Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:25 (GMT +7)

Quan niệm “Vạn vật hữu linh” trong đời sống tín ngưỡng của người Lô Lô

Đời sống tín ngưỡng của người Lô Lô phụ thuộc vào thiên nhiên, chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh… Ngoài  việc thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng của họ là “vạn vật hữu linh” gồm các loại ma và thần linh, họ tin vào đấng siêu nhiên để cầu xin, giúp đỡ chi phối các hoạt động thực tiễn của cuộc sống diễn ra hàng ngày và các mối quan hệ với tự nhiên…

Người Lô Lô quan niệm về vũ trụ  gồm có ba tầng: tầng Trời, Trần gian và tầng Đất. Cả 3 tầng ấy giống nhau, đều có thần linh, ma quỷ và con người sinh sống. Đó là tín ngưỡng đa thần “Vạn vật hữu linh”. Tín ngưỡng đa thần để chỉ các thế lực siêu nhiên “nềnh - ma quỷ và thần linh…”. Họ còn quan niệm ở trong lòng đất có một thế giới người lùn, thế giới người trên mặt đất và người lùn trong lòng đất có thể qua lại với nhau, nhưng người trong lòng đất thì rất nhỏ bé, họ chỉ chặt được cái cây to bằng ngón út, ăn cơm thì lấy vỏ hạt làm bát... Họ cũng tin rằng dưới các vực sông, suối là nơi trú ngụ của rồng, vua của các loài thủy tộc… do vậy con người, ma quỷ, thần linh đều có có sự chi phối lẫn nhau.

                                    1-1690950033.jpg
Đồng bào Lô Lô chuẩn bị nghi lễ cúng “nềnh - ma quỷ và thần linh” tại khu rừng thiêng

Theo thầy cúng Sình Dỉ Dũng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang: “Người Lô Lô quan niệm trên trời cũng có vua, có dân, có súc vật, núi sông như ở mặt đất... Vua cai quản cả trên trời và dưới đất, người trời vẫn có thể xuống được thế gian…”. Qua đó có thể thấy, họ quan niệm trời và đất rất gần nhau, con người ở mặt đất có thể giao lưu với thế giới của trời.

Xưa kia cho đến ngày nay, hầu hết ở mỗi làng bản người Lô Lô đều có một khu rừng cấm, đó là nơi trú ngụ của các “nềnh”. Đây là khu rừng thiêng dành riêng cho các loại ma và thần linh trú ngụ, không ai có quyền được tác động vào và chỉ được sử dụng thờ cúng chung của cả bản làng. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, với quan niệm bên cạnh quan niệm vũ trụ ba tầng và tín ngưỡng của họ là “vạn vật hữu linh”, người Lô Lô cho rằng các loại ma quỷ và thần linh luôn chi phối trong cuộc sống diễn ra hàng ngày của họ và các mối quan hệ với tự nhiên bao gồm:

Hệ thống các loại ma: Trước những hiểm họa từ thiên nhiên tác động đến mọi mặt của đời sống mà không thể lý giải, người Lô Lô đã quy kết cho những thế lực mơ hồ, trừu tượng mà họ gọi là ma. Theo quan niệm của họ, người chết đều trở thành ma và có nhiều loại “nềnh - ma làm hại người” và “mồng mồng vằng - ma làm hại gia súc”. Các loại ma này cũng được chia thành các loại  “Ma lành”, “Ma dữ”, “Ma ác” và “Ma bản”.

                                    2-1690950033.jpg
Cây đại thụ trong khu rừng thiêng, nơi trú ngụ của các thế lực siêu nhiên “nềnh - ma quỷ và thần” linh” của người Lô Lô

“Ma lành”, là linh hồn của tổ tiên, ông bà, bố mẹ, họ hàng đã khuất, còn gọi là ma nhà, ma lành do người chết bình thường biến thành. Ngoài ra, ma lành còn có ma rừng, ma bản, ma nước, ma mặt trời, ma mặt trăng… Các loại ma lành thường phù hộ cho con người khỏe mạnh, tuy nhiên, nếu hàng ngày, con người có những hành vi sai trái thì cũng có thể bị ma lành trừng phạt, bằng cách gây cho con cháu ốm đau, bệnh tật.

 “Ma dữ”,  gồm ma sấm sét, ma cây, ma do người chết bất đắc kỳ tử biến thành. Ma dữ thường làm hại con người, làm cho lúa, ngô chết, gia súc, gia cầm bị bệnh tật… Khi bị ma dữ đòi ăn, làm hại, người Lô Lô phải cúng dâng lễ vật.

“Ma ác” đó là ma chuyên rình rập bắt hồn, khiến cho người ốm, phải dâng lễ chuộc hồn mới khỏi, đây đó còn có các loại ma to còn rình ăn hồn người, làm cho người chết mà không thể cứu chữa.

