Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:32 (GMT +7)

Sách siêu nhỏ – thế giới trong lòng tay

VNTN - Bên cạnh những cuốn sách thông thường, với cỡ chữ đọc được ít nhất là từ 8,7 pt trở lên, từ xưa đến nay còn có những tập viết, thư tay, bản in siêu nhỏ và cỡ chữ cũng tí xíu, chỉ khoảng 2, 3 pt, gọi là chữ mắt muỗi và nhiều khi là những cỡ chữ nhỏ hơn nữa, phải dùng kính lúp mới đọc nổi. Giới sưu tập gọi đó là những vi quyển (miniature book) hay đơn giản là sách mini.

Có ba loại sách mini: sách mini tiêu chuẩn là những ấn phẩm có độ dài, bề dày và thậm chí chiều sâu nhỏ hơn 3 inch (mỗi inch bằng 2,54 centimét); sách macrominiature là sách to hơn 3 inch và sách microminiature dưới 1 inch. Cả ba đều được xem là những tác phẩm thủ công hay máy móc tinh vi, không chỉ đem lại kiến thức cho người đọc về nhiều lĩnh vực mà còn là những phương tiện giải trí, đồ vật trưng bày, lưu niệm và tài sản quý với giá trị mỗi cuốn có thể lên tới hàng nghìn đô la. Vì nhỏ bé - xinh xinh, chúng còn có thể theo người đi bất cứ đâu, dắt vào bất cứ chỗ nào, ví dụ như để túi áo, đeo ở dây lưng hay cổ. Thế nhưng, không phải ai cũng có chúng vì sách mini khá hiếm do khâu làm cầu kỳ, công phu.

Để có một cuốn sách này, người ta phải hóa nhỏ mọi thứ từ các trang giấy tới bìa gáy, hộp đựng, ghim kẹp, móc khóa, dây buộc và đặc biệt là những dòng chữ, minh họa li nhi, khiến người viết, người vẽ hay người sắp chữ phải cực khéo tay, tinh mắt. Thông thường, một ấn phẩm cỡ chữ mắt muỗi phải mất thời gian làm từ vài tháng tới cả năm, và cỡ chữ nhỏ hơn - thuộc micromét thường vài năm. Cuốn sách in xong, nhiều khi cũng không dùng ngay được, vì mỗi trang sách rất nhẹ, không có sức nặng để rời mở khi đọc, nên còn cần thêm một số phụ kiện như bút châm lật sách, rồi bút dò đọc chữ tránh hoa mắt nhầm lẫn…

Khó như vậy, song từ ngàn xưa, cổ nhân đã làm được khá nhiều cuốn sách đặc sắc, mà đầu tiên là hai cuốn sách chữ nêm ở vùng Lưỡng Hà, một từ cách đây 4.325 năm với khuôn khổ 1 5/8 x 1 1/2 inch, và một từ 4.200 năm trước, kích cỡ 1 7/8 x 1 1/4 inch, và đều là hai phiến đất sét khắc chữ sơ khai của nhân loại.

Thứ hai là một cuộn kinh ống quyển, cao 2 3/8 inch, ra đời năm 764 dưới thời vua Shotoku (Nhật Bản). Ông đã cho in một triệu bản kinh bằng ván in khắc gỗ, ghi kinh Dharani đặt trong một triệu cái tháp nhỏ màu trắng, nên nó còn có tên là Muku Joko Sutra hay kinh triệu cuốn triệu tháp.

Một cuốn sách nữa là những quyển kinh thánh ở châu Âu viết tay thời Trung Cổ khi chưa có kỹ thuật in ấn. Để truyền giáo, cũng như cất trữ tài liệu bí mật, các tu sĩ ở mọi nơi đã chép sách truyền tay, và hơn thế tạo ra những cuốn kinh cực nhỏ, lập tiền đề cho mọi cuốn sách mini lúc đó và nay.

Vào thế kỷ 16, nhờ đã có máy móc in nên người ta không còn phải chép tay nhiều nữa, song vẫn tiếp tục sáng tác các loại sách nhỏ, và theo thống kê hãy còn tồn tại 200 cuốn sách mini độc đáo.

Thế kỷ 19 có lẽ là thời hoàng kim của siêu nhỏ. Phần lớn các di sản vi quyển hiện giờ đều là sách vở của thế kỷ này. Cũng từ đây, gần như mọi loại sách đều xuất hiện từ atlas tới almanac, từ điển, sách hướng dẫn, truyện, thơ, kịch. Thậm chí còn có nhiều sách phục vụ đối tượng thiếu nhi, được thiết kế nằm gọn trong lòng bàn tay trẻ thơ, khiến ở độ tuổi mẫu giáo, lớp một, lớp hai các em đã nắm bắt được cả thế giới.

Thế kỷ 20 lại là thời gian cho sự biến thiên của nhiều kích cỡ sách nhất. Từ vài inch, vài centimét đến nay, thợ in đã có thể thu nhỏ một ấn phẩm thành vài milimét, cá biệt micromét (1/100 của milimét), và nói chung sau khi đóng gáy, dựng hộp thì chỉ bằng một con tem, cái móng tay hay hạt lạc. Ngoài ra, chúng còn được trang trí rất đẹp, bìa bằng gỗ, da, kim loại, chất liệu tổng hợp in vẽ, trạm trổ hấp dẫn.

 

Vì những giá trị to lớn, trong đó có nhiều sách là các bài khấn - thánh ca, sách mini từ xưa đã luôn được dùng làm vật hộ thân, cầu may và trang sức. Các tín đồ tin rằng, khi để chúng bên mình có thể nối kết với thần linh, tăng cường sự tự tin, sắc đẹp và nâng cao địa vị xã hội. Vì thế, vua chúa, quý tộc châu Âu ngày xưa, ai cũng mang một số sách bỏ túi.

Sách mini cũng được xem là biểu tượng về sự hiểu biết và chinh phục. Mỗi khi đi đâu trong các cuộc xâm chiếm châu Âu, hoàng đế Napoleon Bonaparte (Pháp) luôn mang theo một tráp nhỏ, đựng hàng chục cuốn sách như một thư viện cầm tay, và cũng thu thập mọi loại sách hiếm, lạ.

Vẫn ý nghĩa ấy, sách mini hôm nay còn cho thấy sự đa dạng, mới mẻ trong từng lĩnh vực đời sống, và là một giáo cụ trực quan để học tập, nghiên cứu. Nhất là với trẻ nhỏ, các em được tiếp xúc rất nhiều loại sách nhỏ vừa và siêu nhỏ, để vừa học vừa chơi. Dường như em nào cũng có một tủ sách đựng những cuốn sách xinh xinh như đồ chơi. Nhiều nhà sưu tập cũng vậy, có các tủ sách mini gồm hàng nghìn quyển, mà nhìn vào đó có cảm tưởng cả thế giới hội tụ rực rỡ.

Là kho tàng kiến thức, mỗi cuốn sách siêu nhỏ cũng là các tác phẩm trưng bày, giải trí rất cao, gợi sự tò mò và khám phá bí mật. Ở đó, bên cạnh các đề tài tôn giáo, triết học, văn nghệ, địa lý, thiên văn, kiến trúc, mỹ thuật,… bạn có thể bắt gặp những câu chuyện đời tư, hồi ức và các tác phẩm của những danh nhân trên thế giới, ví dụ như tình yêu của nhà soạn kịch William Shakespeare, thư gửi mẹ Cosimo d, Medici của Galileo, bài phát biểu của George Washington… Tất cả những gì độc đáo, kỳ lạ đều được ghi lại trong một khuôn khổ vô cùng bé nhỏ và linh hoạt.

Trước vẻ huyền bí, cuốn hút của sách mini, có khá nhiều nhà sưu tập hiện truy tìm chúng, cũng như có các cuộc đấu giá đắt đỏ. Có người như ông Neale Albert, 81 tuổi ở thành phố New York - Mỹ, sở hữu tới hơn 4.000 cuốn sách vi diệu, phản ánh tiến trình lịch sử của sách siêu nhỏ. Nhiều ấn phẩm thường được đấu giá hàng nghìn bảng Anh, song cá biệt có cuốn kinh thánh thế kỷ 16 đến gần ba triệu bảng.

Và dưới đây là một số cuốn sách mini ấn tượng, cũng là sách nhỏ nhất dẫn đầu trên mọi danh sách: Truyện Teeny Ted từ thị trấn Turnip của nhà văn Canada Malcolm Douglas Chaplin xuất bản năm 2007, khuôn khổ 0,07 x 0,1 mm; thơ Ông vua Cole của văn học Anh, 1985- 0,9 x 0,9 mm; truyện Tắc kè hoa của nhà văn Nga Anton Chekhov, 2002- 0,9 x 0,9 mm; kinh Tân Ước vua James của nhà in đại học Cambridge, 2001- 5 x 5 mm; kinh Koran tám cạnh thế kỷ 19- 50 x 45 x 12 mm; sách Những bông hoa bốn mùa, Nhật Bản, 2012- 0,75 x 0,75 x 1 mm; sách Thư Galileo gửi Christina, 1896- 0,7 x 0,4 inch; truyện Chú bé tí hon của nhà văn Pháp Charles Perrault, 1697- 1 1/ 2 x 1 3/16 inch; truyện Gulliver du ký của nhà văn Ireland Jonathan Swift, 1726- 2 1/ 2 x 3 1/ 2 inch; thơ Truyền thuyết Arthur của nhà thơ Anh Lord Alfred Tennyson, 1859- 4 x 3 inch; kịch Julius Caesar của William Shakespeare, 1920-21- 4 x 3 inch; truyện Hồn ma đêm Giáng sinh của nhà văn Anh Charles Dickens, 1915-16- 3 x4 inch; thơ Quintus Horatius Flaccus của nhà thơ La Mã Horace, thế kỷ 1 trCN- 3 3/8 x 2 1/16 inch; sách Buổi tán tỉnh nhỏ, 1781; sách London Almanac,1805; truyện Lên ngựa, 1850; sách Nhật ký hàng hải Mỹ bí mật, cuối thế kỷ 19; sách Hai bài phát biểu của Abraham Lincoln, 1930; sách Lilliput Maori, 1962-65; truyện Phù thủy Harry Porter, 2015…

Thủy Trường (Biên dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy