Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
05:24 (GMT +7)

Rủ nhau đi hái măng rừng

Bà đeo kính lão, may cho tôi chiếc túi nải từ tấm vải chàm dài hai sải tay chập lại rồi lấy gang tay đo miệng túi cẩn thận trước khi khâu thành quai đeo. Ông gật gù bên ấm trà xuân nhắc khéo câu của các cụ: “Mảy tứn cón mảy khôm” (Măng mọc trước măng đắng). Thấy tôi quay lại nhìn như chờ đợi, ông cười khà khà bảo: Con người cũng như củ măng đắng vậy, nghe tiếng sấm đầu mùa, lúa phất cờ thì măng cũng nhú, việc gì khó thì để lên đầu, thử thách nào cũng vượt qua hết. Nhưng mà, lời nói thật bao giờ cũng khó nghe lọt tai lắm cháu ơi!

Rủ nhau đi hái măng rừng

Những chiếc măng ngủ sâu trong đất sau những ngày mưa ẩm, sương mù ủ tiết trời nồm ngấu nốt lớp lá mục thì thi nhau đội đất đâm lên nhọn hoắt. Con chó Bít-la cong mình đào lấy đào để cái hang nhỏ xíu dưới gốc vầu. Hình như là con dúi béo ú u ú nần đang dùng hai chiếc răng dài của nó cắn rễ cây kêu kì cạt, kì cạt. Người ở bản tôi đã kịp biến những vạt nương đỏ quạch sau lễ hội Lồng Tồng thành bãi ngô non, đỗ đen leo kín bờ cỏ để bỏ công bỏ buổi đeo ủng, giắt dao nhọn rủ nhau đi kiếm măng rừng. Củ măng đầu tiên được bẩy lên mở màn cho mọi sự may mắn. Chỗ nào đất căng nứt ra như muốn thở thì ở đó, măng mập và non. Đào tầm vừa tay bẻ, măng giòn rôm rốp, vỏ tím nhạt, còn lấm đất ướt màu mỡ.

Hẳn, bọn dúi cũng ưa thứ măng non này lắm. Chẳng thế mà chúng làm hang chờ sẵn quanh đây. Loài thú chỉ quen ăn rễ tre, rễ vầu vẫn béo nung núc. Nhưng không biết chừng, khi màn đêm buông xuống, cặp mắt đen láy nhỏ tí như hạt đỗ lại sáng hơn trăng. Hai chân trước ngắn tủn dễ ôm lấy củ măng cho vào hang hít hà trước khi ung dung thưởng thức trước con người. Thịt dúi rừng ngon khỏi bàn. Bì dày nhưng sần sật, thơm ngọt khó bỏ qua bữa rượu có bạn hiền. Của hiếm, măng hiếm nên vận may càng hiếm.

Tôi không thích măng đắng nhưng nhiều người lại tìm mua. Măng ngọt nhiều loại hơn, mọc sau vài chục ngày và vươn nhanh không kịp bẻ. Chẳng biết cây tre, cây trúc, cây vầu nào đâm măng. Chúng ào ạt vươn lên trời như chông nhọn, đợi tay người đến bẻ. Thường thì, một vạt rừng, chẳng bao giờ người ở bản tôi bẻ sạch từng búp mà chỉ tỉa lấy với sự hài lòng của trời cho. Số măng còn lại sẽ trút bỏ mo nang, đổi màu xanh cật, cong trên trời như một cánh cung rồi đâm lá, tỏa cành. Vài con bọ măng kịp châm vòi đẻ trứng thành nhộng. Bọn trẻ rất thích thả vào ống nứa đem về nhà hứa hẹn một bữa ăn ngon. Nhộng già hóa bọ bay đi, ngọn măng thối nẫu, cây măng đó biến thành loài tre cụt, đốt ngắn lại, lặng thầm nhìn lứa mới vươn xanh.

Mùa măng - mùa đói. Nơi hạn hán lâu ngày chỉ cấy một vụ lúa, gặp năm sâu rầy, chuột bọ hoành hành, thóc non nửa bồ. Măng gùi xuống chợ đổi từng yến gạo đổ vào nồi với tới vụ sau. Mùa măng - mùa nhàn rỗi. Khi lúa ngô chật gác, cá lội chật ao, chật lồng bè dưới hồ rộng thì lên rừng kiếm bữa măng tươi về nấu canh cải thiện hoặc phơi khô trên nong làm quà biếu bạn bè.

Măng tươi dễ chế biến. Măng luộc lên, xé nhỏ chấm với tương bần. Củ măng hầm xương, cá. Măng chua rim ruột ốc, lá lốt. Măng ống nhồi thịt hấp hành. Măng đắng xào lá chanh. Măng thái mỏng trộn muối lạc. Măng để cả vỏ nướng than hồng chấm tiêu cay. Măng ớt ngâm mác mật,…

Rừng rộng mênh mông, măng nhú trong sương sớm mát lành. Tôi hái đầy túi nải, theo đường mòn về bản. Quệt mồ hôi trên trán, nghe tiếng ve râm ran. Con Bít- la vừa đi vừa đứng đợi chủ, thỉnh thoảng dỏng tai nghe điều bí ẩn của rừng.

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Trăng cũng mồ côi

Xem tin nổi bật 1 tháng trước