Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
02:49 (GMT +7)

Quần thể di tích danh thắng làng Núi

VNTN - Làng Nỗ Dương xưa, nay thuộc làng Núi, xã Dương Thành, huyện Phú Bình. Vùng đất này có một quần thể di tích lịch sử và thắng cảnh: đình, chùa Viễn, đền Đót và nghè Mét, là các công trình văn hoá, tín ngưỡng- nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân.

Căn cứ vào sắc phong, thần tích và lời kể của nhân chứng thì đình Viễn được nhân dân xây dựng lên từ rất xa xưa để thờ Dương Tự Minh - một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Lý, quê ở Phú Lương, Thái Nguyên, là người có công lớn chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên giới phía Bắc nước Đại Việt, được vua Lý hai lần gả công chúa và giao cai quản một vùng đất rộng lớn phía Bắc. Hiện đình Viễn còn lưu giữ được ba bản Sắc phong cho Dương Tự Minh vào đời vua Tự Đức (1880), DuyTân (1909) và Khải Định (1924).

Đình Viễn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với phong trào đấu tranh cách mạng và trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Dương Thành. Tiêu biểu năm 1947-1949 đình, chùa Viễn là nơi ở và làm việc của “Tiểu đoàn Thiên Đức” tỉnh Bắc Ninh, ngày luyện tập, đêm đi diệt đồn bốt địch. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Viễn là trụ sở làm việc, hội họp của Ủy ban Hành chính kháng chiến, nơi học tập rèn luyện các thế hệ con em địa phương xã Dương Thành, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Di tích Đền Đót, xã Dương Thành (Phú Bình)

Chùa Viễn có từ khi nào cũng không còn ai nhớ chính xác nhưng khi có làng rồi thì chùa cũng được xây dựng để làm nơi thờ Phật. Cũng như các ngôi chùa trong địa bàn xã Dương Thành, chùa Viễn đã được tu sửa nhiều lần, dựa vào phong cách kiến trúc - nghệ thuật chùa Viễn ngày nay có thể ước đoán chùa được xây dựng vào triều Nguyễn. Cùng với đình Viễn, chùa Viễn cũng là một trong những nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với quá trình phát triển và trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền xã Dương Thành. Từ lâu đời, khu di tích lịch sử văn hóa này đã gắn bó với đời sống, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

Đình Viễn trước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp có 3 gian lớn, cột to bằng một người ôm trên có vẽ rồng đến tận nóc, hai bên có lát sàn bằng gỗ. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình bị tiêu thổ vào giai đoạn năm 1949 - 1962. Tại khu vực đình vẫn còn rất nhiều chân kê bằng đá có kích thước lớn - đó là dấu vết của ngôi đình cổ. Năm 2003, đình Viễn được phục hồi, đình có quy mô vừa, kiến trúc theo kiểu “chữ đinh”. Mặt tiền của đình có mở ba cửa. Bàn thờ của đình Viễn được bố trí ở gian giữa, bài trí trên có bức đại tự “Vạn cổ anh linh”, dưới có bức lụa thêu đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Trong cung thờ có chiếc ngai chạm đầu rồng trong có đặt bài vị ghi “Cao Sơn Quý Minh đại vương thần” dưới có hộp đựng tài liệu Thần tích - thần sắc của đình, hai bên đều có bàn thờ có một câu đối. Chùa Viễn nằm sau đình Viễn, phía đông có cây gạo cổ thụ cao mấy chục mét, hàng trăm năm. So với đình, chùa Viễn cơ bản còn giữ được bộ khung nhà cổ niên đại thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vì trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa không bị tiêu thổ. Ngôi chùa Viễn hiện nay mặt quay về hướng đông nam cùng hướng với đình, kiến trúc theo lối “tiền Thần, hậu Phật”, bên cạnh là núi, xung quanh là cánh đồng rộng tạo thế phong thuỷ đẹp. Sau chùa Viễn có đền thờ Mẫu ngôi nhà có ba gian nhỏ kiến trúc đơn giản theo kiểu tường hồi, bít đốc, mái lợp ngói vảy rồng.

Núi Đót là núi đất cao 123m nổi lên giữa vùng đồng bằng tạo nên phong cảnh đẹp ở xã Dương Thành như sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí đã chép. Trên núi có đền Đót gắn với sự tích Vua Bà có các địa danh như Giếng Tiên không  bao giờ cạn nước, nơi Vua bà tắm gội, hòn đá nơi Vua Bà thường ngồi chơi có hình vết chân, Bàn cờ Tiên, nơi Tiên thường xuống chơi cờ trên núi Đót... Các địa danh gắn với huyền thoại ở danh lam thắng cảnh đền Đót.

