Rút thẻ đầu năm và quan niệm của vua Thiệu Trị
VNTN - Không rõ từ khi nào người Việt hình thành tục lệ rút thẻ (quẻ) vào những ngày đầu năm mới, những nơi được người dân hay đến rút thẻ là trong các lễ hội lớn hoặc tại di tích như chùa, miếu được xem là linh thiêng. Và theo quan niệm, rút quẻ đầu năm để biết được việc tốt, xấu thông qua việc giải quẻ. Với mong muốn may mắn trong những ngày đầu năm, vì vậy ai cũng muốn rút được những quẻ tốt như quẻ thượng cát, thượng thượng cát, chí ít cũng là quẻ trung bình.
Người dân đi chùa sau khi dâng lễ xong sẽ lắc mạnh ống gỗ đựng các quẻ thẻ cho đến khi một chiếc thẻ rơi ra ngoài, hoặc sẽ có một người lắc và nhiều người xung quanh rút. Tùy vào mỗi chùa, mỗi đền mà dùng quẻ khác nhau như quẻ của Phật, quẻ Khổng Minh… Nội dung trong các quẻ nói về nhiều vấn đề trong cuộc sống như tài vận, sức khỏe, công danh, con cái… Mỗi quẻ có những lời quẻ khác nhau dùng để giải đoán vận mệnh của người rút được quẻ. Người ta tin rằng năm mới rút được quẻ nào sẽ liên quan đến bản thân mình năm đó. Quẻ rút tùy thuộc vào mỗi chùa, miếu khác nhau, đa phần ở chùa thì dùng quẻ Phật, ở đền thì dùng quẻ Khổng Minh, quẻ có thể ghi chữ Việt hoặc chữ Hán cho thêm phần linh thiêng.
Rút thẻ đầu năm là một nét văn hóa có từ lâu đời, nó có một số điểm tích cực như để cho người ta ngưỡng vọng về tương lai, có niềm tin vào đấng tối cao khi rút được quẻ tốt. Nhưng cũng ngược lại, nếu người dân rút được quẻ thẻ với nội dung xấu thì sẽ chán nản lo lắng. Chính vì điều này mà sinh thời vua Thiệu Trị, một vị vua hay chữ của triều Nguyễn khi xem người dân rút thẻ đã có một số nhận xét đại ý rằng: Bói toán có thần, là vì không nghĩ ngợi gì, không làm gì. Xóc ống thẻ mà thẻ vọt ra, là có sức người ở đó rồi. Đã có sức người thì không thiêng liêng, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được? Vì vậy, ông đã tự mình làm ra 200 bài thơ để tự xem quẻ cho mình và cho đất nước.
Về việc này, trong Ngự chế tài thành Phụ tướng thi tập vua Thiệu Trị có ghi chi tiết: “Xét rằng đời gần đây, người ta có làm các bài thơ để xem bói rút thẻ. Ta nhận thấy đã dụng tâm xóc ống thẻ thì thành thực là có sức người ở đó rồi, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được? Ta bèn ngẫu hứng làm được 200 bài thơ, chia làm 2 quyển Tiên thiên, Hậu thiên, mỗi quyển 100 bài, lại khắc 2 quả thiên cầu, chữ đỏ, chữ trắng đều một quả, trên quả cầu khắc 10 can, 5 thường và 5 phương, cộng 20 chữ, để yên trong cái hộp đậy nó lại. Người không thấy các chữ ấy theo thứ tự thì không để ý gì. Phàm có việc thì đặt hương án, bày hai quyển sách tiên thiên, hậu thiên ở trước thần phật. Bưng cái hộp để quả thiên cầu, cúi vái thầm khấn, làm như thế ba lần, đặt lên trên bàn rồi mở hộp ra xem. Xem quyển Tiên thiên quả cầu chữ đỏ, tiếp theo Hậu thiên quả cầu chữ trắng, nếu như quả cầu chữ đỏ ứng tại giáp, quả cầu chữ trắng ứng ở đông tức là giáp đông, thuộc vào phần sách Tiên thiên chương 1; nếu như quả cầu chữ đỏ ứng tại đông, quả cầu chữ trắng ứng với giáp tức là đông giáp thuộc sách Hậu thiên chương 1. Những bài thơ này xem lại phần Tiên thiên lấy thiên can, Hậu thiên lấy địa chi, phối hợp theo can chi làm quẻ biến hóa, lại thành 400 quẻ để mà châm chước. Theo lẽ tự nhiên, có thành thực mới có thần, muôn lần cầu thì muôn lần ứng. Nếu như những kẻ học tầm thường chẳng biết gì mà cho đó là chuyện đùa, thì làm sao có thể thông đạt được thần minh. Đừng cho là thơ nói phiếm, chỉ sợ đoán không rõ mà thôi”.
Còn theo chính sử của triều Nguyễn ghi lại việc này, theo đó, các bài thơ mà vua Thiệu Trị sáng tác tương ứng với các quẻ, theo lời bài thơ mà giải quẻ, lấy sự thành tâm mà cầu đảo tất sẽ linh ứng. Đại Nam thực lục cho biết: “Đời gần đây, có người làm các bài thơ để xem bói rút thẻ, thường ở trước chỗ thờ thần, xóc ống thẻ, thấy đầu thẻ thò lên thì rút ra. Vua trông thấy, mỉm cười rằng: “Bói toán có thần, là vì không nghĩ ngợi gì, không làm gì. Xóc ống thẻ mà thẻ vọt ra, là có sức người ở đó rồi. Đã có sức người thì không thiêng liêng, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được?”. Bèn chế ra 2 quả thiên cầu, chữ đỏ, chữ trắng đều một quả, trên quả cầu khắc 10 can 5 thường và 5 phương, cộng 20 chữ, để yên trong cái hộp. Nhân ngoài giờ coi việc, đêm ngự điện Đông Các, lần lượt cố gắng làm các bài thơ. Sai quan ở Nội các là bọn Nguyễn Cửu Trường, Vũ Phạm Khải viết ra, được 200 bài thơ, chia làm 2 quyển, gọi là Tiên thiên, Hậu thiên, đều 100 chương, định làm phép xem bói: có việc thì đặt hương án, bưng cái hộp để quả thiên cầu, mật đảo 3 lần, rồi mở hộp ra xem, những chữ đỏ, chữ trắng ứng thế nào, thì lấy cái chỗ thuộc vào thiên nào chương nào mà xem; suy can chi làm quẻ biến đi, lại thành 400 quẻ để mà châm chước. Bảo các quan Nội các rằng: “Ta làm các bài thơ này, xuất ư tự nhiên, chưa từng có tìm ý tứ, các ngươi đã thân thấy đó. Nếu tất phải cầu kỳ một câu khéo, một chữ lạ, thì đều do người làm ra, không gọi là thần được. Người xem bói nếu sẵn có lòng thành để cầu, có thành thì có thần, muôn lần cầu thì muôn lần ứng, đừng cho là thơ nói phiếm, chỉ sợ đoán không rõ mà thôi”. Sách chép thơ ấy làm xong, nhan đề là “Ngự chế Tài thành Phụ tướng, Tiên thiên, Hậu thiên thi tập”. (Quốc sử quán, tập 6, 2007, tr 1051).
Nhân đây, hãy xem một quẻ ứng với một bài thơ mà nhà vua đã sáng tác, để xem nhà vua tự bói cho mình hay cho vận nước.
Đệ nhất giáp đông
Tam tài1 định vị tứ thời hành,
Vật tắc dân di đại đạo minh.
Tác thiện giáng tường đa hoạch khánh,
Vạn kì vạn ứng sự giai thành.
Dịch nghĩa:
Ba tài trời, đất, người có chỗ đứng
nhất đinh, bốn mùa vần xoay,
Vật có nguyên tắc,
người có luân thường,
đạo lớn theo đó mà sáng tỏ.
Làm điều thiện được giáng điềm lành,
gặt hái nhiều may mắn,
Muôn cầu tất muôn ứng
mọi sự đều thành công.
Dịch thơ:
Ba ngôi đúng chỗ, bốn mùa vòng
Lẽ vật phép người đạo lớn thông
Làm thiện điềm lành may mắn đến
Muôn cầu muôn ứng việc đều xong
Như vậy, ngay từ thời vua Thiệu Trị, ông đã có những quan niệm rất đúng đắn và tiến bộ về việc rút quẻ hay xin quẻ, với việc này mọi người cần phải thành tâm để cầu, có thành tâm thì mới có linh ứng. Thế nên mỗi khi đến đền, chùa, miếu mạo, những người dân cần thành tâm kính cẩn, cũng không nên chen lấn nhau, dụng tâm xóc ống thẻ để rút cho được quẻ… như vậy thì tâm đâu còn thành thực, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được.
(1)Tam tài: ba ngôi vị cao quý nhất trong vũ trụ là Thiên - Địa - Nhân (Trời - Đất - Người), tham gia vào sự vận hành của vũ trụ vạn vật.
Nguyễn Huy Khuyến
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...