                                    3-1690950034.jpg
Thầy cúng làm lễ tiễn hồn vía người quá cố trong tang ma của người Lô Lô

“Ma bản” trông coi, cai quản lãnh thổ của bản làng. Ma bản có thể phù hộ hoặc làm hại dân làng, vì vậy, mỗi năm họ thường tổ chức cúng ma bản một lần ở khu rừng thiêng để cầu xin sự bình yên và được che chở. Ngoài các loại ma trên họ còn có ma trên trời, ma dưới nước, ma xung quanh con người… đâu đâu cũng có ma. Các ma này cũng là lực lượng siêu nhiên chi phối cuộc sống nhân gian, tuy nhiên, các ma không có năng lực, sức mạnh đủ để ban phát và tạo ra các sinh vật, không có sức mạnh làm ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn như các vị thần. Các loại ma thường trú ngụ ở các địa bàn khác nhau, một số ở trên trời, một số ở dưới biển, một số ở phía mặt trời mọc, số còn lại ở về phía mặt trời lặn …

Trong việc cúng để giải trừ các loại ma, thầy cúng người Lô Lô có vai trò hết sức quan trọng, làm yên ổn cuộc sống của con người và bản làng, bằng cách bói và cúng giải trừ các loại ma. Thầy cúng thường xem bói bằng cách bói trứng và bói dây, nếu hai loại bói này giống nhau thì tùy loại ma, thầy cúng có cách cúng thích hợp. Nếu là ma nhà thì cúng ở nhà, ma rừng thì tổ chức lễ cúng ở rừng, nếu là ma bản thì năm đó thì cả bản phải đóng góp, tổ chức cúng chung ở khu rừng thiêng của bản.

Hệ thống thần linh: Người Lô Lô quan niệm, thần linh gồm các vị thần gồm các vị thần trên trời; các vị thần gắn với con người; các vị thần gắn với đất; thần trong coi hồn vía… trong đó các vị thần trên trời là vị thần chi phối đời sống tinh thần lớn nhất.

Các vị thần trên trời: là các loại thần nắng; thần mưa; thần sương; thần gió; thần sấm; thần sét. Mỗi vị thần này có các nhiệm vụ khác nhau: Thần nắng, ở trên trời làm ra nắng cho trần gian; Thần mưa, là thần cai quản mưa và làm mưa cho muôn loài; Thần gió thì làm ra gió làm mát trần gian, đôi khi cũng tạo ra phong ba bão táp; Thần cai quản sương làm ra sương mù trên đỉnh núi hay sương sớm mai; Thần sét thì sinh ra sấm sét mỗi khi mưa hoặc dông bão đến… Mỗi vị thần lớn này đều có các vị thần nhỏ giúp cai quản các vùng miền khác nhau, nên chúng ta thường thấy có hiện tượng mỗi khi mưa thường được ban phát cho từng vùng khác nhau, hoặc có vùng đang nắng nhưng lại có vùng đang mưa, có nơi gió ở nơi thấp, có lúc gió lại ở nơi núi cao, có nơi sương nhiều nơi thì ít sương, có nơi sấm sét liên tục, có nơi lại bình yên… Như vậy, sự hình dung các vị thần trên trời cao của người Lô Lô tuy có hệ thống, nhưng các vị thần nào cũng quan trọng mang tính bình quân chủ nghĩa, chưa phân định vị thần tối cao, quyết định vận mệnh của con người.

Các vị thần gắn với trần gian: Là các vị thần cấp dưới của các vị thần ở trên trời, thần trực tiếp cai quản mọi sinh vật và gắn chặt với các sinh vật ở trần gian. Trong đó có các vị thần gắn với tự nhiên: Thần núi (pỉ láng) cai quản các dãy đồi, núi cao, thấp ở khắp trần gian. Thần rừng (sip poóng láng) trú ngụ ở núi, rừng, khi con người muốn chặt cây làm nhà, lấy cây thuốc chữa bệnh... phải cúng xin thần. Thần suối là các vị thần này trú ngụ ở suối làm cho suối quanh năm có nước, ai làm ô uế, làm vẩn đục dòng suối mà không dọn sạch, thần sẽ tự ái bỏ đi, làm cho cạn khô nước. Các vị thần sông cai quản các con sông, làm cho các con sông nước dâng cao hay rút đi, nước trong hay đục, nhiều cá hay ít cá, hiền hòa hay giận dữ là do vị thần này quyết định. Thần chim, thú sống ở rừng, núi cao, núi thấp, dưới nước, quanh nương, quanh bản… Thần cây trú ngụ ở tất cả các cây to trong rừng, con người muốn chặt cây về làm nhà cửa, phải báo cáo xin phép thần cho chuyển cây đi nơi khác, cầu khấn thần cây phù hộ độ trì cho con người an lành. Thần lửa trú ngụ trong ngôi nhà bếp, Thần có trách nhiệm giúp con người công việc giữ ngọn lửa, xua đuổi ma tà khi vào nhà mới. Thần trông coi bản (phải ta) trú ngụ ở cây cổ thụ mọc đầu bản, là nơi thờ cúng linh hồn những người có công tìm đất, dựng bản, cai quản nguồn nước, nguồn cá, trông coi vật nuôi... phù hộ dân bản bình an.

 Các vị thần gắn với con người: Người Lô Lô quan niệm đó là các vị thần gắn chặt với từng tộc người: Thần sống ở trên núi cao thì sản sinh ra người Mông, người Dao... Thần ở lưng núi sản sinh ra người Lô Lô, người Khơ Mú, người La Hủ, người Giáy... Thần ở ven suối, ven sông như người Thái, người Lào, người Tày... Cho nên mỗi giống người chỉ sống được ở những vùng mà các thần đã đặt xuống, nếu ở sai thì sẽ bị chết.

Các vị thần gắn với đất: Thần đất ở trên cao chỉ huy các vị thần chuyên làm ra đất đai để cho con người trồng cấy. Dưới vị thần này có các vị thần làm ra đất chia cho từng dân tộc Lô Lô, Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh, Lào... cho nên mỗi dân tộc có một vùng canh tác trồng cấy riêng biệt, không dân tộc nào giống dân tộc nào. Thêm vào đó còn có một vị thần (mỉ láng) trú ngụ ở trong đất, có nhiệm vụ canh giữ đất, cho nên con người muốn dựng nhà mới, chôn cất người chết, phát nương, làm rẫy đều phải làm lễ xin phép vị thần này. Người Lô Lô cho rằng tất cả sự việc diễn ra trong đời sống con người và sự tồn tại của vạn vật đều có các thần dõi theo, vì vậy, con người cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn ti trật tự, biết cầu cúng, các vị thần mới phù hộ cho con người những điều tốt đẹp.

Thần trông coi hồn vía: Người Lô Lô quan niệm mỗi bộ phận trên thân thể con người có rất nhiều hồn khác nhau. Họ cho rằng hồn của người sống có đặc tính yếu đuối, bị động, đối lập với hồn ma luôn khỏe mạnh, chủ động. Hồn của người sống hay đi lang thang, bay bổng, nên dễ gặp ma, bị ma bắt, làm cho con người ốm đau, vì vậy, người Lô Lô luôn chú ý giữ gìn, bảo vệ hồn vía của mình.

 Hồn vía của thân người là hồn vía lớn mạnh và quyết định vận mệnh, sinh mệnh sức khỏe của con người. Đối với trẻ em khi mới đẻ, để bảo vệ hồn vía, họ thường làm lễ cúng cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho trẻ. Trong số các hồn vía, vía đầu (mó pí) là quan trọng nhất, vì đầu là vía gốc, chỉ huy toàn bộ cuộc sống con người. Vía đầu rất nhạy cảm trước mọi tác động từ bên ngoài, nên mỗi người phải giữ gìn hồn vía đầu luôn trong sáng. Vì vậy, người Lô Lô kiêng kị không được sờ đầu, vuốt tóc của người khác (kể cả đầu của trẻ nhỏ)... dù cố tình hay vô ý làm ảnh hưởng đến hồn vía đầu, dễ bị ốm, sổ mũi nhức đầu, thậm chí hồn vía đầu bỏ đi, con người có thể bị chết... Hồn vía của tóc gắn với chức năng làm cho tóc khoẻ mạnh và không bị rụng. Hồn vía của tai, làm cho tai thính, nghe rõ các điều hay ở trong cuộc sống. Hồn vía của mắt làm cho mắt sáng, nhìn thấy mọi sự vật hiện tượng… Hồn vía của mũi, làm cho mũi hít thở không khí, nuôi sống cơ thể con người. Hồn vía của mồm có chức năng làm cho hàm răng luôn rắn chắc, nói năng ngọt ngào, thật thà... Nói chung, người Lô Lô cho rằng, trên cơ thể con người có bao nhiêu bộ phận, thì có từng ấy hồn vía, đều biết ăn, biết uống, biết đi ngủ cùng con người, nên cần phải hết sức giữ gìn.

Theo Ông Sình Dỉ Gai, ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết: “Mỗi bộ phận gắn trên cơ thể con người đều đảm nhiệm đúng chức năng của mình, do đó thần trông coi hồn vía có trách nhiệm bảo vệ các bộ phận đó. Hồn vía ở bộ phận nào bỏ đi là ở nơi đó bị đau ốm, muốn hết đau ốm, phải cúng gọi thần trông coi hồn vía về giúp cho hồn vía đó ở lại trên các bộ phận trên cơ thể con người…”.

                                    4-1690950035.jpg
Lễ cúng hồn trống đồng trước khi mang ra sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng của người Lô Lô

Trải qua các biến thiên của lịch sử, cho đến nay tín ngưỡng đa thần của người Lô Lô ít bị biến đổi. Ngoài tín ngưỡng đa thần, người Lô Lô có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc Lô Lô vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn. Sinh sống gắn bó mật thiết với đời sống canh tác nông nghiệp gắn với núi rừng, đồng bào Lô Lô phác hoạ nên những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan sinh động trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội. Những quan niệm về tín ngưỡng của người Lô Lô phản ánh giá trị tinh thần to lớn, thể hiện những hành vi ứng xử giữa người với người, giữa con người với cộng đồng làng xã, giữa con người với thiên nhiên với vũ trụ trong cộng đồng tộc người Lô Lô.

Hoàng Yến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy