Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
02:06 (GMT +7)

Sân khấu Việt có gì “thử nghiệm”?

VNTN - Giới sân khấu Việt đang rất hồi hộp đón chờ “Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - 2016”, đây được xem như là dịp để các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ ở địa phương được học hỏi, cập nhật tình hình biểu diễn nghệ thuật trên thế giới. Và cũng là để “thử nghiệm” xem sân khấu Việt có thể “diễn” được gì so với sân khấu thế giới.


Sau nhiều năm gián đoạn, Đề án tổ chức “Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm” (LHQTSKTN) định kỳ 3 năm một lần đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã ban hành Quyết định số 2293/QĐ-BVHTTDL ngày 7/9/2015 phê duyệt đề án tổ chức “Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III- 2016”. LHQTSKTN do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSKVN), Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp  tổ chức từ 12-19/11/2016 tại Hà Nội.

Liên hoan này là một hoạt động lớn mang tính sự kiện Văn hóa - Nghệ thuật quan trọng, nhằm tạo ra một mối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các nghệ sĩ sân khấu VN và đồng nghiệp quốc tế, đồng thời là dịp giới thiệu quảng bá sân khấu truyền thống, sân khấu đương đại của VN với bạn bè quốc tế.

Ban Tổ chức đã nhận đơn đăng ký tham gia của trên 40 Đoàn nghệ thuật từ 22 quốc gia. Dự kiến có khoảng trên 300 nghệ sĩ đến từ 30 đoàn nghệ thuật trong nước: Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Múa rối VN, Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch TPHCM, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát Dân ca Huế, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn kịch Công an, Nhà hát Thế giới Trẻ TPHCM…, và 15 tiết mục của 12 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillippines, Singapore, Ấn Độ, Hy Lạp, Hungary, Đức, Macedonia, Panama, Pháp tham dự. So với các lần tổ chức trước, LHQTSKTN là liên hoan nhận được sự ủng hộ, quan tâm của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế nhất từ trước đến nay.

Thế  nào là “thử nghiệm”? 

Lịch sử sân khấu có từ thời Hy Lạp cổ đại, thậm chí là sớm hơn trong lễ Thần Rượu nho. Những hình thái sân khấu có cách đây vài ngàn năm như sân khấu cổ đại Hy Lạp, sân khấu Hy-La, sân khấu cổ đại Ấn Độ, Trung Quốc... và những kiệt tác của nhân loại như “Prômêtê bị xiềng”, “Êđip làm vua” (Sophocle), “Romeo và Juliet”, “Hămlet” (W.Shakespeare)… cho đến giờ vẫn không ai vượt qua được. Về sau có những kịch gia lừng danh khác như Molier, Chekhov và những nhà văn lớn như Lev Tonstoi cũng để lại nhiều tác phẩm sân khấu lớn, là sản phẩm của con người, sân khấu thay đổi theo sự đi lên của cuộc sống.

Cách đây nhiều năm, đã xuất hiện “trường phái thể hiện”, đi tìm và vươn tới những động tác đẹp nhất như những trình thức để biểu đạt tình cảm, nó quan tâm tới hình thức hơn nội dung. Nhưng sân khấu như phong vũ biểu của cuộc sống, và những nhà cải cách sân khấu như Konstantin Stanislavsky (Nga) và Arthur Miller (Mỹ) lại đi cùng chủ nghĩa hiện thực và hướng vào thế giới nội tâm của con người. Hệ thống sân khấu thể nghiệm tâm lý của Stanislavsky (Nga) từ đầu thế kỷ XX, “đặt” người diễn viên phải nhập thân - sống trong trạng thái tâm lý của nhân vật - khai thác, đẩy tình cảm con người đến tột đỉnh.

Một cảnh trong vở cải lương “Ngạ quỷ”

“Sân khấu thử nghiệm” là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các trào lưu nghệ thuật sân khấu nhằm đổi mới, cách tân về sáng tác, dàn dựng, biểu diễn qua cấu trúc, ngôn ngữ, hình thể, âm nhạc, trang trí để đáp ứng yêu cầu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển. Mỗi vở diễn sẽ thể hiện những khám phá, tìm tòi các hình thức đa dạng, mới lạ, mang lại hiệu quả về thị giác và nội dung nghệ thuật.

Vì thế các tác phẩm được lựa chọn tham dự liên hoan phải mang tính tiên phong của các trào lưu nghệ thuật sân khấu thế giới, trong đó có sáng tạo mới về cấu trúc kịch bản, kỹ thuật dàn dựng, phong cách biểu diễn..., tạo nên hiệu ứng tổng hợp từ nghệ thuật sân khấu đến nội dung biểu trưng. Quy định các vở diễn tham dự phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Mỗi vở diễn có thời lượng tối thiểu là 70 phút, tối đa không quá 120 phút; có sự tìm tòi khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các thành phần như biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, nghệ thuật hình thể và những yếu tố nghệ thuật khác. Những thử nghiệm phải mang tính hiệu quả về nội dung và nghệ thuật cho mỗi vở diễn, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của mỗi quốc gia, những vấn đề Chân, Thiện, Mỹ mà nghệ thuật cần phản ánh, đồng thời chú ý tới hình thức phong phú, đa dạng tìm tòi sự mới lạ có tính thử nghiệm của tác phẩm nghệ thuật và giới thiệu, quảng bá tới đông đảo người xem.

Sân khấu Việt có gì để “thử nghiệm”?

Dạo qua một số vở đang trên sàn tập để chuẩn bị cho LHQTSKTN có thể thấy chung một điểm, đều mang rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại vào biểu diễn sân khấu như: cải lương, opera, hát xẩm, chèo, tuồng, dân ca, kịch câm, múa…. Nhiều hình thức như: kịch hình thể, kịch Broadway, kịch đồng hiện, kịch giả tưởng, kịch cà phê, kịch kinh dị, kịch trinh thám, kịch hiện thực tâm lý xã hội, kịch nghệ thuật sắp đặt, kịch ứng biến không cần kịch bản, kịch tương tác với khán giả, kịch đường phố… Cũng như thử nghiệm nhiều cách xử lý sân khấu từ ánh sáng, âm thanh, thiết kế sân khấu, phục trang…

Điểm qua một số như vở rối “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt” của Nhà hát Múa rối Thăng Long, được bắt đầu trên sân khấu bằng diễn viên người thật và con rối với góc này hát xẩm, chỗ kia ăn mày, uống rượu, cảnh người bán kẻ mua tấp nập… Tiếng guốc, tiếng dép lê quèn quẹt cộng hưởng thành thứ âm thanh hỗn tạp sống động như một bản nhạc thô ráp đầy ngẫu hứng chất liệu dân gian, không có vẻ nuột nà sang trọng như bản giao hưởng…; vở cải lương “Ngạ Quỷ” của Nhà hát Cải lương VN, kết hợp giữa cải lương với múa rối (rối tay, rối que, rối người). Để chuyển câu chuyện giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử, dùng các sự kiện lịch sử có thật. Chuyện kịch được kết cấu từ hai khối sự kiện lịch sử của hai nền văn hóa cách nhau hàng nghìn năm. Là chuyện vụ án tru di tam tộc nhà họ Triệu ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên, thời Xuân thu - Trung Quốc và câu chuyện về hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần (Đại Việt) vào nửa cuối thế kỷ XIV. Việc kết hợp diễn xuất giữa người và rối, thật sự chưa phải là “thử nghiệm” mới với sân khấu thế giới, nên chỉ có thể lạ với sân khấu Việt.

Hai vở của sân khấu TPHCM tham gia cũng là một “thử nghiệm” kết hợp nhiều thể loại và đa phong cách trong một vở diễn: “Mê-đê” của Nhà hát Thế giới Trẻ, “Giấc mơ” của Nhà hát kịch Sài Gòn. Hai vở này còn “thử nghiệm” ở cách xử lý nội dung kịch, không đi theo cách dàn dựng truyền thống để tạo sự mới lạ, mang hình thức biểu diễn đa chiều trong không gian mở, mang lại cho người xem nhiều trải nghiệm…

Nhà hát Kịch Quân đội mang vở mới nhất “Dưới cát là nước” tham dự LHQTSKTN. Với 3 tiêu chí của một tác phẩm sân khấu thử nghiệm, ở 3 phương diện: Thử nghiệm về kịch bản, thử nghiệm về biểu diễn, thử nghiệm về đạo diễn. Vở kịch có 3 nhân vật, nhưng sân khấu ngập tràn người, có cả hồn cát, có cả dàn nhạc dân tộc, hư hư thực thực… Điều đáng nói là hiệu ứng sân khấu chưa thực ấn tượng “thử nghiệm”, vì phần thể hiện các hồn người, là cách dựng đã có ở nhiều vở diễn sân khấu khác ở VN gần đây của cùng một đạo diễn, vẫn theo cách dựng cổ điển phong cách kết hợp giữa thủ pháp sân khấu truyền thống (dàn đế chèo), sân khấu gián cách Becton Brếch, và sân khấu Stanilapxki.

 

“Bão” của Đoàn kịch Công an Nhân dân, là một thử nghiệm thật sự khi lần đầu làm vở cổ điển châu Âu, lại phải xử lý rút gọn khối lượng đồ sộ 17.462 lời thoại để chỉ còn trong vòng 120 phút tối đa vở diễn. Nhưng cách xử lý bối cảnh bằng vải phủ vẫn là một cách dựng không mới, thậm chí khá cũ với chính đạo diễn của vở này, nên tính “thử nghiệm” chỉ nằm ở cách xử lý nội dung; “Hamlet” của Nhà hát Kịch VN, với “thử nghiệm” thành vở nhạc kịch và đưa dân ca Thanh Hóa vào vở diễn. Đã diễn thành công nhiều buổi trong nước và quốc tế, nhưng tính “thử nghiệm” dường như vẫn thiếu bởi chưa có sáng tạo hoàn toàn mới và thuyết phục, có thể mang tính quốc tế.

 

Cảnh diễn trong vở “Bão” của Đoàn kịch Công an Nhân dân

Theo Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, thì để tìm ra những tác phẩm thực sự có tính “thử nghiệm” trong các tác phẩm tham dự liên hoan lần này không dễ dàng ngay cả với các đoàn nước ngoài. Riêng với các đoàn ở trong nước cũng chỉ có thể chọn 2 tác phẩm thực sự mang tính thử nghiệm.

Hy vọng công chúng yêu sân khấu VN sẽ đón đợi đến tháng 11/2016 để được xem những màn trình diễn “thử nghiệm” xuất sắc trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3/2016. Và sau liên hoan, tin tưởng sân khấu Việt sẽ có những mục tiêu chinh phục công chúng mới mẻ hơn.

 

 

 

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy