Sân khấu Chèo Thái Nguyên: Sức bật mới từ “Huyền thoại sông và núi”
VNTN - Ngót nghét 20 năm, chèo Thái Nguyên lại mới nhận được giải thưởng tại Liên hoan Chèo toàn quốc. Vui mừng vì đó là “quả ngọt” sau bao năm tháng nỗ lực, nhưng hơn thế nữa là bởi niềm tin được định vị, rằng sức sống của nghệ thuật truyền thống vẫn ẩn tàng những lớp than rực đỏ, chỉ cần được khơi “trúng mạch” là sẽ bùng cháy lên.
Liên hoan Chèo toàn quốc là một sự kiện lớn của sân khấu nước nhà, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Trước đây diễn ra định kỳ 5 năm/lần, nay là 3 năm/lần. Đó không chỉ là ngày hội nghề nghiệp của các diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công chèo trong cả nước, mà còn nhằm phát hiện những sáng tạo mới, những tài năng trong lao động nghệ thuật, từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Năm nay Liên hoan diễn ra từ ngày 14 đến 28/9/2019, tại tỉnh Bắc Giang, đã thu hút hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên thuộc các đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ trung ương tới địa phương tham dự (chủ yếu các đơn vị tập trung ở khu vực phía Bắc do đặc trưng của loại hình nghệ thuật này), gồm 16 đơn vị với 26 vở diễn. Góp mặt trong Liên hoan, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó cả năm trời, đã mang đến một “Huyền thoại sông và núi” đầy dấu ấn. Thành tích đoạt được gồm Huy chương Bạc cho vở diễn và 3 giải cá nhân, gồm 1 Huy chương Vàng (NSƯT Hà Bắc), 2 Huy chương Bạc (NSƯT Văn Tình; diễn viên Dương Thị Lan). 20 năm rồi, nghệ thuật chèo Thái Nguyên mới có một “vụ mùa” bội thu đến như vậy.
Công Hoa và Sơn Cốc
Ngày 08/10 vừa qua, “Huyền thoại sông và núi” đã được công diễn tới công chúng Thái Nguyên. Chứng kiến gần nghìn ghế ngồi ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật kín chỗ, rất nhiều người đã đến ngồi chờ trước giờ diễn cả tiếng đồng hồ, mới thấy sức sống của nghệ thuật truyền thống quả thật rất bền bỉ. Chèo đã từng là niềm tự hào của người dân Thái Nguyên, ở thời hoàng kim có những “Hoàng hậu Ba Tư”, “Chiếc bóng oan khiên”, “Nàng Si- ta”, “Đêm trăng huyền thoại”,… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Hôm nay, sân khấu chèo sau nhiều năm lặng lẽ nỗ lực lại sáng đèn trong sự chờ mong của khán giả, và cả những khấp khởi vui mừng của các nghệ sĩ.
“Huyền thoại sông và núi” là vở diễn được khôi phục từ vở “Chuyện tình sông và núi” (kịch bản văn học của tác giả Hoài Giao) Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên đã dựng từ năm 2008. Vì tính chất của Liên hoan chuyên nghiệp, đòi hỏi tác phẩm tầm cỡ, có giá trị ở nhiều phương diện văn học, lịch sử, văn hóa, song cũng đề cao yếu tố nghệ thuật, thế nên khác hoàn toàn với sự sơ sài, mộc mạc, tuyến kịch đơn giản trước đây, vở diễn lần này được đạo diễn Lê Tuấn Cường biên tập lại, thay đổi tới 80% kịch bản cũ.
Dựa trên cốt chuyện huyền thoại nàng Công và chàng Cốc, vở diễn với tuyến kịch chặt chẽ, khai thác, lựa chọn nhiều tình tiết gắn với các chuẩn mực, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc. Mâu thuẫn và xung đột ở các cảnh huống tạo ra sự đối lập của chính - tà, thiện - ác, lột tả tính cách, nội tâm từng nhân vật. Những tuyến nhân vật xuyên suốt là linh hồn tác phẩm, ấy là nàng Công Hoa như “con chim quý trong lồng son”, vì những luật lệ, hủ tục lễ giáo cũ mà không được tự do “tìm bạn”; chàng Sơn Cốc chịu thương chịu khó, nghĩa hiệp, trọng tình, vì thân phận thấp kém mà bị vùi dập. Bi kịch xảy đến, là tình yêu bình dị, trong sáng, thủy chung của Công Hoa - Sơn Cốc không thành đôi; một người đấu tranh vì tình yêu, sẵn sàng dấn thân nơi hiểm nguy để giành lấy người thương, dù lâm cảnh biệt ly vẫn kiên định một lòng son sắt mà hóa núi; người vì nguyện một đời một kiếp gửi trao, nước mắt buồn đau hóa thành sông. Điểm nhấn đặc sắc của vở diễn là phần huyền thoại hóa được đẩy lên cao trào, chính yếu tố này cho người xem cảm nhận rõ, rằng tình yêu phải đẹp và cao cả đến nhường nào mới có thể hóa sông hóa núi.
Vở diễn thành công, ngoài nội dung kịch bản tốt, sự đầu tư về âm nhạc, cảnh trí, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu…, còn phải kể đến khả năng diễn xuất xuất thần của các diễn viên. NSƯT Hà Bắc hóa thân vào nhân vật bà Ba vô cùng xuất sắc. Người mẹ kế của Công Hoa mưu mô, xảo trá, vì bị mua chuộc bởi tiền bạc mà đang tâm chia rẽ lứa đôi. Từng ánh mắt, cử chỉ, giọng cười được chị xử lý điêu luyện, khiến nhiều người ngồi xem nhập tâm cũng… căm ghét.
Là diễn viên mới, song được đánh giá là một tài năng hiếm có của chèo Thái Nguyên, ở tuổi 20, lần đầu tiên tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc lại đảm nhận một vai diễn rất “nặng ký” là nhân vật Công Hoa, đối với diễn viên Dương Thị Lan là một thách thức lớn nhưng cũng là bước khởi đầu may mắn. Lan chia sẻ: Từ lúc được phân vai, đọc kịch bản, em đã rất yêu thích nàng Công Hoa. Nỗ lực để lột tả trọn vẹn những suy nghĩ về thân phận, tình yêu, đau khổ, giằng xé nội tâm của một “con chim quý bị nhốt trong lồng son lẻ bạn”, Công Hoa ám ảnh em đến nỗi cứ nhắm mắt lại là thấy sàn tập, thấy vật vã. Vai diễn đã cho em cơ hội được cháy hết mình trên sân khấu.
Một phân cảnh trong “Huyền thoại sông và núi”
Đồng hành với Dương Thị Lan đảm nhận tuyến nhân vật chính xuyên suốt của vở diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Văn Tình vào vai Sơn Cốc - chàng trai miền sơn cước khỏe mạnh, khí chất quân tử, mạnh mẽ và chung thủy trong tình yêu. Với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, Sơn Cốc không phải vai diễn nhiều thách thức với Văn Tình. Song để lột tả được nhân vật, anh cũng mất nhiều ngày suy ngẫm, chăm lo về giọng, hình thể. Anh vui vẻ nói: “Trong vòng 2 tháng dựng vở, không kể thời gian đọc kịch bản, thì 40 ngày đêm miệt mài trên sàn tập với cường độ căng thẳng và vất vả khiến tôi sụt gần 3kg. Thành công của vở diễn là minh chứng cho thấy rằng, nghệ thuật chèo là hồn dân tộc, là văn hóa dân tộc, người nghệ sĩ càng làm nghề càng ngấm, công chúng nếu có cơ hội thưởng thức sẽ ngày càng say mê”.
Lịch 20h mới bắt đầu công diễn, nhưng trước đó một tiếng, vợ chồng ông Lý Duy Hiển (phường Túc Duyên) đã được con trai đưa đến địa điểm vì sợ không có chỗ ngồi. Xem đến tận những phân cảnh cuối cùng, ông Hiển chia sẻ: “vở diễn đã chọn được đề tài rất nổi bật, dù không “chỉ mặt đặt tên” thì người xem, ở bất cứ tỉnh, thành nào cũng có thể nhận ra đó là bản sắc Thái Nguyên. Có những chi tiết trong câu chuyện tình nàng Công chàng Cốc được nhân cách hóa mang màu sắc huyền thoại rất hấp dẫn. Cũng dễ có đến hơn 20 năm không xem chèo, nay xem thấy chèo được làm mới nhiều, cảm xúc trong mình cũng thật mới mẻ”. Còn khán giả Đặng Thị Hòa (phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên) thì hứng khởi: Lâu lắm mới lại thấy Thái Nguyên công diễn chèo, tôi và mọi người trong tổ dân phố rủ nhau đi xem, tâm trạng ai cũng bồi hồi, náo nức. Chèo bây giờ vừa kết hợp văn hóa truyền thống, vừa làm mới bằng ngôn ngữ hiện đại, không ê a, kéo dài như xưa; giữa màn này sang màn khác có sự kết nối, kịch tính khiến người xem hồi hộp, thích thú. Xem và hiểu thêm về giá trị văn hóa, lịch sử và tình cảm của con người. Mong chèo Thái Nguyên sẽ được giữ gìn, dựng được nhiều vở như thế này để công chúng được thưởng thức.
Để có được một vở diễn chỉn chu, khâu chuẩn bị đã bắt đầu từ trước đó cả năm trời. NSƯT Đỗ Minh Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh bộc bạch rằng: “Tác giả viết được chèo hiện nay rất ít, nên tìm được kịch bản hay rất khó. Những kỳ Liên hoan trước, Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên từng có những “Phò mã áo chàm” (xây dựng hình tượng danh tướng Dương Tự Minh), “Đêm trăng huyền thoại” (xây dựng cuộc đời Bác Hồ 9 năm ở ATK Định Hóa)..., là những vở mang đậm yếu tố lịch sử, bản sắc của đất và người Thái Nguyên. Lần này dựng “Huyền thoại sông và núi” nói về huyền tích thơ mộng sông Công, núi Cốc, là bước tiếp nối dòng chảy văn hóa - lịch sử đậm bản sắc ấy. Nếu ai đó hỏi rằng chèo có thể tồn tại ở Thái Nguyên hay không, nó có phát triển hay không, thì câu trả lời nằm ở chính thành tích mà anh em nghệ sĩ đã làm được thời gian qua. Đêm diễn ngày 08/10 vừa qua là minh chứng, rằng người yêu chèo vẫn rất nhiều. Các nghệ sĩ vẫn miệt mài làm việc, vẫn sáng tạo hết mình. Bên cạnh việc phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, chúng tôi đã vận dụng lồng ghép vào các tích, vở những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân rất hiệu quả”.
Vui mừng vì sân khấu chèo lại sáng đèn, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, song khi nhắc chuyện tương lai của nghệ thuật chèo, tương lai của các nghệ sĩ, vẫn là những nỗi băn khoăn. Theo lời NSƯT Đỗ Minh Chuyên, thì hiện chúng ta đang có một lực lượng người trẻ, say nghề, yêu nghề, tập trung cho nghệ thuật chèo nhưng chưa nhận được chế độ đãi ngộ phù hợp. Họ là thành phần con em dân tộc Thái Nguyên được phát hiện, bồi dưỡng theo Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước, giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đề án này đã được UBND tỉnh nhất trí chủ trương, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đứng ra thành lập hội đồng tuyển chọn, các cá nhân được cử đi đào tạo, học tập tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, cam kết khi học xong sẽ sắp xếp công việc. Nhưng nay việc hợp nhất Đoàn Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa tỉnh đang tạo ra sự bất cập trong việc tuyển dụng. Nếu chèo Thái Nguyên không giữ được những nhân tố xuất sắc, có năng lực chuyên môn như Dương Thị Lan, đó thực sự là điều rất đáng tiếc. Thiết nghĩ để phát triển nghệ thuật chèo, rất cần sự đánh giá, nhìn nhận và định hướng của lãnh đạo tỉnh và các cấp ngành liên quan.
Chia sẻ với NSƯT Minh Chuyên về những trăn trở, suy tư ấy, và xin sẽ nói vào một dịp khác. Chia vui với thành quả của sân khấu chèo Thái Nguyên ngày hôm nay, để thêm tin tưởng nghệ thuật chèo vẫn đang âm thầm nỗ lực thắp lửa, vẫn bừng sáng khi có cơ hội và tạo nên sức bật mới; tin rằng giá trị truyền thống tốt đẹp bằng cách nào đó sẽ luôn tồn tại, hi vọng về sự hồi sinh là không xa vời!.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...