Phương Bắc trong Tứ trấn Long thành
VNTN - Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782-1840), xung quanh kinh thành Thăng Long, vùng châu thổ sông Hồng (từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn) có 4 trấn, hay còn gọi là Tứ chiếng. Cùng khi đó, ở đất Thăng Long xưa, dân gian thường nói: “Trai tứ chiếng”, “anh hùng tứ chiếng”. Từ đâu mà có câu này? Tứ chiếng của thành Thăng Long có phải là tứ chiếng của vùng châu thổ sông Hồng không?
Có hai cách hiểu khi nói về “tứ chiếng” hay “tứ trấn”.
Cách hiểu thứ nhất: Thăng Long tứ chiếng là 4 nội trấn bao quanh kinh thành Thăng Long. Bốn chiếng này có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ vòng ngoài kinh thành, hãn hữu có thể được điều động để dẹp nội loạn trong kinh thành khi Thăng Long bị đe dọa. Tứ chiếng đó là: Chiếng Kinh Bắc, Chiếng Sơn Nam, Chiếng Sơn Tây và Chiếng Hải Dương. Chiếng Kinh Bắc ngày nay là gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên - nay thuộc Vĩnh Phúc. Chiếng Sơn Nam ngày nay là gồm các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên và Hà Đông - nay thuộc Hà Nội. Chiếng Sơn Tây ngày nay gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên - nay thuộc Vĩnh Phúc và Sơn Tây - nay thuộc Hà Nội. Chiếng Hải Dương hay Hải Đông ngày nay gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An - nay thuộc Hải Phòng.
Đền Trấn Vũ trấn giữ phía Bắc Long thành, ngày nay vẫn là một danh thắng nổi tiếng của Hà Nội
Cách hiểu thứ hai: Thăng Long tứ trấn là 4 ngôi đền thiêng trấn giữ 4 hướng chính và bảo vệ an ninh cho kinh thành Thăng Long xưa: Đền Bạch Mã - Trấn Đông, xây dựng từ thế kỷ thứ IX, thờ thần Long Đỗ - thành hoàng vùng đất Hà Nội, nay đền ở 76, phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm; Đền Thủ Lệ (Đền Voi phục) - Trấn Tây, xây dựng từ thế kỷ XI, thờ Linh Lang Đại Vương - tương truyền là hoàng tử con vua Lý Thái tông, nay đền nằm trong khuôn viên công viên Thủ Lệ thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Đền Kim Liên - Trấn Nam, xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ Cao Sơn Đại Vương, nay đền thuộc đất phường Phương Liên, quận Đống Đa; Đền Trấn Vũ (Đền Quán Thánh) - Trấn Bắc, xây dựng từ thế kỷ thứ X, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, nay đền thuộc đất phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Để bảo vệ kinh thành thì dù là dân tứ chiếng sát kinh thành hay xa kinh thành thì những người được gọi là “trai tứ chiếng”, “anh hùng tứ chiếng” phải là những người tài giỏi, khỏe mạnh, dũng mãnh, nghĩa hiệp, đủ sức đủ tài. “Trai tứ chiếng”, “anh hùng tứ chiếng” tuyệt nhiên không phải là loại “đầu trộm đuôi cướp” như cách hiểu phái sinh của một số người ngày nay.
Trước nhà Lý, vùng đất sau này là Thăng Long đã là trị sở của cả vùng châu thổ sông Hồng với các tên Long Đỗ, Tống Bình, Đại La. Cùng ra sức bảo vệ, giữ gìn đất nước, mà biểu trưng là kinh thành, người dân Việt đã được các thần linh phù trợ. Trong các hướng chính của kinh thành thì hướng Bắc luôn được chú ý nhất. Vì sao ư? Vì hướng Bắc là hướng mà kẻ thù ngàn năm luôn xua quân xâm lược đất nước Việt. Trấn giữ phía Bắc là thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo huyền sử, thần Trấn Vũ đã giúp An Dương Vương diệt trừ Bạch kê tinh (tinh gà trắng) khi xây thành Cổ Loa và trừ Hồ ly tinh (Cáo chín đuôi) ở Hồ Tây giải nạn cho dân. Trong 4 vị thần được thờ ở 4 ngôi đền trấn 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long thì thần Huyền Thiên Trấn Vũ còn được nhân dân thờ ở nhiều nơi tại Hà Nội ngày nay. Đó là: Huyền Thiên Đại Quán (còn gọi là Đền Sái) ở Thụy Lôi, Đông Anh. Đó là Huyền Thiên Cổ Quán (nay được gọi là Quán Chùa Huyền Thiên) ở 54, phố Hàng Khoai, Hoàn Kiếm. Đó là Đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn, Gia Lâm.
Đền Trấn Vũ (Đền Quán Thánh) được xây dựng ngay từ thời Lý Thái tổ rời đô từ kinh thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La thành và đổi tên là Thăng Long thành. Ở kinh đô mới, các vua Lý vẫn nhớ tới mối nguy bị xâm lăng từ giặc phương Bắc mà thực hành lời tiền nhân nhắn nhủ đã ghi trên cổng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng: “Bắc môn tỏa thược” (Khóa chặt cửa Bắc).
Dù là thần tiên của Đạo Giáo, nhưng ngàn năm nay, Huyền Thiên Trấn Vũ đã được nhân dân ta Việt hóa, trở thành vị thần trấn giữ phương Bắc, ngăn chặn quân xâm lược và trợ giúp nhân dân diệt trừ yêu quái, giữ cho cuộc sống bình yên. Thờ phụng thần Huyền Thiên Trấn Vũ và tư tưởng “Bắc môn tỏa thược” bao đời nay luôn vẫn cháy rực trong tâm thức cảnh giác của nhân dân ta.
Lê Nguyên Hợp
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...