Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:58 (GMT +7)

Rộn rịp đón rươi

VNTN - Mấy hôm nay ở các chợ Hà Nội, các bà, các chị chen nhau ở sạp đặc sản mua lấy vài lạng về làm chả rươi đầu mùa. Tầm giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 âm lịch khi lúa mùa gặt xong đôi ba tuần các cụ gọi là đến “nước rươi”. “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng 5” là chính vụ rươi - tuy nhiên có thể du di sau trước một chút. Rươi từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, lên chợ sớm còn tươi roi rói bơi như đỉa hẹ trong thúng. Chỉ ở những nơi ruộng nước lợ mới có rươi. Quê tôi có con sông là nhánh của con sông lớn, sông vắt qua dải ruộng nước hẹp có nhiều kênh ngòi đổ ra sông. Vào thời gian sắp có rươi những đợt phù sa cuối của mùa mưa vẫn về dưỡng sức cho chân rạ mọc lên những thân lúa xanh mượt gọi là lúa chét. Đồng ruộng ngập nước phù sa tới bắp chân, phất phơ những ngọn lúa chét xanh mượt cao hơn mặt nước ruộng chừng một gang tay. Khi đó nhà nhà chuẩn bị đồ đoàn để đón nước rươi. Vợt vớt rươi làm bằng cật tre già uốn tròn bằng vành rổ có cán để cầm. Lưới cạp vào lấy loại vải Rợm dệt thưa, chưa hồ nên rất thoát nước. Bọn trẻ con ở đây cũng lấy tay tre bánh tẻ nhỏ bằng ngón tay uốn vòng tròn, dùng vó cất tép, hoặc vải màn cũ làm lưới thành chiếc vợt nhỏ.

 

Vào thời điểm rươi “mọc”, các ruộng rươi người người đi lại như mắc cửi.  Ảnh: Internet

Đêm trước trời xầm xì có mưa lắc rắc. Sáng ra mưa lây phây, lúc lại hửng nắng, lúc mưa nặng hạt - quê tôi gọi là “mưa rươi”. Các cụ còn gọi là mưa mở lỗ rươi (cho tới nay chưa ai lý giải được lỗ rươi ở đâu, nó như thế nào). Đang háo hức chờ. Bỗng ai đó hô lớn: “Rươi về rồi bà con ơi”! Thế là mọi nhà tay vợt tay chậu, thúng ào ra đồng, lội ruộng phăm phăm để vớt rươi. Lúc này khoảng hơn đầu giờ sáng. Ban đầu mới loáng thoáng những con rươi nhỏ màu nhạt - bọn trẻ gọi là rươi “thiếu nhi”. Tầm 9 giờ trở đi rươi anh, rươi chị, rươi cụ mới ra. Con nào con nấy to đậm sắc đỏ, tím, bơi rất khỏe chao qua chao lại không theo đường lối nào. Mặt ruộng nước phù sa hồng nhạt rươi chao qua chao lại như mắc cửi. Tay cầm vợt, tay đẩy xoong chậu phải nhanh tay mà vớt. Cùng bơi với rươi là lũ đỉa trâu con to như ngón tay, đỉa hẹ nhỏ bằng lá hẹ thấy động nước không biết từ đâu ngoi ra nhiều thế. Chúng lao bám vào bắp chân trần mà hút máu. Mặc kệ. Đang ham vớt rươi. Chỉ khi có dăm bảy con mới dừng tay vặt đỉa ném ra xa. Lũ trẻ chúng tôi nhân cơ hội này để nghịch ngợm chứ chẳng vớt được là bao. Lội được dăm bảy phút là chồm lên bờ vặt đỉa và trông coi thúng rươi của nhà mình. Sau trên dưới 2 giờ đồng hồ đánh vật với rươi, với đỉa là hết giờ rươi. Mọi người chuyện trò rôm rả, ngó vào các thúng xem nhà nào vớt được nhiều, rồi nhanh chân về nhà. U và các chị của tôi vớt được lưng hai thúng đựng thóc. U tôi ăn quấy quá mấy củ khoai luộc lúc sáng còn lại rồi tong tả gánh rươi còn tươi rói đi chợ ngay bán cho được giá. U sẻ lại chừng nửa nồi đồng để nhà ăn. Tin có rươi lan nhanh như gió. Đến đầu chợ đã đông nghịt người quê đồng màu đất cát đón mua rươi của dân đồng nước.

Ở nhà, các chị tôi xối nước giếng thơi trong vắt vào nồi rươi đôi lần cho sạch rồi đổ ra rá vo gạo cho ráo nước. Băm nhỏ vỏ quýt, thái nhỏ thì là, lá hành hoa, rau mùi và nhúm muối rắc vào nồi rồi đổ rươi vào. Dùng đũa dài chuyên để nấu ăn quấy liên tục vài phút là rươi vỡ hết mủ, thành một thứ nước sền sệt. Nếu nhà còn mỡ lợn thì cho vào rán vài mẻ. Không còn mỡ thì làm món rươi đốt. Chị tôi lấy lá chuối rửa sạch, lót hai lớp xuống đáy xoong rồi đổ rươi vào dày độ 3- 4 cm (để khi rươi chín ngót đi chỉ dày độ 2 cm). Đậy vung đun nhỏ lửa mươi mười lăm phút là rươi chín. Chờ cho nguội, khẽ úp miệng xoong, lấy tay đỡ bánh rươi ra đĩa to hoặc phên tre. Gạt hết lớp lá chuối đã cháy là lộ ra mặt bánh rươi vàng hươm trông thật “xúc cảm” muốn cắn ngay một miếng. Bánh rươi được cắt nhỏ chừng bao diêm xếp lên đĩa.

Bữa cơm tối mọi người quây quần quanh mâm háo hức thưởng thức món rươi đầu mùa. Gắp một mẩu rươi rán còn đang nóng hôi hổi lướt nhẹ vào bát mắm tiêu ớt đưa vào miệng nhai chầm chậm cùng cơm gạo tám. Cứ cảm giác như đưa cả thiên nhiên vào người. Lưỡi tê tê cay cay, mùi gia vị đưa lên mũi nhè nhẹ. Vị rươi không béo quá mà béo nhẹ như bơ, lại bùi bùi như vừng lạc… khó mà cưỡng nổi. Chìa tay xin chị bát nữa, rồi mới chống tay đỡ bụng đứng dậy. Ngoài món trên rươi còn được xào với rau cải sen - là thứ cải giống cây cải bẹ làm dưa, nhưng cây bé hơn, bẹ mỏng, lá xanh sẫm - ăn ngọt lừ . Còn xào với vòi măng tre xé nhỏ chần nước sôi. Mỗi món có vị riêng vừa dân dã vừa ngon miệng.

 

Mùa rươi chỉ có đôi ba đợt cách nhau không xa là hết mùa. Hôm nào vớt được nhiều bán không hết, u tôi làm mắm rươi để ăn dần. U cho vỏ quýt và chút ớt quả băm nhuyễn và rắc muối khá đậm để mắm không bị thối. Sau khi đánh kỹ với rươi thì đổ vào hũ hoặc vại sành. Chắp vài lớp vải màn bịt kỹ miệng hũ để thoáng khí cho rươi tự phân hủy theo phương pháp vi sinh. Chừng dăm tháng là mắm chín có màu nhờ nhờ xám. Mở ra mùi thơm đặc trưng của mắm sống, đưa lên mũi đã thấy hấp dẫn đến nhỏ nước miếng. Mùa đông mưa phùn gió bấc, mùa xuân mưa lây phây kéo dài, chợ xa ngại đi. Múc ra một tô mắm, phi hành củ băm nhỏ cho thật thơm, đổ mắm vào liu riu lửa dăm bảy phút, rắc hành hoa thái khúc vào rồi múc ra đĩa. Chao ơi! Cái thứ mắm sền sệt quết với rau cải bắp, cải sen, cải thìa, cải củ, ngọn khoai lang luộc hay chỉ rưới vào bát cơm trộn đều và vào miệng cứ gọi là ngọt lịm, chẳng cần nêm mì chính. Chị tôi ngồi đầu nồi đành chịu thiệt thòi vì phải liền tay xới cơm cho mọi người.

Lũ trẻ quê nghèo ngày xưa, mỗi năm miệng thỉnh thoảng mới dính tí mỡ lợn, miếng thịt gà, thịt vịt khi có giỗ chạp và vào dịp tết. Quanh năm trung thành với món tôm tép, cua cá, mắm rươi, mắm cáy. Thế mà lạ thay! Đứa nào đứa nấy phổng phao như ông phỗng ở chùa. Nhiều đứa khám tuyển trúng phi công, hải quân, đặc công. Có dễ do ăn những món quê mùa tinh khiết, tươi rói giàu đạm không nhiễm các chất hóa học (thuốc trừ sâu, phân đạm, khói bụi công nghiệp...) như sau này nên chẳng mắc bệnh gì, mà to cao, mạnh mẽ thế chăng? Lại vừa học vừa lam lũ lao động nặng nhọc quanh năm để có miếng ăn nên cơ bắp cuồn cuộn, gánh phân mã nào cũng trên dăm bảy chục cân, lội đồng băng băng…

Rồi như cánh chim bằng, mỗi đứa một nơi khắp miền đất nước. Đứa trong quân ngũ, đứa kỹ sư, bác sĩ, công nhân, đứa ở quê làm nông dân gắn bó với quê hương. Khi đã hòm hòm tuổi tác thỉnh thoảng chúng tôi lại hẹn nhau tụ tập ở nhà một đứa ở quê. Giờ đứa nào cũng nhà cao cửa rộng, chả thiếu lợn gà đãi bạn chỉ thiếu món rươi rồi lại mong mùa rươi tới. Chúng tôi mày tao sôi nổi kể những kỷ niệm thời thơ ấu nghèo túng, đói khát nhưng phơi phới yêu đời. Không quên nhắc tới ông bà, cha mẹ, các anh chị mình tần tảo sớm hôm nuôi mình khôn lớn. Nhiều khi xúc động không kìm nổi đến trào nước mắt.

Đức Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy