Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
02:22 (GMT +7)

Quần thể di tích, đình, chùa Triều Dương

VNTN - Thôn Triều Dương (xưa còn gọi là làng Hanh Bến) nay thuộc xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình gồm 4 xóm là: Nón, Hanh, Bến, Đồi, nằm quần tụ bên bờ sông Cầu. Thôn Triều Dương có một địa thế thuận lợi về đường bộ và đường thủy, phía đông của làng có tuyến Quốc lộ 37 chạy qua, và dòng Sông Cầu tạo thành ranh giới tự nhiên tiếp giáp với xã Thượng Đình, xã Bảo Lý về phía đông nam và giáp với xã Điềm Thụy ở phía tây nam.

Là một trong những làng cổ ở vùng trung du thuộc huyện Phú Bình từ xa xưa ngoài làm ruộng người dân Triều Dương còn có nghề làm cát sỏi và buôn bán nhỏ; điều này đã khiến Hanh Bến trở thành một làng trù phú, phát triển cả kinh tế và văn hóa. Qua thời gian chính những điều này đã làm nền tảng thúc đẩy, nâng cấp các thiết chế văn hóa của địa phương, thay đổi bộ mặt nông thôn khiến mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng được trú trọng.

Quang cảnh lễ hội làng

Và nhắc tới thôn Triều Dương không thể không nhắc tới quần thể di tích đình, chùa Triều Dương. Cụm di tích này năm 2009 đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đây chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, nơi để hội họp bàn việc chung, biểu diễn văn nghệ và hằng năm tổ chức các lễ hội của làng.

Di tích đình, chùa Triều Dương nằm ở trung tâm làng, được xây dựng vào thời nhà Hậu Lê, đầu thế kỷ XVIII. Lúc khởi dựng đình Triều Dương được làm bằng khung gỗ, mái lợp gianh. Chùa Triều Dương được dựng bằng 16 cột đá, trong đó có 4 cột đá ở Thượng điện hình vuông được làm nhẵn và khắc chữ Hán Nôm ghi công đức của hàng trăm người từ các xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên đã công đức để mua cột đá xây chùa. Chùa được làm vào ngày lành tháng Chạp cuối Đông năm Quý Mão niên hiệu Lê Bảo Thái năm thứ 4 (1723). Đến thế kỷ XIX, đình, chùa được tu tạo, tường xây bằng gạch kết hợp đá ong, khung nhà bằng gỗ, mái lợp ngói. Đình Triều Dương gồm 3 gian hai chái, thờ Cao Sơn Quý Minh thời Hùng Vương và Dương Tự Minh thời nhà Lý. Đây là 2 vị thần đã phù hộ, ban phúc lành cho dân làng làm ăn phát đạt, học hành hanh thông, tiến bộ.

Từ nguyện vọng của người dân muốn phục dựng lại nhiều hạng mục cụm di tích văn hóa này thành nơi vãng cảnh, tham quan, năm 2006, nhân dân trong vùng đã quyên góp tôn tạo lại ngôi đình. Toàn bộ khuôn viên đình được xây dựng tường bao. Phía bên phải cổng đình là nhà bia. Đại đình có 3 gian hai chái, tường hồi bít đốc. Mái đình thoải rộng với bốn đầu đao uốn cong. Chính giữa bờ nóc trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt, bờ chảy đắp bằng vôi vữa để trơn. Hai bên chính đình đắp hai trụ, nối với đình bởi một đoạn tường ngắn tạo dáng cuốn thư. Trước và sau sân đình có cây đại cổ thụ, chu vi gốc hơn 1m, dáng rồng bay, tán lá rộng, đẹp và quý hiếm. Kiến trúc đình khung bằng gỗ khá đơn giản, kiểu bào trơn, đóng bén. Kết cấu khung mái, cột chủ yếu là chắc khỏe, song không vì vậy mà đình bớt đi vẻ thiêng liêng vốn có. Phần chịu lực với hai bộ vì kèo và những hàng chân của hệ thống khung cột, tạo cho mái đình có độ dốc lớn, thoải rộng khiến ngôi đình vừa bền chắc, vững vàng mà bên trong lại cao ráo, thanh thoát.

Cách đình không xa về phía tây thôn Triều Dương là thành cũ thời Lê (nay thuộc xóm Hanh). Phía tây và phía bắc của đình vốn dựa vào thế đất của đồi gò, xung quanh đình còn được bao bọc bằng đầm Đê, ao Cả và Nghè ông. Từ Thành phủ đến Nghè ông có chợ Hanh, chợ Bè… và cảng sông Bến Hanh, quang cảnh thật linh thiêng và sầm uất.

Năm 2014, ngôi chùa Triều Dương lại được tiếp tục tu bổ tôn tạo khang trang từ nguồn kinh phí do nhà nước và nhân dân, cùng làm. Chùa Triều Dương nằm phía sau đình có vị trí phong thủy đẹp. Phía trước cửa chùa là Nghè Bà cũng đã được tôn tạo lại. Nghè Bà thờ đức Thánh Mẫu, trong nghè Bà còn tượng Mẫu và một số tượng nhỏ. Cách đình, chùa Triều Dương 500m về hướng Bắc là Nghè Ông. Nghè Ông nằm ở giữa làng, trước đây là nơi để sắc phong triều đình phong cho thần làng, khi lễ hội làng tổ chức thường rước từ Nghè Ông về đình làng.

Với hệ thống ao, đầm phân bố hài hòa, những cây cổ thụ xanh tốt nhìn từ xa quần thể đình, chùa Triều Dương như một bức tranh quê đầy thơ mộng, thâm nghiêm gần gũi và trù phú.

Đình Triều Dương         Ảnh: P.V

Không chỉ chú ý duy tu, tôn tạo mà những lễ hội làng được tổ chức tại quần thể di tích lịch sử văn hóa này từ lâu đã đi sâu vào tâm thức người dân địa phương và khách thập phương. Hàng năm cứ tới ngày 12 tháng giêng các cụ trong Ban quản lý di tích đình, chùa cùng nhân dân địa phương lại tổ chức lại mở hội. Phần lễ sẽ sắm lễ vật như: xôi, oản, gà, thủ lợn dâng ở đình, lễ chay dâng ở chùa... Phần hội sẽ tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn cho người dân như chọi gà, đấu vật, kéo co. Lễ hội nêu cao được tính đoàn kết trong cộng đồng làng xóm, hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Đạt trên 80 tuổi trong Ban Quản lý di tích của làng cho biết: Ông sinh ra và lớn lên đã có khu di tích, do vậy ông cũng như người dân trong làng luôn tự hào và có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị những vốn di sản văn hóa quý báu của các thế hệ ông cha để lại. Cùng với lễ hội đình chùa vào dịp tháng giêng, dân làng lại tổ chức ăn tết lại, với không khí lễ hội phấn khởi sẽ cầu các bậc tiên tổ phù hộ cho dân làng an bình, khang thái cầu cho năm mới với mùa màng bội thu, con cháu chăm ngoan học giỏi.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy