Rau pắc nam thả tình si cho lữ khách
VNTN - Về với rừng núi Tây Bắc, vùng rừng núi “ngút ngàn trùng xa”. Giữa những cung đường mây giăng phủ trắng bồng bềnh, giữa những bản nhạc rừng của tiếng chim hót, tiếng suối chảy và tiếng gió du dương như tấu khèn qua khe đá... dừng chân ăn nắm cơm gạo nương còn thơm hương lúa, thưởng thức miếng rau rừng bùi ngậy, mới thấy sự quyến rũ của núi rừng nơi đây, để rồi cứ vấn vương, vương vấn.
Khi cánh hoa mận, hoa đào bay vào bậu cửa, phủ kín lối đi, rắc dày bờ suối, dập dềnh theo con nước chảy về sông, khi nắng đã trải vàng rừng xanh cùng nương rẫy, là lúc những ngày xuân đang theo mùa đi ngủ. Tiếng hát của rừng, tiếng khèn của núi gọi bừng lên những ngày giao mùa. Tây Bắc thay áo mới với điệp trùng màu lá non mỡ màng điểm xen những sắc màu sống động của các loại hoa rừng như: hoa đỗ quyên, hoa ban, hoa trẩu... Những ngày mưa xuân đã làm lên một Tây Bắc như thiên đường phong phú với mơn mởn những đọt, những búp rau rừng non xanh. Và pắc nam - loài rau rừng như có bùa mê thả tình si cho lữ khách. Ai đã một lần lên với Tây Bắc, được thưởng thức loại rau này, thì dù được biến tấu thành những món ăn như thế nào đi chăng nữa thì cái vị ngầy ngậy, bùi bùi, thơm ngọt quện mãi nơi đầu lưỡi ấy sẽ chẳng thể quên được. Mặc dù vậy cây rau pắc nam lại khiến du khách khó gần bởi không phải chỉ vì là loại cây leo với đầy gai sắc nhọn mà pắc nam có một mùi đặc trưng không lẫn vào đâu được, cái mùi hôi nồng nồng khó chịu mà dù có đứng cách xa cả mấy mét vẫn dễ phát hiện. Và chính cái mùi hôi đó mà nhiều người còn gọi rau pắc nam là rau thối.
Ảnh trong bài: Nguồn, internet
Ở Tây Bắc, pắc nam mọc hoang nhiều trên đường, trên nương, trong rừng và bên bờ suối. Rau có dây leo vươn dài, quấn quanh vào bất cứ cây nào sống bên cạnh. Pắc nam cho rau ăn quanh năm nhưng rau ngon nhất, đậm đà nhất vẫn là những ngày cuối xuân đầu hạ. Đấy là lúc mưa xuân gọi những đọt non tơ, vươn mình ra hứng trọn hết những giọt sương đêm thuần khiết, những tia nắng mai vàng nhẹ của đất trời.
Nếu là lần đầu khó ai có thể vào bếp cùng với pắc nam, bởi đây là thứ rau không phải kén người chế biến, mà chính cái mùi hôi nồng đặc trưng của nó bay ra ngột ngạt khắp cả không gian. Món đơn giản nhất với rau pắc nam là rau luộc. Sau khi hái rau mang về, chọn lấy những ngọn non có nhiều lá nhỏ và dài, cụp vào nhau như còn e ấp, đem luộc chín, để rau thật nguội rồi thưởng thức nó với bát nước mắm đã nêm thêm tép tỏi giã nhỏ, quả ớt dầm, vài hạt mắc khén. Cuộn ngọn rau dìm vào nước chấm và bỏ vào miệng, ngay từ miếng đầu thôi sẽ thấy sự quyến rũ của loại rau này mà quên béng ác cảm về cái mùi hôi nồng lúc nấu.
Pắc nam xào thịt
Nói đến pắc nam không thể không nhắc tới món nộm ngọt giòn, chua cay đủ vị. Món nộm này làm không khó nhưng tỉ mỉ và mất khá nhiều thời gian. Rau pắc nam đem luộc sơ qua rồi rửa lại với nước suối lạnh, vài nhánh riềng non và vài đọt măng sặc mang bóc vỏ lia dao chéo thành những miếng mỏng, ngắn bằng hai đốt ngón tay, rồi luộc riêng từng loại. Quả núc nác vùi vào than bếp nướng chín đến thơm lừng rồi bóc vỏ lấy phần thịt, lạc rang bỏ vỏ giã dập. Pắc nam đem vắt kiệt nước, để riềng non, măng sặc thật nguội và cho tất cả vào một chiếc nồi sạch, rồi nêm thêm thịt quả núc nác, chút mắm, chút muối, chút đường, vài lát ớt tươi, dúm hạt mắc khén, trộn đều và cho ra đĩa rồi rắc lạc đã rang giã lên. Gắp miếng nộm rau và từ từ thưởng thức, điều đầu tiên sẽ cảm nhận được là vị ngọt giòn, ngậy bùi, chua thanh và chút đắng chát hòa cùng gia vị rất vừa miệng. Vị thơm ngon của nộm pắc nam vương vấn mãi với vị giác. Uống rượu với nộm pắc nam có hết nửa vò cũng chả thấy núi rừng chồng chềnh, rung rinh, nghiêng ngả.
Pắc nam còn có tên gọi là “rau thối” của người dân tộc Thái
Pắc nam còn hay được làm món xào. Để xào chúng, chỉ cần thìa mỡ lợn cho vào chảo, phi hành cho thơm và cho rau pắc nam vào đảo nhanh tay, khi pắc nam bốc hơi bay mùi hôi nồng nặc là lúc bắc chảo ra rồi bày rau ra đĩa. Đĩa rau vẫn giữ màu xanh non, để nguội ăn cọng rau nghe giòn sựt sựt. Hoặc ngon hơn nữa pắc nam được xào cùng thịt lợn, thịt bò, thịt trâu, đều mang đến những hương vị ngọt ngon, béo ngậy đặc trưng khó cưỡng.
Chiều cuối xuân, trời còn hơi se lạnh, được ngồi bên bếp lửa uống rượu ngô với pắc nam trộn cá suối cùng chút gia vị gói lá chuối nướng thì mới thấy “lộc trời” của thiên đường núi rừng Tây Bắc vi diệu như thế nào. Sự giao thoa mùi thơm của cá suối, mùi the mát của rau, phảng phất mùi mắc khén cùng gia vị nướng quyến luyến, bên bát rượu ngô sóng sánh ánh mắt long lanh. Rồi tiếng đàn tính tẩu vang lên thánh thót, tiếng hát then gọi mời thúc giục những bước nhảy nhịp nhàng mà ngất ngây. Rau pắc nam cá suối thơm mùi bén lửa. Bát rượu vơi lại đầy, đầy lại vơi. Rừng núi Tây Bắc như lung linh trong ánh lửa bập bùng. Đêm cuối xuân Tây Bắc, lữ khách say lòng, niềm vui cứ kéo dài, kéo dài mãi.
Có lẽ rằng, đến với một Tây Bắc ta không chỉ nhớ thương với một Tây Bắc ngút ngàn trùng xa, một Tây Bắc mờ sương giăng lối, một Tây Bắc hùng vỹ bồng bềnh mây phủ, một Tây Bắc mộng mơ với những mùa hoa rực rỡ… mà nhớ thương Tây Bắc còn bởi những món ăn đậm chất núi rừng với một loại rau dân dã mà giản dị mang tên pắc nam.
Minh Huế
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...