Rượu thờ
VNTN - Ông Tận - em trai ông nội tôi - vợ chồng chỉ sinh được hai cô con gái. Hai cô lấy chồng tít tận miền nam. Cả hai đều vớ được chồng giàu, ít khi về quê. Ông bà đã tám mươi, ngày nhìn mặt trời thấy số tuyệt tự chòn hỏn ở đầu hồi nhà. Ông nội tôi được hai trai, cha tôi và chú Khín.
Nhà tôi ba anh em, hai trai, một gái. Chú Khín nhỉnh hơn đẻ bốn thằng, thằng nào thằng nấy vai gấu, mặt dơi, tay chân khều khào. Không có một con mương hay hố bom nào sót dấu chân của anh em nó. Lươn, lạch, rô, rạch, tất cả đều là món khoái khẩu của chúng khi đã qua lửa rơm thui trèm. Chú Khín hay rượu. Khi thím đẻ ba thằng con trai, chú đập bàn: "Tam nam bất phú". Thím đành phải mở cửa liếp cho thằng thứ tư chui ra. Vẫn không thấy cảnh bất bần. Không biết có phải vì thằng út không mà ba thằng anh trứng gà, trứng vịt chỉ thích cua cáy với ao hồ. Chú cũng không cải thiện được mồi nhắm rượu. Vẫn chỉ là cua cáy lươn lạch với chuối xanh. Dòng liu điu lại liu điu trong nhà chú. Ông bà nội tôi mất. Cha thay ông thờ cúng tổ tiên. Ở quê có câu: "Trâu bò ở lâu thương nhau, người ở lâu ghét nhau". Nhà tôi và chú Khín không ngoại lệ. Khi vì con lợn con gà, khi vì miếng ăn trong những ngày đói, đã không ít lần chú Khín xua cả bè lũ bốn tên sang tính làm cỏ gia đình tôi. Những khi ấy, cha tôi bảo cả nhà lánh đi, ai cũng ngoan ngoãn nghe theo, chỉ có anh Hinh - anh trai đầu của tôi - mỗi lần như vậy, sửng cồ:
-Đánh cho chết cha chúng nó đi chứ, sợ đếch gì.
Cha nhỏ nhẹ:
-Chúng nó là ai! Chú và các em con cả, ai sai để một người sai. To tiếng thiên hạ cười.
Cha nhìn anh với đôi mắt buồn buồn. Cha thương và lo cho anh, cũng vì ngày mẹ sinh anh, cha còn ở xa, nhà túng bấn, anh bỏ học từ năm lớp ba. Và tôi biết, cha đã dìm được cái máu của một người lính đặc công cùng với dòng nước mắt uất nghẹn trước một thằng em cha đã đạp đầu chui ra. Khi mọi việc tạm ổn, cha hỏi mọi người nguyên nhân, nếu thấy chúng tôi sai quấy thì cha bắt phải sang nhà chú Khín xin lỗi. Những lần như vậy, tôi thấy mắt ông Tận như bị kéo màng. Khuyên nhủ con cháu không được ông buồn nhưng không nỡ bỏ. Còn bà Tận thì bà bỏ thật, bà chè riệt con đường thông sang nhà chú Khín. Nấu ấm nước chè xanh bà đứng xông xổng mời váng cả làng, riêng nhà chú Khín không hề được nhắc tên. Có miếng gì ngon bà thường ấn vào tay đứa em út tôi. Con chú Khín không bao giờ dám tơ hào.
Chẳng ai cưỡng được mệnh trời, cuối năm vừa rồi bà bỏ ông mà về với đất. Bà tạ thế, o dượng về tới nơi thì đã mồ yên, mả đẹp. Được như thế công đầu phải kể đến chú Khín, từ cha cho đến con xăng xái chung sức chung tiền cùng gia đình tôi lo cho đám tang của bà chu đáo. O Toan - con gái đầu ông Tận - ngước đôi mắt nâu như mắt chó phốc, hàm ơn chú Khín, o hỏi:
-Anh mua bộ áo quan cho bà hết bao nhiêu, em gửi lại?!
Chú xoa tay:
-Anh không mua, anh lấy của anh cho bà.
Nghe vậy o khóc, dúi vào tay chú một cọc tiền màu xanh. Đẩy trả lại không được, chú nhận. Mọi người có mặt ở đó đều cảm động, riêng ông Tận và cha tôi không thấy có biểu hiện gì. Thấy chú Khín thế tôi thầm mừng và nghĩ: "Ừ! Tám mươi cụ đi là hợp lẽ trời. Thương cụ nhưng cảm ơn cụ nhiều lắm. Người chết đành phận nhưng để cho người sống xích lại gần nhau". Sau đám tang không khí giữa hai nhà khác hẳn. Nói đúng hơn là thái độ của cha con chú Khín đối với bên nhà tôi khác hẳn. Đường sang ba nhà thông từ đó.
Anh Hinh đến tuổi lấy vợ, cưới một cô cùng làng. Năm sau anh lên chức cha nhưng trình độ vẫn chỉ lớp ba. Vợ chồng anh ở chung trong nhà, ăn khác bếp. Đã không ít lần anh đánh tiếng muốn sang ở cùng ông Tận để chăm sóc ông lúc tuổi già. Biết vậy, ông chỉ cười hiền, chòm râu bạc rung rung như một triết gia. (Chỉ giống thôi, ông Tận không biết đọc, biết viết!). Trong nhà tôi là người may mắn hơn cả, học hành tấn tới, trở thành người thành đạt nhất trong cái dòng họ luôn ngấp nghé bên bờ tuyệt tự. Tốt nghiệp đại học loại trung bình, về huyện tôi thành của hiếm. Mấy người trước đây hay gọi xách mé tôi cu đen, cu đỏ giờ chuyển gam, khúm núm gọi là đồng chí. Nhân dịp có chủ trương quy hoạch nắn thẳng lại đường quốc lộ, chỉ một vạch lăn đường chì kẻ, tôi đã cho con đường dịch vào, chạy sát ngõ nhà tôi. Tất nhiên là qua cả nhà ông Tận và chú Khín. Đồng thời đình làng phải dời vô ba bốn mét, đập mất cái cổng đình đã ba trăm mười lăm năm tuổi. Thỉnh thoảng về quê, tôi mang theo một vài chai rượu người ta biếu, tôi cho chú Khín một chai đã uống dở. Để thắm thiết hơn tình họ hàng, tôi cùng ngồi nhón với chú món lươn, lạch, liu điu nướng sem sém lửa rơm. Ông Tận vui, cười giản các đường răn trên mặt khen tôi:
-Thằng Lành làm quan mà không mất gốc, khá!
Tôi hỏi chú Khín:
-Trước chú đi bộ đội mấy năm, ở vùng nào?.
-Bốn năm, vùng nào tao không biết, toàn rừng với rú. Không có chữ trong đầu, tao làm anh nuôi.
-Thế phiên hiệu đơn vị?
-Hình như B3.
-Để tôi làm cho chú cái thương binh, thêm tháng ít trăm.
Mắt bỗng sáng như mắt sói, chú hỏi lại:
-Mày làm cho cha mày chưa? Chín năm lính, sáu vết thương, cha mày chưa thành thương binh. Còn chú mày lấy bao nhiêu? Ở nhà chúng nó đòi mười triệu.
-Cụ không chịu làm, cụ không muốn khai khống thương tích, bôn hết sức! Còn chú nếu muốn tôi làm cho không. Ai muốn làm nữa chú nói với tôi, năm triệu, nếu được tôi cho chú trăm rưỡi một suất.
-Thế thì tao coi mày là ông nội, cố ông nội cũng được. Mày con thứ nhưng là ông tổ của tao.
Mùa đông đến, ông Tận yếu tợn. Chú Khín và anh Hinh hay sang nhà ông hơn. Hai chú cháu nhìn nhau cứ lườm lườm. Chú vào thì cháu ra, cháu vào thì chú ra. Khi có mặt cha tôi, hai người làm bộ thản nhiên và thường lánh đi chỗ khác. Cha và ông Tận hay cùng nhau ngồi bên bếp lửa, ông kể cho cha nghe về nguồn gốc dòng họ. Ông nói:
- Nghe các cụ kể lại thì họ mình đâu tận miệt ngoài. Cụ tổ nhánh này đã từng làm quan nhưng không chịu luồn cúi, bỏ vô rừng sống bằng nghề ăn cướp. Trong một lần đi cướp, lỡ tay đánh chết mệnh quan triều đình, bị Tây với quan quân rượt, bè đảng tan tác, không còn đất dung thân. Lần cuối cùng chay qua làng cụ nhắn lại: "Khi nào hết Tây tao mới về". Nhắn xong cụ nhằm hướng núi lao đi, chạy mãi cụ lạc đến đất này, giấu biệt tung tích, xin làm đứa ở cho địa chủ Kim Hét. Cụ khỏe, thông minh nên được Kim Hét tin nhận làm con nuôi rồi gả con ở cho, thế là thành một dòng. Đến ngày miền Bắc hết Tây cũng không ai nghe cụ nhắc đến chuyện về quê. Không biết vì lẽ gì, họ truyền cho đến nay vẫn không phát đạt được. Họ này ít đinh, đông nhất cũng chỉ chục đổ lại. Họ chưa có gia phả, khi nào tiện anh chép ra cho con cháu đời sau nó biết.
Cha buồn buông xuôi:
-Không biết rồi có đứa nào đọc được không, chưa quen mặt chữ đã bỏ học hết. Được thằng Lành thì chắc phải đi xa, hoặc phải sống trong tù tội. Số nó thế.
Có dạo các o tôi muốn đón ông vào miền Nam, ông nói: "Con thì thương, nhưng nắm xương phải giữ". Ông biết mình sắp về với bà, với tổ tiên nên sợ phải hỏa thiêu nơi đất khách! Các o về được mấy ngày rồi lại vội vã ra đi, trước khi đi lau nước mắt, sụt sùi nói với cha tôi: "Trăm sự nhờ anh, chúng em phận gái không dám tơ hào". Ông càng yếu thì chú Khín càng ân cần, có miếng gì ngon chú mắng con át cả tiếng chó cắn nhau: "Phải đưa sang cho ông trước đã chứ, chúng mày còn trẻ, ăn khi nào chẳng được!". Vợ chồng anh Hinh cũng vậy, thỉnh thoảng bắt con gà nhảy ổ làm thịt đưa cho ông hai cái đùi. Cha mẹ tôi cũng được hai bát cháo đầy sòng sành, nổi lổn nhổn hai mẩu cánh gà. Chị dâu tôi bụng đã nhon nhỏn. Hai đứa con dâu của chú Khín cũng rủ nhau ra vặt khế chua sau vườn. Đến khi trái thấp đã hết, chúng đưa ghế kê dưới gốc nhón lên vặt những trái cao. Sợ chúng ngã, chú ngồi xuống giữ chặt ghế. Hái xong khế con dâu đỏ mặt kéo chéo váy nép nép vào nhà. Thằng con thứ ba của chú lấy vợ, nhờ ông Tận một vạt đất phía trước mở quán sửa xe máy và vợ chồng chúng nó ở luôn. Anh Hinh trình độ lớp ba, bỏ học lâu quá, kiến thức rớt dài theo ruộng theo nương cho nên giờ không còn biết đếm. Nhờ lấy được cô vợ lớp bốn đang đếm được vọoc vẹc nên cũng mượn vốn, mượn đất ông Tận mở sạp bán thịt lợn. Bán được mấy tháng, đường dao đã quen tay lắm, lỡ khi vợ đi vắng, không cần phải cân, khách mua tờ xanh, anh cắt theo tờ xanh, đưa tờ đỏ cắt theo tờ đỏ, ai muốn mua lẻ thì buộc phải đợi chị về. Từ ngày anh mở sạp thịt, không hiểu sao lợn trong làng chết dịch nhiều hơn, anh toàn mua được mối hời. Có khi người ta cho không anh để đỡ công chôn. Tối về bữa nào lời nhiều, anh vừa đếm tiền vừa tủm tỉm:
- Mấy thằng Mường thế mà hay, mấy cái lá vớ vẩn, tham ăn như lợn cũng phải bỏ cám.
Cha nghe vậy rên lên:
-Đừng làm vậy thất đức con ơi, cả gia tài người ta được con lợn....
-Con lấy vài con lợn của dân nhằm nhò gì. Làm quan như thằng Lành giờ tiền tỉ.
Nghe vậy cha thở ra thườn thượt.
Mở sạp thịt lợn, anh chị thường xuyên nấu cháo tim cật đưa sang cho ông Tận. Ăn nhiều ông phát ngán, nhưng chối thì sợ anh chị buồn nên thường phải len lén cho đứa em út tôi ăn. Nó thèm, đói, mắt la mày liếc, đứng sau hồi nhà húp soàn soạt rồi luồn bát qua ngạch vách, một lúc chị dâu sang lấy bát về rửa, thấy cháo hết, tưởng ông ăn được, hôm sau lại mang sang. Nhờ đó con em tôi dậy thì đúng tuổi.
Tám tư tuổi, ông Tận nằm một chỗ. Chắc chưa đi được nên ông không muốn tin cho con gái về. Đêm cha tôi thường sang ngủ với ông. Chú Khín và anh tôi vẫn như mặt trăng với mặt trời. Mẹ tôi hay mè hè, không dám giặt quần áo ông Tận. Mọi việc cha lo hết. Có nhiều khi cha và chú Khín ngồi canh giấc ông. Thấy ông nhăn nhăn mặt, chú Khín vội kiếm cớ đi ra ngoài. Ngay sau đó, cha làm một xô quần áo sặc sực mùi xú uế. Chị dâu tôi sinh, mẹ tôi không dám giặt đồ bà đẻ, anh Hinh làm vô vài cốc rượu với dồi tràng lợn lấy can đảm, rượu ngấm, tất cả được anh giặt sạch sẽ. Riêng quần áo của ông Tận vẫn chỉ mình cha đảm trách. Khi cha vắng mặt, chú Khín và anh Hinh lại len lén sang. Ông nằm đó, tuy người không nhúc nhích được nhưng bộ râu vẫn chăm chút sạch sẽ. Ông nói: "Ta chỉ khác đàn bà ở bộ râu". Trông ông lại càng giống triết gia nằm ngủ. Đôi khi thấy khoe khỏe trong người, ông đùa:
-Sửa soạn cho đẹp lão để xuống dưới ấy gặp bà nó cho đàng hoàng. Thấy xấu bà bỏ đi theo trai thì cô đơn cả kiếp sau, mất đồ cầm tay...
Chú Khín nghe vậy nói:
-Ông còn minh mẫn thế, biết khi nào cho chết.
Anh trai tôi nói:
-Ông sống lâu hơn cụ tổ tám năm và hơn ông nội con ba năm.
Cha nghe hết chỉ biết buồn. Ông đi, đương nhiên cha là người đứng đầu dòng họ. Tề gia, trị quốc chỉ việc thứ nhất thôi cha chưa làm được. Cha buồn tôi biết. Đã mấy lần thương anh trai cha buột miệng nói: "Giá mà...", ừ giá mà không có chiến tranh!
Khi ông Tận không còn đưa tay lên vuốt bộ râu được nữa, chú Khín và anh tôi đều nóng lòng vì không biết ý định của ông thế nào. Không thể hỏi trực tiếp được ông, chú làm bộ thiểu não, than thở với cha: "Chẳng lẽ em như vậy anh chưa thương, con đông, nghèo". Cha nghe chú hỏi vậy buồn buồn trả lời: "Chú vẫn không hiểu anh, anh coi chú Tận như cha, anh không có ý đồ. Nếu sau này có gì là của chú cả. Anh xin chú, mấy năm qua thấy chú thay đổi ông đã vui vui. Chắc ông sắp đi, anh mong chú đừng để ông buồn". Cha rút ruột vậy nhưng chú vấn chưa yên lòng, chú bắt cha phải viết những lời ấy vào tờ giấy. May anh trai tôi không biết. (Mà có biết anh cũng không biết cha viết gì, anh có đọc được đâu!). Cha đã viết ra giấy nhưng chú vẫn chưa yên tâm. Khi ông Tận gần đi, chú gào vào tai ông: "Ở đâu! Ông để ở đâu?". Ông cấm khẩu không thể trả lời, cố với tay chỉ lên trần nhà. Chú và anh Hinh hai người vội bắc thang thoăn thoắt leo lên, lục lọi hết mọi ngóc ngách, thò tay vào các đầu tranh làm mùn tranh rơi cả xuống chỗ ông nằm. Ông vẫn chưa tắt nghỉn, nhưng mặt đã hết biểu cảm, hai giọt nước mắt trắng như hạt muối khô chảy răn reo trên má, không biết do mùn tranh rớt vào hay một lẽ gì đó. Cha nghiến răng đến bạnh quai hàm, mắt đỏ hoe. Hai người tìm kiếm chán không thấy, tranh nhau tụt xuống chất vấn cha. Không thể kiềm chế hơn được nữa, hai cánh tay như gọng kìm sắt của người cựu đặc công choàng một lúc cả chú Khín và anh Hinh kéo ra sau nhà. Khi đã khuất, ông nghiến răng: “Cốp!”. Hai cái đầu rỗng như trái bí khô chờm nhau. Hai khối thịt trơn xuội như lợn chết dịch đổ vật xuống chân cha. Ông Tận ra đi lúc nào không ai biết. Cũng như lần bà mất, các o về khóc từ ngoài ngõ nhưng lần này chỉ mình cha ngồi nghe. Chú Khín mải uống rượu cúng ông với mấy con liu điu. Anh trai tôi đang bận mổ thịt con lợn mua rẻ: "Phải mổ mau, chôn xuống đất ngày mai thịt không thâm, hết mùi kháng sinh, bán mới được giá. Thời buổi này thật thà có mà ăn cám!". (Đó là lời nói cửa miệng của anh Hinh).
Chưa đủ ngày để rước ông về thờ. Cha lập bàn thờ ngay trong nhà ông. Tôi ở xa. Anh Hinh bận. Mẹ và em gái lại hay sợ ma. Hàng ngày, đến bữa cơm, cha đơm một bát đầy sang cúng ông. Sinh thời ông không nghiện rượu, nhưng bữa cơm thường nhấm nháp một vài chén, nên giờ cha cũng để sẵn một chai trên bàn thờ. Chú cũng siêng sang thắp hương cho ông. Thường cứ khi cha khuất lưng là chú sang. Có hôm trời mưa rét, tôi mới về đến ngõ, thấy chú lò dò đội mưa đi, tôi hỏi: "Chú đi đâu mà không đội gì vậy?". Chú giật mình như bị bắt quả tang làm việc bất minh. Không thèm nhìn tôi, chú cộc lốc: "Tao sang thắp cho ông cây hương, mày hỏi làm gì!". Ông mất được mươi ngày thì chú Khín lại sang sinh sự, trên ngực chú nhoang nhoáng cái huy hiệu thương binh. Thấy chú hùng hổ, cha bảo: "Chú cứ đợi hết bốn chín ngày, tôi làm đám rước ông về bên này. Khi ấy nếu không có gì thay đổi, tôi giữ lời hứa giao chú quản lý tất". Chú hậm hực bỏ về ngồi uống rượu đếm ngày. Anh Hinh đoán biết cha và chú đang có âm mưu gì đó, cố tình dò la nhưng không ăn thua. Vợ chồng anh muốn dọn sang ở nhà ông Tận nhưng ngặt nỗi chị mới sinh, ông mới mất nên không dám. Rồi một buổi chiều, anh Hinh đang ngồi cố bán cho hết mấy miếng thịt bụng con lợn nái sề, cha tôi vừa từ nhà ông về thì thấy chú Khín vùng vằng, hung hăng chạy từ nhà ông ra, vừa chạy vừa chửi: "Đồ mất dạy, ông thì ông đánh chết mày này". Chửi xong chú xông vào bợp tai anh Hinh. Không kịp tránh, má phải anh lãnh trọn một cái tát của chú. Ở trong nhà nghe lớn tiếng, cha chạy ra đúng lúc con dao pha thịt lợn đang nhằm đầu chú bổ xuống. Cha lao đến hứng trọn, bàn tay trái của cha đứt lợp khợp, từ vết chém, máu phun thẳng, nhuộm đỏ mặt chú Khín và mặt anh Hinh, trông họ như hai con thú đứng xụi lơ trước vòi máu của cha. Rồi không ai bảo ai, hai người bỏ đi về hai hướng. Trước khi quay mặt chú lẩm bẩm: "Mẹ cha nó, đồ mất dạy, dám đái vào chai rượu đặt lên bàn thờ ông Tận".
*
Lời tiên đoán của cha tôi đã đúng. Ngày công an vào tận phòng làm việc đọc lệnh bắt, tôi không ngạc nhiên. Hơn ai hết, tôi biết việc mình làm. Họ kêu án mười năm, hú hồn, cứ tưởng phải dựa cột! Em gái tôi là người đầu tiên đến thăm kể từ ngày thành án. Nó sụt sùi:
-Người ta nói tại anh dịch đường quốc lộ vào phá đình làng.
-Vớ vẩn! Tao làm tao chịu. Chuyện vườn nhà ông Tận sao rồi?
-Hôm bốn chín ngày ông, em ở cữ không về, chỉ nghe mẹ kể lại. Mà không biết sao, từ ngày cha bị anh Hinh chém đến giờ, mẹ cứ dở dở người, khi nhớ, khi quên.
-Mẹ kể sao?
-Mẹ nói: “Hôm đó tuy tay chưa lành nhưng cha xin phép bệnh viện cho về mấy ngày. Có đầy đủ các o, các dượng cùng về. Các o nói với cha: "Ông chết không để lại di chúc, chúng em chưa giàu nhưng đều có hơn người ở nhà. Mọi việc đất đai, nhà cửa tài sản của ông bà, chúng em không dám lấy. Anh là trưởng, thấy như thế nào cho hợp lý thì nhờ anh". Cha gọi chú đến gần, chú nem nép liếc nhanh vào cánh tay sưng như bắp cày của cha rồi lại cụp mắt xuống. Khi chú đến gần cha nói lớn: "Trước khi mất ông có chỉ lên trên trần nhà, nhưng chú Khín và Hinh tìm không thấy di chúc. Các o đã có lời vậy và tôi đã hứa với chú Khín trước đây, bây giờ tôi xin giao lại toàn bộ cho chú Khín". Cha nói vừa dứt lời thì ông Trình Trưởng Ban tư pháp xã đạp xe vào ghé sát thềm, ông mở xắc cốt lôi ra một phong bì trước những con mắt tò mò. Nhìn cha, sau đó ông nhìn khắp lượt họ hàng. Vuốt vuốt lại cái cà vạt màu nõn chuối, ông đằng hắng: "Cách đây mấy tháng, cụ Tận có lên xã gặp tôi trao lại cái phong bì này và dặn khi cụ mất, ngày họ hàng làm đám bốn chín ngày, đích thân tôi xuống trao lại phong bì cho đồng chí Lành. Nhưng đồng chí Lành, à quên, tên Lành đang bị công an bắt, nên tôi giao lại cho cha tên Lành, buộc cha tên Lành phải đọc trước tất cả mọi người". Cha nhận lấy, nhờ người bóc hộ rồi đọc rõ: "...Tôi biết, khi tôi chết đi mọi việc sẽ rắc rối, nên nhờ người viết di chúc để lại. Căn nhà tôi và miếng đất giao lại cho cháu Lành, nhưng cháu Lành phải bán đi để làm quỹ khuyến học cho con em trong họ. Nếu cháu có tiền, thì gửi vào ngân hàng làm quỹ khuyến học. Còn đất để lại, vì đất là đất tổ tiên, không nên bán...". Nghe đến đó chú Khín rú lên một tiếng rồi chạy về nhà nằm vật ra phản bất tỉnh, mấy ngày sau dậy ăn được nhưng từ đó câm khẩu không nói được nữa, mắt mờ dần. Đất và nhà hiện vẫn chưa có ai sử dụng.
Mấy tháng sau mẹ lên thăm tôi, tóc cụ bạc nhiều, tai nghểng ngảng, tay run run, gọt quả cam cũng không được. Tôi hỏi:
-Sao cha và anh Hinh không lên thăm con?
-Thằng Hinh mải làm thịt lợn. Còn cha giận anh, không đến thăm đâu. Ông ấy nói biết số anh phải ở tù nhưng vẫn kỳ vọng. Không ngờ anh vô tù thật. Anh đã vậy, nói thằng Hinh mãi nó cũng không chịu nghe, ông đâm phiền chỉ quanh quẩn trong nhà, uống rượu trừ bữa, tóc bạc xơ xác như rơm tuốt.
-Thế nhà và đất ông Tận thế nào rồi?
-Hôm bốn chín ngày ông, cha anh phần vì vết thương cũ tái phát, vết thương mới chưa lành nên không về. Chú Khín làm đám to lắm, các o về rước bài vị của ông vào trong đó thờ. Chú không mời ai bên nhà mình cả, nhưng mẹ để ý, nửa buổi thấy có người trên xã xuống, sau đó nghe chú Khín rú lên, chạy về nhà nằm ốm liệt giường cả tháng, không nói không rằng. Cha anh giữ lời hứa giao lại toàn bộ cho chú Khín nên không còn qua lại. Vợ chồng thằng Hinh thấy chú Khín bị như vậy nên sợ cũng không dám sang ở, thành ra nhà bỏ hoang. Nghe đâu xã đang tính mượn để xây nhà mẫu giáo.
-Sao hôm trước con Lan đến đây, nó nói mẹ kể với nó khác? Mẹ nói ông Tận bảo để lại cho con bán làm quỹ khuyến học.
-Không, mẹ có kể gì đâu, mẹ có kể với nó thật à? Mẹ không nhớ, có khuyến học gì đâu.
-Mẹ lẫn thật rồi, chẳng biết thế nào mà lần. Thôi mẹ về đi, hết giờ thăm nuôi, ngồi lâu nó đuổi thì khổ. Cũng đừng lên thăm con nữa, lẩn thẩn xe đâm không ai hầu.
-Mẹ khóc, những giọt nước mắt đùng đục như nước gạo chảy răn reo trên má. Mẹ nấn ná ngồi với tôi thêm một lúc nữa, đến khi nghe tiếng quát hách dịch của cán bộ quản giáo mới lập cập gạt nước mắt mà về. Tôi đứng nhìn theo, phía mẹ đi đang ủ một cơn mưa.
*
Tôi ở tù đã được ba năm, ba năm không thấy mặt người thân. Mọi tin tức đều dừng lại phía ngoài song sắt nhà giam. Hôm được gọi lên gặp người nhà, bán tín, bán nghi. "Chắc là mẹ mất!". Tôi hấp tấp chạy lên phòng đón tiếp thấy em gái đang ngồi chờ, thấy nó vui tôi mừng:
- Em về nhà hôm trước, gặp bác tộc trưởng đến tìm họ. Hóa ra cha đã từng là lính của bác ấy thời đánh Mỹ, vậy mà hai người không biết nhau - nó nói một hơi - Nhánh bên ấy phát lắm, toàn người làm to.
-Làm to thì kệ xác họ chứ, liên quan gì đến mình.
-Anh lạ, đang gần lắm, mới hai đời.
-Họ vô phúc, giúp được gì nhau. Ra tù tao đổi họ.
-Anh cứ như thế thì em không nói nữa. Họ có làm gì ảnh hưởng đến anh đâu. Anh làm xấu họ thì có.
Nó nói xong ngoay ngảy ra về. Hình như nó thương tôi. Trong tôi cũng dào lên một điều gì đó thật mơ hồ, như là nỗi nhớ nhà.
Bẵng đi một thời gian lâu, vợ chồng, con cái anh Hinh và vợ chồng con cái mấy đứa con nhà chú Khín đến thăm tôi. Mấy đứa nhỏ nghịch như quỷ, chạy ti tích khắp phòng, rồi rủ nhau ra sân. Những bông hoa mười giờ nở đỏ sân trại. Thằng con anh Hinh mới bốn tuổi, dẫn đầu một đàn em lích chích vừa chạy vừa đếm hoa. Chưa đi học mà nó đã đếm được đến số trăm. Tôi vui lây, bảo nó đếm tiếp, nó nem nép:
-Nhiều quá, cháu không đếm hết.
Anh Hinh nói:
-Thấy nó sáng dạ mừng nhưng lo, anh không dạy được.
Tôi nói:
-Sóng sau đè sóng trước.
-Anh cũng sợ mấy đứa cháu lặp lại cha chú. Anh với mấy đứa lên chào chú để sang bên ấy.
-Kéo nhau đi làm gì một lũ, người ta khinh.
-Bọn anh sang ở hẳn bên ấy. Các bác có trang trại lớn thiếu người, nhận bọn anh làm công nhân còn xây nhà cho ở, có trường cho mấy đứa học.
-Còn cha, Chú Khín?
-Tới đây cũng sang luôn. Đất đai chuẩn bị giao lại cho huyện, họ xây trường cấp một hai. Cha nói phải bắt đầu làm lại từ gốc.
Nháo nhào một lúc rồi mọi người kéo nhau về. Trời nắng mà gió hây hẩy. Mấy đứa nhỏ không chịu đội mũ, chúng nói để đầu trần vậy cho mát.
Truyện ngắn. Nguyễn Thế Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...