 Ngôi đền Đót được xây dựng từ lâu trên sườn núi Đót, trước mặt có Suối Tiên có cầu vồng bắc qua tạo cảnh đẹp nên thơ. Năm 1950 thực dân Pháp đã tấn công lên núi Đót phá hoại ngôi đền cổ. Năm 1995 đền Đót được nhân dân phục dựng lại trên nền cũ và lễ hội của đền cũng được phục hồi. Đền Đót gắn với núi Đót trở thành một danh lam, thắng cảnh của huyện Phú Bình.

Đền Đót có kiến trúc theo kiểu “chữ Đinh”. Qua sân nền đất lên 9 bậc xây gạch bước vào đền, trong đền lòng nhà tiền tế lát gạch thấp hơn nền hậu cung, hai bên cũng có câu đối. Bàn thờ hậu cung là một hương án đẹp trang trí tứ linh và tứ quý. Trên bàn thờ đặt tượng Vua Bà mình mặt áo đen, gương mặt phúc hậu nhân từ. Phía trên bàn thờ có treo bức hoành phi “Tối linh từ” (ngôi đền tối linh). Đáng lưu ý tất cả các đồ thờ đều được sơn đen (ý như để tưởng niệm Vua Bà).

 Nghè Mét là công trình còn bảo tồn được khá nguyên vẹn về kiến trúc, nghệ thuật cổ, căn cứ vào dấu vết ghi chép trên chi tiết kiến trúc nội thất cho biết nghè Mét được tôn tạo vào năm Khải Định thứ 7 (1922) tức là vào đầu thế kỷ XX.

Trước nghè Mét có xây dựng bức bình phong cao 1,5m, dài 2m trên có trang trí hoa văn cách điệu, giữa sân có giếng nước. Kiến trúc nghè Mét có 3 lớp nhà: 5 gian ngoài, 3 gian giữa và 1 gian hậu cung nhỏ, mỗi gian dài 2m, rộng 3m. Toàn bộ xung quanh xây gạch chỉ theo kiểu tường đầu hồi, bít đốc, mái lợp ngói vảy rồng. Hậu cung có đắp 2 đầu đao cong, đầu đốc đắp trụ bằng. Mặt Nghè hướng về phía tây (hướng về đình). Trong hậu cung của nghè thờ vọng Vua Bà (thờ chính ở đền Đót) trên bàn thờ có ảnh chụp chân dung Vua Bà, phía trên có bức lụa thêu 3 chữ Hán “Đức Mẫu truyền”, bên trái bàn thờ có treo một thanh gươm ý là để cho Vua Bà dùng. Các đồ thờ như hương án, bát hương… đều dùng màu đen.

Cụm di tích đình, chùa Viễn, đền Đót và nghè Mét đã được nhân dân tu bổ, tôn tạo nhiều lần vẫn gìn giữ được nét kiến trúc và dấu vết lịch sử của di tích. Tại di tích trước đây diễn ra nhiều kỳ lễ, quá trình lịch sử có giảm đi song gần đây di tích được nhân dân phục hồi và duy trì. Ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng, ngày Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, ngày mồng 8 tháng 4 giỗ Mẫu đền Đót, dân làng tổ chức dâng lễ ở đền Đót, duy trì lệ cấm lửa, cấm đồng cho đến hết ngày mồng 9 tháng 4. Ngày 12 và 13/4 toàn dân mở hội ở đền Đót và nghè Mét. Lễ nghi các đồ thờ như vàng mã, xôi oản, gà…toàn bộ có màu đen. Thủ từ phải là người có gia truyền các đời hưởng thờ tự có đức, có tâm, trong sạch. Lễ tưởng nhớ ơn Vua Bà đã có công dẹp giặc, hổ lang bảo vệ nhân dân. Ngày 12/9 âm lịch cúng thần Thành Hoàng ở đình Viễn còn gọi là việc làng toàn xã để tưởng nhớ tới công lao của các anh hùng đã có công với dân với nước.

Tuy cụm di tích đình, chùa Viễn, đền Đót và nghè Mét được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng cụm di tích lịch sử và thắng cảnh nhưng hiện nay nó vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng tầm với giá trị lịch sử và thắng cảnh như sử sách xưa đã từng ghi chép đề cập đến.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy