không khí đất quê thật khác với thị thành. Buổi tối, tiếng chó sủa lan từ nhà này sang nhà khác. Sáng sớm nằm trên giường đã nghe tiếng gà gáy râm ran. Ban ngày ra đường, ông luôn phải gật đầu, nhoẻn miệng cười liên tục vì ai gặp ông cũng chào cũng hỏi. Kể ra cũng có phần hơi xáo động so với cuộc sống vốn có phần hơi khép kín của ông, nhưng càng về sau ông càng thấy dễ chịu, gần gũi, ấm áp.
Từ lúc về quê ở ông rất thích sáng sáng ngồi uống trà bên khung cửa kính, nhìn ra tán lá cây quất hồng bì.
Hôm nay cũng như mọi hôm ông cầm ly trà nóng nhấp từng ngụm, mắt nhìn ra khu vườn trước mặt. Chợt ông nhìn thấy trên song cửa sổ một chú chim sâu đang chăm chú nhìn ông qua khung kính. Khung kính cửa sổ trong vắt nên ông nhìn rõ cả hai cái chân bé tí như hai cái tăm của chú chim sâu. Nó nghiêng đầu bên nọ bên kia nhìn ông, rồi bay vụt lên cành quất hồng bì, đứng choãi chân, ưỡn ngực kêu chíp chíp... chíp chíp. Một lát sau, nó bất chợt lao thẳng vào khung kính rồi lại bay vụt lên. Và nó cứ lặp đi lặp lại động tác ấy mấy lần. Ông vừa uống trà vừa theo dõi chú chim. Có lẽ cái khung kính trong vắt ấy đã khiến chú ta tưởng đấy là một khoảng không nên cứ lao đầu vào. Thật lạ, cứ ngày nào cũng vào cái giờ ông ngồi uống trà, chú chim sâu lại xuất hiện và vẫn lặp đi lặp lại cái động tác của ngày đầu tiên.
Từ hôm xuất hiện chú chim sâu ấy, ông thấy vui vui. Hình như nó làm tăng thêm cái cảm hứng uống trà của ông. Và cứ thế, ông với chú chim sâu bên ô cửa kính trở thành bạn đối ẩm từ lúc nào không hay. Vào những ngày trời mưa gió chú chim không xuất hiện, ông bỗng thấy vắng và như thiếu đi một hình ảnh thân thiết. Trà cũng trở nên nhạt nhẽo.
Mấy hôm nay trời nắng đẹp nhưng sao không thấy chú chim sâu bên khung cửa kính. Ông ngồi lặng, cầm ly trà mắt nhìn ra cửa sổ ngóng đợi. Chú chim sâu vẫn không xuất hiện. Ly trà đã nguội ngắt trên tay ông từ lúc nào. Một ngày… hai ngày rồi ba ngày chú chim sâu vẫn không hề xuất hiện. Pha xong ấm trà ông lặng lẽ bước ra ngoài, bước đến bên khung cửa sổ, ngước nhìn lên ngọn cây quất hồng bì xem có thấy bóng dáng chú chim sâu trên đó không. Ông thất vọng đảo mắt tìm quanh. Bỗng ông kinh hoàng khi phát hiện thấy xác chú chim sâu xõa cánh sát chân tường dưới khung cửa kính. Ông bùi ngùi cúi xuống nhặt xác chú chim. Lúc ngẩng lên, ông giật mình thấy bóng mình lấp ló in trong khung cửa. Bấy lâu nay, từ trong nhà nhìn ra ngoài có ánh sáng nên chẳng bao giờ ông thấy được bóng mình. Hôm nay nhìn từ phía ngoài vào trong tối ông thấy bóng mình hiện trên ô cửa kính rõ mồn một. Ông ngẫm nghĩ và ngộ ra một điều. Thì ra bao nhiêu ngày qua chú chim sâu đã lầm tưởng cái bóng mình in trên ô cửa là một người bạn nên bao nhiêu ngày qua chú đã cố lao vào ô cửa kính để mong có cuộc kết giao bằng hữu. Nhưng thương thay, chú đã chết gục vì đuối sức. Ông khẽ thở dài. Chao ôi! Có lẽ nào nó cũng giống ông, không phân biệt nổi con người thực với cái bóng của mình? Ông lặng lẽ lấy cái bay đào một cái hố nhỏ đặt xác chú chim sâu xuống lấp đất rồi trồng lên đó một nhánh hoa mười giờ, lòng không khỏi bùi ngùi, thương xót.
Thấm thoát thế mà một năm đã trôi qua. Năm nay ông ăn tết ở quê. Hôm nay là 28 tết, buổi sáng ông nhận được điện thoại của cậu con trai. Nó nói chiều mùng hai mới về chúc tết ông bà được, vì phải đi chúc tết các sếp. Nó còn bảo có ông bảo vệ già và bà lao công mang đến hai túi hàng tết bình dân đóng sẵn bán ở ven đường, bố có cho ai ở quê thì con mang về, không thì để ở đây cũng chả ai dùng. Ông trả lời trong điện thoại mà như nói với chính mình:
- Con phải mang hai túi quà ấy về cho bố, vì đó là ánh sáng để phân biệt con người khác với con chim sâu.
Tất nhiên thằng con trai ngớ người không hiểu bố nói gì.
Truyện ngắn. ĐÀO NGUYÊN HẢI
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...